UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban của HĐND tỉnh và cử tri tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khoá XVI

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Phúc đáp kiến nghị của Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban của HĐND tỉnh và cử tri tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XVI, UBND tỉnh tổng hợp kết quả giải quyết như sau:

1. Lĩnh vực kinh tế - tổng hợp

- Cử tri ở nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị:Tỉnh sớm quan tâm giải quyết việc hỗ trợ tiền điện bơm nước tưới cho các trạm bơm cục bộ trên địa bàn huyện theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP của Chính Phủ và quyết định số 1499/QĐ- UBND của UBND tỉnh Bắc Giang.

Thực hiện Nghị định số 115/2008/NĐ-CP của Chính Phủ, năm 2009 UBND tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ miễn thuỷ lợi phí cho các huyện, thành phố là 26,537 tỷ đồng. Việc cấp kinh phí cho các huyện, thành phố đã thực hiện xong trong tháng 12 năm 2009; đến 30/4/2010, các huyện, thành phố đã hoàn thành phân bổ kinh phí cho các xã; hiện nay các xã và các tổ chức dùng nước đang hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán để có cơ sở cấp phát, thanh toán kinh phí miễn thu thủy lợi phí.

- Cử tri xã Xương Lâm, Đại Lâm phản ánh: Việc thi công kênh Y2 chất lượng gạch rất kém, UBND huyện yêu cầu đình chỉ nhưng không có ai giám sát; lòng kênh Y2 hạ thấp, nước tràn gây khó khăn khi lấy nước sản xuất.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp &PTNT kiểm tra thực tế, tại các bãi tập kết vật liệu xây dựng có lẫn một số gạch non không đảm bảo chất lượng thi công công trình, một số tuyến kênh nhánh khi thiết kế, thi công chưa sát với thực tế dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Sở Nông nghiệp&PTNT đã chỉ đạo nhà thầu, các đơn vị có liên quan, kịp thời khắc phục những thiếu sót như thay đổi tư vấn giám sát công trình do không làm tròn trách nhiệm, yêu cầu nhà thầu xây lắp thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế và thống nhất bổ sung kịp thời, khắc phục những tồn tại mà tư vấn thiết kế tính thiếu để đáp ứng nhu cầu của địa phương. Đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động có hiệu quả, phục vụ cho sản xuất của nhân dân trong vùng.

- Cử tri huyện Việt Yên đề nghị: Giống khoai tây sạch bệnh do Sở Nông nghiệp &PTNT cung cấp giá cao hơn thị trường,kém chất lượng, khi đưa về chậm, không đúng như khuyến cáo (giống khoai ruột vàng nhưng khi mang về lại ruột trắng và bị thối nhiều), đã có nhiều xã trả lại, đề nghị tỉnh kiểm tra và giải quyết.

Năm 2009, Công ty Cổ phần giống cây trồng là đơn vị được giao cung ứng giống khoai tây và chịu trách nhiệm về chất lượng giống và giá bán theo quy định. Tại thời điểm cung ứng giống, giá khoai tây VT2 ruột vàng Trung Quốc được bán với giá 5.900 đ/kg, ở một số địa phương bà con nông dân mua khoai tây thương phẩm của Trung Quốc (giá từ 4.700-5.300 đ/kg)làm giống nên mới có sự chênh lệch giá bán như cử tri nêu.

Về chất lượng giống khoai tây, sau khi có ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập tổ công tác, phối hợp các huyện tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân. Kết quả kiểm tra cho thấy: Tại các huyện Hiệp Hoà, Tân Yên, Việt Yên, Lục Ngạn giống khoai tây chất lượng kém đúng như cử tri phản ảnh. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan, đồng thời yêu cầu Công ty CP Giống cây trồng bồi thường thiệt hại cho nhân dân. Đến ngày 29/12/2009, Công ty CP Giống cây trồng đã cấp bổ sung 29.944 kg giống để các địa phương trồng lại; bồi hoàn số tiền 521.516.750 đồng cho nông dân bị thiệt hại.

- Cử tri huyện Lục Ngạn đề nghị:Tỉnh xem xét nên giao rừng nguyên sinh đầu nguồn cho tập thể trông coi chăm sóc, không nên giao cho các hộ dân vì khó đảm bảo giữ gìn rừng nguyên sinh đầu nguồn lâu bền hoặc dân có thể sử dụng mục đích khác.

Diện tích rừng được giao hiện nay trên địa bàn huyện Lục Ngạn đều là rừng sản xuất, không phải là rừng phòng hộ đầu nguồn, do đó chủ trương giao rừng cho các hộ dân để sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế là phù hợp với chính sách của nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương.

- Cử tri huyện Yên Thế phản ảnh: Đất của Lâm trường Đồng Sơn và Công ty lâm nghiệp Yên Thế còn nhiều diện tích nhỏ lẻ ở gần dân, thường xảy ra tranh chấp vẫn chưa được bàn giao cho huyện để giao cho dân sản xuất.

Năm 2009 UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát thu hồi và bàn giao diện tích đất lâm nghiệp từ Lâm trường Đồng Sơn và Công ty lâm nghiệp Yên Thế về địa phương theo 4 tiêu chí được quy định tại Đề án giao đất giao rừng của tỉnh đến năm 2013, trong đó có tiêu chí đất có diện tích nhỏ lẻ, gần dân, đất đã bị lấn chiếm khó khăn giải quyết tranh chấp. Tổng diện tích thu hồi là 2.270,3 ha, trong đó Lâm trường Đồng Sơn 1.458,8 ha, Công ty lâm nghiệp Yên Thế 811,5 ha. Hiện nay một số diện tích nhỏ lẻ chưa giải quyết xong là do diện tích đất thu hồi có liên quan đến bồi thường tài sản trên đất. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu lập phương án bồi thường, sau đó sẽ thực hiện bàn giao theo phương án đã được phê duyệt.

- Cử tri 2 xã Tuấn Đạo và Bồng Am huyện Sơn Động đề nghị: Tỉnh xem xét Công ty Lâm nghiệp Sơn Động trong quá trình chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế, Công ty đãphát trắng rừng làm mất nguồn sinh thuỷ của một số công trình thuỷ lợi và nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xác minh làm rõ các đối tượng vi phạm trong quản lý, khai thác phát trắng rừng và đã xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đến nay, công tác bảo vệ phát triển rừng tại Công ty lâm nghiệp Sơn Động đã được chấn chỉnh và không còn để xảy ra sai phạm.

Về việc trồng rừng ảnh hưởng đến công trình nước sinh hoạt của nhân dân. Trong tổng số 153,7 ha rừng được phép cải tạo, tại tiểu khu xã Tuấn Đạo, Công ty lâm nghiệp Sơn Động được phép cải tạo 02 khoảnh gồm 05 lô với diện tích 19,6 ha. Khi tiến hành cải tạo nhân dân địa phương không đồng tình vì toàn bộ diện tích 19,6 ha nói trên nằm trên thượng nguồn đập nước sạch của 02 thôn Trại Mới và Lâm Tuấn xã Tuấn Đạo. UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Công ty lâm nghiệp Sơn Động đình chỉ việc cải tạo rừng tại khu vực trên, đồng thời xem xét, điều chỉnh hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, không khai thác 19,6 ha rừng tại tiểu khu xã Tuấn Đạo để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân địa phương.

- Cử tri huyện Việt Yên kiến nghị: Tỉnh chỉ đạo tu sửa trạm bơm Trúc Núi và nạo vét hệ thống kênh thuộc trạm bơm Trúc Núi, đặc biệt là kênh 4/3 bơm nước cho các xã Tiên Sơn, Trung Sơn, Ninh Sơn và Quảng Minh.

Trạm bơm Trúc Núi được xây dựng năm 1988 gồm 10 tổ máy 800m3/h, qua nhiều năm vận hành khai thác đến nay trạm bơm đã xuống cấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty khai thác công trình thủy lợi Sông Cầu bảo dưỡng, sửa chữa máy bơm đồng thời nạo vét kênh dẫn, bể hút, kênh tưới thuộc trạm bơm Trúc Núi để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện tại 10 tổ máy bơm hoạt động bình thường.

Đối với kênh tưới 4/3, kênh có tổng chiều dài 7,4 km hiện đã kiên cố đoạn đầu dài 3,1km, đoạn còn lại hiện đã xuống cấp đúng như cử tri phản ảnh, để khắc phục những tồn tại trên và phát huy hiệu quả vai trò của trạm bơm Trúc Núi, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị và đã được Bộ Nông nghiệp &PTNT đồng ý cho phép lập dự án cải tạo nâng cấp hệ thống kênh và trạm bơm Trúc Núi, sau khi được cấp vốn UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai, thực hiện cải tạo, nâng cấp để phục vụ sản xuất của nhân dân.

- Cử tri đề nghị: Tỉnh đầu tư xây dựng các hồ đập chứa nước nhỏ cho các xã miền núi phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Theo Quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi Bắc Giang đến năm 2020 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 60/2005/QĐ-UBND ngày 04/8/2005, tỉnh Bắc Giang quy hoạch xây mới 28 hồ nhỏ tại các xã miền núi phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cụ thể ở các huyện; Yên Thế 10 hồ, Sơn Động 5 hồ, Lục Ngạn 6 hồ và Lục Nam 7 hồ.

Trong những năm qua tỉnh đã quan tâm, bố trí kinh phí và tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư cho hệ thống các công trình thủy lợi, trong đó có việc xây mới các hồ nhỏ là: chùm hồ Hàm Rồng (gồm 4 hồ trên địa bàn huyện Lục Ngạn), hồ Khe Đặng huyện Sơn Động, hồ Suối Mỡ huyện Lục Nam, hồ Quỳnh huyện Yên Thế, trong đó có 3 hồ đã hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong những năm tiếp theo UBND tỉnh tiếp tục cân đối ngân sách bố trí kinh phí và tranh thủ các nguồn vốn khác để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

- Ủy ban MTTQ tỉnh phản ánh: Đơn vị thi công đường dẫn lên cầu Bến Tuần không nạo vét đất xình lầy trước khi tân đất làm đường, làm ảnh hưởng đến chất lượng đường. Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, uốn nắn kịp thời tình trạng trên.

Dự án xây dựng cầu Bến Tuần được khởi công từ tháng 11/2008, đã hợp long cầu tháng 4/2010, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2010. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Sở GTVT làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra công trình trên. Kết quả kiểm tra cho thấy nhà thầu đã áp dụng biện pháp thi công đắp đất đẩy bùn ở 01 vị trí đi qua ao. Đây là quy trình thi công được áp dụng trong trường hợp nền đường đắp chiếm 1 phần ao khi chiều dày lớp bùn không lớn, quy trình thi công này vẫn đảm bảo chất lượng công trình.

- Cử tri huyện Hiệp Hoà kiến nghị: Đường tỉnh 296 (đặc biệt là đoạn cổng chợ huyện) và tỉnh lộ 288 (đoạn từ tượng đài thị trấn Thắng đến UBND xã Đức Thắng cũ, dài khoảng 01 km) hiện nay bị hư hỏng nặng, nhiều ổ gà, thùng vũng, gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Đề nghị tỉnh kiểm tra, xem xét và cho tu sửa, nâng cấp.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT tổ chức kiểm tra và chỉ đạo Đoạn Quản lý đường bộ tiến hành sửa chữa trong tháng 01/2010, hiện nay đã cơ bản hoàn thành đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông; tuy nhiên do kinh phí sửa chữa hạn hẹp nên vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân. UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị TW cấp kinh phí để sửa chữa, cải tạo nâng cấp toàn bộ tuyến đường.

- Cử tri huyện Hiệp Hòa đề nghị: Xem xét việc thi công tuyến đường Thắng- Gầm một số đoạn chất lượng kém, xuống cấp nhanh và tiếp tục rải nhựa những đoạn còn lại.

Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Thắng – Gầm thuộc dự án GTNT3 năm thứ nhất được đầu tư theo quy mô và tải trọng đường nông thôn, chiều dài 10,5 km, kinh phí đầu tư từ dự án chỉ rải nhựa được 8,5 km, còn 2 km mặt đường cấp phối. Sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, có nhiều ô tô có trọng tải vượt thiết kế tham gia giao thông nên có một số vị trí hư hỏng, bong mặt đường. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu Ban QLDA và nhà thầu tiến hành sửa chữa bảo hành công trình theo quy định. Tuyến đường này sau khi xây dựng hoàn thành đã bàn giao cho UBND huyện Hiệp Hoà quản lý, khai thác sử dụng. Hiện nay còn 2 km đường chưa rải nhựa, đề nghị UBND huyện Hiệp Hoà bố trí ngân sách đầu tư đồng thời có biện pháp quản lý nhằm hạn chế xe ô tô có trọng tải vượt thiết kế công trình lưu thông trên đường.

- Cử tri huyện Sơn Động đề nghị: Tỉnh đầu tư xây dựng cầu cứng qua sông Lãn Chè xã Yên Định để tạo điều kiện giao thông thuận tiện cho nhân dân 5 xã Thanh Luận, Tuấn Mậu, Yên Định, Bồng Am và Thanh Sơn.

Dự án xây dựng cầu Lãn Chè, huyện Sơn Động được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 26/9/2007, tuy nhiên do nguồn vốn ngân sách của tỉnh còn rất hạn chế nên chưa được đầu tư xây dựng. Hiện tại ngầm Lãn Chè còn khá tốt, bảo đảm đi lại bình thường phần lớn thời gian trong năm, riêng mùa mưa có thể bị ách tắc ít ngày. UBND tỉnh sẽ bố trí ngân sách đầu tư trong giai đoạn 2011-2012.

- Cử tri huyện Việt Yên kiến nghị Tuyến đường từ thị trấn Nếnh đi chùa Bổ Đà xã Tiên Sơn nhiều đoạn đã xuống cấp đề nghị tu sửa và đặt 2 cống qua đường thuộc xã Ninh Sơn; Đoạn đường từ QL1A đi xã Vân Trung mới làm xong đã hư hỏng nặng, đề nghị tu sửa.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT tiến hành kiểm tra thực tế, hiện tại tuyến đường từ thị trấn Nếnh đi Chùa Bổ Đà mức độ hư hỏng không trầm trọng do đó Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ sửa chữa trong quý II năm 2010.

Đoạn đường từ QL1A đi xã Vân Trung được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ADB với thiết kế cho phép ô tô có tải trọng dưới 10 tấn hoạt động. Thời gian qua có nhiều xe tải trọng lớn (trên 15 tấn) vận chuyển vật liệu xây dựng, lưu thông với mật độ cao, nên một số đoạn đã bị hư hỏng. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT sửa chữa, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Tuyến đường này sau khi xây dựng hoàn thành đã bàn giao cho UBND huyện Việt Yên quản lý, khai thác sử dụng và thực hiện công tác duy tu sửa chữa, đề nghị UBND huyện Việt Yên có biện pháp quản lý nhằm hạn chế xe ô tô có trọng lượng vượt thiết kế công trình lưu thông trên đường.

- Cử tri thành phố Bắc Giang đề nghị tỉnh: Cho xây lại cống thoát nước qua đường Quốc lộ 295B- (QL1A cũ thuộc địa bàn phường Mỹ Độ) vì hiện nay cống nằm sâu dưới mặt đường, gây ngập úng cục bộ, thành phố đã tổ chức nạo vét nhiều lần nhưng không đảm bảo tiêu thoát nước.

Tuyến đường tỉnh 295B đoạn thuộc địa bàn phường Mỹ Độ có tên là đường Mỹ Độ, trên đoạn này có cống ngang qua đường được xây dựng từ lâu, hiện nay vẫn đảm bảo khả năng thoát nước khu vực, việc xảy ra úng ngập là do không được khơi thông. Đoạn đường trên do thành phố Bắc Giang quản lý, khai thác sử dụng và thực hiện công tác duy tu sửa chữa, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Bắc Giang chỉ đạo Công ty quản lý công trình đô thị thường xuyên nạo vét, khơi thông để đảm bảo thoát nước.

- Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị:Tỉnh xem xét và quan tâm cho làm đường vành đai thị trấn Tân Dân.

Đường vành đai thị trấn Tân Dân thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND huyện Yên Dũng, đề nghị UBND huyện xem xét để có kế hoạch xây dựng cho phù hợp với quy hoạch và khả năng ngân sách địa phương.

- Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị:Đề nghị tỉnh nâng mức kinh phí hỗ trợ xây dựng kênh mương loại 3 và giao thông nông thôn.

Để tiếp tục đẩy nhanh kiên cố hóa giao thông nông thôn, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010 – 2020, với cơ chế đóng góp cụ thể đối với từng loại đường, nhằm mục đích huy động được các nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông nông thôn. Hàng năm UBND tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn trái phiếu chính phủ để phân cho các huyện thực hiện kiên cố hóa kênh mương và cứng hóa đường giao thông nông thôn. Với mức hỗ trợ như hiện nay cùng với huy động vốn đối ứng của địa phương và sự đóng góp của nhân dân đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư.

- Cử tri xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn phản ánh: chất lượng công trình làm đường giao thông nông thôn từ chương trình 135 chưa đảm bảo, ban giám sát thôn không được biết bản thiết kế của công trình để theo dõi, giám sát thi công. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cấp khi có chương trình đầu tư của nhà nước ở địa phương nên bàn bạc với dân để công trình được triển khai tốt hơn.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc kiểm tra việc thực hiện các dự án thuộc chương trình 135 trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả kiểm tra tại xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn các công trình đầu tư đã được thực hiện theo đúng trình tự, công khai, dân chủ và có giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, chất lượng công trình đường giao thông thôn Du chất lượng kém, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc, UBND huyện Lục Ngạn chỉ đạo nhà thầu khắc phục, đến nay công trình đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý.

- Ủy ban MTTQ tỉnh phản ánh: Việc thực hiện xoá nhà tạm cho các hộ nghèo giải ngân còn chậm.

Do khó khăn chung của cả nước nên tiến độ giải ngân xây dựng nhà ở cho người nghèo của tỉnh chậm so với khối lượng thực hiện, năm 2009 tỉnh được cấp 8.050/22.092 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây dựng và hoàn thành 3.777 nhà ở cho các hộ nghèo và đến 29/4/2010 Bộ Tài chính đã cấp bổ sung tạm ứng 40.615 triệu đồng; Chủ tịch UBND tỉnh đã phân bổ cho các huyện và đã thanh toán tiền cho các hộ dân 31.0332 triệu đồng, số còn lại đang tiếp tục triển khai giải ngân theo kế hoạch hỗ trợ nhà hộ nghèo năm 2010.

- Cử tri huyện Hiệp Hoà đề nghị:Đề nghị tỉnh có biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý hiện tượng khai thác cát sỏi trái phép trên dòng Sông Cầu, gây ô nhiễm môi trường, sạt lở soi bãi và ảnh hưởng đến đê điều.

Đoạn Sông Cầu chảy qua huyện Hiệp Hoà có 185 phương tiện khai thác cát, sỏi lòng sông; có 2 mỏ được cấp phép khai thác là mỏ Vân Xuyên, mỏ Vạn Thạch thuộc địa phận xã Hoàng Vân. Một số điểm dễ xảy ra khai thác trái phép gây bức xúc như Kè Đại Mão, xã Đại Thành; khu Soi Dâu, xã Hợp Thịnh; thôn Xuân Giang, xã Mai Trung; thôn Châu Lỗ, Giáp Ngũ, Mai Hạ, xã Mai Đình.

Trong thời gian vừa qua, việc khai thác cát sỏi trái phép trên Sông Cầu làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đê, kè của huyện Hiệp Hoà, khi bị lực lượng tuần tra phát hiện, các chủ tàu đã điều khiển phương tiện sang địa phận các xã giáp ranh thuộc tỉnh khác nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Hiệp Hòa đẩy mạnh hơn nữa giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát sỏi của các chủ tàu, tăng cường kiểm tra, xử lý khai thác cát sỏi trái phép. Đồng thời, phối hợp với huyện giáp ranh như huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh để cùng phối hợp quản lý khai thác cát sỏi, xử lý vi phạm.

- Cử tri huyện Lục Nam và huyện Sơn Động đề nghị: Hiện nay các đơn vị kinh doanh được tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, chế biến bột giấy trên địa bàn huyện gây ô nhiễm môi trường nặng, đề nghị có biện pháp khắc phục.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các huyện Lục Nam và Sơn Động kiểm tra thực tế, kết quả quan trắc môi trường cho thấy cơ bản các chỉ tiêu nước thải của các doanh nghiệp đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép, nguyên nhân là do chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, một số doanh nghiệp giấy để rò rỉ nước từ các bể ngâm ủ nguyên liệu, doanh nghiệp khai thác than chưa hoàn thành bờ bao và bạt che đậy bãi than còn để phát tán ra môi trường xung quanh. Chất thải rắn đã được thu gom nhưng chưa xử lý triệt để, còn rơi vãi và bụi ra môi trường xung quanh.

Để giải quyết các tồn tại trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đề nghị các huyện Sơn Động và huyện Lục Nam chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

- Cử tri huyện Hiệp Hoà đề nghị:Trên địa bàn thôn Xuân Giang và các thôn lân cận có rất nhiều lò gạch thủ công, gây ảnh hưởng đến môi trường và hoa mầu của nhân dân. Đề nghị các cấp xem xét giải quyết.

Khu vực thôn Xuân Giang, xã Mai Trung, thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm có 30 lò gạch sử dụng ống khói cưỡng bức. Thời gian vừa qua các chủ lò đã đồng loạt đun đốt, gây thiệt hại 39,2 mẫu lúa và 28 mẫu lạc của nhân dân các thôn trên. UBND huyện Hiệp đã làm việc với các chủ lò gạch và nhân dân đánh giá mức độ thiệt hại. Xử phạt hành chính đối với 9 trường hợp vi phạm đồng thời yêu cầu các chủ lò dừng hoạt động sản xuất gạch, ngói đồng thời bồi thường thiệt hại cho nhân dân theo các mức: Lúa thuần 210kg/sào; Lúa lai 240 kg/sào; Lạc 72 kg/sào. Đến nay việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho các hộ dân của thôn Xuân Biều đã cơ bản xong, thôn Xuân Giang các chủ lò đang tiến hành chi trả tiền bồi thường.

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Hiệp Hòa tiếp tục tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải quyết dứt điểm hậu quả khói lò gạch để các hộ dân thu hoạch lúa, hoa màu; đồng thời tăng cường giám sát không để xảy ra vi phạm tiếp theo. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy định về đun đốt lò gạch thủ công trên địa bàn toàn tỉnh.

- Cử tri thành phố Bắc Giang đề nghị:Tỉnh có biện pháp chỉ đạo thực hiện quy hoạch mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang.

Để thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang, UBND tỉnh đã thành lập BCĐ mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang, chỉ đạo công bố rộng rãi quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân và đoàn thể tại các địa phương nằm trong vùng mở rộng địa giới hành chính để tạo sự đồng thuận. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành cùng UBND thành phố Bắc Giang, UBND huyện Yên Dũng, UBND huyện Lạng Giang kiểm tra việc thực hiện đảm bảo ổn định trong quản lý cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm quản lý sử dụng đất, không để xảy ra lấn chiếm trái phép hoặc buông lỏng quản lý.

- Cử tri 2 xã Phúc Thắng và Thạch Sơn, huyện Sơn Động đề nghị:Nhân dân tham gia trồng rừng theo dự án Việt- Đức, nay phải di dân đi dành đất cho Trường bắn TB1 mà không được hỗ trợ, bồi thường, đề nghị tỉnh xem xét.

Dự án di dân, tái định cư Trường bắn TB1 không thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với rừng trồng theo dự án Việt Đức mà các hộ dân tham gia trồng rừng sẽ được hưởng lợi theo các tiêu chí của dự án trồng rừng Việt Đức. Sau khi hết thời gian thực hiện dự án và người dân đã khai thác theo quy định, nhà nước sẽ thu hồi và bàn giao cho Trường bắn TB1 quản lý, sử dụng.

- Cử tri thành phố Bắc Giang đề nghị:Tỉnh kiểm tra, thu hồi đất các dự án chưa triển khai đầu tư bỏ đất hoang, sử dụng đất không đúng mục đích.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo kiểm tra, thu hồi đất các dự án đầu tư chậm triển khai hoặc sử dụng không đúng mục đích. Đến nay UBND tỉnh đã kiểm tra và thu hồi chứng nhận đầu tư của 57 dự án với diện tích là 339,84 ha để giao cho các nhà đầu tư khác có năng lực triển khai thực hiện.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát tình hình triển khai dự án của các doanh nghiệp để thu hồi các dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không triển khai theo đúng tiến độ cam kết, vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư; kiên quyết không thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chậm tiến độ và các chủ đầu tư không thực hiện báo cáo tiến độ dự án theo quy định.

- Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị:Tỉnh thành lập đoàn giám sát và thẩm định mức độ ô nhiễm môi trường, mức độ thiệt hại về nhà ở và bồi thường thiệt hại cho dân trên tuyến đường 398 đoạn từ cuối xã Nham Sơn đến đường quốc lộ 1A.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường kiểm tra, hiện nay đoàn kiểm tra đang triển khai thực hiện đánh giá mức độ ô nhiễm và thiệt hại. Sau khi có kết quả, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

- Ban Kinh tế và Ngân sách tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động của các HTX hiện có trên địa bàn tỉnh, kiên quyết giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả theo quy định; đề nghị thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Tiếp thu ý kiến của Ban kinh tế và Ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh trong 6 năm (2003-2009). Kết quả điều tra cho thấy hoạt động của các HTX chủ yếu là quản lý điện năng, dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; có 21% HTX hoạt động có hiệu quả; 36% HTX hoạt động bình thường; còn lại là hoạt động cầm chừng, hiệu quả kém. Tổng doanh thu của các HTX năm 2009 đạt 268 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 4,2 tỷ đồng.

Trong tổng số 43% HTX hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả chủ yếu là các HTX dịch vụ điện, HTX dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, các HTX hoạt động kém hiệu quả nhưng không vi phạm các quy định của Luật HTX nên chưa có căn cứ để giải thể.

Nội dung đề nghị thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tiến hành xây dựng “Quy định về một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn tỉnh” trong đó có thành lập quỹ phát triển HTX dự kiến trình HĐND tỉnh tại kỳ họp này. Tuy nhiên do chưa có hướng dẫn của TW, điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn và phương án huy động vốn đóng góp từ các HTX không khả thi, vì vậy UBND tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu thêm và sẽ trình HĐND tỉnh ở thời điểm thích hợp.

-Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị: Tỉnh có chính sách hỗ trợ các HTX xây dựng trụ sở làm việc và tạo điều kiện cho các HTX được vay vốn ngân hàng.

Chính sách hỗ trợ cho các HTX đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, nhà nước chỉ hỗ trợ phát triển hợp tác xã về: thành lập, bồi dưỡng, đào tạo, đất đai, tài chính, tín dụng, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất của hợp tác xã, không hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc của HTX.

Về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX được vay vốn ngân hàng: Đây là vấn đề Chủ tịch UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo trong thời gian vừa qua, đã có nhiều HTX tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, còn nhiều HTX có nhu cầu vay vốn nhưng không được vay, vì hầu hết là không đủ điều kiện theo quy định như: HTX không có báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, không có tài sản đảm bảo... Do đó, các HTX muốn vay vốn ngân hàng thì cần phải có đầy đủ các điều kiện theo quy định.

- Cử tri huyện Hiệp Hòa đề nghị: Dự án làng nghề thôn Trung Hưng, xã Mai Trung được triển khai xây dựng từ năm 2007 nhưng tiến độ chậm, hiện nay vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Dự án làng nghề thôn Trung Hưng, xã Mai Trung được phê duyệt tại Quyết định 1757/QĐ-UBND ngày 19/10/2007, thời gian thực hiện 2 năm (2007 – 2008). Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án chậm là do các nguyên nhân như: dự án được khởi công cuối năm 2007 đúng vào thời vụ thu hoạch hoa màu, do đó phải kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng chờ các hộ thu hoạch hoa màu; vốn đối ứng của địa phương chưa bố trí đủ; công tác GPMB gặp nhiều khó khăn; thay đổi cát đắp nền mặt bằng khu sản xuất sang đắp đất để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; nhà thầu chưa tập trung cao để thi công...

Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần gia hạn thời gian thi công, nhắc nhở và phê bình chủ đầu tư, nhà thầu chưa làm tròn trách nhiệm trong việc triển khai xây dựng công trình. Đến nay, các hạng mục chính của dự án đã cơ bản hoàn thành, còn hạng mục đường dây 22KV dài 35m và trạm biến áp 250KVA đang tiến hành thi công, dự kiến quý III/2010 sẽ hoàn thành. Hiện nay, UBND huyện Hiệp Hoà đang thẩm định quy hoạch chi tiết để tổ chức đấu giá, giao mặt bằng trong khu sản xuất cho các hộ.

- Cử tri các huyện Việt Yên, Yên Thế, Hiệp Hoà đề nghị: Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cho cả phần trung và hạ áp, sớm bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý để ổn định giá điện cho nhân dân.

Về tiến độ thực hiện bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn: đã bàn giao được 144 xã, thị trấn (đạt 100% kế hoạch năm 2009); hiện toàn tỉnh còn 62 xã thuộc dự án RE II (35 xã thuộc RE II gốc và 27 xã RE II mở rộng). 

Đối với 35 xã thuộc dự án RE II gốc: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Công ty Điện lực Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, phối hợp đấu nối phần hạ áp với trung áp, đảm bảo mục tiêu của dự án giảm bán kính cấp điện và tổn thất điện năng, nhanh chóng hoàn thiện công tác quyết toán, thực hiện các thủ tục bàn giao, quản lý vận hành.

Đối với 27 xã thuộc dự án RE II mở rộng Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp với UBND các huyện lựa chọn lại các xã có đủ điều kiện để tham gia trên cơ sở lấy ý kiến của nhân dân, các đoàn thể và cam kết thực hiện của UBND xã để thực hiện dự án. Hiện nay Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt dự án và chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công và kết thúc vào cuối năm 2011.

- Cử tri ở một số địa phương phản ánh: Mạng lưới điện nông thôn chưa hợp lý, hệ thống lưới điện nhiều nơi xuống cấp chưa được đầu tư; chất lượng điện phục vụ nhân dân quá kém...

Lưới điện hạ áp nông thôn được đầu tư xây dựng từ những năm 1990, hầu hết không có thiết kế (nhân dân tự đóng góp và thi công) do đó chất lượng lưới điện không đảm bảo; mặt khác, qua nhiều năm khai thác sử dụng không được đầu tư sửa chữa, trong khi đó nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao. Nên lưới điện tổn thất cao, không đảm bảo an toàn.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Điện lực Bắc Giang sau khi tiếp nhận bàn giao lập phương án đầu tư nhằm khắc phục tình trạng tổn thất điện năng, mất an toàn lưới điện hạ áp nông thôn. Nhưng do khối lượng tiếp nhận lớn (144 xã, thị trấn), nên phải ưu tiên trước cho những điểm xung yếu, mất an toàn nghiêm trọng, lưới điện còn lại đang được đầu tư sửa chữa theo thứ tự ưu tiên.

- Cử tri xã Phì Điền đề nghị: Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét cho hộ dân có năng lực tài chính, có điều kiện về diện tích mặt bằng được mở đại lý bán xăng dầu tại khu vực ngã ba thôn Cầu Chét giáp xã Đồng Cốc – cách điểm đại lý bán xăng dầu tại đầu xã Phì Điền 2,5km, để tiện phục vụ nhu cầu của nhân dân 3 xã Phì Điền, Đồng Cốc, Tân Hoa được thuận tiện.

Căn cứ quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 thì tại khu vực ngã ba thôn Cầu Chét không quy hoạch cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Vì vậy tỉnh không cấp phép cho xây dựng cửa hàng xăng dầu tại địa điểm nói trên. Mặt khác, tại thôn Mai Tô, xã Phì Điền hiện nay đã có 01 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, cách vị trí cử tri đề nghị 2,5km. Cửa hàng này hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của người dân quanh khu vực.

- Cử tri huyện Hiệp Hoà kiến nghị: Đề nghị xem xét hỗ trợ các xã khó khăn, không có nguồn thu để chi trả chế độ cho giáo viên mầm non theo Nghị quyết HĐND tỉnh.

Tại Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 của HĐND tỉnh đã quy định UBND huyện có trách nhiệm thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi để hỗ trợ cho các xã khó khăn, nguồn thu không đảm bảo chi trả chế độ cho giáo viên mầm non. Phần kinh phí hỗ trợ của tỉnh và của UBND huyện Hiệp Hòa đã được thực hiện chi trả theo đúng quy định, hiện nay còn một số xã của huyện Hiệp Hòa chưa chi trả hết chế độ cho giáo viên mầm non do khó khăn về ngân sách, do đó UBND huyện Hiệp Hòa có trách nhiệm đôn đốc, hỗ trợ các xã thực hiện chi trả chế độ cho giáo viên mầm non theo đúng quy định.

- Cử tri xã Liên Chung, Hợp Đức đề nghị: tỉnh cho chủ trương giải quyết công nợ HTX.

Thực hiện Quyết định 146/2001/QĐ-TTg ngày 02/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nợ tồn đọng của các hợp tác xã nông nghiệp, tỉnh đã xoá toàn bộ công nợ còn tồn đọng trước khi chuyển đổi, giải thể của các hợp tác xã nông nghiệp theo quy định. Các khoản nợ phát sinh sau khi chuyển đổi của HTX đối với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì nhà nước chưa có chủ trương xoá nợ, các HTX phải thực hiện theo quy định.

- Cử tri đề nghị: Tỉnh kịp thời quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho công tác Mặt trận thôn, kinh phí được cấp hiện nay là 01 triệu/năm bao gồm cả tiền báo là quá ít, đề nghị được tăng mức kinh phí cho hỗ trợ hoạt động.

Ngân sách tỉnh cân đối mức chi cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư là 1.000.000 đồng/năm/1 đơn vị cấp thôn; kinh phí được giao trong dự toán toán ngân sách xã hàng năm ngay từ đầu năm, UBND xã có trách nhiệm sử dụng theo quy định.

Thực tế hiện nay, mức chi 1 triệu đồng /1 thôn (tổ dân phố) là thấp, song định mức chi theo hướng dẫn của Bộ Tài chính - Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa thay đổi; mặt khác nguồn thu của tỉnh còn thấp, nguồn chi chủ yếu do ngân sách trung ương trợ cấp; do vậy, tỉnh không có nguồn kinh phí để chi hỗ trợ thêm. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo Bộ Tài chính và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tế.

- Cử tri đề nghị: Tỉnh tăng kinh phí sự nghiệp môi trường đảm bảo xử lý rác thải khu vực nông thôn.

Kinh phí sự nghiệp môi trường được thực hiện từ năm 2007 và giao dự toán hàng năm cho Sở Tài nguyên & Môi trường và các huyện, thành phố; thực tế trong 3 năm qua UBND tỉnh đã bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường tăng bình quân 8,3%/năm (năm 2007 là 17,5 tỷ đồng, năm 2010 là 22,4 tỷ đồng). Với mức kinh phí trên đã cơ bản đảm bảo nhu cầu xử lý rác thải hiện nay. UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND các huyện, thành phố phân bổ chi tiết kinh phí sự nghiệp môi trường cho phù hợp với đặc điểm, nhu cầu từng khu vực.

- Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị: Tỉnh sớm giải quyết chi trả kinh phí còn thiếu trong quá trình thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Vân Trung tại xã Nội Hoàng.

Đến ngày 31/12/2009, sốkinh phí bồi thường GPMB Khu công nghiệp Vân Trung tại xã Nội hoàng, huyện Yên Dũng ngân sách tỉnh đã cấp về ngân sách huyện là 61.503.138.000 đồng (năm 2007 là 30.000.000.000 đồng, năm 2008 là 31.503.138.000 đồng). Số kinh phí trên không những cấp đủ theo các phương án bồi thường được duyệt mà còn bao gồm cả phần kinh phí dự phòng là 620.819.491 đồng. Hiện nay, còn một số hộ chưa nhận tiền bồi thường và một số hộ đã nhận tiền nhưng chưa nhận hết UBND huyện Yên Dũng đã gửi vào ngân hàng để chờ giải quyết tồn tại, sau khi thống nhất cách giải quyết, UBND huyện Yên Dũng sẽ chi trả cả gốc và lãi suất ngân hàng cho các hộ dân.

- Cử tri huyện Sơn Động đề nghị:Đề nghị nâng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho các xã từ 500 triệu lên mức 1,5 tỷ đồng.

Theo quy định các xã ở vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa không cân đối được ngân sách để xây dựng trụ sở thì được hỗ trợ 100% kinh phí, đối với trụ sở các xã còn lại hỗ trợ 70%. Tuy nhiên, hàng năm, Trung ương phân bổ ngân sách cho tỉnh để thực hiện Quyết định này rất hạn chế; ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, thu ngân sách mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu chi. Vì vậy, từ năm 2009 về trước tỉnh mới hỗ trợ được 500 triệu đồng/xã, năm 2010 tỉnh đã nâng mức hỗ trợ lên 1 tỷ đồng/xã. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xem xét, cân đối các nguồn thu để nâng mức hỗ trợ xây dựng trụ sở xã; đồng thời sẽ tiếp tục đề nghị Trung ương tăng nguồn kinh phí hàng năm để hỗ trợ cho các xã.

- Cử tri đề nghị tỉnh bố trí nguồn vốn tối thiểu 1% theo quy định của Chính phủ cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.

Việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện các CTMT quốc gia đã được UBND tỉnh bố trí đầy đủ theo quy định, trong đó có CTMT quốc gia về giảm nghèo. Theo các văn bản hiện hành thì không có nội dung nào quy định tỉnh bố trí vốn tối thiểu 1% như cử tri nêu.

- Cử tri huyện Yên Thế đề nghị: Tỉnh quan tâm đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”.

Ngày 02/02/2010 Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Gà đồi Yên Thế " cho sản phẩm gà đồi của huyện Yên Thế, theo đó sẽ xây dựng thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gà thịt trên thị trường. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với UBND huyện Yên Thế thực hiện, dự kiến trong năm 2011 sẽ hoàn thành việc xây dựng thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”.

 

Trung bình (0 Bình chọn)