Trả lời kiến nghị cử tri sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Kiến nghị cử tri: Đề nghị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 theo hướng: quy định rõ thời điểm trả lương cho người lao động; đồng thời, bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đúng việc trả lương cho người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động quy định: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Khoản 1, khoản 2 Điều 97 Bộ luật Lao động quy định: Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

Như vậy, Bộ luật Lao động đã quy định cụ thể thời gian trả lương cho từng hình thức hưởng lương theo giờ, ngày, tuần, tháng nhưng tối đa không quá nửa tháng hoặc một tháng phải trả một lần, đồng thời, có giao quyền cho hai bên tự thỏa thuận thời điểm cụ thể trả lương cho phù hợp với điều kiện cụ thể của các bên. Pháp luật ấn định cụ thể thời điểm trả lương 15 ngày hoặc một tháng sẽ khó bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của các bên.

Đối với chế tài xử phạt khi doanh nghiệp trả lương không đúng hạn đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.

Nguyệt Ánh.

Trung bình (0 Bình chọn)