UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của UBMTTQ, các ban của HĐND tỉnh và cử tri tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khoá XVI một số vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá – xã hội

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1/ Cử tri huyện Lục Ngạn phản ánh: Việc chi trả trợ cấp tiền ăn cho học sinh nghèo còn chậm, đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm chi trả trợ cấp tiền ăn cho các cháu học sinh nghèo để tạo điều kiện học tập tốt hơn. 

Việc chi trả trợ cấp tiền ăn cho học sinh nghèo năm học 2009 – 2010 còn chậm là do TW không cấp ngân sách kịp thời cho tỉnh để thực hiện nhiệm vụ này. Ngày 21/4/2010, Bộ Tài chính mới có văn bản cấp bổ sung 20,784 tỷ đồng để chi trả chế độ cho học sinh con hộ nghèo. Chủ tịch UBND tỉnh đã phân bổ cho các huyện để thực hiện chính sách đối với học sinh con hộ nghèo đi học theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg. Hiện nay các huyện đã chi trả cho học sinh.

2/ Ban Văn hóa – xã hội đề nghị  tỉnh chỉ đạo thực hiện công bằng, chính xác việc bình xét hộ nghèo, có kế hoạch hỗ trợ hộ cận nghèo để hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.

Để thống nhất tiêu chí thực hiện trong phạm vi toàn quốc, Bộ Lao động- TB&XH đã có hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, theo đó hộ nghèo phải được đưa ra bình xét công khai, dân chủ tại hội nghị thôn, bản, tổ dân phố và danh sách được niêm yết công khai tại địa phương để nhân dân được biết. Việc xác định và công nhận hộ nghèo là trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao BCĐ giảm nghèo tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo việc kiểm tra kết quả tổ chức rà soát thống kê hộ nghèo hàng năm trên địa bàn. Tăng cường các hoạt động giám sát của MTTQ, các đoàn thể nhân dân và của chính bản thân người nghèo, cộng đồng dân cư để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những việc làm sai, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở trong quá trình rà soát thống kê hộ nghèo.

Bên cạnh việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, UBND tỉnh đã quan tâm hỗ trợ hộ cận nghèo để hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Năm 2010, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 50% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, ngoài ra UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, UBND các huyện hỗ trợ các hộ cận nghèo được vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm và XKLĐ, tham gia các khóa tập huấn thuộc chương trình xóa đói giảm nghèo.

3/ Cử tri huyện Hiệp Hòa đề nghị: đẩy nhanh tiến độ làm chế độ cho người tàn tật và sớm giải quyết chính sách cho người bị nhiễm chất độc màu da cam.

Về thời gian làm chính sách cho người tàn tật, đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2007 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Thời hạn để giải quyết cho người tàn tật được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên là 47 ngày (gồm: 7 ngày thẩm định và 30 ngày niêm yết công khai ở cấp xã, 10 ngày thẩm định, phê duyệt ở cấp huyện); thẩm quyền ra quyết định trợ cấp là UBND cấp huyện, thành phố. Vì vậy, với các đối tượng đã làm hồ sơ mà quá thời gian trên vẫn chưa nhận được kết quả đề nghị liên hệ trực tiếp với Phòng LĐTBXH huyện, thành phố nơi mình cư trú để được giải đáp cụ thể.

Về chế độ cho người bị nhiễm chất độc màu da cam: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – TBXH triển khai hướng dẫn quy trình thiết lập hồ sơ đối tượng nhiễm chất độc mầu da cam thực hiện theo từng cấp. Năm 2009 toàn tỉnh đã giải quyết gần 1.000 đối tượng hưởng trợ cấp, 6 tháng đầu năm Hội đồng giám định y khoa tỉnh giám định cho 130 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học mắc bệnh, tật, dị dạng dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; các trường hợp sau khi kiểm tra đủ điều kiện hưởng chính sách đều được giải quyết chế độ kịp thời.

4/ Cử tri huyện Tân Yên: Đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương xem xét cho các đối tượng: nhiễm chất độc màu da cam, người tàn tật, bệnh tâm thần phân liệt được hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng (không nhất thiết là hộ nghèo).

Theo quy định các đối tượng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đều được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng mà không cần phải là đối tượng thuộc hộ nghèo.

Vừa qua Chính phủ đã cóNghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó đã quy định các trường hợp là người tàn tật nặng không có khả năng lao động, hoặc người tàn tật nặng không thể tự phục vụ được và người mắc bệnh tâm thần mãn tính, không phải thuộc gia đình hộ nghèo cũng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

5/ Cử tri kiến nghị: Hiện nay một số gia đình liệt sỹ có bằng Tổ quốc ghi công bị rách, nát, đã làm thủ tục đổi lại, nhưng chậm được giải quyết. Đề nghị được giải quyết.

Việc cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công của gia đình các liệt sỹ thuộc thẩm quyền của Chính Phủ, do đó số lượng cấp lại của cả nước là rất lớn và việc chậm như cử tri nêu là đúng. Hàng năm UBND tỉnh đều chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát thống kê số lượng Bằng Tổ quốc ghi công bị hỏng, rách nát để đề nghị Bộ Lao động TB&XH trình Chính phủ cấp lại.

Đợt gần đây nhất là ngày 12/11/2009, tỉnh đã đề nghị cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 715 trường hợp, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có kết quả. Sau khi có thông báo kết quả, UBND tỉnh sẽ cấp lại cho các gia đình liệt sỹ.

6/ Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: Việc suy tôn Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn tồn đọng, đề nghị tỉnh sớm giải quyết. Cụ thể trường hợp bà Nguyễn Thị Vị ở xã Khám Lạng có một con duy nhất là liệt sỹ Nguyễn Văn Cầu đã có hồ sơ gửi đến cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa được phong tặng.

UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc rà soát, xác minh và lập hồ sơ trình phê duyệt để hoàn thành sớm việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, sớm hoàn thành không để kéo dài, chậm trễ và tồn đọng. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp chậm trễ do việc lập hồ sơ của các đối tượng chậm dẫn đến việc gửi hồ sơ đến Hội đồng thi đua khen thưởng TW chậm. Trường hợp hồ sơ đề nghị truy tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” Nguyễn Thị Vi ở xã Khám Lạng, huyện Lục Nam đã được gửi đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương trình Chủ tịch nước xem xét quyết định.

7/ Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị:Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thống nhất về thủ tục, hồ sơ cho các đối tượng cựu chiến binh làm bảo hiểm y tế theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ.

Thực hiện Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 6/12/2006 Sở Lao động –TB&XH đã có văn bản hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ BHYT. Do đó hiện nay không cần thiết phải hướng dẫn thêm.

8/ Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị:Tỉnh có chính sách mở rộng đối tượng được hưởng quỹ hỗ trợ người dân có đất thu hồi từ 50% diện tích đất nông nghiệp trở lên: mua thẻ BHYT cho những đối tượng chưa hết tuổi lao động và có chế độ chính sách hỗ trợ người dân có đất thu hồi 100% đất nông nghiệp.

Sau một thời gian tổ chức thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-HĐND về việc thành lập Quỹ hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp thu hồi, Quỹ đã hỗ cho 7.256 lượt đối tượng, với số tiền: 1,5 tỷ đồng và cấp được 881 thẻ học nghề cho các đối tượng trong độ tuổi lao động. Sau khi lấy ý kiến của nhân dân, tại kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh khoá XVI đã ban hành Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND trong đó bổ sung thêm đối tượng người trong độ tuổi lao động bị tàn tật, không có khả năng lao động và chưa được hỗ trợ theo chế độ, chính sách nào của Nhà nước thì được hỗ trợ mua thẻ BHYT.

Do nguồn Quỹ còn khó khăn nên các chính sách khác như cử tri nêu chưa có điều kiện thực hiện, UBND tỉnh ghi nhận và tiếp tục giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

9/ Cử tri huyện Hiệp Hoà, Lục Nam kiến nghị: Đề nghị tỉnh bố trí kinh phí đủ cho kiên cố hóa trường lớp học, cho chương trình xóa phòng học tạm, học nhờ, nhà công vụ cho giáo viên; Đề nghị tỉnh nâng kinh phí cho xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng cao (hiện nay bố trí 40 triệu đồng/ phòng là khó thực hiện).

Ngày 23/7/2008, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án kiến cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Kinh phí thực hiện từ các nguồn trái phiếu Chính phủ; ngân sách các cấp và huy động đóng góp của nhân dân. Thời gian qua, do TW cấp thiếu kinh phí nên tiến độ một số công trình chậm so với tiến độ, UBND tỉnh đang tiếp tục đề nghị với Chính phủ bổ sung kinh phí nguồn TPCP để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, đồng thời yêu cầu UBND các huyện, các xã, thị trấn cần bố trí đủ kinh phí thực hiện đề án.

Theo kế hoạch, đối với công trình xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, ngân sách tỉnh và TW hỗ trợ 100% giá trị xây lắp theo định mức và đơn giá xây dựng của tỉnh năm 2008. Tuy nhiên, do TW chưa điều chỉnh tổng mức đầu tư của Đề án nên tỉnh chưa có căn cứ điều chỉnh đơn giá xây dựng đối với nhà công vụ. UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư của đề án, sau khi có hướng dẫn UBND tỉnh sẽ điều chỉnh đơn giá xây dựng cho phù hợp.

10/ Cử tri xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn phản ảnh: Trường THCS xã được đầu tư xây dựng công trình nhà 3 tầng để phấn đấu đạt trường chuẩn Quốc gia năm 2010, đến nay công trình đã xây dựng xong nhưng không có thiết bị, bàn ghế phục vụ giảng dạy, học tập. Đề nghị tỉnh, huyện chỉ đạo các ngành chức năng xem xét hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy phục vụ nhu cầu dạy và học của con em nhân dân địa phương.

Trường THCS Phì Điền được bổ sung vào dự án phát triển giáo dục THCS năm 2008 và được khởi công tháng 9/2008, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 9/2009. Tuy nhiên hạng mục cung cấp thiết bị chậm hơn do tỉnh chưa nhận được nguồn kinh phí từ TW, để khắc phục tỉnh trạng trên UBND xã Phì Điền đã chuyển số thiết bị cũ để tạm thời sử dụng. Đến nay, hạng mục đầu tư thiết bị đang được đấu thầu để trang bị cho Trường THCS Phì Điền.

11/ Cử tri xã Phì Điền, Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn đề nghị: Tỉnh kiến nghị với Trung ương có chính sách biên chế cho giáo viên mầm non cốt cán đang dạy học ở các thôn vùng cao thuộc xã vùng thấp và nâng mức lương của giáo viên mầm non (hiện nay còn quá thấp).

Đến nay tỉnh đã thực hiện tuyển dụng vào biên chế được giáo viên, hiệu phó và hiệu trưởng các trường mầm non thuộc các xã ĐBKK và các thôn loại 3 xã khu vực 2, các đối tượng còn lại hiện nay chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn của TW. UBND tỉnh đã kiến nghị với TW, sau khi có hướng dẫn, UBND tỉnh sẽ thực hiện tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non.

Từ năm 2009, chính sách cho giáo viên mầm non được thực hiện theo Nghị quyết số 31/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hiện nay giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn ngoài được ngân sách tỉnh hỗ trợ 730.000 đồng/tháng còn được hưởng lương từ nguồn học phí, hỗ trợ của huyện, xã bình quân là 1.460.000 đồng/tháng. Hiện tại tỉnh chưa có điều kiện nâng lương cho giáo viên mầm non lên mức cao hơn.

12/ Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: Đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho giáo viên mầm non ở những nơi có lớp bán trú, phải làm thêm giờ.

Giáo viên mầm non trong biên chế được thanh toán tiền làm thêm giờ theo hướng dẫn tại Công văn số 460/SGDĐT-KHTC ngày 08/4/2009 của Sở Giáo dục và Đào tạo; đối với giáo viên mầm non hợp đồng việc hỗ trợ thanh toán tiền làm thêm giờ do Hiệu trưởng nhà trường, UBND xã, thị trấn và UBND huyện chỉ đạo thực hiện.

13/ Cử tri xã Lan Giới, huyện Tân Yên phản ánh: Bệnh viện đa khoa huyện Tân Yên không bố trí cán bộ y tế chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh, người nhà bệnh nhân phải cầm bình tiếp nước cho bệnh nhân, không đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm. Sở Y tế đã nghiêm túc kiểm điểm Bệnh viện ĐK huyện Tân Yên, xử lý 01 tập thể, 02 cá nhân vi phạm. Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế bệnh viện, kiên quyết xử lý trách nhiệm cán bộ vi phạm.

14/ Ban Văn hóa xã hội đề nghị tỉnh có giải pháp hữu hiệu giảm tình trạng mất cân bằng giới tính; hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên.

Trong những năm gần đây, mất cân bằng giới tính tỉnh Bắc Giang có xu hướng gia tăng; tỷ lệ giảm sinh con thứ 3 có chuyển biến nhưng chưa bền vững. Để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục triển khai một số giải pháp cụ thể như: Tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội nâng cao nhận thức, đồng thời khắc phục triệt để tư tưởng chủ quan, thoả mãn, buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác DS-KHHGĐ; xây dựng và lấy kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ là một trong các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; xây dựng chế tài quy định về xử lý vi phạm chính sách dân số phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng; tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số-KHHGĐ các cấp đặc biệt là cấp thôn, xã; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Trung bình (0 Bình chọn)