Trả lời về chế độ, chính sách đối với các xã khó khăn thuộc chương trình 135

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
1. Cử tri huyện Yên Thế đề nghị: UBND tỉnh có chính sách cho cán bộ không chuyên trách, hợp đồng, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản các xã khó khăn thuộc chương trình 135 được hưởng phụ cấp vùng khó khăn như cán bộ, công chức, viên chức (thêm 70%); có chế độ hỗ trợ phụ cấp cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo việc chuyển, xếp ngạch bậc, cho các cán bộ ngành giáo dục đã hoàn thành chương trình đào tạo nhiều năm chưa được hưởng lương theo bằng cấp được đào tạo.

- Về chế độ, chính sách đối với các xã khó khăn thuộc chương trình 135: Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút. Như vậy chỉ những người hưởng lương đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được hưởng thêm phụ cấp thu hút. Còn người hoạt động không chuyên trách, như: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản… đang hưởng phụ cấp theo quy định của HĐND tỉnh thì không thể giải quyết được (không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thu hút theo quy định của nghị định).

- Về chế độ hỗ trợ phụ cấp cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định tại Quyết định số 1439/QĐ-TLĐ ngày 14/12/2011 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về việc ban hành quy định chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn. Nguồn kinh phí để chi trả phụ cấp sử dụng số thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn tại các công đoàn cơ sở.

- Về việc chuyển, xếp ngạch bậc cho các cán bộ ngành giáo dục đã hoàn thành chương trình đào tạo nhiều năm chưa được hưởng lương theo bằng cấp được đào tạo: Ngày 16/9/2015, Liên Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nôi vụ đã ban hành 04 Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên công lập (gồm: Mầm non, tiểu học, THCS và THPT), trong đó quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng các hạng tương ứng. Ngày 23/5/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BGDĐT quy định về điều kiện để các cơ sở giáo dục được tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xong 05 lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, 05 lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II và Trung học cơ sở hạng II.

Ngày 18/8/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, Phổ thông công lập; Sở Nội vụ có tờ trình báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho phép tổ chức thi thăng hạng giáo viên các bậc học, cấp học năm 2017 vào thời gian tháng 12/2017.

2. Cử tri huyện Tân Yên phản ánh: Tiền chi cho hoạt động của khu dân cư 3 triệu/thôn/năm là thấp. Các thôn được hưởng như nhau là chưa công bằng, đề nghị tăng mức hỗ trợ theo tiêu chí phân loại thôn, tránh hình thức cào bằng.

Để thực hiện kinh phí "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" theo Thông tư Liên tịch số 144/2014/TTLT/BTC-BVHTTDL, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, năm 2017, ngân sách tỉnh đã bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách các xã, phường, thị trấn để hỗ trợ Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đối với khu dân cư thuộc xã vùng khó khăn 5 triệu đồng/năm/khu dân cư; các khu dân cư còn lại 3 triệu đồng/năm/khu dân cư.

3. Cử tri huyện Sơn Động phản ánh: Hiện nay, nhân viên nuôi dưỡng trong các trường mầm non trên địa bàn chỉ làm việc theo hình thức thuê khoán hoặc hợp đồng ngắn hạn (theo mùa vụ) nên không được hưởng chế độ hỗ trợ nào của nhà nước. Đề nghị UBND tỉnh bổ sung định biên, chế độ cho nhân viên nuôi dưỡng trẻ trong các trường mầm non.

- Về biên chế: Điều 6 Thông tư số 06/2015/TTLT-BGD&ĐT-BNV ngày 16/3/2015 về quy định danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập quy định “Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn như sau: Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 01 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn’’. Như vậy, công việc nấu ăn (nhân viên nuôi dưỡng) thực hiện trong năm học và chỉ thực hiện khi các trường mầm non có tổ chức học bán trú. Do vậy, việc Hợp đồng lao động nhân viên nấu ăn theo theo hình thức thuê, khoán hoặc hợp đồng ngắn hạn (theo mùa vụ) là đúng theo quy định.

- Về chế độ với nhân viên nuôi dưỡng, Nhà nước không có chính sách hỗ trợ; việc thực hiện chế độ đối với nhân viên nuôi dưỡng là do thỏa thuận giữa nhà trường và cha, mẹ học sinh. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang mới thực hiện chủ trương hợp đồng lao động giáo viên mầm non chưa có chủ trương hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng trẻ tại các trường mầm non.

4. Cử tri đề nghị: UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu về việc phân cấp cho chính quyền cơ sở theo hướng việc gì cơ sở giải quyết thuận lợi thì nên phân cấp để tạo sự chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung tham mưu phân cấp nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm giữa UBND tỉnh và chính quyền cấp cơ sở trên các lĩnh vực chủ yếu như: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư; ngân sách nhà nước; đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp nhà nước; hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức. Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhiều nội dung phân cấp quản lý đã được thể chế hóa vào các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh và các quy định chức năng, nhiệm hạn và cơ cấu tổ chức của từng Sở, ban ngành. Các quy định phân cấp giữa UBND tỉnh và chính quyền cơ sở đã được các địa phương thực hiện tương đối thống nhất và có hiệu  quả nâng cao tính chủ động cho chính quyền cơ sở trong quản lý, sử dụng các nguồn lực ở địa phương, đưa nền hành chính sát hơn với những đặc điểm kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương, góp phần giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và nhân dân tại địa phương.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình phân cấp quản lý nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện một số giải pháp cụ thể:

- Tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật; thường xuyên rà soát chức năng, nhiệm vụ hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, loại bỏ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, phù hợp với nội dung đã phân cấp.

- Giảm hợp lý các loại giấy phép và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động cấp phép; rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính và chỉnh sửa quy trình giải quyết công việc với người dân, với doanh nghiệp còn chưa phù hợp. Bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng thời hạn trong hoạt động công vụ; đặc biệt đối với các quy trình thủ tục phục vụ, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

 - Quy định trách nhiệm báo cáo, giải trình, xử lý các vi phạm theo chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm được phân cấp.

 - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ, hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công;

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát và thực hiện sự điều phối cần thiết của Chính phủ, các Bộ, ngành đối với các địa phương sau phân cấp.

Trung bình (0 Bình chọn)