Trả lời kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Nội dung kiến nghị: Để việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp phù hợp với thực tế và đảm bảo theo quy định, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Xây dựng theo hai hướng sau:

(i) “Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng” thành “Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng (trừ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu chức năng đặc thù do chủ đầu tư hạ tầng thực hiện)”.

(ii) “Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong khu chức năng đặc thù và lập quy hoạch chi tiết xây dựng” thành “Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong khu chức năng đặc thù và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu chức năng đặc thù”.

Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao, hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng Luật quy hoạch đô thị và nông thôn. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội). Theo đó dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật hiện hành, mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật có liên quan; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, bao gồm cả các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng khu chức năng như nội dung kiến nghị, đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến kiến nghị, đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định này trong quá trình xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 - tháng 11/2024, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025).

2. Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP như sau:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A (trừ các dự án trong khu công nghiệp và có nguồn vốn đầu tư không phải ngân sách nhà nước); dự án đầu tư xây dựng có công trình cấp đặc biệt, cấp I (trừ các dự án trong khu công nghiệp và có nguồn vốn đầu tư không phải ngân sách nhà nước); dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của 02 tỉnh trở lên."

(2) Để tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án của các nhà đầu tư, trong thời gian chờ Chính phủ xem xét sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét ủy quyền cho Sở Xây dựng thẩm định đối với dự án nhóm A và dự án đầu tư xây dựng có công trình cấp I trong khu công nghiệp và có nguồn vốn đầu tư không phải ngân sách nhà nước.

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

Việc phân định thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng giữa các cơ quan chuyên môn tại trung ương và địa phương đã được quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trên nguyên tắc căn cứ vào quy mô, công suất, tầm quan trọng và tính chất kỹ thuật. Theo đó, các cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thực hiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với các dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, tầm quan trọng cao, ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng (dự án nhóm A, công trình cấp I, cấp đặc biệt); cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương thực hiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với các dự án còn lại. Hiện tại, việc phân cấp về thẩm định là phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, năng lực và kinh nghiệm quản lý của các cơ quan chuyên môn về xây dựng. Các pháp luật có liên quan đến công trình xây dựng như phòng cháy, chữa cháy, môi trường,... cũng dựa trên các nguyên tắc này để phân định thẩm quyền quản lý giữa các cơ quan trung ương và địa phương.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang để tiếp tục tổng kết, đánh giá và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng trong thời gian tới.

3. Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ Xây dựng sửa QCVN 06:2022/BXD tại Bảng F. Về Thép kết cấu: Đề nghị bỏ cụm từ “được bọc bảo vệ” và quy định “tăng khối lượng thép” để tăng bậc chịu lửa cho kết cấu thép, như sau:

- Bảng F.8 Cột chống bằng thép được bọc bảo vệ (khối lượng cột trên 1m dài không nhỏ hơn 45kg). Đề nghị sửa thành: “Bảng F.8 Cột chống bằng thép (khối lượng cột trên 1m dài không nhỏ hơn 50kg)”.

- Bảng F.9 Dầm bằng thép được bọc bảo vệ (khối lượng dầm trên 1m dài không nhỏ hơn 30kg). Đề nghị sửa thành: “Bảng F.9 Dầm bằng thép (khối lượng dầm trên 1m dài không nhỏ hơn 35kg)”.

Bộ Xây dựng giải thích như sau:

- Bảng F.8 quy định giới hạn chịu lửa cho cột chống bằng thép đã được bọc bảo vệ và áp dụng cho cột có khối lượng trên 1m dài không nhỏ hơn 45 kg. Ứng với mỗi loại vật liệu bọc bảo vệ và các thông số kỹ thuật đi kèm như đã ghi trong Bảng F.8 thì cột chống bằng thép sau khi được bọc bảo vệ sẽ có giá trị giới hạn chịu lửa tương ứng với các lớp bọc bảo vệ đó. Do đó, việc đề nghị sửa thành “Bảng F.8 Cột chống bằng thép (khối lượng cột trên 1m dài không nhỏ hơn 50kg)” là sai bản chất của quy định.

- Bảng F.9 là quy định giới hạn chịu lửa cho dầm bằng thép đã được bọc bảo vệ và áp dụng cho dầm có khối lượng trên 1m dài không nhỏ hơn 30 kg. Đây là các số liệu thực nghiệm các nước đã tổng hợp từ các thử nghiệm đốt. Việc đưa thêm Bảng F.9 là cách đơn giản để xác định nhanh giới hạn chịu lửa của một số cấu kiện thép. Do đó việc đề nghị sửa thành: “Bảng F.9 Dầm bằng thép (khối lượng dầm trên 1m dài không nhỏ hơn 35 kg)”, tức là yêu cầu sửa cơ học số “30” thành “35” là không có cơ sở thực nghiệm và không thể có cách tiếp cận như vậy được.

Toàn bộ Phụ lục F là các thông tin về giới hạn chịu lửa của một số cấu kiện đã được thử nghiệm đốt giúp cho việc xác định nhanh giới hạn chịu lửa của chúng mà không cần phải tiến hành đốt, tạo thuận lợi cho việc lựa chọn nhanh các giải pháp thiết kế.

4. Nội dung kiến nghị: Đề nghị Chính phủ, các bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xem xét sớm xây dựng và ban hành quy định cụ thể đối với lĩnh vực đầu tư sản xuất, kinh doanh điện năng lượng mặt trời mái nhà đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển ngành điện quốc gia (theo hướng các tổ chức, cá nhân được phép đầu tư sản xuất, kinh doanh dự án pin năng lượng mặt trời mái nhà không giới hạn công suất để phục vụ mục đích tự dừng hoặc bán điện cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bán lên lưới điện).

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

Pháp luật về xây dựng hiện có đầy đủ quy định đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất, kinh doanh điện năng lượng mặt trời mái nhà. Liên quan đến các vấn đề về quy hoạch, công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật chuyên ngành,... đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang liên hệ với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ để có ý kiến hướng dẫn theo quy định và theo thẩm quyền./.

BGP.

Trung bình (0 Bình chọn)