Trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa XII

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Phúc đáp kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa XII, Chủ tịch UBND tỉnh đã xem xét, giải quyết và trả lời cụ thể như sau:

1. Lĩnh vực kinh tế - tổng hợp

- Cử tri huyện Sơn Động phản ánh: Người dân được Nhà nước giao đất, trồng rừng kinh tế (trồng keo), nhưng khi được khai thác do không có đầu ra ổn định nên thường bị tư thương ép giá. Cử tri đề nghị tỉnh xem xét có biện pháp nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ lâm sản cho nhân dân như: xây dựng hoặc tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến lâm sản phát triển trên địa bàn, tạo đầu ra ổn định.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Sơn Động có 4 cơ sở sản xuất giấy và bột giấy với tổng công suất khoảng 20 nghìn tấn/năm, nhu cầu nguyên liệu đầu vào khoảng trên 100 nghìn tấn nguyên liệu gỗ tươi/năm, tương đương khoảng 100 nghìn m3 gỗ. Do đó mỗi năm cần phải khai thác khoảng 1.800 ha rừng trồng phục vụ cho nhu cầu nêu trên. Với diện tích rừng trồng huyện Sơn Động hiện có khoảng 18.000 ha (trong đó có 6.000 ha rừng mới trồng), nếu tính chu kỳ khai thác 7 năm thì trong những năm tới, trước mắt mỗi năm toàn huyện khai thác khoảng 1.800 ha rừng trồng mới đủ lượng gỗ cung cấp nhu cầu tại chỗ, chưa kể việc tiêu thụ các địa phương khác. Do vậy việc tiêu thụ gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện Sơn Động cơ bản ổn định trong những năm tới.

Tuy nhiên, để đảm bảo lượng gỗ nguyên liệu ổn định cung cấp cho các cơ sở chế biến, UBND tỉnh đã lập Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2009-2020; Quy hoạch phát triển rừng sản xuất tỉnh Bắc Giang 2010-2020. Trong quy hoạch đã đưa ra các giải pháp, chính sách hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến lâm sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra, tạo nguồn thu nhập ổ định cho người dân.

- Cử tri xã Canh Nậu, huyện Yên Thế phản ánh hiện nay đất rừng đều do các công ty lâm nghiệp quản lý, khoán thầu lại cho người dân dẫn đến tình trạng một số đất rừng không có người quản lý, bảo vệ, người dân thiếu đất sản xuất. Đề nghị UBND tỉnh giao đất rừng cho người dân địa phương trực tiếp sản xuất, quản lý và bảo vệ.

Theo quy hoạch sử dụng đất của UBND xã Canh Nậu, diện tích đất lâm nghiệp của xã là 2.283,68 ha, phân theo chủ quản lý sử dụng như sau:

+ Đất do công ty lâm nghiệp, lâm trường quản lý: 617 ha, chiếm 27% (Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Yên Thế 536 ha, Lâm trường Đồng Sơn quản lý 81 ha);

+ Đất do UBND xã quản lý (đang làm thủ tục giao đất theo đề án giao đất giao rừng của huyện và của tỉnh) 630 ha, chiếm 27,6%;

+ Đất đã giao cho các hộ dân xã Canh Nậu quản lý sử dụng ổn định lâu dài: 1.036,68 ha, chiếm 45,4%.

Qua kiểm tra trên địa bàn xã Canh Nậu, không có tình trạng đất lâm nghiệp khoán thầu lại cho người dân, không có tình trạng đất lâm nghiệp không có người quản lý bảo vệ. Hiện nay không còn hộ dân nào ở gần rừng (liền kề với rừng, trong đất lâm nghiệp do Công ty lâm nghiệp Yên Thế quản lý) sống ổn định lâu dài mà không có đất lâm nghiệp để sản xuất.

- Cử tri xã Canh Nậu, huyện Yên Thế phản ánh năm 1999-2000 người dân trồng rừng theo dự án PAM, đến khi khai thác công ty lâm nghiệp thu 1.800.000 đồng/ha là đúng hay sai?

Công ty Lâm nghiệp Yên Thế nay là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế không thu sản phẩm của người dân trồng rừng đối với hợp đồng trong dự án PAM 5322. Số tiền mà Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế thu như cử tri nêu là hợp đồng giao khoán giữa Công ty với các hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ (nay là Nghị định số 135/2005/NĐ-CP).

- Cử tri các xã Tuấn Đạo, Yên Định, Bồng Am, Thanh Luận, Tuấn Mậu và thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động đề nghị tỉnh sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 291 và xây dựng cầu Yên Định (Lãn Chè), giúp người dân đi lại thuận tiện, nhất là trong mùa mưa lũ.

Đường tỉnh 291 đã được đầu tư nâng cấp từ lâu nhưng đến nay do tốc độ phát triển kinh tế xã hội, giao thương hàng hoá, xe có tải trọng lớn qua lại nhiều trên tuyến làm cho tuyến đường đã xuống cấp, người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến khó khăn. Mặt khác cầu Lãn Chè chưa được xây dựng giao thông vẫn được qua lại bằng ngầm dẫn đến khi trời mưa giao thông qua lại khó khăn. Dự án xây dựng cầu Lãn Chè đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 26/9/2007 nhưng do nguồn vốn còn hạn chế nên chưa được bố trí được vốn xây dựng. Hiện nay UBND tỉnh đang tranh thủ các nguồn vốn để sớm bố trí cho dự án.

- Cử tri xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động phản ánh: Tuấn Mậu là xã mới được thành lập theo Nghị định 05/NĐ-CP ngày 06/11/2008 của Chính phủ,  hiện nay cơ sở vật chất còn rất khó khăn (UBND xã ở nhờ Hội trường thôn Bài; Trường PTCS dạy nhờ tại trường THCS thị trấn Thanh Sơn; Trạm Y tế xã ở nhờ nhà dân...), ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền và hệ thống y tế, giáo dục cơ sở. Đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế... cho xã Tuấn Mậu.

Sau khi thành lập xã Tuấn Mậu, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Sơn Động bố trí kinh phí để hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của UBND xã, các trường học và trạm y tế xã. Tuy nhiên, do huyện khó khăn về ngân sách, năm 2009 UBND tỉnh đã hỗ trợ 500 triệu đồng cùng với ngân sách huyện, xã để xây dựng trụ sở xã, đến nay đang tiếp tục được hoàn thiện. Trường PTCS và Trạm Y tế xã đang được đầu tư bằng nguồn vốn giảm nghèo theo Đề án 30a. Năm 2011, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ, phân bổ vốn đầu tư cho huyện Sơn Động, đề nghị UBND huyện Sơn Động căn cứ nguồn vốn được phân bổ để bố trí đầu tư hoàn thành trụ sở, trường học và trạm y tế xã Tuấn Mậu.

- Cử tri phản ánh việc quản lý đất đai hiện nay còn nhiều bất cập, thực tế có nhiều diện tích đất bỏ hoang, gây lãng phí và tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân (cụ thể thành phố Bắc Giang có nhà máy ép dầu ở xã Song Mai không sử dụng đã nhiều năm).

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã làm tốt công tác quản lý đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đa số các dự án sau khi được giao đất đều triển khai thực hiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án đã không đầu tư, đầu tư chậm tiến độ, cầm chừng, không đúng mục đích sử dụng, kém hiệu quả. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, giám sát việc sử dụng đất của các tổ chức đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, rà soát, kiên quyết thu hồi những dự án vi phạm. Hiện nay các đơn vị chức năng đã kiểm tra 17 dự án, đã thu hồi 1 dự án với diện tích 32.420,4m2; đang làm thủ tục thu hồi 2 dự án với diện tích 17.447,8m2, các dự án còn lại sẽ  phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng.

Toàn bộ diện tích 42.276,4 m2 đất của Nhà máy ép dầu cũ đã được giao cho Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và chế biến nông sản (được UBND tỉnh cho thuê đất theo Quyết định số 46/QĐ-UBND ngày 11/01/2008; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quyết định số 589/QĐ-UBND ngày 15/4/2009) để thực hiện dự án xây dựng dây chuyền sản xuất tinh bột sắn. Đến nay, Công ty mới triển khai xây dựng được hạng mục móng nhà xưởng khoảng 3.600 m2/tổng 42.276,4 m2 diện tích được thuê; toàn bộ các hạng mục còn lại của dự án chưa được triển khai, diện tích đất bỏ hoang lớn. Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và chế biến nông sản sử dụng đất chậm đầu tư thực hiện dự án như đã nêu ở trên là vi phạm Điều 38, Luật Đất đai 2003. Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa có động thái triển khai thực hiện đầu tư xây dựng. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với Tổ công tác thực hiện Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ làm các thủ tục thu hồi đất đã giao cho Công ty.

2. Lĩnh vực văn hóa – xã hội:

- Cử tri phản ánh hiện nay tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra tràn lan.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay toàn tỉnh có 223 trường (cấp Tiểu học và THCS) tổ chức dạy thêm học thêm với 1.419 lớp; cấp THPT có 51 trường tổ chức dạy thêm học thêm với 764 lớp. Ngoài ra trên địa bàn thành phố Bắc Giang có 73 lớp dạy thêm ngoài nhà trường do các cá nhân tổ chức được cấp phép hoạt động. Nội dung tổ chức dạy thêm chủ yếu tập trung ôn luyện, củng cố kiến thức các môn văn hoá cơ bản như Văn, Toán, Tiếng Anh, Lý, Hoá; tổ chức ôn thi tốt nghiệp, luyện thi cao đẳng, đại học (cấp THPT) cho học sinh. Giáo viên được lựa chọn dạy thêm đều đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Việc dạy thêm học thêm tổ chức trong các nhà trường đều đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất; thực hiện đúng các quy định về thời gian; thu tiền học thêm theo quy định. Một số trường THPT tổ chức các lớp ôn tập không thu tiền cho các đối tượng học sinh yếu kém: Lạng Giang số 1, Việt Yên 1, Việt Yên 2, Lục Nam, Dân lập Hiệp Hoà 2...

Như vậy, việc dạy thêm học thêm trong các cơ sở giáo dục được tổ chức đúng quy định và có sự quản lý chặt chẽ.  

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có cá nhân, tổ chức ngoài nhà trường trên địa bàn thành phố Bắc Giang và một số huyện có tổ chức dạy thêm học thêm dưới hình thức các “Lò” luyện thi nhưng chưa được cấp giấy phép. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.

- Cử tri phản ánh học sinh các cấp phải đóng góp nhiều khoản tiền như các quỹ hội phụ huynh, tiền nước uống,tiền vệ sinh, tiền bảo vệ… Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét kiểm tra, có đánh giá cụ thể về mức độ hợp lý các khoản thu của các trường.

Ngay từ đầu năm học, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các huyện, thành phố, các phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc sở quản lý, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục năm học 2010-2011. Trong tháng 10/2010, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra việc thu, sử dụng các khoản thu trong nhà trường tại 100% các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở. Qua kiểm tra thực tế, việc thu tiền học phí, tiền dạy thêm học thêm, tiền gửi xe đạp được các cơ sở giáo dục thực hiện cơ bản đúng theo các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, một số trường học vẫn tổ chức thu hoặc lấy danh nghĩa hội phụ huynh học sinh để thu một số khoản ngoài quy định (tiền bảo vệ, tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh, tiền xã hội hóa giáo dục, quỹ khuyến học, quỹ hội phụ huynh học sinh, quỹ lớp, quỹ đoàn; tiền hỗ trợ tu sửa tăng cường cơ sở vật chất trường học...). Ngoài các khoản thu trên các trường còn thu một số khoản phục vụ người học (tiền đồng phục, tiền ăn và quản lý học sinh bán trú, tiền mua sách vở và đồ chơi cho học sinh) và các khoản thu hộ khác (BHYT, bảo hiểm thân thể) dẫn đến có nhiều khoản thu trong trường học.

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, yêu cầu các trường học dừng thu tất cả các khoản trái quy định; hoàn trả lại phụ huynh học sinh các khoản đã thu không đúng với quy định như quỹ khuyến học, quỹ phụ huynh học sinh, tiền điện, nước uống, vệ sinh ... Chỉ đạo các trường Mầm non, THCS thu học phí theo quy định tại Nghị quyết số 08/2010/NQ-HĐND ngày 15/7/2010 của HĐND tỉnh, thu tiền gửi xe của học sinh theo đúng quy định tại Nghị quyết số 11/2010/NQ-HĐND ngày 15/7/2010 của HĐND tỉnh.

- Cử tri kiến nghị đẩy mạnh phong trào tiết kiệm điện trong toàn thể nhân dân, đặc biệt là việc tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 - 2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 80/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006). Hàng năm UBND tỉnh đều ban hành Chỉ thị về việc thực hiện tiết kiệm điện và hiệu quả với các mục tiêu: Nâng cao nhận thức của cộng đồng, xây dựng ý thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả vì sự phát triển bền vững của đất nước, đưa hoạt động sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống hàng ngày của mọi gia đình và xã hội. Đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, ổn định cung cấp điện năng cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, hạn chế đến mức thấp nhất việc ngừng, giảm mức cung cấp điện.

Những biện pháp đã thực hiện để đẩy mạnh phong trào tiết kiện điện trong toàn thể nhân dân:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng như tăng thời lượng phát sóng trên Đài phát thanh, truyền hình tỉnh; tăng tin, bài về sử dụng điện tiết kiệm trên Báo Bắc Giang; thường xuyên phát các bản tin về tiết kiệm điện trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường.

- Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài chính, Công ty Điện lực Bắc Giang và UBND các huyện thường xuyên tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong các cơ quan quản lý nhà nước và tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng. Qua kiểm tra thực tế, tình hình thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn cho thấy đại đa số cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị đã nghiêm chỉnh chấp hành việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như tắt các thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi phòng làm việc, cắt nguồn điện khi không sử dụng và khi hết giờ làm việc. Tuy nhiên, còn một số cơ quan cán bộ, công chức chưa thực hiện triệt để việc thực hiện tiết kiệm điện, thiếu ý thức trong sử dụng điện tiết kiệm; hầu hết các cơ quan, đơn chưa có chế tài cụ thể để xử lý việc sử dụng điện lãng phí.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm. Tổ chức, hướng dẫn, thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 01/6/2009 của liên Bộ Tài chính, Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai xây dựng Chương trình tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015.

- Cử tri xã Canh Nậu, huyện Yên Thế phản ánh tiến độ dự án điện RE2 triển khai chậm, hiện nay còn 3 trạm điện chưa được đầu tư xây dựng.

Dự an REII xã Canh Nậu, huyện Yên Thế có 2 phần: Phần Trung áp do Công ty Điện lực Bắc Giang làm chủ đầu tư; phần Hạ áp do UBND tỉnh (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) làm chủ đầu tư. Tính đến tháng 11/2010, phần Hạ áp cơ bản đã hoàn tất, còn phần Trung áp chưa hoàn thiện. Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bắc Giang là do vướng mặt bằng thi công 05 vị trí cột đầu tuyến trạm biến áp số 6, người dân phản ứng quyết liệt không cho đi qua đất vườn, Công ty Điện lực Bắc Giang đã phối hợp với địa phương giải quyết nhiều lần không được, hiện tại đã phải xử lý thiết kế đi vòng sang hướng khác và đang chuẩn bị thi công, do đó tiến độ của dự án chậm hơn so với kế hoạch.

Trung bình (0 Bình chọn)