Trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

* Kiến nghị cử tri: “Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới rất chung chung như:

- Trong lĩnh vực chính trị: Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

- Trong lĩnh vực kinh tế: Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuê và tài chính theo quy định của pháp luật; lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.

Đề nghị nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới năm 2006 theo hướng cụ thể hóa các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung này)”

* Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 được Quốc hội thông qua năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Luật Bình đẳng giới ra đời đánh dấu bước tiến quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân ban hành, triển khai các biện pháp nhằm tăng cường vai trò, sự tham gia của cả nam và nữ trong quá trình phát triển của đất nước.

Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại 12 điều trong Luật Bình đẳng giới; Chương IV Nghị định số 48/2009/NĐ-CP (gồm 06 điều) quy định về quy trình, thủ tục đề nghị, kiến nghị ban hành, xây dựng, trình ban hành và hướng dẫn tổ chức thực hiện cũng như chấm dứt thực hiện các biện pháp thúc đy bình đẳng giới trong các lĩnh vực.

Sau 15 năm thi hành, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong một số lĩnh vực được ban hành đã góp phần giải quyết hoặc thu hẹp khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, góp phần thực hiện thành công ở mức độ nhất định các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực liên quan ở phạm vi quốc gia, các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên trên thực tế, một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có tính khả thi chưa cao, áp dụng không thống nhất ở các ngành, địa phương, cơ sở nên chưa khắc phục triệt để bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới như:

Trong lĩnh vực chính trị, Luật Bình đẳng giới còn thiếu quy định rõ ràng, bao quát về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, là căn cứ để các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định cụ thể hơn; chưa có quy định đảm bảo tỷ lệ mỗi giới phù hợp trong danh sách ứng cử viên đại biểu dân cử, cơ quan tổ chức bầu cử; trong các cơ quan nhà nước khác nhau. Bên cạnh đó, quy định chưa phù hợp về sự tham gia vào chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; thiếu quy định về vai trò, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong chính trị.

Trong lĩnh vực kinh tế, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chủ trang trại chỉ đạt 27,8%. Trong số các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 90,7%, rất khó đáp ứng được các điều kiện vay vốn ưu đãi chính thức để phát triển sản xuất hoặc hưởng thuế suất thấp hơn theo quy định của Luật Bình đẳng giới.

Một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới chưa được các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ ban hành để áp dụng và còn thiếu các quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện biện pháp, quy định về các điều kiện bảo đảm thực hiện hoặc chấm dứt thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Trên cơ sở những tồn tại, vướng mắc nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức, nghiên cứu, xây dựng đề nghị sửa đổi Luật Bình đẳng giới, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất các quy định liên quan đến các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới Tại Tờ trình số 63/TTr-CP ngày 25/02/2021 của Chính phủ, Dự án Luật Bình đẳng giới (sửa đổi) thuộc nhóm 10 dự án luật, pháp lệnh được các cơ quan đề xuất tiếp tục nghiên cứu xây dựng và Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm khi đáp ứng yêu cầu./.

BGP.

 

Trung bình (0 Bình chọn)