Trả lời kiến nghị cử tri lĩnh vực Văn hóa (sau Kỳ họp thứ 9).

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Cử tri các trường Mầm non công lập trên địa bàn huyện Lục Ngạn đề nghị: UBND tỉnh giao thêm chỉ tiêu biên chế giáo viên nhà trẻ cho các trường mầm non thuộc vùng I để đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi ra lớp. Vì hiện nay trong kế hoạch giao hàng năm không được giao chỉ tiêu nhóm trẻ công lập, mà chỉ giao chỉ tiêu huy động nhóm.

- Thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 và Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 14/8/2023 của Tỉnh ủy Bắc Giang quản lý biên chế tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2026, giai đoạn 2022-2026 tỉnh Bắc Giang phải tinh giản ít nhất 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức (bao gồm cả viên chức khối sự nghiệp giáo dục). Mặc dù vậy, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm đến ngành giáo dục: thực hiện cắt giảm biên chế của các đơn vị sự nghiệp khác, giao bổ sung giáo viên khi được Trung ương giao bổ sung hoặc từ nguồn cắt giảm của các đơn vị sự nghiệp khi chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên. Do vậy, tỷ lệ giáo viên/lớp tại các cấp học trên địa bàn tỉnh nói chung và của huyện Lục Ngạn cơ bản đảm bảo theo quy định và cao hơn mặt bằng chung của tỉnh (Tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình năm học 2022-2023 của toàn tỉnh: khối Mầm non là 2,0, khối Tiểu học: 1,4; khối THCS: 1,89).

Đối với huyện Lục Ngạn, năm học 2022-2023 được UBND tỉnh bổ sung 50 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, tổng biên chế khối mầm non năm 2023 là 1099 viên chức và 136 hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 19/NQ-HĐND, tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,95.

Để thực hiện Chương trình GDPT 2028 và để đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định, đảm bảo giáo viên dạy nhóm trẻ trong các trường mẫu giáo công lập, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị giao bổ sung biên chế giáo viên; đồng thời trình HĐND tỉnh giao bổ sung lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về việc hợp đồng đối với một số loại công việc trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cho các cơ sở giáo dục còn chưa đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định (trình tại kỳ họp thường lệ tháng 12/2023).

2. Cử tri xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn đề nghị: UBND tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để phục dựng lại nhà sàn văn hóa dân tộc Cao Lan của xã, vì nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ đáp ứng việc sửa chữa tạm thời đối với những hạng mục xuống cấp nặng như: phần mái, sàn nhà và cầu thang.

Nhà sàn Văn hóa dân tộc Cao Lan, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn là công trình có giá trị về kiến trúc truyền thống, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc bố trí ngân sách để sửa chữa, nâng cấp, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng địa phương là cần thiết.

Năm 2022, UBND huyện Lục Ngạn đã bố trí 704 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để đầu tư sửa chữa, nâng cấp Nhà sàn văn hóa dân tộc Cao La, xã Đèo Gia. Tuy nhiên, do khó khăn trong huy động nguồn vốn đối ứng, nên chủ đầu tư (UBND xã Đèo Gia) chưa triển khai được dự án nêu trên; nguồn vốn 704 triệu đồng của dự án được chuyển sang thực hiện trong năm 2023. Tiếp thu ý kiến của cử tri, để việc sửa chữa, tôn tạo Nhà sàn văn hóa dân tộc Cao Lan xã Đèo Gia đảm bảo chất lượng và hiệu quả lâu dài, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, ngày 04/10/2023, UBND huyện Lục Ngạn đã trình HĐND huyện thông qua Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, trong đó phê duyệt bố trí bổ sung thêm kế hoạch vốn năm 2024 là 1.617 triệu đồng (từ nguồn vốn Chương trình MTQG và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác), nâng tổng mức đầu tư dự án thành 2.321 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp tổng thể công trình (bao gồm tu sửa Nhà sàn văn hóa và xây dựng các công trình phụ trợ: sân, giếng nước, nhà vệ sinh…). Dự án sẽ được UBND xã Đèo Gia tổ chức khởi công xây dựng trong tháng 10/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2024, qua đó đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân địa phương.

3. Cử tri các xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn được thụ hưởng Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn sớm ban hành hướng dẫn liên ngành thực hiện dự án 2 và tiểu dự án 1, dự án 3 thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021- 2025 để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Ngày 24/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - TB&XH phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT ban hành Hướng dẫn số 02/HDLN-SLĐTB&XHSKH&ĐT-SNN&PTNT-STC ngày 05/7/2023 hướng dẫn thực hiện Dự án 2 - Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án 1 - Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Cơ sở pháp lý đến nay đã đầy đủ để các địa phương căn cứ tổ chức thực hiện Dự án 2 và Tiểu dự án 1 của Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.

4. Cử tri thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên phản ánh: Hiện nay dọc tuyến Quốc lộ 17 và các tuyến đường tỉnh, huyện khác có nhiều cáp, dây, cột của các nhà mạng viễn thông không sử dụng làm ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn cháy nổ, giao thông. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng xem xét, giải quyết, đồng thời có lộ trình cụ thể để ngầm hóa dây cáp viễn thông cho phù hợp

UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Tân Yên kiểm tra, xem xét kiến nghị của cử tri.

Ngày 18/8/2023, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên đã ban hành Công văn số 1729/UBND-VHTT yêu cầu Các doanh nghiệp Viễn thông Tân Yên, Viettel Tân Yên, FPT chi nhánh Tân Yên tiến hành kiểm tra, rà soát và tiến hành rút các dây cáp, di chuyển hệ thống cột hiện đang không sử dụng; đồng thời bó gọn, chỉnh trang lại toàn bộ các tuyến cáp dọc tuyến quốc lộ 17, các tuyến đường tỉnh, huyện trên địa bàn thị trấn Cao Thượng. Đến hết ngày 20/9/2023, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn (Viễn thông Tân Yên, Viettel Tân Yên, FPT chi nhánh Tân Yên) đã bố trí nhân lực tổ chức thi công xong việc thu rút các dây cáp không còn sử dụng, đồng thời bó gọn, chỉnh trang lại toàn bộ các tuyến cáp dọc Quốc lộ 17, các tuyến đường tỉnh, liên huyện trên địa bàn thị trấn Cao Thượng. Cụ thể như sau:

+ Trên Quốc lộ 17: Đoạn từ Đồi Đỏ, TT Cao Thượng đi đến thôn Chiềng, xã Liên Sơn.

+ Trên đường tỉnh 294: Đoạn từ ngã 4, TT Cao Thượng (đèn xanh, đèn đỏ) đi đến hết phố Bùi, TT Cao Thượng.

+ Trên đường Cầu Vồng: Đoạn từ ngã 3 Bưu Điện đi đến hết phố Ngô Xá, TT Cao Thượng.

+ Trên đường Cao Kỳ Vân (đèn xanh, đèn đỏ) đi đến chợ Mọc, TT Cao Thượng.

Trong thời gian tới, UBND huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo Phòng VH&TT huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên kiểm tra, rà soát, chỉnh trang, bó gọn hệ thống các tuyến cáp trên địa bàn huyện nói chung và địa bàn thị trấn Cao Thượng nói riêng đảm bảo mỹ quan, an toàn cháy nổ, giao thông./.

BGP.

 

Trung bình (0 Bình chọn)