Trả lời kiến nghị cử tri Lĩnh vực Kinh tế và Ngân sách (Phần 3)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Cử tri huyện Lạng Giang: Đề nghị UBND tỉnh có những giải pháp, cơ chế kích cầu hỗ trợ phát triển đàn lợn cho các hộ chăn nuôi, nhất là các trang trại chăn nuôi để tái đàn nhanh, nhằm phát triển kinh tế và góp phần ổn định giá thực phẩm.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, các huyện, thành phố thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, tạo nguồn vốn cho tái sản xuất. Tổng kinh phí hỗ trợ bị thiệt hại do dịch bệnh 399,4 tỷ đồng. Tổ chức tập huấn tái đàn và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học sau dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và duy trì 10 tổ công tác tại 10 huyện, thành phố. Hỗ trợ 165 triệu đồng cho 03 cơ sở nuôi giữ giống gốc phẩm cấp giống ông bà (năm 2019 là 81 triệu đồng, năm 2020 là 84 triệu đồng). Xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn dịch bệnh đàn lợn nái phục vụ công tác tái đàn, tổng kinh phí hỗ trợ 810 triệu đồng, trong đó: hỗ trợ hóa chất cấp phát cho các huyện, thành phố thực hiện công tác tiêu độc khử trùng. UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có chính sách khoanh nợ, giãn nợ và ưu tiên cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất. Kết quả công tác tái đàn lợn của tỉnh vượt kế hoạch đề ra.

2. Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: UBND tỉnh xem xét miễn, giảm phí chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác theo địa danh mới đối với các thôn, tổ dân phố mới được sáp nhập theo Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh.

Theo quy định tại Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh quy định: Điểm 5.2, Khoản 5, Mục B Quy định: Miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn trừ hộ gia đình, cá nhân tại các phường thuộc Thành phố Bắc Giang; Điểm 1.4, Khoản 1, Mục B Quy định: Không thu lệ phí (đính chính sổ hộ khẩu, số tạm trú) đối với trường hợp đính chính lại địa chỉ do Nhà nước thay đổi địa giới hành chính, đường phố, số nhà; Đối với lệ phí cấp chứng minh nhân dân: Theo quy định tại Luật căn cước công dân, từ 01/01/2020 thực hiện thống nhất việc cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, mức thu lệ phí cấp căn cước công dân thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính. Sở Tài chính  đang dự thảo quy định bãi bỏ quy định thu lệ phí cấp giấy chứng minh nhân dân.

Như vậy, các hộ gia đình, cá nhân sống tại các thôn, tổ dân phố mới được sáp nhập theo Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh tại huyện Lục Nam không phải nộp phí, lệ phí khi làm lại các loại giấy tờ nêu trên.

3. Một số trường học của huyện Lục Nam phản ánh: Việc mua sắm tài sản tập trung phục vụ nhiệm vụ chuyên môn (máy vi tính, máy in …) đã đăng ký gửi về Sở Tài chính nhưng việc cung cấp tài sản còn chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch dạy và học của nhà trường. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét khắc phục.

Nội dung cử tri phản ánh việc cung cấp tài sản chậm là đúng.

- Giải pháp khắc phục tồn tại và định hướng công tác mua sắm tập trung trong thời gian tới: Trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của một số cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính đã tổng hợp, tiếp thu và tham mưu UBND tỉnh giải pháp khắc phục tồn tại trong công tác MSTT tại văn bản số 921/STC-QLCS&TH ngày 22/4/2021 báo cáo tình hình thực hiện mua sắm tập trung tài sản nhà nước. Ngày 23/4/2021, UBND tỉnh đã có Thông báo số 143/TB-UBND về Kết luận Phiên giao ban Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh ngày 22/4/2021; theo đó, công tác mua sắm tập trung thực hiện cho năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ thực hiện như sau:

“1. Điều chỉnh danh mục tài sản MSTT: Danh mục tài sản MSTT giảm từ 11 xuống còn 5 danh mục MSTT gồm:

- Máy vi tính để bàn, máy vi tính xách tay, máy in (không bao gồm: máy chủ, máy tính bảng và các loại máy móc chuyên dùng).

- Phần mềm quản lý, phần mềm dạy học áp dụng cho các trường mầm non, phổ thông công lập. (Hiện tại danh mục tài sản MSTT gồm gồm: máy vi tính để bàn, máy vi tính xách tay, máy in, máy chiếu, máy photocopy, điều hòa nhiệt độ; Bộ thí nghiệm, thực hành các môn Lý, Hóa, Sinh; phần mềm quản lý, phần mềm dạy học áp dụng cho các trường mầm non, phổ thông công lập).

2. Phân cấp thực hiện mua sắm tập trung cho UBND các huyện, thành phố, các cơ quan để chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện:

- Sở Tài chính thực hiện mua sắm tài sản tập trung theo đăng ký của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý đối với danh mục tài sản MSTT là Máy vi tính để bàn và máy vi tính xách tay, máy in.

- UBND các huyện, thành phố Bắc Giang tổ chức thực hiện mua sắm tập trung theo đăng ký của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, xã quản lý đối với danh mục tài sản MSTT là Máy vi tính để bàn và máy vi tính xách tay, máy in.

- Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện mua sắm tài sản tập trung theo đăng ký của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đối với danh mục tài sản MSTT là phần mềm quản lý, phần mềm dạy học áp dụng cho các trường mầm non, phổ thông công lập.”

4. Cử tri xã Đông Lỗ, Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp như: Lân đạm, thuốc bảo vệ thực vật... trên địa bàn huyện.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang đã ban hành Công văn số 65/CQLTT-TTPC ngày 27/01/2021 chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 2 tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, đặc biệt là 2 xã Đông Lỗ và Hùng Sơn, xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện vi phạm.

- Về thực trạng buôn bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã Đông Lỗ có 14 cơ sở; xã Hùng Sơn có 07 cơ s. Qua công tác quản lý địa bàn 2 xã Đông Lỗ và Hùng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 2 chưa phát hiện cơ sở nào buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng lân đạm, thuốc bảo vệ thực vật.

- Đội Quản lý thị trường số 2 đã triển khai các biện pháp sau:

+ Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón; Nghị đinh số 55/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y,…

+ Tổ chức ký cam kết đối với 21 cơ sở không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Bảo quản phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, ghi nhãn hàng hóa theo đúng quy định,... Nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Để đảm bảo hiệu quả, quản lý trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 2 tiếp tục tăng cường công tác nắm bắt địa bàn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về chính sách, pháp luật trong đó có quy định đối với các mặt hàng vật tư nông nghiệp; tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện…

5. Cử tri thôn Ruồng, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn: Đề nghị UBND tỉnh xây dựng đập chứa nước Khe My (thuộc cụm Hồ Hàm Rồng) để phục vụ tưới tiêu cho nhân dân trong vùng.

Đập chứa nước Khe My thuộc hệ thống thủy lợi hồ Ruồng, huyện Lục Ngạn đã được UBND tỉnh đề xuất với Trung ương sử dụng vốn JICA của Chính phủ Nhật Bản (theo nội dung Công văn số 5418/BKHĐT-KTĐN ngày 18/8/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư); tổng kinh phí dự kiến 91,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.

6. Cử tri huyện Sơn Động phản ánh: Công ty TNHH MTV xây dựng và cấp nước Hà Bắc đang quản lý 16 công trình tại các xã Tuấn Đạo, Dương Hưu, Long Sơn, thị trấn Tây Yên Tử, An Bá, Yên Định và thị trấn An Châu, trong đó 14 công trình công ty giao lại cho địa phương tự điều hành và tự sử dụng đến nay các công trình đã xuống cấp, hư hỏng không có kinh phí để sửa chữa hoặc không sửa chữa nâng cấp, còn 02 công trình cấp nước sinh hoạt cho thị trấn An Châu đang hoạt động nhưng không đảm bảo chất lượng, nước nổi váng, đục và có mùi hôi tanh nhưng Công ty không kịp thời xử lý, không thông tin đến người sử dụng. Qua lấy mẫu nước tại đầu vòi trạm cấp nước thị trấn An Châu và 1 số hộ gia đình đang sử dụng, kết quả không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT). Cử tri huyện Sơn Động đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xem xét, thu hồi và bàn giao toàn bộ 16 công trình trên cho UBND huyện và các xã trên địa bàn huyện tìm nguồn kinh phí, mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt đủ tiêu chuẩn cho nhân dân trên địa bàn.

 Ngày 13/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 71/UBND-XD về việc bàn giao một số công trình nước sạch trên địa bàn huyện Sơn Động giao cho UBND huyện Sơn Động quản lý, khai thác 15 công trình (trong tổng số 17 công trình do Công ty TNHH MTV Xây dựng và Cấp nước Hà Bắc quản lý có 02 công trình Công ty trực tiếp điều hành, khai thác; 13 công trình Công ty để cho các xã tự điều hành, khai thác; 02 công trình không còn: Công trình 2 thị trấn An Châu (cũ) UBND huyện Sơn Động đã thanh lý; Công trình thôn Đồng Thông đã phá dỡ giải phóng mặt bằng cho Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử)./.

 

                                                                                           Nguyệt Ánh (Tổng hợp).

 

Trung bình (0 Bình chọn)