Trả lời kiến nghị cử tri Lĩnh vực Kinh tế và Ngân sách (Phần 3)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Cử tri huyện Sơn Động phản ánh: Hiện nay thị trấn An Châu có 02 tuyến Quốc lộ đi qua (QL31 và QL279), tổng chiều dài 4,5km; kết cấu mặt đường là bê tông asphalt, bề rộng mặt đường 8m, tuy nhiên rãnh thoát nước dọc 2 bên đường đã hư hỏng nhiều đoạn, vỉa hè chưa được đầu tư đồng bộ nên ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân sinh sống 2 bên đường và người tham gia giao thông. Để công tác quản lý và phát triển hạ tầng phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt, đồng thời chỉnh trang đô thị cho đồng bộ. Đề nghị UBND tỉnh đầu tư nâng cấp 02 tuyến đường quốc lộ đoạn qua trung tâm thị trấn An Châu (mở rộng mặt đường, xây lại rãnh thoát nước 2 bên đường, lát vỉa hè).

UBND tỉnh đã đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 để thực hiện.

2. Cử tri xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng đề nghị: Tuyến kênh Miếu Cụ hiện nay đã xuống cấp, không đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Cầu Sơn nâng cấp, sửa chữa.

Tuyến kênh tưới Miếu Cụ có chiều dài 2km, đã kiên cố hóa được 0,7 km do Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Sông Thương quản lý. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh bố trí kinh phí 3,8 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ và phát triển đất trồng lúa năm 2021 để đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh Miếu Cụ, thời gian thực hiện dự án này trong năm 2021- 2022.

3. Cử tri xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng: đề nghị nạo, vét kè kênh N7 từ thôn Giá đến ngòi Bún để phục vụ việc tiêu thoát nước.

Tuyến kênh tiêu N7 là kênh đất, có chiều dài khoảng 3,5 km, chiều rộng đáy kênh trung bình từ 5-6m, do UBND huyện Yên Dũng quản lý. Kênh có nhiệm vụ tiêu cho 587 ha diện tích đất nông nghiệp, công nghiệp (500 ha diện tích nông nghiệp và dân sinh của xã Nội Hoàng và 87 ha của Khu công nghiệp Vân Trung giai đoạn 2). Tuyến kênh hiện tại đã bị xuống cấp, lòng kênh bị bồi lắng, bờ kênh bị sạt lở, bèo và thực vật thủy sinh phát triển mạnh gây ách tắc dòng chảy. Mặt khác đoạn đầu tuyến có chiều dài 0,9 km chưa được Công ty Fu Giang cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch được duyệt.

Ngày 13/4/2021, UBND huyện Yên Dũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND xã Nội Hoàng và Xí nghiệp KTCTTL Nam Yên Dũng, Công ty TNHH Fugiang, Công ty Cổ phần Phát triển Fuji Bắc Giang kiểm tra tuyến kênh N7, kết quả đã xác định được nguyên nhân ách tắc dòng chảy tuyến kênh N7 là do Công ty Cổ phần Phát triển Fuji Bắc Giang đang tiến hành xây dựng kè mái kênh phía bờ hữu có đắp chặn dòng để thi công. Để đảm bảo các quy định của pháp luật về Thủy lợi và đảm bảo tiêu thoát nước trên tuyến kênh N7, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu Công ty Cổ phần Phát triển Fuji Bắc Giang tạm dừng thi công công trình và xin cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; đồng thời, phá bỏ bờ quây, nạo vét bùn đất và vật cản dưới lòng kênh xong trước ngày 16/4/2021. Đến nay, các nội dung đã hoàn thành và trả lại lòng kênh đảm bảo tiêu thoát nước.

4. Cử tri thôn Sậu, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng lắp đặt hệ thống biển báo khu vực đông người trên đường tỉnh 294, đoạn cổng trường học Mầm non và Tiểu học Nguyên Hồng, xã Quang Tiến để đảm bảo an toàn giao thông.

Tại khu vực hiện nay đã có biển cảnh báo trẻ em, biển cảnh báo giao nhau với đường không ưu tiên cơ bản đảm bảo ATGT trong khu vực. Hiện nay UBND tỉnh đang giao Ban QLDA ĐTXD các CTGT, nông nghiệp tỉnh triển khai đầu tư nâng cấp tuyến đường, dự kiến khởi công trong năm 2021. Các nội dung cử tri kiến nghị sẽ được hoàn thiện trong dự án hoàn thành

5. Cử tri thôn Hương, thôn Hậu xã Liên Chung, huyện Tân Yên phản ánh: Đã nhiều lần Công ty gạch Đại Thắng tổ chức hội nghị xin ý kiến về đánh giá tác động môi trường để thực hiện dự án khai thác đất vật liệu sản xuất gạch tại chân núi Dành và núi Châu thôn Hương, xã Liên Chung; các đại biểu dự hội nghị đều không nhất trí cho công ty gạch Đại Thắng thực hiện dự án, với lý do: Nếu cho phép khai thác đất tại chân Núi Dành và núi Châu thôn Hương sẽ phá vỡ không gian cảnh quan, môi trường sinh thái của khu du lịch Tâm linh - sinh thái núi Dành, gây ô nhiễm môi trường và tiểm ẩn nguy cơ sạt lở đất rất cao. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường bố trí khu vực khác để Công ty gạch Đại Thắng thực hiện dự án khai thác đất sản xuất vật liệu xây dựng.

Công ty cổ phần gạch Đại Thắng (xã Quế Nham, huyện Tân Yên) được UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản đất sét gạch tại khu vực núi La, núi Đình, thôn Um Ngò, xã Việt Lập; khu Hố Măng, thôn Hậu và khu Núi Châu, thôn Hương, xã Liên Chung, huyện Tân Yên theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 11/9/2018 để cung cấp nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy gạch của Công ty, với diện tích 17,4 ha gồm 02 khu là: Núi Châu, thôn Hương, xã Liên Chung diện tích 4,4ha; khu vực núi La, núi Đình, thôn Um Ngò, xã Việt Lập; khu Hố Măng, thôn Hậu, xã Liên Chung có diện tích 13,0 ha.

Sau khi thăm dò, Công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 17/6/2019; chấp thuận thực hiện dự án khai thác sét gạch ngói tại văn bản số 894/UBND-ĐT ngày 09/3/2020; phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác theo Quyết định số 1140/QĐ-UBND ngày 10/12/2020. Hiện tại Công ty đang lập thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản. Tại khu vực trên chưa tiến hành khai thác và hiện khu vực mỏ còn nguyên trạng; vị trí, khoảng cách từ ranh giới mỏ gần nhất (khu hố Măng, thôn Hậu xã Liên Chung) đến chân núi Dành khoảng 350m. Khu vực này nằm ngoài khu vực tâm linh, sinh thái núi Dành, đã được đưa vào quy hoạch sân golf và du lịch tâm linh sinh thái núi Dành giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhằm đảm bảo cấp phép nguồn nguyên liệu cho Nhà máy của Công ty cổ phần gạch Đại Thắng và đồng thời đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đề nghị Công ty cổ phần Đại Thắng:

 + Tiếp tục phối hợp với UBND xã Liên Chung, BQL thôn Hậu, thôn Hương, xã Liên Chung và các cơ quan chuyên môn của huyện Tân Yên thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến nhân dân khu vực có khoáng sản được đưa vào khai thác theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 03/8/2020 của UBND tỉnh; chỉ xem xét, cấp phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp khi có ý kiến nhất trí của nhân dân.

+ Trước mắt tập trung lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác tại khu vực núi La, núi Đình, thôn Um Ngò, xã Việt Lập và khu núi Châu, thôn Hương, xã Liên Chung theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh phê duyệt.

+ Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tạo mối quan hệ mật thiết; thực hiện thỏa thuận, hỗ trợ địa phương chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật; cam kết duy tu, sữa chữa tuyến đường giao thông nếu gây hư hại, hỏng hóc.

 Yêu cầu UBND huyện Tân Yên chỉ đạo các cơ quan liên quan của huyện, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND xã Liên Chung, UBND xã Việt Lập tiến hành rà soát lại quy hoạch khu tâm linh, sinh thái núi Dành, quy hoạch sân golf; trên cơ sở đó đôn đốc, hướng dẫn, trả lời doanh nghiệp khi đề nghị lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp.

6. Cử tri xã Lan Giới, huyện Tân Yên phản ánh: Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri tháng 7/2018, cử tri xã Lan Giới có ý kiến đến Thường trực HĐND tỉnh với nội dung: Hiện nay nước đập Đá Ong bị ô nhiễm nặng nề do chất thải, nước thải chăn nuôi lợn của hộ ông Quảng thuộc địa bàn thôn Cầu Thầy, xã An Thượng, Yên Thế thải vào đập làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt các hộ xung quanh và nước phục vụ sản xuất của hai thôn Đá Ong và Đồn Hậu, xã Lan Giới. Nội dung này đã được cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay, hộ ông Quảng (xã An Thượng huyện Yên Thế) đã cho hộ khác thuê trang trại để chăn nuôi lợn, việc chăn nuôi đã gây bốc mùi hôi thối khó chịu và ảnh hưởng môi trường các hộ sinh sống lân cận. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài Nguyên & Môi trường phối hợp với UBND huyện Yên Thế đánh giá tác động môi trường đối với trang trại trên, kịp thời có biện pháp khắc phục việc ô nhiễm môi trường không khí để đảm bảo đời sống và sinh hoạt của người dân.

Ngày 06/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Yên Thế, UBND xã An Thượng, huyện Yên Thế và UBND xã Lan Giới, huyện Tân Yên kiểm tra thực tế và làm việc với ông Nguyễn Văn Quảng (chủ cơ sở chăn nuôi lợn) cho thấy: Ông Nguyễn Văn Quảng là chủ Trang trại chăn nuôi lợn thịt thương phẩm, chăn nuôi lợn nái tại xã An Thượng, huyện Yên Thế (giáp ranh với xã Lan Giới, huyện Tân Yên), chủ cơ sở đã lập và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết tại Quyết định số 1975/QĐ-UBND ngày 10/12/2014 đối với hoạt động chăn nuôi lợn.

Theo báo cáo của chủ cơ sở: Thời gian qua do tình hình dịch tả lợn châu Phi cơ sở hoạt động chăn nuôi không thường xuyên, hiện tại đã giảm quy mô chăn nuôi 300 lợn nái và 2.500 lợn thịt (theo thiết kế là 600 lợn nái và 3.000 lợn thịt); cơ sở đã thực hiện bố trí hệ thống thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi (máy tách phân thu hồi phân, bể biogas bạt HDPE, 02 bể lắng, 02 bể lọc); về khí thải cơ sở đã thực hiện bố trí chuồng trại theo quy chuẩn, lắp đặt quạt thông gió, sử dụng chế phẩm vi sinh khử mùi phun chuồng trại và bổ sung vào thức ăn, trồng cây xanh xung quanh để giảm thiểu mùi phát sinh; tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi cho nên cơ sở chưa thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ năm 2019, 2020 và quý I/2021 để đánh giá chất lượng môi trường.

Ngày 15/4/2021, Chi cục Bảo vệ môi trường đã tham mưu phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thế, UBND xã An Thượng và UBND xã Lan Giới tổ chức lấy mẫu quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường đối với cơ sở chăn nuôi lợn, cho thấy các thông số quan trắc môi trường không khí xung quanh đều đạt giới hạn quy chuẩn cho phép.

Yêu cầu ông Nguyễn Văn Quảng duy trì vận hành thường xuyên các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung Đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt, đảm bảo chất thải được xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường; thực hiện đầy đủ chương trình giám sát môi trường định kỳ và công khai thông tin với chính quyền địa phương, UBND xã Lan Giới để trả lời cử tri và nhân dân; Đề nghị UBND xã An Thượng, UBND xã Lan Giới tiếp tục theo dõi, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, hoạt động xả thải của cơ sở chăn nuôi lợn, kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Quảng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).

                                                                                                                                                  Nguyệt Ánh (Tổng hợp).

 

Trung bình (0 Bình chọn)