Tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của Ủy ban MTTQ, các Ban của HĐND tỉnh và cử tri trong lĩnh vực văn hóa - xã hội

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tiếp tục việc tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Ủy ban MTTQ, các Ban của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và cử tri; Giám đốc các sở, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã xem xét và trả lời 07 ý kiến, kiến nghị trong lĩnh vực văn hóa – xã hội như sau:

 

1- Cử tri huyện Lục Ngạn và Yên Thế phản ánh: Việc chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ còn chậm, thủ tục phiền hà, gây khó khăn cho người dân. Đề nghị cấp kịp thời và giảm bớt thủ tục hành chính.

Việc cử tri các huyện Lục Ngạn và Yên Thế phản ánh như ở trên là có cơ sở vì các nguyên nhân sau: Thứ nhất, giai đoạn 2010-2011 việc chi trả tiền cho học sinh, sinh viên chậm là do đến cuối năm 2011 và đầu năm 2012 Bộ Tài chính mới cấp bổ sung kinh phí để thực hiện (Bộ Tài chính cấp tại Công văn số 15545/BTC-NSNN ngày 16/11/2011 và Công văn số 2749/BTC-NSNN ngày 02/3/2012). Thứ hai, một số UBND huyện, thành phố chưa chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổng hợp nhu cầu chi trả bù miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và phân bổ dự toán kinh phí cho các đơn vị kịp thời theo quy định. Thứ ba, trình tự thủ tục hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGD&ĐT-BTC-BLĐTB&XH của Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bộ Tài chính-Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn nhiều thủ tục, hồ sơ, tài liệu, gây khó khăn cho người dân.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tại các huyện, thành phố về tình hình quản lý, sử dụng kinh phí bù miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập năm học 2010-2011, năm học 2011-2012 và học kỳ I năm học 2012-2013. Qua kiểm tra đã kiến nghị UBND các huyện, thành phố xử lý các sai phạm đồng thời yêu cầu chi trả kịp thời cho các đối tượng được hưởng chính sách theo đúng quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP (Tại Công văn số 120/SGD&ĐT-KHTC ngày 28/01/1013 về việc tham gia ý kiến vào dự thảo Tờ trình Chính phủ và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP) để  giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

 

2- Cử tri xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường trang thiết bị y tế cho Phòng khám đa khoa Tân Sơn để đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Hiện tại Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Sơn có 68/94 (chiếm 72,3%) chủng loại trang thiết bị y tế theo danh mục quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 431/QĐ-BYT ngày 10/02/2009. Trong số trang thiết bị y tế hiện có tại Phòng khám, đã có đủ những loại thiết bị thường quy để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh theo phân tuyến của Bộ Y tế. Tuy nhiên, so với danh mục quy định của Bộ Y tế, Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Sơn còn thiếu 26 chủng loại trang thiết bị y tế (tương đương 27,7%). Tính đến tháng 10/2011 đã hoàn thành việc xây dựng mới, cải tạo cơ sở vật chất của Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Sơn và đã đưa vào sử dụng với số kinh phí được cấp là 4,1 tỷ đồng (tổng kinh phí là 4,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí cho nâng cấp trang thiết bị y tế là 400 triệu đồng) bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Phần kinh phí còn thiếu để nâng cấp trang thiết bị y tế từ nguồn Trái phiếu Chính phủ đến nay chưa được Trung ương cấp do tình hình suy thoái kinh tế nói chung. Đây là tình trạng chung của các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước, trong đó có Bắc Giang.

Tiếp thu ý kiến cử tri, trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu cân đối phân bổ kinh phí đầu tư, nâng cấp trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế nói chung và của Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Sơn nói riêng.

3- Cử tri xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn phản ánh: Nhân dân 3 thôn vùng 135: thôn Bừng Rồng, Bừng Ruộng và Bừng Núi thiếu nước sạch để sinh hoạt. Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch cho khu vực này.

 

Theo quy định tại Quyết định 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 của Ủy ban Dân tộc, trong đó các thôn Bừng Rồng, Bừng Ruộng, Bừng Núi của xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn chưa phải là thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135/TTg.

 

Việc đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung theo Chương trình 134/TTg được xác định theo thứ tự ưu tiên từ địa bàn khó khăn nhất đến địa bàn ít khó khăn hơn. Nơi được đầu tư phải đảm bảo điều kiện có nguồn nước tự chảy đáp ứng yêu cầu xây dựng công trình và có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên 50% đối với thôn, bản. Đối chiếu với các quy định hiện hành về đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung theo Chương trình 134/TTg trên địa bàn tỉnh: 02 thôn Bừng Rồng, Bừng Ruộng không đủ tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số, riêng thôn Bừng Núi có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên 50%, nhưng không có nguồn nước tự chảy, nên không thuộc đối tượng đầu tư thuộc Chương trình 134/TTg.

Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh sẽ giao Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn khác thuộc Chương trình MTQG để đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch theo đề nghị của cử tri.

 

4- Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: UBND tỉnh khi phân bổ kinh phí chi cho Trạm y tế xã, nên căn cứ vào số dân. Hiện nay xã đông dân (17 nghìn dân) cũng chỉ được cấp kinh phí bằng các xã ít dân (3 nghìn dân).

Việc phân bổ kinh phí cho các Trạm y tế xã đã và đang thực hiện trên cơ sở dân số, vùng, miền và số cán bộ y tế. Riêng kinh phí bố trí cho chi thường xuyên của Trạm y tế xã được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 119/2002/TTLT-BTC-BYT ngày 27/12/2002 của Bộ Tài chính và Bộ Y tế về hướng dẫn nội dung thu, chi và mức chi thường xuyên của Trạm y tế xã. Tại Thông tư này có quy định việc phân bổ kinh phí chi thường xuyên cho các Trạm y tế xã là theo đơn vị Trạm y tế chứ không theo số dân, cụ thể là tối thiểu không dưới 10 triệu đồng/trạm y tế xã/năm. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã bố trí từ nguồn ngân sách để phân bổ kinh phí chi thường xuyên cho các Trạm y tế xã ở mức 20 triệu đồng/trạm y tế/năm. Như vậy, kinh phí chi thường xuyên cho các Trạm y tế xã, tỉnh đã phân bổ cao hơn so với quy định hiện hành.

 

5- Cử tri huyện Lục Nam phản ánh: Việc thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương còn bất cập như: Hỗ trợ thóc giống chất lượng kém, không kịp thời vụ, giá cao hơn giá thị trường (giá thị trường chỉ có 125.000 đồng/kg nhưng giá hỗ trợ là 145.000 đồng/kg). Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để các hộ chủ động sản xuất.

- Năm 2012, huyện Lục Nam được UBND tỉnh cân đối 3.952,62 triệu đồng để thực hiện chính sách giống lúa lai và giống lúa thuần, kinh phí còn dư theo định mức của từng hộ được chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ. Căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát và báo cáo của UBND huyện Lục Nam trong năm 2012 đã hoàn thành 100% kế hoạch, thực hiện hỗ trợ 101.079 kg thóc giống, bao gồm lúa lai và lúa thuần; các loại giống lúa khi cung ứng được kiểm nghiệm chất lượng theo quy định, đảm bảo thời vụ, chất lượng và giá cả theo quy định (giá cung ứng thực tế thấp hơn 2.000 đồng/kg so với quy định về giá trần của Sở Tài chính). Qua kết quả mùa vụ năm 2012 cho thấy giống lúa được cung ứng đã sinh trưởng phát triển tốt đảm bảo năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, do giống lúa lai cần đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao hơn so với giống lúa thuần, nên một số hộ (cụ thể tại xã Lục Sơn) chưa có kinh nghiệm gieo trồng, chăm sóc giống lúa lai dẫn đến năng suất, sản lượng thấp. Ý kiến phản ánh trên của cử tri xã Lục Sơn đã được UBND huyện Lục Nam trả lời tại kỳ họp thứ V, HĐND huyện Lục Nam khóa XVII (ngày 18 -19/12/2012), đến nay, cử tri không còn kiến nghị gì thêm.

        Để các hộ được hỗ trợ chủ động trong việc mua giống, vật tư phục vụ phát triển sản xuất, đầu năm 2013, Ban Dân tộc đã có Công văn số 07/BDT-CS ngày 07/01/2013 hướng dẫn các huyện triển khai thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

6- Cử tri xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang đề nghị: Tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ để động viên, khuyến khích các làng, thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu “Làng văn hóa” cấp tỉnh.

 

Thời gian qua, để thúc đẩy Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và động viên các làng, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, hàng năm Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đều chỉ đạo UBND các huyện, thành phố lựa chọn những đơn vị thực sự tiêu biểu để đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xét cấp Bằng công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” cấp tỉnh và khen thưởng tại Hội nghị tổng kết Phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh. Đây cũng là cơ chế riêng của tỉnh Bắc Giang để động viên, khuyến khích các làng văn hóa có thành tích nhiều năm (quy định chung trên toàn quốc không có danh hiệu này).

 

Việc ban hành thêm cơ chế, chính sách để hỗ trợ, động viên, khuyến khích các làng, bản, tổ dân phố nhiều năm liền đạt danh hiệu “Làng văn hóa” cấp tỉnh theo đề nghị của cử tri, trong thời gian tới, căn cứ điều kiện thực tế của tỉnh và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. 

 

 

7- Cử tri huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang đề nghị: Tỉnh quan tâm chỉ đạo chấn chỉnh thái độ phục vụ, y đức của bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì hiện nay vẫn còn hiện tượng thiếu trách nhiệm với người bệnh; bệnh nhân phản ánh việc cấp thuốc theo thẻ BHYT thì ít, bác sỹ kê đơn ra ngoài mua thì nhiều.

 

+ Về nội dung cử tri đề nghị: Tỉnh quan tâm chỉ đạo chấn chỉnh thái độ phục vụ, y đức của bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì hiện nay vẫn còn hiện tượng thiếu trách nhiệm với người bệnh.

Nội dung này UBND tỉnh đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII. Tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ những giải pháp chấn chỉnh thái độ phục vụ, y đức của cán bộ, viên chức trong ngành y tế, do vậy đã có chuyển biến tích cực trong công tác phục vụ và y đức trong ngành y tế nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng, dần tạo được hình ảnh đẹp trong mắt người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh.

 

+ Về nội dung cử tri phản ánh: Cấp thuốc theo thẻ BHYT thì ít, bác sỹ kê đơn ra ngoài mua thuốc thì nhiều.

Thực tế việc cấp thuốc cho người bệnh có thẻ BHYT được thực hiện ở Bệnh viện đa khoa tỉnh một cách công khai, minh bạch trên cơ sở từng mặt bệnh và phù hợp với danh mục thuốc được cơ quan BHYT thanh toán. Tuỳ theo tình trạng của người bệnh, bác sỹ kê đơn thuốc để điều trị. Trong đó, hầu hết những người bệnh được kê đơn điều trị là bệnh nhẹ không cần nằm viện. Việc kê đơn ra ngoài mua thuốc theo phản ánh của cử tri là có, tuy nhiên đều là những thuốc không có trong danh mục thuốc được cơ quan BHYT thanh toán hoặc do người bệnh yêu cầu (nhằm hỗ trợ tốt hơn trong quá trình điều trị) và việc thực hiện kê đơn cũng được các bác sĩ cân nhắc tuỳ theo tình trạng của người bệnh.

Qua phản ánh của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp tục chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, viên chức; thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn, quy định của ngành y tế để phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn./.

Trung bình (0 Bình chọn)