Tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của Ủy ban MTTQ, các Ban của HĐND tỉnh và cử tri trong lĩnh vực kinh tế - tổng hợp

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Ủy ban MTTQ, các Ban của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và cử tri; Chủ tịch UBND tỉnh đã xem xét, chỉ đạo và giao cho Giám đốc các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xem xét, giải quyết 40 ý kiến, kiến nghị trong lĩnh vực kinh tế - tổng hợp như sau:

1- Cử tri các huyện Yên Dũng, Tân Yên và Sơn Động đề nghị: UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kịp thời kinh phí xây dựng nông thôn mới và tăng hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã nông thôn mới để đảm bảo hoàn thành kế hoạch.

Trong thời gian qua UBND tỉnh đã luôn quan tâm huy động và hỗ trợ kinh phí xây dựng nông thôn mới từ các nguồn khác nhau, trong 02 năm 2011-2012 đã huy động được 309.232 triệu đồng, gồm: Ngân sách Trung ương 83.442 triệu đồng (chiếm 26,98%); ngân sách tỉnh 47.550 triệu đồng (chiếm 15,37%); ngân sách huyện, thành phố 33.000 triệu đồng (chiếm 10,67%); ngân sách xã 59.740 triệu đồng (chiếm 19,32%); vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân đóng góp trên 85.500 triệu đồng (chiếm 27,66%). Tuy nhiên, do mới bắt đầu thực hiện Chương trình nên nguồn vốn còn hạn chế, chưa được phân bổ kịp thời. Trong năm 2013, khắc phục tình trạng trên UBND tỉnh đã phân bổ vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh kịp thời ngay từ đầu năm để các địa phương chủ động triển khai thực hiện. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế, hiện tại UBND tỉnh thực hiện hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã nông thôn mới theo Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐND, ngày 12/7/2012 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình ở các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015. Trong thời gian tới căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng huy động vốn, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu trình HĐND tỉnh điều chỉnh Quy định hỗ trợ cho phù hợp. 

2- Cử tri xã Lục Sơn, huyện Lục Nam và thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động kiến nghị: Tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm phát lại truyền hình, truyền thanh tại các xã này để nhân dân được nghe, xem chương trình của các Đài truyền thanh, truyền hình của huyện và tỉnh.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra thực tế tại xã Lục Sơn và thị trấn Thanh Sơn. Qua kiểm tra cho thấy chất lượng  vùng phủ sóng chương trình của các Đài truyền thanh, truyền hình hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu cho nhân dân được nghe, xem chương trình của các Đài truyền thanh, truyền hình của huyện và tỉnh đúng theo phản ánh của cử tri. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, Quyết định số 1212/QĐ-TTg Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012-2015. Căn cứ lộ trình thực hiện, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương, ngành liên quan báo cáo, đề xuất triển khai thực hiện các Đề án nhằm nâng cao chất lượng vùng phủ sóng chương trình của các Đài truyền thanh, truyền hình đáp ứng nhu cầu cho nhân dân trong tỉnh nói chung và khu vực Lục Sơn, Thanh Sơn nói riêng.

3- Cử tri huyện Sơn Động đề nghị: UBND tỉnh xem xét đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Cầu Đá tại thôn Khe Táu, xã Yên Định để đồng bào dân tộc Cao Lan ở đây chủ động được nước phục vụ cho sản xuất.

Trong những năm qua cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh đã bố trí vốn từ các nguồn để đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn, đặc biệt là các công trình hồ, đập phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các huyện miền núi. Tuy nhiên trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp do vậy chưa thể đầu tư toàn bộ các công trình. Đối với công trình Đập Cầu Đá, thôn Khe Táu, xã Yên Định là công trình đã có trong Quy hoạch phát triển thủy lợi đến năm 2020, theo phân cấp hiện nay do UBND huyện Sơn Động quản lý. Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Sơn Động kiểm tra, khảo sát, lập dự án đầu tư và ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới.

4- Cử tri huyện Sơn Động kiến nghị: UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí làm đường từ Nà Trắng đi Đường Lội (xã An Lạc); hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cầu cứng qua sông từ thôn Nà Phai sang thôn Thia (xã Lệ Viễn) để thuận tiện và đảm bảo an toàn cho nhân dân qua lại (hàng năm mùa lũ đều có người chết đuối).

Hiện nay, các công trình giao thông đã và đang đầu tư trên địa bàn hai xã An Lạc và Lệ Viễn bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện Sơn Động  hoặc từ các Chương trình mục tiêu 30a, 135... Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên trước mắt chưa có kinh phí để hỗ trực thực hiện hai dự án này. Riêng đối với dự án đường từ Nà Trắng đi Đường Lội (xã An Lạc) dài 22 km đã được UBND huyện Sơn Động phê duyệt, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Sơn Động cân đối ngân sách và tranh thủ các nguồn vốn khác thực hiện đầu tư toàn tuyến hoặc từng đoạn theo nhu cầu giao thông, trong điều kiện có thể sẽ ưu tiên vốn vào công trình này.

5- Cử tri huyện Sơn Động đề nghị: UBND tỉnh hoàn thiện quy định về mức thuế tài nguyên đối với đơn vị sản xuất kinh doanh tại vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Căn cứ Thông tư số 105/2010/TT-BTC, ngày 23/7/2010 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên và hướng dẫn thi hành Nghị định số 50/2010/NĐ-CP, ngày 14/5/2010 của Chính phủ về Luật Thuế tài nguyên và các quy định hiện hành không có hướng dẫn về mức thuế tài nguyên đối với đơn vị sản xuất kinh doanh tại vùng đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở Thông tư số 105/2010/TT-BTC, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 475/2011/QĐ-UBND, ngày 23/12/2011 kèm theo Bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh, trong đó không có quy định về mức thuế tài nguyên đối với đơn vị sản xuất kinh doanh tại vùng đặc biệt khó khăn theo đề nghị của cử tri.

6-  Cử tri huyện Sơn Động kiến nghị: Tỉnh xây dựng hệ thống đường ống xi phông dẫn nước từ Khe Rỗ (xã An Lạc) về khu vực hạ lưu: Vân Sơn, Lệ Viễn, Vĩnh Khương, An Lập, thị trấn An Châu, An Bá, Yên Định phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. 

Dự án công trình thủy lợi lấy nguồn nước Khe Rỗ, xã An Lạc phục vụ 6 xã phía hạ lưu của huyện Sơn Động đã được phê duyệt tại Quyết định số 1561/QĐ-UBND ngày 27/9/2010 với tổng mức đầu tư là 65,9 tỷ đồng. Lũy kế vốn đã giải ngân là 5,2/5,2 tỷ đồng (vốn bố trí cho công tác chuẩn bị đầu tư). Dự án đã lập xong Thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán nhưng do nguồn vốn bố trí cho công trình khó khăn, đến nay vốn bố trí cho xây lắp chưa có, do vậy chưa tiến hành triển khai thực hiện dự án được. Hiện nay, UBND tỉnh đang cân đối nguồn ngân sách của địa phương, đồng  thời đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để dự án trên sớm được triển khai thực hiện đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

7- Cử tri huyện Lục Ngạn đề nghị:  Tỉnh khi làm đường giao thông từ liên xã trở lên trên địa bàn huyện Lục Ngạn nên làm bằng bê tông sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn đường rải nhựa và phù hợp với địa hình miền núi.

Hiện nay, hầu hết các dự án xây dựng đường giao thông nông thôn đều do UBND huyện, xã làm chủ đầu tư; việc áp dụng mặt đường bê tông xi-măng hoặc mặt đường nhựa do UBND huyện, xã cân nhắc, quyết định dựa trên khả năng nguồn vốn đầu tư và điều kiện khai thác vì: Mặc dù mặt đường bê tông xi măng có ưu điểm về tuổi thọ, khả năng chịu ngập nước nhưng kinh phí đầu tư xây dựng mặt đường bê tông xi măng lớn hơn đường nhựa và không phù hợp đối với các đoạn nền đường yếu, thường bị phá hoại đột ngột khi có phương tiện quá tải trọng chạy qua, công tác sửa chữa khi hư hỏng mặt đường gặp nhiều khó khăn. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu hướng dẫn việc áp dụng kết cấu mặt đường phù hợp với yêu cầu của địa phương.  

8- Cử tri huyện Lục Nam kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường tỉnh 293 đoạn qua huyện Lục Nam.

Dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 293 là dự án trọng điểm của tỉnh với tổng chiều dài tuyến hơn 91 km, tổng mức đầu tư trên 2.709 tỷ đồng. Giai đoạn 2010-2015, Dự án được bố trí 1.380 tỷ đồng, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Dự án, hàng tháng đều tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn từ thành phố Bắc Giang đến Mai Sưu (Km0-Km48) để sớm đưa vào sử dụng. Tuy nhiên đây là Dự án lớn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng tiến độ thi công. UBND tỉnh đề nghị cử tri và nhân dân khu vực Dự án đi qua, UBND huyện Lục Nam quan tâm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư và nhà thầu triển khai đúng kế hoạch.

9- Cử tri xã Lục Sơn, huyện Lục Nam phản ánh: UBND tỉnh cấp phép cho các công ty khai thác than trong khu bảo tồn Tây Yên Tử là nguyên nhân chính huỷ hoại môi trường sinh thái, phá hoại các công trình giao thông, ô nhiễm môi trường, ... Cử tri đề nghị UBND tỉnh tăng cường quản lý khai thác tài nguyên, đảm bảo việc khai thác phải đi đôi với việc bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống.

Tại mỏ than Nước Vàng, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam đến nay chỉ còn 03 doanh nghiệp được cấp phép khai thác than gồm: Công ty Cổ phần Hợp Nhất; Công ty Cổ phần Thương mại Bắc Giang và Công ty Cổ phần XD&TM Việt Hoàng. Trong thời gian trước năm 2012, các doanh nghiệp này tiến hành hoạt động khai thác mỏ trong khi chưa hoàn thành các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định, do đó đã bị tạm dừng khai thác để khắc phục. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lục Nam tăng cường kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, phục hồi rừng theo quy định và cam kết chịu trách nhiệm bồi thường, khắc phục mọi hư hỏng gây ra đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật địa phương trong quá trình tổ chức khai thác. 

10- Cử tri huyện Lục Nam phản ánh:  Mức phí tài nguyên môi trường điều tiết về địa phương là rất ít (năm 2011 khoảng 5 triệu đồng, năm 2012 chưa điều tiết). Vì vậy, nhân dân địa phương đề nghị tăng mức điều tiết phí tài nguyên môi trường cho nơi bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác than để khắc phục một phần tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương. 

Căn cứ Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, miễn một số loại phí, lệ phí quy định tại Nghị quyết số 11/2007/NQ-HĐND và Nghị quyết số 14/2009/NQ-HĐND ngày 09/12/2009 của HĐND tỉnh, trong đó quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản điều tiết 100% ngân sách cấp huyện, cấp xã (ngân sách cấp huyện 50%, ngân sách cấp xã 50%). Thực hiện các quy định đó, huyện Lục Nam đã tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, năm 2011 thu 416 triệu đồng, điều tiết ngân sách cấp huyện 208 triệu đồng, ngân sách cấp xã 208 triệu đồng; năm 2012 thu 1.085 triệu đồng, điều tiết ngân sách cấp huyện 587 triệu đồng, ngân sách cấp xã 587 triệu đồng.

11- Cử tri xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam phản ánh: Đường điện của xã thực hiện theo dự án REII, một số hạng mục không đúng so với thiết kế ban đầu (dây điện không đúng chủng loại, thiếu trạm hạ áp, thi công chậm) nên điện rất yếu. Đề nghị xem xét, khắc phục.

- Đối với hạng mục lưới điện hạ áp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh là chủ đầu tư: UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng thi công gói thầu tại xã Cẩm Lý do Công ty Cổ phần xây lắp điện Bắc Giang thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng từ 01/3/2012. Quan kiểm tra, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn tất cả các hạng mục công trình điện do nhà thầu thi theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, chất lượng điện áp đảm bảo yêu cầu.

- Đối với hạng mục lưới điện trung áp do Công ty Điện lực Bắc Giang làm chủ đầu tư: Xã Cẩm Lý được đầu tư xây dựng mới đường trung thế và 02 trạm biến áp đã được Công ty Điện lực Bắc Giang đóng điện và bán điện phục vụ nhân dân trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

12- Cử tri xã Khám Lạng, huyện Lục Nam đề nghị: Kiểm tra, xem xét, khắc phục tình trạng đoạn mương từ Trạm bơm chảy ra kênh Yên Lại qua địa phận thôn Hạ chưa được cứng hóa (khoảng 200m), thường xuyên bị vỡ, ảnh hưởng đến việc cấp nước sản xuất cho nhân dân.

Tuyến kênh tưới chính từ Trạm bơm Khám Lạng huyện Lục Nam chảy ra kênh Yên Lại do Công ty KTCTTL Cầu Sơn quản lý, có chiều dài 1.080m với nhiệm vụ bảo đảm đưa nước tưới cho 250 ha lúa và hoa màu của 2 xã Khám Lạng và Bắc Lũng, huyện Lục Nam. Năm 2012, Công ty Cầu Sơn đã đầu tư kiên cố hóa được 550m phía đầu kênh, do có khó khăn về kinh phí đầu tư nên 530m kênh còn lại chưa được kiên cố hóa, hơn nữa đoạn kênh này là kênh nổi đi qua vùng trũng, thấp bờ kênh thường bị sạt lở gây ảnh hưởng đến công tác tưới phục sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty KTCTTL Cầu Sơn đã xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện kiên cố hóa 530m kênh còn lại để đảm bảo việc cung cấp nước phục vụ sản xuất của nhân dân.

13-  Cử tri xã Lục Sơn, huyện Lục Nam phản ánh: Có nhiều hộ dân ở gần rừng nhưng thiếu đất để sản xuất, trong khi đó Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Mai Sơn được giao quản lý nhiều đất rừng; đề nghị chuyển giao một phần diện tích đất rừng từ công ty cho dân quản lý, sản xuất để ổn định cuộc sống.

Thực hiện phương án rà soát bàn giao rừng và đất lâm nghiệp từ các Công ty lâm nghiệp, lâm trường về địa phương theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Mai Sơn (Công ty Mai Sơn) đã bàn giao cho địa phương 694,28 ha, diện tích này đã được giao cho các hộ dân và cộng đồng trên địa bàn. Công ty Mai Sơn được UBND tỉnh phê duyệt cho thuê rừng và đất lâm nghiệp tại Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 13/01/2011 với tổng diện tích là 2.552,6 ha; trong đó bao gồm: 1.702,6 ha là đất rừng tự nhiên, nằm ở vị trí đồi núi cao xa và 850 ha đất trồng rừng sản xuất, hiện Công ty đã vay vốn đầu tư trồng rừng, kinh doanh ổn định.

Theo đề nghị của các cử tri xã Lục Sơn, huyện Lục Nam: “Đề nghị chuyển giao một phần diện tích đất rừng từ Công ty cho dân quản lý, sản xuất để ổn định cuộc sống” hiện nay là không thể thực hiện được, bởi quỹ đất của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Mai Sơn dùng để sản xuất, kinh doanh vì mục đích lâm nghiệp còn 850 ha đã được giao ổn định, lâu dài; diện tích rừng tự nhiên (1.702,6 ha) là rừng nghèo, chỉ để khoanh nuôi bảo vệ, phát triển rừng vì mục đích bảo vệ nguồn nước, sinh thái và môi trường. Để khắc phục một phần khó khăn cho nhân dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty Mai Sơn có trách nhiệm phối hợp với UBND các xã Lục Sơn, Bình Sơn và Vô Tranh  xác định các hộ thực sự có nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để thực hiện việc khoán ổn định đất rừng theo chu kỳ cây trồng hoặc chu kỳ kinh doanh quy định tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ. 

14- Cử tri các huyện Tân Yên và Lạng Giang phản ánh: Tình trạng gà Trung Quốc nhập lậu, lưu thông nhiều trên thị trường làm việc tiêu thụ và giá bán gia cầm của nhân dân giảm. Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu gà Trung Quốc, qua đó thúc đẩy việc tiêu thụ và nâng cao giá bán sản phẩm chăn nuôi của người nông dân hiện nay.

Trước tình trạng gà Trung Quốc nhập lậu, lưu thông nhiều trên thị trường,  UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 18/1/2013 với mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả hoạt động vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Các cơ quan chức năng và địa phương đã tích cực  tuyên truyền, vận động người dân không tham gia vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu, tố giác những đối tượng có vi phạm; tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức điều tra, trinh sát, thu thập thông tin phát hiện các đường dây, ổ nhóm, các điểm tập kết, đối tượng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, kiểm dịch thú y, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần ổn định tình hình. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên các biện pháp trên, bảo đảm phát triển chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm trên địa bàn tỉnh. 

15- Cử tri nhiều xã trên địa bàn huyện Lạng Giang phản ánh: Hiện nay tình trạng các đoàn xe chở quá tải, quá khổ chạy suốt ngày đêm. Nhiều tuyến đường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp đã bị phá hỏng, gây bức xúc cho nhân dân và cử tri ở nhiều nơi. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm ATGT, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Trước tình trạng xe quá tải, quá khổ hoạt động ngày càng gia tăng làm hư hỏng các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp xe chở quá khổ, quá tải trọng. Tuy nhiên, do tính phức tạp của thị trường vận tải và sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trọng trên một số tuyến quốc lộ, đường tỉnh đi qua địa bàn huyện Lạng Giang nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung chưa được giải quyết triệt để.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ nói chung và  phương tiện vận tải quá khổ, quá tải  trọng nói riêng, trong đó tập trung vào các đối tượng như chủ cơ sở kinh doanh vận tải, chủ nguồn hàng, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện. Đồng thời, nghiên cứu thực hiện phương án bố trí bãi tạm giữ phương tiện; bãi hạ tải để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm hành chính của các lực lượng chức năng; tăng cường  tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về vận chuyển quá khổ, quá tải trọng cho phép của cầu, đường tập trung trên một số tuyến đường trọng yếu và tại các cầu yếu trên địa bàn tỉnh.

16- Cử tri xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang đề nghị: Tỉnh quan tâm đầu tư cứng hóa đường đê kênh giữa đoạn từ cầu Quang Hiển đến cầu Đồng vì hiện nay mặt đường trên bờ kênh xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân, học sinh đi lại khó khăn.

Dự án hiện đại hóa Hệ thống thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn có nhiệm vụ chủ yếu là cải tạo hoàn thiện mặt cắt các kênh dẫn nước để đảm bảo cung cấp nước tưới cho toàn vùng. Việc cứng hóa bờ kênh chỉ là kết hợp và đoạn bờ kênh từ Cầu Đồng đến kè Quang Hiển không thuộc nội dung đầu tư của dự án. Đáp ứng nguyện vọng của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Lạng Giang xây dựng kế hoạch đầu tư cứng hóa đoạn kênh trên phục vụ tốt việc đi lại của nhân dân.

17- Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị: UBND tỉnh đầu tư cứng hóa mặt đê Cổ Mân đoạn qua các xã Tân An và Lão Hộ; nâng cấp cải tạo đường 398 đoạn  từ thị trấn Neo đi Đồng Việt.

+ Về đầu tư cứng hóa mặt đê Cổ Mân đoạn qua các xã Tân An và Lão Hộ: Đoạn đê Cổ Mân đi qua xã Tân An và xã Lão Hộ từ K12+400 - K16+700 (dài 4,3 km); cao trình mặt đê hiện tại vào khoảng + 8 m, chiều rộng mặt đê từ 3,5- 4,0m. Mặt đê hầu hết đã được rải cấp phối, riêng đoạn tiếp giáp giữa xã Tân An, huyện Yên Dũng với xã Thái Đào, huyện Lạng Giang còn khoảng 800 m hiện nay chưa được rải cấp phối. Việc cử tri kiến nghị cứng hóa mặt đê để đảm bảo công tác hộ đê phòng chống lụt bão và phục vụ giao thông của nhân dân ven đê là cần thiết, song kinh phí đầu tư cứng hóa mặt đê rất lớn (khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng cho 1 km), do vậy chưa thể đáp ứng được yêu cầu trên. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp & PTNT có hướng đầu tư trong những năm tới.

+ Về dự án nâng cấp cải tạo đường 398 đoạn  từ thị trấn Neo đi Đồng Việt: Dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 398 từ Đồng Việt đến Tiền Phong đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2007 bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Do nguồn vốn Trung ương bố trí cho dự án phân bổ cho từng năm từ năm 2007 đến nay không đủ để hoàn thành toàn bộ dự án nên UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên hoàn thiện đoạn từ Neo đến Tiền Phong. Năm 2013, dự án tiếp tục được bố trí thêm 20 tỷ đồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, các ngành chức năng tập trung cải tạo mặt đường (rộng 6,5m) đoạn từ thị trấn Neo đi Đồng Việt theo quy mô dự án đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

18- Cử tri huyện Tân Yên đề nghị: Sửa chữa, nâng cấp Trạm bơm cống Chuông (xã Liên Chung), vì hiện nay Trạm bơm này đã xuống cấp.

Trạm bơm cống Chuông xã Liên Chung được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1983 với 4 tổ máy công suất 980 m3/h tưới cho 185 ha diện tích canh tác của 4 thôn thuộc xã Liên Chung do Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Sông Cầu quản lý, vận hành. Sau 30 năm vận hành, khai thác hiện nay công trình đã xuống cấp, hiệu quả hoạt động thấp. Để khắc phục tình trạng trên, hàng năm Công ty KTCTTL Sông Cầu đã thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, vận hành 4 tổ máy bơm để bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 4 thôn thuộc xã Liên Chung. Trước tình hình xuống cấp của trạm bơm, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp &PTNT và được Bộ phê duyệt tại Quyết định số 2784/QĐ-BNN-TCTL ngày 20/10/2010 thuộc Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Sông Cầu trong đó có  hạng mục sửa chữa, nâng cấp Trạm bơm cống Chuông xã Liên Chung. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT bố trí kinh phí trong Dự án, khi có kinh phí sẽ thực hiện. 

19-  Cử tri huyện Tân Yên đề nghị: Xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ giá cho sản phẩm nông nghiệp và phương án bao tiêu sản phẩm cho nông dân khi thực hiện mô hình cánh đồng cho thu nhập cao.

Thực hiện Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nhiều quy hoạch, đề án, chính sách để hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, rau chế biến đến năm 2020; Quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn đến năm 2020; Đề án phát triển sản xuất nấm giai đoạn 2012-2015; Đề án cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch giai đoạn 2011-2015; Đề án phát triển trang trại nuôi thủy sản thâm canh cao giai đoạn 2011- 2015; Đề án nâng cao chất lượng giống thủy sản giai đoạn 2012-2015; Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2009-2013; Quy định mức hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi-thú y giai đoạn 2012-2015; Quy định mức hỗ trợ phát triển vùng rau chế biến 2010-2012; Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất lúa lai, lúa chất lượng đến 2014; Quy định mức hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên giai đoạn 2012-2016...

Đối với việc xây dựng phương án bao tiêu sản phẩm cho cánh đồng có thu nhập cao, UBND tỉnh đã định hướng, kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với địa phương trong thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng có thu nhập cao gắn việc sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, trình HĐND tỉnh các chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

20- Cử tri huyện Tân Yên và Lạng Giang đề nghị: Tuyến đường tỉnh 295 (đoạn từ Cầu treo Bỉ, Ngọc Thiện đi Việt Ngọc) đường quá nhỏ và xuống cấp, đề nghị tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến đường này; tiếp tục có ý kiến đề nghị tỉnh sớm  quan tâm nâng cấp đường tỉnh 295 đoạn Vôi đi cầu Bến Tuần - Mỹ Hà, do đường hiện nay quá xuống cấp.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 295 được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2010 nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên UBND tỉnh tiến hành đầu tư từng đoạn. Trong năm 2013 UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn cho Sở Giao thông vận tải tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn Vôi đi Bến Tuần và Ngọc Châu đi thị trấn Thắng, dự kiến khởi công trong năm 2014. Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các hư hỏng phát sinh để đảm bảo giao thông.

21- Cử tri huyện Yên Thế phản ánh: Hiện nay tình trạng điện yếu ở nhiều xã trên địa bàn huyện Yên Thế gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đề nghị ngành điện sớm có biện pháp khắc phục nhằm đáp ứng đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Mạng lưới điện hạ áp nông thôn trên địa tỉnh là rất lớn, đã được các địa phương tự xây dựng từ lâu, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng điện. Trong thời gian qua Công ty Điện lực Bắc Giang đã tổ chức tiếp nhận và từng bước đầu tư cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư hạn chế, nên chưa khắc phục được triệt để.  Để đẩy nhanh quá trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, đáp ứng yêu cầu sử dụng điện ổn định của nhân dân, nhất là các vùng nông thôn cho sản xuất và sinh hoạt, Công ty Điện lực Bắc Giang ngoài việc tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, đồng thời đang triển khai tiếp nhận quản lý dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Bắc Giang (KfW) tại 138 xã trên địa bàn 9 huyện, thành phố với tổng mức đầu tư  khoảng 455 tỷ VNĐ, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2013. Sau khi kết thúc dự án KfW sẽ cơ bản đáp ứng được chất lượng điện áp khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. 

22-  Cử tri huyện Yên Thế phản ánh:  Tuyến đường bê tông 268 dài 16 km đi qua 6 xã trên địa bàn huyện Yên Thế đã bê tông hoá trên 10 năm, hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bê tông bị vỡ vụn, làm việc đi lại của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho sửa chữa tuyến đường trên.

Dự án đầu tư tuyến đường trên đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt năm 2013 với chiều dài 12km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 37,8 tỷ đồng, đồng thời UBND tỉnh đã có Công văn số 616/UBND-KTN ngày 19/3/2013 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn JICA tài khóa VI. Khi được chấp thuận của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện Yên Thế sớm triển khai thực hiện. 

23- Cử tri huyện Yên Thế phản ánh:  Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Thế, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức như: trường học, trạm y tế, UBND xã...còn rất chậm, gây khó khăn cho việc quản lý. Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp để khắc phục tình trạng trên.

Qua kiểm tra tình hình cấp Giấy chứng nhận QSD đất, tính đến tháng 2/2013 trên địa bàn huyện Yên Thế có 92 tổ chức được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tổng diện tích 229ha đất (mới đạt khoảng 3,6 % diện tích cần cấp Giấy chứng nhận QSD đất), đúng theo phản ánh của cử tri. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo Văn phòng Đăng ký QSD đất chủ động liên hệ với các tổ chức khẩn trương triển khai việc cấp giấy (bước đầu tập trung tại địa bàn huyện Yên Thế). Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận QSD đất cho các tổ chức là các trường học, trạm y tế và trụ sở UBND trên địa bàn huyện Yên Thế. 

24- Cử tri huyện Yên Thế đề nghị: UBND tỉnh xem xét hỗ trợ Ban thanh tra nhân dân ở các xã, thị trấn được hưởng 2 triệu đồng/năm (theo quy định của Bộ Tài chính) hiện nay mới chỉ được hưởng 1,5 triệu đồng/năm.

Năm 2013, ngân sách tỉnh cân đối cho ngân sách cấp xã 1,5 triệu đồng/xã/năm để thực hiện kinh phí hoạt động của Ban thanh tra nhân dân cấp xã. Căn cứ Thông tư Liên tịch số 40/2006/TTLT - BTC - BTTUBTWMTTQVN - TLĐLĐVN ngày 12/5/2006 của Liên bộ: Bộ Tài chính - Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam – Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hướng dẫn về kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban thanh tra nhân dân quy định kinh phí của Ban thanh tra nhân dân cấp xã đảm bảo tối thiểu 2 triệu đồng/xã/năm. Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định bổ sung kinh phí 115 triệu đồng còn thiếu cho hoạt động của Ban thanh tra nhân dân cấp xã cho các xã, phường, thị trấn trong năm 2013.

25- Cử tri huyện Yên Thế phản ánh: Hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội cho học sinh, sinh viên vay vốn yêu cầu hộ vay phải mở tài khoản gửi tiết kiệm và Ngân hàng trả lãi xuất thấp. Quy định như vậy là không hợp lý vì số tiền cho sinh viên vay 10 tháng là 10 triệu đồng chỉ đủ thanh toán tiền học phí. Gia đình hộ nghèo khi cho con em đi học phải trang trải thêm tiền ăn, tiền nhà và các khoản phụ phí khác. Vì vậy, nếu yêu cầu tiết kiệm sẽ khó khăn hơn. Đề nghị xem xét, quy định cho phù hợp. 

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội  cho học sinh sinh viên vay vốn không yêu cầu hộ vay phải mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm và ngân hàng trả lãi suất thấp. Việc huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn mục đích nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có và quen dần với hoạt động tín dụng và tài chính, giảm bớt gánh nặng đến kỳ trả nợ ngân hàng, đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Việc huy động là tự nguyện, ngân hàng không bắt buộc. Để gắn trách nhiệm của mỗi thành viên trong Tổ, các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện theo quy ước đã huy động của mỗi thành viên trên tinh thần tự nguyện, mức gửi thấp, từ 5.000đ trở lên. 

26- Cử tri huyện Yên Thế phản ánh:  Đối tượng là những gia đình không phải hộ nghèo, hộ cận nghèo mà có từ 2 đến 3 con đi học cũng được vay vốn học sinh, sinh viên.

Vấn đề cử tri phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng chính sách tỉnh nghiên cứu, tuy nhiên Ngân hàng chính sách Việt Nam chưa có quy định cho vay đối với các đối tượng như cử tri nêu. Ngân hàng chính sách tỉnh đã tiếp thu ý kiến cử tri, báo cáo Ngân hàng chính sách Việt Nam để tổng hợp báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.

27- Cử tri huyện Việt Yên đề nghị: Chỉ đạo kiểm tra, xem xét cho nạo vét, tu sửa, nâng cấp tuyến kênh T6 đoạn qua địa phận xã Vân Trung, hệ thống mương tưới thuộc Trạm bơm Quang Biểu và các kênh thuộc xã Ninh Sơn, Tiên Sơn, Hương Mai, Trung Sơn. Hiện nay, trên các tuyến kênh này cỏ mọc, bùn đất, rác thải đầy mương gây khó khăn cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất.

- Tuyến kênh T6 đoạn qua địa phận xã Vân Trung trước đây do Công ty KTCTTL Nam Yên Dũng quản lý khai thác và vận hành. Sau khi có Quyết định số 362/QĐ-UBND, ngày 29/3/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục phân cấp công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, Công ty KTCTTL Nam Yên Dũng đã bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng, do vậy, việc tu sửa, nạo vét, nâng cấp tuyến kênh T6 là do UBND huyện Việt Yên đầu tư, thực hiện theo phân cấp quy định. UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Việt Yên xem xét giải quyết theo đề nghị của cử tri.

- Hệ thống mương tưới thuộc Trạm bơm Quang Biểu và các kênh thuộc xã Ninh Sơn, Tiên Sơn, Hương Mai và Trung Sơn do Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Sông Cầu quản lý. Do các tuyến kênh này đi qua địa hình phức tạp ven đồi núi; các khu dân cư, khu vực chợ do vậy thường xuyên bị xả rác thải xuống kênh và bị đất bồi lắng lòng kênh.

- Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Sông Cầu thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa máy bơm; nạo vét, sửa chữa những tuyến kênh bị bồi lắng do rác thải, đất xô xuống kênh; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nhân dân không xả thải vào kênh. Mặt khác đã báo cáo Bộ Nông nghiệp & PTNT và đã được Bộ phê duyệt tại Quyết định số 2784/QĐ-BNN-TCTL ngày 20/10/2010 thuộc Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Sông Cầu và đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT bố trí kinh phí để thực hiện trong thời gian tới.

28- Cử tri huyện Việt Yên đề nghị: Tỉnh  chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nước sạch ở thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt của nhân dân”. 

Công trình nước sạch thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên đã hoàn thành các hạng mục theo thiết kế và thực hiện lắp xong 1.050 đồng hồ/1.150 đồng hồ cho các hộ dân. Công trình đã vận hành thử nghiệm, các thiết bị hoạt động tốt, có thể cung cấp nước sạch cho phần lớn các hộ dân trong thôn Hoàng Mai. 

Căn cứ Quyết định số 261/2012/QĐ-UBND ngày 13/8/2012 của UBND tỉnh ban hành Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư và quản lý, khai thác công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn nông thôn tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương giao công trình cấp nước xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên cho Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư nước sạch & môi trường Hùng Thành thực hiện đầu tư và quản lý, khai thác công trình. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Hùng Thành tiếp nhận công trình, tiếp tục đầu tư và sớm đưa công trình vào sử dụng đáp ứng nguyện vọng về nước sạch của nhân dân thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh. 

29- Cử tri các huyện Tân Yên, Hiệp Hoà và Việt Yên phản ánh: Việc thu hồi đất nông nghiệp giải phóng mặt bằng giá bồi thường cho nhân dân hiện nay quá thấp so với giá thị trường nên khó khăn cho việc thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh nâng mức bồi thường để người dân sau khi bị thu hồi đất có điều kiện ổn định cuộc sống, phù hợp với chính sách an dân của Nhà nước.

Theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, ngày 27/01/2011 của UBND tỉnh quy định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh thì tổng mức bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trồng cây hàng năm tại các xã trung du là 153.000đ/m2, miền núi là 152.500đ/m2. Tham khảo một số tỉnh lân cận có điều kiện tự nhiên tương tự tỉnh Bắc Giang có thể thấy mức giá trên là tương đương, cụ thể như: tỉnh Lạng Sơn khoảng 143.500đ/m2; tỉnh Thái Nguyên khoảng 160.000đ/m2; tỉnh Quảng Ninh khoảng: 150.000đ/m2. Như vậy, mức giá tính bồi thường, hỗ trợ trên địa bàn tỉnh hiện nay đã được tính toán theo quy định pháp luật, phù hợp với thực tế và cơ bản đáp ứng yêu cầu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình thu hồi đất để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

30-  Cử tri huyện Việt Yên phản ánh:  Hiện nay, nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của 3 xã Nghĩa Trung, Minh Đức và Thượng Lan rất khó khăn, không đảm bảo cho nhân dân sản xuất. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm giải quyết tình trạng trên.

Xã Thượng Lan có 8 thôn lấy nước tưới từ kênh N6; xã Nghĩa Trung có 16 thôn, xã Minh đức có 13 thôn lấy nước trực tiếp từ kênh chính Sông Cầu, các thôn còn lại tưới bằng các công trình thủy lợi nhỏ do địa phương quản lý. Do ở gần cuối kênh chính, những lúc khó khăn về nguồn nước, mực nước trên kênh thấp, việc lấy nước của 3 xã thường khó hơn và thời gian lấy nước kéo dài hơn các xã đầu kênh.

Để khắc phục trình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT  chỉ đạo Công ty KTCTTL Sông Cầu, hàng năm mua bổ sung khoảng 15-25 triệu m3 nước từ hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên để tăng nguồn nước trong những lúc khó khăn về nước tưới; tập trung nâng cao đấu nước cuối kênh chính, đồng thời tạo nguồn nước để các trạm bơm cục bộ của địa phương bơm nước thuận tiện, xây dựng lịch cấp nước tưới cụ thể cho 3 xã trên (theo phương pháp xa lấy trước gần lấy sau); nạo vét hệ thống kênh tưới, sửa chữa trạm bơm Me với 4 tổ máy bơm công suất 980m3/h bơm tưới cho thôn Me, thôn Yên Sơn, đưa nước vào kênh N7 tưới cho thôn Ổi 1 và Ổi 2, xã Nghĩa Trung; xây dựng phương án lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm tiếp nguồn nước khi cần thiết. Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Việt Yên chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt việc nạo vét kênh mương nội đồng, sửa chữa máy bơm, sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước để đáp đủ nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. 

31-  Cử tri huyện Việt Yên đề nghị: UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp cứng hoá mặt đê từ Cống Gạo đi Đa Mai để nhân dân đi lại thuận lợi. 

Đoạn đê từ Cống Gạo đi Đa Mai là đê tả Lái Nghiên, theo phân cấp là đê cấp IV. Việc cử tri kiến nghị cứng hóa mặt đê để thuận lợi cho giao thông của nhân dân ven đê là cần thiết, song kinh phí đầu tư cứng hóa mặt đê rất lớn (khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng cho 1 km). Hàng năm, UBND tỉnh chỉ dành nguồn vốn đầu tư từ 5 - 7 tỷ đồng cho tu bổ các tuyến đê cấp IV, nguồn kinh phí trên trước hết ưu tiên đầu tư xây dựng kè, cống và xử lý đột xuất sự cố đê điều để đảm bảo an toàn chống lũ cho đê do điều kiện kinh phí còn hạn hẹp chưa thể đáp ứng được yêu cầu trên. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư nâng cấp cứng hoá mặt đê trên địa bàn tỉnh và đoạn đê  Cống Gạo đi Đa Mai đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

32- Cử tri huyện Việt Yên đề nghị: Việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc ở khu dân cư, hàng năm tổ chức ngày hội Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá theo như mức hỗ trợ chung là không công bằng vì có thôn 100 hộ, thôn 500 hộ... Đề nghị hỗ trợ theo số hộ của thôn mới phù hợp.

Căn cứ Thông tư số 160/2010/TT-BTC ngày 19/10/2010 của Bộ Tài chính về hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 02/2002/TTLT/BTC-MTTW của Bộ Tài chính và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Điều 3 của Thông tư quy định mức chi cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/năm/khu dân cư, đối với các xã thuộc vùng khó khăn hỗ trợ từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/năm/xã. Theo đó, hàng năm ngân sách tỉnh đã cân đối cho ngân sách cấp xã với mức hỗ trợ  3 triệu đồng/năm/khu dân cư và 5 triệu đồng/năm/xã vùng cao. Tuy nhiên, việc hỗ trợ theo số hộ của thôn hiện nay chưa có quy định, do vậy không có cơ sở để thực hiện đề nghị của cử tri.

33- Cử tri xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn và xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên đề nghị: Tỉnh chỉ đạo sớm bàn giao lưới điện nông thôn của những xã trong dự án REII cho Điện lực Bắc Giang quản lý và có giá bán điện hợp lý cho nhân dân ở những khu vực này.

Dự án REII trên địa bàn tỉnh được đầu tư đối với 62 xã thuộc 8 huyện với tổng số vốn đầu tư 18,65 triệu USD. Để quản lý hiệu quả lưới điện và có giá bán điện hợp lý cho nhân dân theo phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1352/QĐ-UBND ngày 24/8/2010, Quyết định số 1959/QĐ-UBND ngày 26/11/2010 về việc phê duyệt danh sách và Đề án kinh doanh điện của các HTX đủ điều kiện tiếp tục hoạt động kinh doanh điện nông thôn thuộc các xã tham gia Dự án REII, danh sách các HTX không đủ điều kiện hoạt động phải bàn giao cho Công ty Điện lực Bắc Giang. Theo các văn bản trên thì có 40 xã được tiếp tục hoạt động, 22 xã phải bàn giao cho Công ty Điện lực Bắc Giang (trong đó có xã Nghĩa Trung huyện Việt Yên và xã Tân Sơn huyện Lục Ngạn).

Ngày 18/02/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 180/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án thu hồi nguồn vốn đầu tư thực hiện Dự án Năng lượng nông thôn II (REII) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo Quyết định thì đối với những xã không đủ điều kiện kinh doanh lưới điện thì bàn giao lại tài sản lưới điện cho Công ty Điện lực Bắc Giang xong trước ngày 31/5/2013.

- Đối với xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên: Do khối lượng công trình khi tiến hành kiểm đếm có sai lệch với hồ sơ hoàn công, UBND huyện Việt Yên đã thành lập tổ công tác liên ngành rà soát lại khối lượng công trình. Đến nay Công ty Điện lực Bắc Giang đang trong quá trình thiết lập hồ sơ giao nhận giữa HTX và phía Công ty, báo cáo Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc để tiến hành tiếp nhận.

- Đối với xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn:  Thuộc Dự án REII mở rộng hiện đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ tháng 02/ 2012, Công ty Điện lực Bắc Giang đang xin ý kiến chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc để tiến hành tiếp nhận.

 34- Cử tri các huyện Tân Yên và Việt Yên tiếp tục đề nghị: UBND tỉnh xem xét tăng mức điều tiết tiền đấu giá đất cho địa phương. 

Căn cứ Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất quy định về nguồn vốn hoạt động của Quỹ: “trích 30% đến 50% từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh (sau khi trừ các khoản chi để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí có liên quan khác)…”. Tại điểm 2 Điều 1 Nghị quyết số 32/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định trích 30% số thu tiền sử dụng đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất (sau khi trừ các khoản chi để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí có liên quan khác) để lập Quỹ phát triển đất của tỉnh. Nghị quyết số 29/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 14 của Nghị quyết số 30/2010/NQ-HĐND quy định phân cấp ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011 – 2015 quy định thu tiền sử dụng đất điều tiết ngân sách tỉnh 20% để trích lập quỹ phát triển đất (tính trên tổng thu tiền sử dụng đất), 80% ngân sách huyện, xã. Như vậy theo Nghị quyết số 32/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của Hội đồng nhân dân  tỉnh, đề nghị của cử tri tăng mức điều tiết tiền đấu giá đất cho địa phương không thực hiện được.

35-  Cử tri huyện Hiệp Hòa đề nghị: Sửa chữa, nâng cấp tuyến đê Sông Cầu từ xã Quang Minh đi xã Đại Thành đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân đi lại gặp nhiều khó khăn.

Tuyến đê tả sông Cầu dài 60,458 km thuộc hai huyện Hiệp Hòa và Việt Yên (huyện Hiệp Hòa từ K0 - K39+600, huyện Việt Yên từ K39+600 - K60+458). Đoạn đê qua xã Quang Minh (từ K5+200 - K7+930) đến xã Đại Thành (từ K7+930 - K9+960), chiều rộng mặt đê từ 5 - 6m. Mặt đê đoạn từ K7+200 - K8+200 (từ thôn Phú Cốc đến hết địa phận xã Quang Minh) đã được rải cấp phối đá dăm kẹp đất năm 2011, hiện nay đảm bảo đi lại thuận tiện. Ngày 27/02/2013, Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 95/QĐ-TCTL về việc phê duyệt kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2013 tỉnh Bắc Giang, trong đó có hạng mục gia cố mặt đê bê tông tả Cầu, xã Quang Minh đoạn K6+900 đến K7+300 được thực hiện xong trước mùa lũ năm 2013.

36- Cử tri thành phố Bắc Giang phản ánh: Tại trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông có nhiều ô tô, xe máy đậu đỗ (vi phạm Luật Giao thông) để thực hiện các thủ tục giao dịch với Phòng Cảnh sát giao thông. Việc này làm ảnh hưởng trực tiếp đến các phương tiện và gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông qua khu vực này. Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục.

Thời gian qua, số lượng các phương tiện đến thực hiện giao dịch tại Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh ngày càng gia tăng, trong khi đó trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông có diện tích trật hẹp, khó khăn trong việc việc bố trí, sắp xếp phương tiện đến thực hiện giao dịch, do vậy có nhiều phương tiện đậu đỗ trên vỉa hè, dưới lòng đường trước cửa trụ sở ảnh hưởng đến TTATGT tại khu vực.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Giao thông đặt tạm thời biển báo số 130 “Cấm dừng và cấm đỗ” tại khu vực đường dẫn lên cầu Mỹ Độ; đồng thời bố trí cán bộ hướng dẫn, sắp xếp các phương tiện đến liên hệ giải quyết công việc đậu đỗ xe trên vỉa hè đường dẫn lên cầu đường sắt và đường Đàm Thuận Huy để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức  giải tỏa, sắp xếp các trường hợp bán hàng nước, cà số xe tại khu vực phía trước trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông. Đến nay, tình hình trật tự công cộng, trật tự ATGT tại khu vực cơ bản được đảm bảo.

37- Cử tri thành phố Bắc Giang phản ánh: Nhiều cử tri băn khoăn về việc triển khai xử phạt đối với người sử dụng xe ô tô, xe máy không chính chủ theo quy định tại Khoản 8, Điều 1, Nghị định 71/2012/NĐ-CP. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu rõ hơn và thực hiện Nghị định trên.

Tại Khoản 8, Điều 1, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định việc phạt tiền đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”

Theo Thông tư số 11/2013/TT-BCA, ngày 01/3/2013 của Bộ Công an, kể từ ngày 15/4/2013 hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị CSGT xử lý theo quy định. Cụ thể, việc xử lý xe không chính chủ chỉ diễn ra qua công tác đăng ký, điều tra, xử lý tai nạn vi phạm giao thông; với xe đang lưu thông trên đường, CSGT không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi xe không chính chủ. Để tránh bị phạt, người tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ và chuyển quyền sử dụng phương tiện đúng thời gian quy định khi mua bán, trao tặng. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh và các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký phương tiện chuyển quyền sở hữu.

38- Cử tri thành phố Bắc Giang phản ánh: Tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT còn diễn ra nhiều, song cơ quan chức năng chưa chú trọng công tác tuyên truyền chỉ nặng về xử phạt. Đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT tới các tầng lớp nhân dân.

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và tăng cường xử phạt các vi phạm là những giải pháp cơ bản nhằm bảo đảm trật tự ATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông. Trong thời gian qua, Ban ATGT tỉnh cùng các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các huyện, thành phố đã luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong bảo đảm an toàn giao thông, tạo dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Nhờ vậy, tình hình trật tự ATGT có nhiều chuyển biến, tai nạn giao thông được kiềm chế, trong năm 2012 tai nạn giao thông trên địa bàn giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh  tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp để kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông. Cùng với tăng cường công tác thanh tra, tuần tra xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng, Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. 

39- Cử tri thành phố Bắc Giang phản ánh: Hiện nay tình trạng xả thải của một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhất là ngòi Bún và sông Thương. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các đơn vị xả thải ra nguồn nước; đồng thời có giải pháp bảo vệ nguồn nước không làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường chủ động tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xả thải trái phép ra các tuyến kênh và yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh khẩn trương hoàn thiện các biện pháp xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Đến nay phần lớn các cơ sở đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, do vậy góp phần giảm bớt mức độ ô nhiễm nguồn nước (mức độ ô nhiễm thời điểm quan trắc tháng 11/2012 đã giảm đáng kể với thời điểm một năm trước đó). Để  khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước khu vực Ngòi Bún, ngày 26/3/2013 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 683/UBND-MT giao UBND thành phố Bắc Giang tổ chức nạo vét, khơi thông kênh tiêu T3 trạm bơm Cống Bún.

40- Cử tri thành phố Bắc Giang phản ánh: Đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm đầu tư xây dựng nhà máy nước số 2.

Đầu tư xây dựng Nhà máy nước số 2 thành phố Bắc Giang, công suất dự kiến 50.000 m3/ngày.đêm nhằm bổ sung nguồn nước cấp cho nhân dân thành phố Bắc Giang và các khu vực lân cận là nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh rất quan tâm. Dự án có tổng mức đầu tư lớn (khoảng 518 tỷ đồng) nên việc huy động nguồn vốn để sớm triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Trên cơ sở cân đối ngân sách của địa phương kết hợp với việc tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, vốn vay ODA, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt dự án và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký sử dụng vốn vay ADB để triển khai thực hiện. Hiện tại, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đang tích cực vận động để sớm thu xếp được nguồn vốn và triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước số 2.

 

Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bắc Giang lập dự án nâng cấp công suất nhà máy nước Bắc Giang từ 25.000 m3/ngày.đêm lên 35.000 m3/ngày.đêm bằng vốn tự có của doanh nghiệp. Hiện nay, Công ty đang tiến hành các bước chuẩn bị đầu tư dự án, khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân thành phố Bắc Giang./.

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)