Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời ý kiến cử tri một số huyện trên địa bàn tỉnh

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Cử tri huyện Lục Ngạn phản ánh: Hiện nay, nhiều hộ dân thuộc Dự án di dân tái định cư để làm Trường bắn Quốc gia Khu vực 1 (TB1) của huyện Lục Ngạn khi về nơi ở mới gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất, thay đổi tập quán canh tác và hạn chế trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật... dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao. Trong khi đó các công trình giao thông, thủy lợi, điện... đã xuống cấp, hư hỏng nặng cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Đề nghị tỉnh quan tâm, có chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân và gián tiếp thông qua đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trả lời: Ngày 02/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 1511/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư hỗ trợ đời sống, sản xuất cho hộ tái định cư và cộng đồng dân sở tại của một số xã có tiếp nhận tái định cư thuộc Dự án di dân, tái định cư Trường bắn Quốc gia khu vực 1. Thời gian thực hiện năm 2014-2015 tại 30 xã , thuộc 03 huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động với nội dung: Hỗ trợ trực tiếp cho hộ tái định cư thông qua hỗ trợ đời sống (hỗ trợ lương thực); đầu tư khai hoang, cải tạo tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tập huấn nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ tái định cư và hỗ trợ gián tiếp thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng như: công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục phục vụ đời sống, sản xuất cho hộ tái định cư và cộng đồng dân sở tại nơi tiếp nhận dân tái định cư. Hiện dự án đang trong giai đoạn thực hiện.

2. Cử tri huyện Sơn Động ý kiến: Đề nghị UBND tỉnh xem xét, có biện pháp di dời 07 hộ gia đình thuộc diện phải di dời ra khỏi Trường bắn TB1 ở khu vực Khe Moòng, thôn Đồng Băm, xã Thạch Sơn vì đã 4 năm nay do Trường bắn TB1 quản lý chặt chẽ, các hộ dân này không có đất để sản xuất dẫn đến thiếu ăn, cuộc sống bấp bênh, rất khó khăn.

Trả lời: Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 1 báo cáo Bộ Quốc phòng và Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện. Đến nay, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã có văn bản báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét, lập dự án mới và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện di chuyển 7 hộ dân đang sinh sống trong đất Trường bắn TB1 thuộc khu vực Khe Moòng, thôn Đồng Băm, xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động ra ngoài Trường bắn TB1.

3. Cử tri huyện Sơn Động kiến nghị: Cử tri đã nhiều lần phản ánh việc Công ty Tuấn Lộc nhận 120 ha rừng thuộc xã Hữu Sơn, 554 ha rừng thuộc xã An Châu để cải tạo trồng rừng nhưng tiến độ triển khai dự án chậm. Công ty không đủ nhân lực nên rừng không được bảo vệ, quản lý thiếu chặt chẽ để các đối tượng vào khai thác lâm sản, phá rừng nguyên sinh. Hơn nữa, khi giao đất rừng cho Công ty Tuấn Lộc, các ngành chức năng không điều tra kĩ dẫn đến việc cấp Giấy CNQSD đất rừng cho Công ty trùng với đất rừng của 14 hộ dân thôn Dần 3, xã Hữu Sản (các hộ trên đã được UBND huyện cấp cho quản lý sử dụng từ trước khi Công ty Tuấn Lộc được thực hiện dự án theo quyết định của UBND tỉnh), dẫn đến tranh chấp khiếu kiện. Hiện nay sự tranh chấp, mâu thuẫn giữa Công ty Tuấn Lộc và nhân dân rất phức tạp. Đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết dứt điểm, không để kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

Trả lời: Đối với diện tích 120 ha đất rừng tại xã Hữu Sản giao cho Công ty Tuấn Lộc thuê là đất chưa có rừng, ở vị trí cao, xa, đất có tỷ lệ đá nhiều, giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn nên việc cải tạo trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư cho trồng rừng lớn. Đến cuối năm 2014, Công ty mới thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, loài cây trồng là Thông Caribê. Hiện Công ty đang phát dọn thực bì, cuốc hố để trồng rừng vào đầu năm 2015.

Đối với diện tích 554 ha rừng tại xã An Châu cho Công ty Tuấn Lộc thuê chủ yếu là rừng tự nhiên, không có rừng nguyên sinh. Theo Dự án đầu tư được duyệt diện tích rừng này Công ty thực hiện công tác bảo vệ và khoanh nuôi làm giàu rừng, không được áp dụng biện pháp cải tạo rừng. Hiện nay, Công ty đã tổ chức lực lượng tăng cường cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Việc có một số đối tượng lén lút vào khai thác lâm sản, phá rừng tự nhiên theo ý kiến của cử tri là có thật, tuy nhiên Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Công ty Tuấn Lộc phối kết hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã An Châu tổ chức ngăn chặn kịp thời.

Về ý kiến cử tri nêu:“Khi giao đất rừng cho Công ty Tuấn Lộc, các ngành chức năng không điều tra kĩ dẫn đến việc cấp Giấy CNQSD đất rừng cho Công ty trùng với đất rừng của 14 hộ dân thôn Dần 3, xã Hữu Sản (các hộ trên đã được UBND huyện cấp cho quản lý sử dụng từ trước khi Công ty Tuấn Lộc được thực hiện dự án theo quyết định của UBND tỉnh), dẫn đến tranh chấp khiếu kiện. Hiện nay sự tranh chấp, mâu thuẫn giữa Công ty Tuấn Lộc và nhân dân rất phức tạp”.

Về vấn đền này, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Năm 2009, Công ty TNHH MTV Tuấn Lộc Bắc Giang thuê đất rừng tại xã Hữu Sản với diện tích 120 ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát phần diện tích khoảng 23ha/120 ha thuộc 14 hộ gia đình thôn Dần 3, xã Hữu Sản đã được thực hiện trồng rừng theo Dự án Đức do Ban Quản lý rừng Phòng hộ triển khai năm 2008. Do vậy, ý kiến cử tri nêu 14 hộ thôn Dần 3, xã Hữu Sản được UBND huyện cấp cho quản lý, sử dụng trước khi Công ty Tuấn Lộc thực hiện dự án theo Quyết định của UBND tỉnh là có cơ sở. Hiện nay, Công ty và các ngành chức năng đang làm việc với các hộ gia đình để thống nhất phương án giải quyết.

4. Cử tri huyện Việt Yên kiến nghị: Hiện nay tuyến đê Đại Hà (đoạn đi qua các xã Vân Trung, Quang Châu, Ninh Sơn và Tiên Sơn, huyện việt Yên) đã xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân đi lại rất khó khăn và không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đề nghị UBND tỉnh xem xét đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư, nâng cấp tuyến đê này.

Trả lời: Năm 2005, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch tu bổ đê điều ngân sách trung ương 02 hạng mục: cứng hóa mặt đê đoạn K46+256-K46+730 và đắp đê đoạn K49+811-K50+714 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt sẽ được triển khai thi công vào thời gian tới. Do nguồn kinh phí đầu tư hạn chế vì vậy đề nghị chính quyền các địa phương có biện pháp ngăn chặn xe quá trọng tải đi lại trên đê và san lấp ổ gà các đoạn đê còn lại để việc giao thông đi lại của nhân dân được thuận lợi cũng như đảm bảo công tác phòng, chống lụt bão trong mùa mưa lũ.

5. Cử tri xã Đông Phú, huyện Lục Nam phản ánh: Hệ thống kênh hồ Suối Nứa, hồ Cây Đa do Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Cầu Sơn quản lý hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng nặng không đảm bảo việc dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp và cứng hóa các tuyến kênh này để nhân dân thuận lợi trong việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trả lời: Đối với hệ thống hồ Suối Nứa, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Cầu Sơn hoàn thành việc khảo sát và lập dự án đầu tư trình UBND tỉnh để xem xét phê duyệt.

Hệ thống hồ Cây Đa, năm 2002 đã được Nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình đầu mối và tuyến kênh chính, các tuyến kênh nhánh chưa được nâng cấp, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Cầu Sơn quản lý, đầu tư kinh phí tu bổ, nạo vét đảm bảo yêu cầu đưa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương.

6. Cử tri xã Đan Hội huyện Lục Nam phản ánh: Việc Cống Cầu Ngói (cống qua Đê Bối thuộc cánh đồng chung xã Đan Hội, huyện Lục Nam và xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương thuộc cánh đồng ngoài đê Bãi Chìm) hiện nay đã xuống cấp, lòng cống nhỏ nên về mùa mưa lũ không kịp tiêu nước, gây ngập úng toàn bộ cánh đồng thuộc địa bàn thôn Húi và thôn Chiền, xã Đan Hội. Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với UBND tỉnh Hải Dương đầu tư kinh phí tu sửa, nâng cấp, mở rộng cống để tiêu nước kịp thời vào mùa mưa lũ, đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Trả lời: Nguyên nhân gây ngập úng về mùa mưa lũ là do phía ngoài sông, một số hộ dân thuộc xã Đan Hội san đất làm bãi, lấn chiếm hành lang kênh dẫn và cửa cống, làm co hẹp mặt cắt và bồi lấp cửa ra của cống, đổ tường văng cống. Đề nghị UBND huyện Lục Nam chỉ đạo UBND xã Đan Hội sớm giải tỏa hành lang kênh dẫn sau cống Cầu Ngói, nạo vét, bốc rỡ bùn đất và khối lượng tường văng cống bồi lấp sau cửa ra đảm bảo mặt cắt tiêu, thoát lũ sau cống đáp ứng yêu cầu thiết kế ban đầu.

7. Cử tri huyện Hiệp Hòa:

* Đề nghị UBND tỉnh đầu tư kinh phí tiếp tục cứng hóa phần còn lại của kênh 1B để đảm bảo sản xuất cho người dân.

Trả lời: Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Sông cầu tu bổ, nạo vét đoạn kênh này để đảm bảo phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho phần diện tích canh tác nằm ở cuối kênh tưới 1B được tưới chủ động bằng nguồn nước của hồ Núi Cốc đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư kinh phí giúp địa phương cứng hóa hoàn chỉnh tuyến kênh 1B theo ý kiến mà cử tri đề nghị.

* Trạm truyền tải điện 500KV được xây dựng trên địa bàn thông Đại Mão, xã Đại Thành, đây là vùng đất trũng, thường xuyên ngập úng khi trời mưa, khi công trình 500KV hoàn thành làm diện tích ngập úng tăng lên, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Đề nghị UBND tỉnh cho xây dựng hệ thống tiêu thoát nước riêng để chống úng đảm bảo sản xuất.

Trả lời: Để khắc phục tình trạng ngập úng vào mùa mưa lũ, cần mở rộng hệ thống kênh tiêu từ cánh đồng ngập úng thôn Đại Mão đến cống qua đường tỉnh 296 và lắp đặt Trạm bơm tiêu úng. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét đầu tư kinh phí tạo điều kiện khắc phục tình trạng ngập úng cho địa phương.

8. Cử tri huyện Yên Thế phản ánh: Dự án hệ thống thủy lợi hồ sông Sỏi được xây dựng tư năm 2010, nhưng đến nay hệ thống Kênh Giữa còn 1 đoạn thuộc khu vực thôn Sỏi, xã Tân Sỏi vẫn chưa được hoàn thiện dẫn đến ứ đọng nước gây khó khăn cho việc sản xuất của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh sớm quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng xem xét để hoàn thiện.

Trả lời: Tuyến kênh Giữa hồ Sông Sỏi đã được thi công xong, nguyên nhân dẫn đến ách tác dòng chảy là do nhân dân thải nước sinh hoạt, phân chăn nuôi, vứt rác xuống lòng kênh gây ô nhiễm cục bộ. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND huyện Yên Thế kiểm tra thực tế tại hiện trường và cho nạo vét, khơi thông dòng chảy, xây tôn cao bờ kênh để ngăn rách thải, phân chăn nuôi xuống lòng kênh đảm bảo thuận lợi cho việc đưa nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp./.

Trung bình (0 Bình chọn)