Bắc Giang, Quảng Nam nêu cái khó trong đặt hàng đào tạo giáo viên theo NĐ 116

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Địa phương phải bỏ kinh phí để nhà trường đào tạo GV sư phạm, tuy nhiên, sau này khi tuyển dụng vẫn phải thi tuyển, nếu thi rớt, việc đòi lại kinh phí là rất khó.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Tại Điều 3, Nghị định 116 quy định, hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/1 hằng năm và công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông.

Cũng chỉ khoảng 1 tháng nữa là đến hạn các địa phương thông tin về nhu cầu của địa phương cho năm tới, nhưng hiện tại, sau 2 năm Nghị định có hiệu lực, nhiều địa phương vẫn khó trong việc đặt hàng đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên, hoặc giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc địa phương.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang thông tin, vào tháng 8 vừa qua, lãnh đạo Sở đã ban hành văn bản về việc tham gia ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Nội dung văn bản nêu, tại Khoản 4 Điều 1 của dự thảo Nghị định có nêu:

"Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo... " và dòng "Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí" nội dung ở 2 dòng này không thống nhất. Đề nghị sửa như sau: "Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo... " "Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí của cơ sở đào tạo sinh viên".

Về nội dung trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tình huống sau:

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định sinh viên sư phạm được hỗ trợ hai khoản kinh phí (học phí và sinh hoạt phí), nhưng sẽ phải bồi hoàn kinh phí nếu ra trường không làm trong ngành giáo dục và không làm việc theo đúng cam kết.

Mục tiêu của Nghị định là hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu thực tế của địa phương. Tuy nhiên có những khó khăn sau:

Việc thu hồi kinh phí bồi hoàn là rất khó khăn như sinh viên đó không còn làm việc trong nước, thời điểm phải thu hồi kinh phí bồi hoàn thì gia đình khó khăn không có khả năng bồi hoàn. Gia đình sinh viên có thể chây ì không nộp...

Sinh viên ra trường có nhu cầu làm việc trong ngành giáo dục nhưng thi viên chức đến năm thứ 2 vẫn không đỗ, đây là yếu tố khách quan nhưng vẫn phải bồi hoàn kinh phí (Tại mục a, khoản 1 Điều 6 quy định Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp)".

Từ đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có mẫu hướng dẫn thủ tục xoá kinh phí bồi hoàn trong trường hợp sinh viên thuộc đối tượng chính sách, khó khăn.

Trước đó, trong báo cáo tình hình triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2021, 2022, do nguồn tuyển dụng giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của tỉnh nên trong các năm học này, tỉnh Bắc Giang chưa có nhu cầu đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định.

Theo kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 của Tỉnh, tổng số biên chế sự nghiệp giáo dục phải tinh giản 10% tương ứng là 2.800 người (trong đó, số cán bộ quản lý, giáo viên và tổng phụ trách đội phải tinh giản 10% tương ứng là 2.573 người; hành chính 227 người).

Đến năm 2026, chỉ tính số biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và tổng phụ trách đội còn lại sau kế hoạch tinh giản là 23.160 người.

Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 01/9/2022 là 25.516 người; số nghỉ hưu trong giai đoạn 2022 - 2026 dự kiến khoảng 1.200 người, số có mặt thực tế năm 2026 là 24.316 người.

Như vậy, đến năm 2026, số cán bộ quản lý, giáo viên và tổng phụ trách đội thực tế có mặt vẫn còn dư so với biên chế sau kế hoạch tinh giản là 1.156 người.

Sau khi có số liệu thống kê như trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổng kết, nếu Trung ương không giao thêm biên chế sẽ không có chỉ tiêu để tuyển dụng, trong khi đó nguồn giáo viên để tuyển của tỉnh vẫn còn dư thừa.

Do vậy, không chỉ trước đó mà dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2026, tỉnh Bắc Giang chưa đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP./.

BGP.

Trung bình (0 Bình chọn)