> UBND huyện Lục Ngạn: trả lời về tình trạng xuống cấp của Trạm y tế xã Sa Lý và công tác quản lý khai thác vàng.

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Phúc đáp kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 15-HĐND tỉnh khóa XVI phản ánh về tình trạng xuống cấp của trạm y tế xã Sa Lý và biện pháp ngăn chặn đào đãi, khai thác vàng trái phép trên suối Tà Cang, ngày 30/9/2009, UBND huyện Lục Ngạn có công văn số 1387/

1. Cử tri kiến nghị: Trạm y tế xã Sa Lý được xây dựng từ năm 1997 nay đã xuống cấp không đảm bảo cho việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, đề nghị tỉnh đầu tư, hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp để phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân được kịp thời.

> Trả lời:

Ý kiến cử tri phản ánh là có cơ sở. Trạm y tế xã Sa Lý được xây dựng từ năm 1997, có quy hoạch khuôn viên riêng biệt, đặt tại trung tâm xã, bám đường tỉnh lộ 285, diện tích trên 500m2, đủ điều kiện về vị trí để xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã. Cơ sở vật chất của trạm hiện có:

+ Khu nhà chính có 02 nhà cấp 4 kiên cố (tường gạch lợp ngói), diện tích 126m2 (01 nhà 36m2, 01 nhà 90m2 xây năm 1997). Công trình phụ trợ của trạm đã có: cổng, biển tên trạm, tường bao xây gạch, nhà bếp, vườn thuốc nam, giếng khoan đủ nước sạch sử dụng hàng ngày.

+ Trang thiết bị tại trạm: có điện lưới, có 01 thuê bao điện thoại cố định, 01 dàn máy vi tính và máy in, máy bơm nước hiện vẫn đang sử dụng. Dụng cụ chuyên môn đủ điều kiện phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế thông thường tại trạm.

Tuy nhiên, toàn bộ 126m2 khu nhà làm việc (gồm 2 đơn nguyên) được xây dựng từ năm 1997, đã xuống cấp (nhà số 01-36m2 mái lợp ngói máy, trần cót đã hỏng, tường đã bong vữa trát, nền nhà đã lún, mặt nền thấp ngang với mặt sân nên khi mưa to đọng nước ảnh hưởng đến hoạt động của trạm; nhà số 2=90m2 mái bê tông cốt thép, lợp chống nóng bằng tấm lợp Fibro xi măng, hiện đã có chỗ dột và gây thấm trần).

Tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất của Trạm y tế xã Sa Lý nêu trên có ảnh hưởng đến hoạt động của trạm y tế khi thời tiết mưa to.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND huyện đã giao Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện trực tiếp xem xét, đề xuất phương án cụ thể tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất Trạm y tế xã Sa Lý để đảm bảo yêu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

2. Cử tri kiến nghị: Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn không cho người đào đãi, khai thác vàng trái phép trên suối Tà Cang gây sụt lở đất ven suối ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất của địa phương.

> Trả lời:

Ý kiến của cử tri phản ánh là có cơ sở. Một vài năm gần đây, trên địa bàn huyện Lục Ngạn, trong đó có trên địa bàn suối Tà Cang – đầu nguồn sông Thảo chảy qua địa phận xã Sa Lý, Phong Minh, có một số đối tượng thăm dò, khai thác vàng sa khoáng trái phép. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã có liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn; từ năm 2006 đã thành lập, chỉ đạo tổ kiểm tra liên ngành về khoáng sản gồm 18 thành viên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm túc theo quy định. Trong năm 2008, đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt 29 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 230,5 triệu đồng, tịch thu một số tang vật, phương tiện. Từ đầu năm 2009 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiên quyết hơn như bố trí mai phục để bắt giữ các phương tiện đưa về huyện để xử lý; lập biên bản, xử phạt và đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt 12 trường hợp (5 chủ máy xúc và 7 chủ tầu cuốc) vi phạm với tổng số tiền 445 triệu đồng. Đến nay, tình trạng thăm dò khai thác vàng đã giảm nhiều và chỉ còn một số ít hoạt động nhỏ lẻ và lén lút.

Để tăng cường công tác quản lý, nhằm ngăn chặn, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục thường xuyên đôn đốc các cơ quan chức năng, tổ kiểm tra liên ngành về khoáng sản của huyện, đặc biệt là UBND các xã liên quan tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra và xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật.

Trung bình (0 Bình chọn)