> Ngân hàng Nhà nước tỉnh trả lời cử tri về tình hình thực hiện và công tác giám sát cho vay hỗ trợ lãi suất tại địa bàn nông nghiệp nông thôn.

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Phúc đáp kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện và công tác kiểm tra, giám sát cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn nông nghiệp nông thôn của tỉnh, ngày 14/9/2009, Ch

1. Tình hình triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

1.1. Tình hình triển khai thực hiện

Xác định chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) là một chủ trương hết sức đúng đắn của Chính phủ, là giải pháp phù hợp, tạo động lực kích thích sản xuất, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, hệ thống ngân hàng tỉnh Bắc Giang luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2009 và đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các Quyết định hỗ trợ lãi suất của Chính phủ trên địa bàn, cụ thể:

- Về công tác tham mưu: NHNN tỉnh đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các Quyết định hỗ trợ lãi suất, chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức Hội nghị triển khai đến tất cả các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, có văn bản chỉ đạo các NHTM, NHCSXH và Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang; tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ công tác giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận và vay vốn ngân hàng.

- Về công tác triển khai thực hiện: hệ thống các NHTM, NHCSXH và Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang đã thực hiện tốt việc triển khai thực hiện, đảm bảo đồng bộ, nghiêm túc và kịp thời. Ngay sau khi các NHTM cấp trên tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai cơ chế HTLS và thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các chi nhánh NHTM đã tổ chức hội nghị để triển khai, quán triệt và xác định rõ trách nhiệm về việc thực hiện cơ chế HTLS tới tất cả cán bộ nhất là cán bộ tín dụng. Một số ngân hàng tổ chức Hội nghị khách hàng để hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện HTLS; nhằm tạo điều kiện thuận lợi và chủ động phục vụ khách hàng vay vốn, các ngân hàng đã rà soát, xác định đối tượng được HTLS để thông báo cho khách hàng chủ động tiếp cận vay vốn ngân hàng.

- Về công tác thông tin tuyên truyền: NHNN tỉnh đã soạn thảo tài liệu tóm tắt các Quyết định của Chính phủ về việc cho vay HTLS gửi Đài Phát thanh truyền hình, Báo Bắc Giang để thông báo công khai và đã in ấn thành tờ rơi chuyển về các huyện, thành phố để phát cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhất là các hộ dân trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Các ngân hàng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, các hình thức tuyên truyền đã đa dạng, phong phú hơn; niêm yết công khai cơ chế HTLS tại trụ sở các chi nhánh, phòng giao dịch; đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang Web của các NHTM; ký hợp đồng với Báo Bắc Giang tổ chức tuyên truyền định kỳ hàng tháng. Bên cạnh đó, sử dụng các hình thức tuyên truyền khác như gửi thư ngỏ, tờ gấp quảng cáo, treo băng zôn, dán pano, áp phích. NHNo&PTNT tỉnh phối hợp với Hội Nông dân và Tổng công ty động lực Việt Nam tổ chức Hội nghị thực hiện tuyên truyền quảng bá sản phẩm động cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp của Công ty và cơ chế HTLS của ngân hàng cho nông dân vay vốn mua máy móc, thiết bị theo Quyết định 497/QĐ-TTg; NHCSXH tổ chức Hội nghị với Phụ nữ để phối hợp tuyên truyền đến hội viên. Các ngân hàng tiếp tục thông tin trên báo, đài địa phương, phát tờ rơi đến khách hàng để tuyên truyền cơ chế HTLS.

- Về công tác chỉ đạo điều hành: những tháng đầu năm mới thực hiện cơ chế chính sách này, NHNN tỉnh đã tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần với các NHTM trên địa bàn, những tháng gần đây tổ chức họp 2 tuần/1 lần để trực tiếp nắm bắt thông tin, tình hình thực hiện và những khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo với NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo đối với những vấn đề phát sinh vướng mắc. Do vậy, việc cho vay HTLS trên địa bàn diễn biến thuận lợi, những khó khăn được giải quyết kịp thời.

1.2. Kết quả đạt được

Chính sách HTLS của Chính phủ khi triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, tạo lòng tin và động lực cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn duy trì sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường mở rộng sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng trên địa bàn với sự cố gắng nỗ lực và nhiều giải pháp thích hợp, thực hiện cho vay HTLS đạt kết quả tốt, đến 31-8-2009 các ngân hàng đã giải ngân được 50.751 khách hàng thuộc diện được HTLS với dư nợ cho vay đạt 3.077 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32% so với tổng dư nợ toàn địa bàn, với số lãi được giảm trừ cho khách hàng là 32 tỷ đồng.

Riêng cho vay hỗ trợ lãi suất đối với nông nghiệp, nông thôn (theo Quyết định số 497):

Quyết định 497/2009/QĐ-TTg được coi là đòn bẩy cho cơ giới hóa nông nghiệp, là động lực kích cầu đầu tư hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, giúp cho nông dân có điều kiện mua máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống, cải thiện bộ mặt nông thôn.

Hiện tại trên địa bàn mới chỉ có NHNo&PTNT tỉnh cho vay, các NHTM khác chưa cho vay. Đối tượng cho vay chủ yếu là các hộ gia đình và cá nhân để mua sản phẩm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như xe tải nhẹ tải trọng dưới 5 tấn, máy kéo, máy cày, còn lại là các loại máy khác và mua vật liệu xây dựng nhà ở.

Trong quá trình triển khai thực hiện, ngoài các giải pháp chung trong triển khai thực hiện cho vay HTLS, NHNo&PTNT tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thống kê tổng hợp nhu cầu vay vốn của các hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh; trên cơ sở đó đã chủ động cân đối nguồn vốn, bố trí cán bộ thẩm định cho vay. Đến 31/8/2009, đã giải ngân cho vay được 475 khách hàng với dư nợ đạt 31.711 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 1,1% tổng dư nợ cho vay HTLS toàn tỉnh, trong đó:

- Cho vay mua máy móc nông cụ các loại: 167 khách hàng với dư nợ là 3.828 triệu đồng.

- Cho vay mua vi tính để bàn: 56 khách hàng với dư nợ 280 triệu đồng.

- Cho vay mua xe tải nhẹ tải trọng dưới 5 tấn: 121 khách hàng với dư nợ 22.486 triệu đồng.

- Cho vay và mua vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn: 131 khách hàng với dư nợ 5.135 triệu đồng.

Theo số liệu tổng hợp của NHNo&PTNT đến ngày 07/9/2009, nhu cầu vay vốn theo Quyết định 497/QĐ-TTg là 231 tỷ đồng, đã giải quyết cho vay được 32 tỷ đồng bằng 13,9% so với nhu cầu đăng ký; sẽ giải ngân 87 tỷ đồng đối với hồ sơ có đủ điều kiện cho vay trong tháng 10.

1.3. Tồn tại, hạn chế

- Mặc dù các ngân hàng đã có nhiều cố gắng để tăng trưởng dư nợ cho vay HTLS nhưng tốc độ tăng trưởng chưa nhanh theo dự kiến, cơ cấu cho vay HTLS  chuyển dịch còn chậm chủ yếu dư nợ tín dụng vẫn tập trung theo Quyết định 131, dư nợ theo Quyết định 443/QĐ-TTg, Quyết định 497/QĐ-TTg  tuy có tăng nhanh hơn nhưng tỷ trọng so với dư nợ cho vay HTLS chung trên địa bàn vẫn còn rất thấp (tỷ trọng cho vay trung, dài hạn theo Quyết định 443/QĐ-TTg là 9,7%, theo Quyết định 497/QĐ-TTg là 1,1%).

- Còn nhiều khách hàng doanh nghiệp, hộ kinh doanh kêu ca về thủ tục phiền hà (thu lãi toàn bộ món vay rồi mới trả lại phần HTLS, chủ đầu tư tự thực hiện dự án không được HTLS …).

- Riêng về vốn và việc thực hiện tăng trưởng tín dụng cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497 cho khu vực nông nghiệp, nông thôn còn căng thẳng gây bức xúc dư luận. Nguyên nhân do:

+ Về cơ chế chính sách: trong cơ chế HTLS vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn như mức tiền vay tối đa đối với cho vay vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp không quá 7 triệu đồng/ha; cần phải có hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính để được vay vốn nhưng thực tế nông dân quen mua bán “trao tay”, ít khi lấy “hóa đơn đỏ”, do đó không có chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; về quy định vay vốn, để được hưởng HTLS, nông dân phải mua máy móc sản xuất trong nước, trong khi ngoài thị trường những loại nông cụ sản xuất trong nước có chất lượng không đồng đều, mẫu mã ít và giá cao.

+ Về địa bàn hoạt động của các NHTM trên địa bàn: Hiện tại trên địa bàn nông thôn chủ yếu là NHNo&PTNT hoạt động, các ngân hàng khác địa bàn hoạt động chủ yếu tập trung ở Thành phố, chưa có nhiều các chi nhánh, phòng giao dịch ở địa bàn nông thôn.

+ Số các đại lý, cửa hàng bán các loại máy móc, thiết bị sản xuất trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là đối tượng được hưởng HTLS theo Quyết định 497 còn ít, không thuận lợi cho nông dân tiếp cận để mua.

+ Về nhu cầu vay vốn HTLS theo Quyết định 497/QĐ-TTg khu vực nông thôn theo tổng hợp là rất lớn nhưng sự phối hợp giữa ngân hàng với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ chưa tốt trong công tác tuyên truyền, tư vấn cho nông dân, dẫn đến còn hiện tượng đăng ký theo phong trào, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhất là nhu cầu về vốn để mua ô tô nếu cho vay đáp ứng đủ nhu cầu sẽ không có hiệu quả.

2. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Trong thời gian vừa qua, để chính sách cho vay HTLS trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, phục vụ tốt yêu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, công tác kiểm tra, giám sát cho vay HTLS trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm thực hiện tốt, cụ thể:

- Bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo việc triển khai, thực hiện HTLS, UBND tỉnh còn thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra thực tế tình hình cho vay HTLS trên địa bàn các huyện. Qua kiểm tra, đã kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh ngành ngân hàng thực hiện tốt chính sách kích cầu, trong đó trọng tâm là các vấn đề giải quyết khó khăn về vốn, tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân vay vốn thuận lợi, tránh phiền hà cho khách hàng…

- Hàng tháng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự giao ban định kỳ HTLS với ngành ngân hàng, một tháng 01 lần Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức họp kiểm điểm tiến độ thực hiện HTLS với ngành ngân hàng. Qua các cuộc họp, UBND tỉnh đã kịp thời nắm bắt, chỉ đạo, giám sát hệ thống ngân hàng thực hiện chính sách kích cầu, đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo của NHNN tỉnh cùng với lãnh đạo NHNo&PTNT, NHCSXH tỉnh đã trực tiếp về làm việc, kiểm tra tình hình cho vay HTLS tại các huyện, xã. Qua các buổi làm việc, kịp thời nắm bắt những tồn tại, vướng mắc và có chỉ đạo giải quyết kịp thời.

- NHNN tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cho vay HTLS trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Kết quả đã thực hiện 08 cuộc đối với NHTMCP Công thương, NHĐT&PT, VPbank, NHNo&PTNT tỉnh, NHNo&PTNT thành phố, NHNo&PTNT khu Công nghiệp, NHNo&PTNT  Xương Giang, NHNo&PTNT huyện Việt Yên và đang thực hiện thanh tra, kiểm tra tại NHNo&PTNT huyện Yên Thế. Qua kiểm tra đã phát hiện còn có hiện tượng cán bộ ngân hàng gây phiền hà cho người dân đến vay vốn, cho vay không đúng đối tượng, chưa thực hiện đúng quy trình cho vay, cho vay trùng hóa đơn… và đã có kiến nghị yêu cầu chỉnh sửa kịp thời.

3. Biện pháp trong thời gian tới

- NHNN tỉnh tiếp tục làm việc và kiểm tra tình hình triển khai thực hiện cơ chế HTLS của Thủ tướng Chính phủ tại các huyện.

- Tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cơ chế HTLS đối với các ngân hàng trên địa bàn nông thôn, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

- Để gói kích cầu tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn được thực hiện có hiệu quả, đảm bảo người dân được vay vốn đúng đối tượng và kịp thời, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện nghiêm túc các nội dung:

+ Các ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp mở rộng cho vay HTLS, nhất là cho vay HTLS khu vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường tiếp cận khách hàng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vay vốn ngân hàng.

+ Các ngân hàng thực hiện nghiêm túc Quyết định cho vay HTLS, thực hiện đúng quy trình cho vay, nâng cao chất lượng thẩm định cho vay, đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc tín dụng, thực hiện xem xét cho vay đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn vay, đảm bảo cho vay đúng mục đích, đầu tư vốn an toàn.

+ Thường xuyên báo cáo với UBND tỉnh về tình hình thực hiện, những khó khăn vướng mắc để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

+ Các NHTM trên địa bàn xem xét, mở rộng địa bàn hoạt động, mở phòng giao dịch trên địa bàn nông thôn để mở rộng cho vay theo Quyết định 497.

- Các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với Tổng Công ty máy động lực, đề nghị Tổng Công ty mở các đại lý bán lẻ tại các tỉnh hoặc cửa hàng giới thiệu sản phẩm di động để giới thiệu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nông dân đảm bảo cho người dân mua máy và được hưởng HTLS theo Quyết định 497/QĐ-TTg./.

Trung bình (0 Bình chọn)