|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bắc Giang có đặc điểm văn hóa phong phú và đa dạng, được quy tụ và thể hiện thông qua đời sống, phong tục, tập quán truyền thống của cộng đồng mỗi dân tộc; biểu hiện qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo ở lễ hội truyền thống.
Chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, gắn liền với không gian văn hóa Kinh Bắc xưa, dấu ấn của văn hóa truyền thống còn in đậm trong những cộng đồng làng xã thôn quê của Bắc Giang. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn được gìn giữ qua bao đời nay đã trở thành một kho tàng quý báu để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa. Trong đó có những di sản đã được UNESCO công nhận như: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Dân ca Quan họ, Ca trù, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bắc Giang có hàng nghìn công trình kiến trúc cổ đặc sắc với nhiều loại hình khác nhau như: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, từ đường, văn chỉ… Mặc dù đã mất mát đi rất nhiều, song những công trình còn lại như: Đình Lỗ Hạnh (Đông Lỗ - Hiệp Hòa) xây dựng năm 1576; đình Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên) xây dựng năm 1686; đình Phù Lão (Đào Mỹ - Lạng Giang) xây dựng thế kỷ XVII; đình Cao Thượng, đình Vường, đình Hả (Tân Yên); chùa Vĩnh Nghiêm (Trí Yên - Yên Dũng); chùa Bổ Đà (Việt Yên); lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa)… đã thể hiện những dấu ấn đặc sắc về kỹ thuật tạo dựng công trình và nghệ thuật hội họa, điêu khắc tuyệt tác của người Bắc Giang.

Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Hiện nay toàn tỉnh có 2.237 di tích, trong đó, 711 di tích đã được xếp hạng, 03 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, hơn 100 di tích cấp quốc gia và hơn 600 di tích cấp tỉnh, tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng, Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà huyện Việt Yên, Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử... thu hút du khách.

Đến Bắc Giang vào mùa lễ hội, nhất là hội Xuân sẽ thấy không gian văn hóa đa sắc màu với sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc. Hằng năm Bắc Giang có trên 500 lễ hội truyền thống được tổ chức trong đó có 6 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, bao gồm: Lễ hội Yên Thế, lễ hội chùa La (Vĩnh Nghiêm), lễ hội Thổ Hà, lễ hội Suối Mỡ, lễ hội Y Sơn và lễ hội Đình Vồng.

Ngoài ra, có những lễ hội dân gian, truyền thống trong làng xã, có thể là hội chùa, hội đình, hội đền của nhân dân trong vùng gắn với các di tích lịch sử, văn hóa như hội chùa La (Vĩnh Nghiêm), hội chùa Bổ Đà, hội Thổ Hà, hội chùa Kế, hội đền Y Sơn… Cũng có thể là lễ hội gắn với các sự kiện lịch sử như lễ hội Xương Giang, lễ hội Yên Thế.

Tại các huyện có nhiều đồng bào dân tộc Tày, Cao Lan, Sán Chí có các hội hát sli, lượn, sình ca…, những phiên chợ tình, chợ vùng cao độc đáo thu hút đông đảo du khách tới tham dự. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều đầu tư để xây dựng và hoàn thiện những di tích lịch sử như thành cổ Xương Giang (thành phố Bắc Giang), khu di tích cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, khu di tích cách mạng Hoàng Vân, di tích Y Sơn (huyện Hiệp Hòa).

Bắc Giang có nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Bắc Giang cũng là nơi có kho tàng văn nghệ dân gian phong phú như: Truyện thần thoại, truyện cổ tích, huyền thoại, giai thoại, truyện cười, tục ngữ, ca dao, hát ví, hát trống quân, hát quan họ, chèo, ca trù và dân ca của các dân tộc thiểu số. Dân ca Quan họ và Ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những yếu tố về cảnh quan, văn hóa và con người đã tạo ra tiềm năng để Bắc Giang phát triển các loại hình du lịch văn hóa - tâm linh - sinh thái. Tiêu biểu nhất là hệ thống di tích và danh thắng dọc sườn Tây Yên Tử nằm rải rác tại các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động gắn liền với lịch sử phát triển của Thiền phái Trúc Lâm do Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông sáng lập từ cuối thế kỷ XIII. Theo khảo sát, trong khu vực Tây Yên Tử đã phát hiện một hệ thống di tích với trên 230 điểm, trong đó có nhiều điểm di tích gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử… Bởi vậy, chính sách phát triển du lịch mà Bắc Giang đang thực hiện đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch Tây Yên Tử là điểm nhấn, tiêu biểu cho loại hình văn hóa - tâm linh Bắc Giang./.

 

Trung bình (0 Bình chọn)