Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm 2023, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thử thách, song kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Bắc Giang vẫn đạt được kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,45%, đứng đầu cả nước, cao gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đều thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
Kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang năm 2023 đạt được kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực.

 I. Về phát triển kinh tế

1. Sản xuất công nghiệp

Các ngành sản xuất tiếp tục đà phục hồi, sản lượng và đơn hàng mới nhóm công nghiệp chế biến chế tạo đang tăng trở lại, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng ngành. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm dự kiến tăng 20,2%. Các sản phẩm công nghiệp chính có mức tăng mạnh.

Giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp (giá hiện hành) cả năm ước đạt 541.169 tỷ đồng, vượt 6,6% kế hoạch. Khu vực DN FDI vẫn là khu vực đóng góp chính vào phát triển công nghiệp của tỉnh; GTSX khu vực này đạt hơn 439.178 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2022, chiếm 81% GTSX công nghiệp toàn tỉnh; GTSX khu vực DN ngoài nhà nước đạt 90.949 tỷ đồng, tăng 46%, chiếm 17%; khu vực DN nhà nước đạt 11.042 tỷ đồng, tăng 7,4%, chiếm 2% so với năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở các địa phương đều tăng trên 10% so với năm 2022, trong đó một số địa phương có mức tăng cao như: Hiệp Hòa, Lạng Giang, TP Bắc Giang, Lạng Giang.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì tăng trưởng, khẳng định là vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. GTSX toàn ngành cả năm ước tăng 2,6%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,4%; lâm nghiệp tăng 3,3%, thủy sản tăng 5,3%. GTSX (giá hiện hành) đạt 40.516 tỷ đồng, vượt 6,6% kế hoạch.

Các loại cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất với quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, UDCNC,... được quan tâm và nhân rộng. GTSX/1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng, vượt 2,2 % kế hoạch.

Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ và giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, chăn nuôi theo chuỗi khép kín gắn với tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ, ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổng đàn lợn đạt 885 nghìn con, giảm 2,7%, đàn gia cầm tăng 2,5% với 20,5 triệu con (trong đó đàn gà 17 triệu con). Sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 274 nghìn tấn, tăng 7,9%, đạt 105,8% kế hoạch.

Diện tích nuôi thủy sản đạt 12,05 ngàn ha, vượt kế hoạch 0,4%. Sản lượng khai thác thủy sản cả năm ước đạt 53.700 tấn, tăng 2,8%, vượt 0,8% kế hoạch.

Toàn tỉnh trồng được 10.500 nghìn ha rừng tập trung, tăng 3,5% so cùng kỳ, vượt 38,1% kế hoạch; trồng 6,5 triệu cây phân tán các loại vượt 6,6% kế hoạch; tỷ lệ bao phủ rừng đạt 37,8%, đạt 100% kế hoạch; khai thác được 1,12 triệu m3 gỗ các loại, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

3. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Thu hút đầu tư đạt kết quả vượt bậc, trong đó nổi bật là thu hút nguồn vốn FDI. Tính đến 30/11/2023, toàn tỉnh đã thu hút được trên 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, đạt kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, cấp mới 29 dự án trong nước, vốn đăng ký đạt 5.381 tỷ đồng (không bao gồm các dự án khu đô thị, khu dân cư) và 89 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 1.531,03 triệu USD, gấp 3,47 lần cùng kỳ và cao nhất từ trước đến nay. Điều chỉnh tăng vốn cho 23 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký tăng thêm là 1.713 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ và 48 dự án FDI với số vốn bổ sung đạt 1.394,88 triệu USD, gấp gần 2,2 lần cả năm 2022.

Thu hút đầu tư đạt kết quả vượt bậc, tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 4 cả nước.

Vốn thực hiện của các dự án đầu tư trong nước ước đạt 8.300 tỷ đồng; các dự án FDI đạt khoảng 1.300 triệu USD. Tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 4 cả nước.

Tính đến nay, có 30 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào tỉnh với trên 227 dự án, tổng số vốn khoảng 5,14 tỷ USD; kế đến là Hàn Quốc với gần 300 dự án và số vốn đăng ký đạt khoảng 2,1 tỷ USD.

Trong năm, toàn tỉnh có 1.976 doanh nghiệp và 145 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 37,5% so với năm 2022; tổng vốn đăng ký 6.614 tỷ đồng, bằng với cùng kỳ.

4. Thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có mức tăng khá; giá trị cả năm ước đạt 56.500 tỷ đồng, tăng 13%, vượt 2,7% kế hoạch. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của các DN duy trì xu hướng tăng trưởng cao; tổng giá trị xuất, nhập khẩu cả năm 2023 ước đạt 52,4 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2022, vượt 0,7% kế hoạch; trong đó xuất khẩu đạt 27,4 tỷ USD, tăng 22,3%; nhập khẩu 25 tỷ USD, tăng 19,4%.

Tăng trưởng tín dụng đạt kết quả khá, đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế; ước đến 31/12/2023, tổng huy động vốn đạt 103.500 tỷ đồng, tăng 20,9%, dư nợ đạt 91.700 tỷ đồng, tăng 13,5%; nợ xấu 550 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng dư nợ, giảm 0,23% so với năm 2022.

5. Thu ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước của tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực, là một trong 18 tỉnh hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 15.843 tỷ đồng, vượt 5,3% dự toán, trong đó, thu nội địa khoảng 14.197 tỷ đồng, vượt 8,8% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu khoảng 1.630,6 tỷ đồng, đạt 85,8% dự toán.

Chi ngân sách địa phương cơ bản theo dự toán được giao, đảm bảo các nhu cầu phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp thiết. Tổng chi ngân sách dự kiến cả năm ước 37.868,6 tỷ đồng, bằng 94,6% so với năm 2022, vượt dự toán 70,8%.

II. Về văn hóa - xã hội

1. Giáo dục và Đào tạo

Chất lượng giáo dục mũi nhọn và toàn diện được nâng lên. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,58%, tăng 0,16% so với năm 2022. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế năm học 2022-2023 có tiến bộ rõ nét, đứng thứ 8 cả nước về số giải Nhất và đứng thứ 12 cả nước về số lượng giải với 59 giải. Đặc biệt, tỉnh có 8 học sinh được dự thi vòng 2 và 03 học sinh được tham dự các kỳ thi khu vực và quốc tế và cả 03 học sinh đều đoạt giải.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được tăng cường đầu tư; tập trung rà soát, nghiên cứu phương án triển khai mở rộng, tăng quy mô trường, lớp các trường THPT; chú trọng xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học; sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học.

2. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho ngành y tế, nhất là phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và trạm y tế tuyến xã. Chú trọng công tác đào tạo và phát triển nhân lực y tế; tính đến hết năm 2023, số bác sĩ/10.000 dân đạt 12,2 bác sĩ (kế hoạch cả nước 12 bác sĩ); số dược sĩ đại học/10.000 dân đạt 2,2 dược sĩ; tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ đạt 100%.

Số giường bệnh/vạn dân đạt 32,5 giường (kế hoạch cả nước 32 giường). Công suất sử dụng giường bệnh trung bình toàn tỉnh là 102,1%, tăng 12,7% so với năm 2022. Công tác phòng chống dịch bệnh khác và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, có chuyển biến tích cực; trong năm trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm lớn.

3. Công tác văn hóa, thể thao, du lịch

Tỉnh đã tổ chức thành công “Tuần Văn hóa - Du lịch 2023” và hàng loạt các hoạt động nhân dịp “Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh”.

Lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt khoảng 2,05 triệu lượt khách, tăng 48,1% so với cùng kỳ.

Các chỉ tiêu về văn hóa đều đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ làng, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá đạt 81,5%, đạt 100% kế hoạch.

Trong năm, tỉnh xếp hạng 05 di tích cấp tỉnh; hỗ trợ tu bổ 23 di tích. Lễ rước Mộc bản “Cư trần lạc đạo phú”; tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2023.

Các hoạt động thể dục thể thao đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công 06 giải vô địch Quốc gia năm 2023 tại tỉnh; chỉ đạo tổ chức tổ chức 18/20 giải thể thao cấp tỉnh, trên 130 giải TDTT cấp huyện, thành phố. Thể thao thành tích cao của tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển, trong đó tham gia thi đấu 43 giải quốc gia, quốc tế, giành được 295 Huy chương các loại44 . Đặc biệt tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32), Thể thao Bắc Giang có 02 HLV, 06 VĐV; các vận động viên Bắc Giang đã đóng góp vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam với tổng số 07 huy chương các loại.

Lượng khách du lịch cả năm ước đạt khoảng 2,05 triệu lượt khách, tăng 48,1% so với cùng kỳ, vượt 33% kế hoạch; tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch ước đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 123% so cùng kỳ.

4. Công tác giảm nghèo, lao động việc làm

Công tác xóa đói giảm nghèo tiếp tục được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn mới 2021-2025) giảm 1,01% xuống còn 2,8%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%, xuống còn 23%. Các chế độ, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, hoạt động bảo trợ xã hội được duy trì thường xuyên, đời sống nhân dân cơ bản ổn định.

Toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 33.000 lao động, vượt 1,5% kế hoạch; trong đó, xuất khẩu lao động là 2.000 người, vượt 21,2% kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có hơn 1,01 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế (đứng thứ 12 cả nước); cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch mạnh từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

III. Lĩnh vực nội chính

1. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả gắn với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đạt 88,54/100 điểm xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2021), xếp thứ nhất trong 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) đứng thứ 9 cả nước, tăng 01 bậc so với năm 2021. Chỉ đạo triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện” đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện có hiệu quả gắn với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

2. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được quan tâm với nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt. Chất lượng tham mưu, giải quyết vụ việc của các sở, ngành cơ bản tốt, chất lượng giải quyết của cấp huyện, cấp xã đã được nâng lên; công tác hòa giải, đối thoại với công dân được chú trọng. Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh không phát sinh “điểm nóng” về khiếu kiện; hầu hết các vụ việc phát sinh đã được tiếp nhận, xử lý theo quy định và xem xét, giải quyết kịp thời; một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được xử lý, giải quyết dứt điểm.

3. Công tác quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Công tác quốc phòng, an ninh được triển khai đồng bộ, toàn diện. Đặc biệt, đã làm tốt công tác chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện tổ chức thành công Diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh, diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Bắc Giang và huyện Việt Yên, đảm bảo an toàn, được đánh giá cao. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Tình hình tai nạn giao thông và cháy nổ có chuyển biến tích cực, giảm mạnh.

Công tác đối ngoại được tăng cường, các hoạt động thông tin đối ngoại có nhiều hình thức mới, thiết thực. Công tác quốc phòng, an ninh được triển khai đồng bộ, toàn diện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cơ bản ổn định.

Năm 2023, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; song với sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Bắc Giang đã nhanh chóng thoát ra khó khăn, tận dụng tốt các cơ hội để bứt phá. KT-XH đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực./.

BGP

Trung bình (0 Bình chọn)