Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực, toàn diện; là điểm sáng trong thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.
Tốc độ tăng trưởng cả năm đứng đầu toàn quốc ước đạt 13,02%. Ảnh minh họa: BGP/An Nhiên

I. Lĩnh vực kinh tế

1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong điều kiện khó khăn, tỉnh vẫn là một trong những điểm sáng về tăng trưởng và phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng cả năm đứng đầu toàn quốc ước đạt 13,02%. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 18,7%; dịch vụ tăng 1,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,7%, thuế sản phẩm tăng 6,7%.

Năng suất lao động xã hội tăng 9,9%, ước đạt gần 110 triệu đồng. GRDP bình quân đầu người lần đầu tiên vượt so với bình quân chung toàn quốc, đạt 2.900 USD, tăng 14,2% so với năm 2019. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch nhẹ từ lĩnh vực dịch vụ sang các lĩnh vực khác; cụ thể, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,2% lên 58,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,2% lên 17,5%, khu vực dịch vụ giảm 3,2% xuống còn 24,2%.

2. Sản xuất công nghiệp - xây dng

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh và khá vững chắc. Các khó khăn về thị trường tiêu thụ, lao động, vốn... tiếp tục được tập trung giải quyết hiệu quả. Hạ tầng các Khu, CCN tiếp tục được tập trung đầu tư; trong đó tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai thành lập 02 KCN - Đô thị - Dịch vụ Yên Lư và Bắc Lũng với tổng diện tích 1.395ha. Thành lập 05 CCN và mở rộng 01 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng.

Dù chưa phục hồi hoàn toàn, song sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tăng trưởng khá toàn diện trên cả 03 thành phần kinh tế và 04 ngành sản xuất. Chỉ số IIP cả năm đạt mức tăng 19,4% so với năm 2019. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20,3% so với năm 2019, quy mô đạt trên 266.040 tỷ đồng, bằng 96,7% kế hoạch.

Dù gặp khó khăn song nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH vẫn được tập trung khơi thông. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước được tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, dự án mới triển khai đầu tư xây dựng nhà xưởng, hạ tầng và nguồn vốn từ khu vực tư nhân tăng đáng kể, đã góp phần làm cho giá trị sản xuất xây dựng tăng 9,9%, ước đạt 39.435 tỷ đồng, vượt 3,5% kế hoạch.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt kết quả nổi bật, toàn diện, khẳng định vững chắc vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 6,7%, ước đạt 36.500 tỷ đồng, vượt 9,8% kế hoạch. Tỷ trọng ngành nông nghiệp tăng 1,9% lên 90,5%; thủy sản giảm 1% còn 5,2%, lâm nghiệp giảm 0,9% còn 4,4%. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng, tăng 14,3%, vượt 9,1%. Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 630 nghìn tấn, bằng 100% kế hoạch.

Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được thực hiện hiệu quả. Các mô hình sản xuất hiện đại theo chuỗi khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh. Đàn vật nuôi phát triển ổn định, riêng đàn lợn đã phục hồi về 1 triệu con, tăng 61,1% cùng kỳ. Sản xuất thủy sản có nhiều thuận lợi, các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ.  

Các chỉ tiêu về trồng, chăm sóc bảo vệ rừng vượt kế hoạch năm. Đã trồng được gần 8.100 ha rừng tập trung, vượt 12,3% kế hoạch. Việc quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp có chuyển biến; tình trạng phát phá, lấn chiếm đất rừng và số vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng giảm so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 6,7%, vượt 9,8% kế hoạch. Ảnh minh họa: BGP/An Nhiên

Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến 31/12/2020, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn (chỉ tính các xã sau sát nhập) và 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Lũy kế đến nay có 127 xã đạt chuẩn, chiếm 69% tổng số xã và 03 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân đạt 16,2 tiêu chí/xã, tăng 0,4 tiêu chí/xã; 08 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao - kiểu mẫu; 73 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

4. Thương mại, dịch vụ

Dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do tác động của dịch Covid-19 song đã từng bước hồi phục, nhất là trong những tháng cuối năm. Giá trị sản xuất khu vực dịch vụ tăng 0,4%, giá trị đạt 39.945 tỷ đồng, bằng 89,2% kế hoạch. Hoạt động xúc tiến thương mại được chú trọng với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đặc biệt trong công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 29.360 tỷ đồng, giảm 0,1% so với năm 2019, đạt 89,5% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 50,5%, vượt 18% kế hoạch; nhập khẩu đạt 10,6 tỷ USD, tăng 51,7%, vượt 15% kế hoạch.

Ước đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn tín dụng huy động trên địa bàn đạt 67.485 tỷ đồng, tăng 19,1%; dư nợ cho vay đạt 58.550 tỷ đồng, tăng 10,4%; nợ xấu là 397 tỷ đồng, chiếm 0,86% tổng dư nợ, giảm 295 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2019.

5. Thu, chi ngân sách nhà nước

Trong bối cảnh khó khăn song thu ngân sách nhà nước vẫn vượt dự toán năm. Tổng thu ước đạt 12.376,8 tỷ đồng, bằng 134,6% dự toán Trung ương giao, bằng 102,7% so cùng kỳ; trong đó thu xuất nhập khẩu đạt hơn 1.311 tỷ đồng, tăng 10,5%, bằng 98,6%, thu ngân sách nội địa đạt 11.065 tỷ đồng, tăng 1,9%, vượt 24,8% dự toán. Có 15/16 khoản thu nội địa đạt và vượt dự toán, riêng thu từ đất đạt 5.700 tỷ đồng, vượt 42,5%; còn 01 khoản thu không đạt dự toán (thu lệ phí trước bạ đạt 510 tỷ đồng, bằng 91,1%).

Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 34,6% dự toán. Ảnh minh họa: BGP/An Nhiên

Chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, trọng tâm theo dự toán, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh, như việc phòng, chống dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi. Tổng chi đạt 23.366 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ, bằng 136,1% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển 9.220 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ, bằng 145,7% dự toán.

6. Đầu tư phát triển

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh phát huy hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực cho nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm ước đạt 59.610 tỷ đồng, tăng 12,2%, bằng 91,9% kế hoạch.

Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả khá tích cực. Tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh cho 215 dự án, tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung quy đổi đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Có 1.348 doanh nghiệp được thành lập mới, giảm 1,3%; tổng số vốn đăng ký là 14.508 tỷ đồng, giảm 9,8% so với năm 2019.

II. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

1. Giáo dục và đào tạo

Các hoạt động giáo dục được tập trung, đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 và năm 2020. Các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được triển khai hiệu quả. Chất lượng giáo dục duy trì ổn định, giữ vững trong tốp dẫn đầu cả nước. Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được tăng cường. Quy mô trường lớp tiếp tục được rà soát, quy hoạch, sắp xếp hợp lý. Các chỉ tiêu về cơ sở vật chất trường lớp học đều đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 93,2%; tỷ lệ kiên cố hóa đạt 92,4%.

2. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả; các lĩnh vực tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm. Đến nay, tỉnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố. Đã thực hiện sáp nhập, tổ chức lại trạm y tế xã, phường, thị trấn từ 230 trạm còn 209 trạm.

Đến nay, 100% xã/phường/thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 27 giường; tỷ lệ bao phủ cao hơn bình quân cả nước, đạt 99%. Đội ngũ cán bộ y tế được quan tâm. Chất lượng công tác khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến.

3. Văn hóa, th thao, thông tin

Công tác văn hóa, thể thao được đẩy mạnh gắn với chào mừng Đại hội Đảng các cấp và các lễ lớn trong năm. Công tác thông tin, tuyên truyền có sự kiểm soát chặt chẽ, cung cấp đầy đủ, kịp thời tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và phòng chống dịch bệnh.

Việc thực hiện theo nếp sống văn minh trong việc cưới, đám tang có chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa ước đạt 87%; tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đạt 72%; tỷ lệ làng, bản, tổ dân phố văn hoá đạt 77%; tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới 52,2%.

4. Đi sống nhân dân, lao động, việc làm và chính sách xã hội

Chế độ chính sách đối với người có công, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được duy trì thực hiện tốt; công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội được thực hiện hiệu quả. Toàn tỉnh còn 14.662 hộ nghèo, giảm 8.475 hộ so với năm 2019, chiếm tỷ lệ 3,14%, vượt mục tiêu đề ra.

Công tác phát triển BHXH được tập trung cao đạt kết quả khá. Dự kiến hết năm 2020, tổng số người tham gia BHXH là 318.221 người, tăng 13,7% so với năm 2019; tỷ lệ các doanh nghiệp đang hoạt động có đối tượng bắt buộc tham gia BHXH cho người lao động đã đạt 87,7%, tăng 2,5%.

Công tác lao động, đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm. Đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài cho các doanh nghiệp; đồng thời tạo việc làm mới cho 32.500 lao động, vượt 4,8% kế hoạch, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.

III. Lĩnh vực nội chính

1. Công tác cải cách hành chính

Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền được chỉ đạo, quyết liệt và hiệu quả hơn. Đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã…

Các kết quả, chỉ số đánh giá về cải cách hành chính của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Công tác đào tạo, bồi đưỡng được đổi mới theo hướng từ thường xuyên sang bồi dưỡng theo chức danh và vị trí việc làm. Kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước được chú trọng và có chuyển biến.

2. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

Công tác tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực. Các vụ việc đã được tiếp nhận, xử lý ngay từ khi mới phát sinh, nhất là các vụ việc có liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp. Trong năm, toàn tỉnh tổ chức tiếp 8.231 lượt người đến đề nghị giải quyết 6.405 vụ việc, tăng 661 lượt so với năm 2019; tiếp nhận 7.479 đơn các loại, tăng 544 đơn; tổng số đơn phải giải quyết là 3.104 đơn, tăng 363 đơn; đã giải quyết xong 2.879 đơn, đạt tỷ lệ 92,8%, tăng 1,8%. Qua giải quyết KNTC đã xử lý thu hồi về cho Nhà nước trên 01 tỷ đồng và 1.211m2 đất, trả lại cho công dân 808 triệu đồng, xử lý hành chính 23 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 02 vụ việc, 03 đối tượng.

3. Công tác quốc phòng, an ninh, an toàn giao thông

Công tác quốc phòng, an ninh được triển khai đồng bộ, toàn diện. Đã hoàn thành 100%  chỉ tiêu tuyển quân năm 2020; hoàn thành việc bố trí Công an chính quy tại 100% các xã, thị trấn, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2019. Các hoạt động đổi ngoại được đẩy mạnh, đạt kết quả khá.

Tai nạn giao thông giảm mạnh so với cùng kỳ; đã xảy ra 312 vụ TNGT, giảm 14,3%, làm chết 164 người, giảm 11,8%, bị thương 241 người, giảm 22,5%.

* Có thể thấy, năm 2020, KT-XH của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Trong khó khăn, KT-XH của tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực; là điểm sáng trong thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ. Công tác xây dựng quy hoạch tỉnh Bắc Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được tập trung cao, là địa phương có tiến độ xây dựng nhanh nhất cả nước. Nền kinh tế hồi phục nhanh chóng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát; tốc độ tăng trưởng dù không đạt kế hoạch song vẫn ở mức cao, đứng đầu cả nước. Sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả nổi bật; sản xuất công nghiệp nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng vững chắc; các ngành dịch vụ dần phục hồi. Hạ tầng KT-XH được cải thiện. Thu hút đầu tư trong nước tăng mạnh; nhiều dự án đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy giảm song vẫn ở mức cao so với bình quân cả nước. Thu ngân sách vượt dự toán; giải ngân vốn đầu tư công cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng giảm mạnh. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tập trung chỉ đạo, ngày càng tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền và phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh đạt kết quả khả quan; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm mạnh./.

Hải Huyền (tổng hợp)

Trung bình (0 Bình chọn)