Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm 2019, kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Bắc Giang đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, 16/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt kế hoạch (đã có 08 chỉ tiêu hoàn thành mục tiêu Đại hội và Nghị quyết của HĐND tỉnh giai đoạn 2016 - 2020).
Sản xuất công nghiệp tăng mạnh và khá toàn diện. Ảnh: BGP/Hải Huyền

I. Lĩnh vực kinh tế

1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) duy trì đà tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước kể từ đầu nhiệm kỳ; năm 2019 cao nhất ước đạt 16,2% (đứng thứ 2 cả nước); trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 26,4%; dịch vụ tăng 6,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 4,3%; thuế sản phẩm tăng 8,8%.

Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện. Năng suất lao động ước đạt 70,1 triệu đồng/người, tăng 14,3%. Quy mô GRDP tăng 19% ước đạt 108.915 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,7 tỷ USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,4% lên 57,6%; khu vực dịch vụ giảm 2,1% còn 26,6%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giảm 3,3% còn 15,8%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.620 USD, tăng 13,9%.

2. Sản xuất công nghiệp - xây dng

Sản xuất công nghiệp tăng mạnh và khá toàn diện; cả 3 khu vực kinh tế và 4 ngành sản xuất đều tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 30,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 209.745 tỷ đồng, tăng 32,2%, đạt 100,5% kế hoạch. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng cao như: Thiết bị ngoại vi tăng 40%, mạch điện tích hợp tăng 33,3%, điện thương phẩm tăng 25,8%, sản phẩm may mặc tăng 16%...

Nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung cao. Hoạt động xây dựng trên địa bàn diễn ra khá sôi động. Giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt 33.655 tỷ đồng, tăng 11,2%, vượt 4% kế hoạch.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong điều kiện phải đối mặt với khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh…, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hình thức tổ chức sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao... được phổ biến và nhân rộng.

Cơ cấu các loại cây trồng được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp đạt 105 triệu đồng.

Các loại cây trồng được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định theo hướng VietGap, an toàn sinh học. Dịch tả lợn châu Phi sau những tháng bùng phát mạnh đến nay đã được kiểm soát.

Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ phát triển rừng vượt kế hoạch đề ra; số vụ vi phạm về chặt phá rừng trái phép và tình trạng cháy rừng giảm mạnh.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Ước đến hết năm, toàn tỉnh có 114 xã đạt chuẩn, chiếm 55,9% (vượt so với mục tiêu 35-40% của Đại hội), số tiêu chí bình quân đạt 15,8 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 9 tiêu chí. Huyện Lạng Giang dự kiến về đích huyện Nông thôn mới trước 01 năm so kế hoạch.

4. Thương mại, dịch vụ

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển ổn định. Giá trị sản xuất khu vực dịch vụ đạt 39.440 tỷ đồng, tăng 12,7%, vượt 2,5% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 15,5%, đạt 100% kế hoạch.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 16,9 tỷ USD (vượt mục tiêu Đại hội đặt ra là 12,9 tỷ USD). Tăng trưởng tín dụng đảm bảo đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tổng vốn huy động ước đạt 54.805 tỷ đồng, tăng 19,8%; dư nợ tín dụng đạt 51.810 tỷ đồng, tăng 14%.

Dịch vụ du lịch bước đầu có chuyển biến; lượng du khách đến tỉnh tăng mạnh, cả năm đạt khoảng 2 triệu lượt khách (gấp 2 lần so với mục tiêu của Đại hội).

5. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.060 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần mục tiêu 5.200 tỷ đồng của Đại hội), tăng 15%, vượt 35,6% dự toán; trong đó thu nội địa 9.760 tỷ đồng, tăng 12,1%, vượt 42,4%.

Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 22.758 tỷ đồng, tăng 19,4%, bằng 154% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển tăng mạnh đạt 10.052 tỷ đồng, tăng 29,7%, bằng 207,5% dự toán.

6. Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 53.795 tỷ đồng, tăng 24%, vượt 7,6% kế hoạch. Nguồn vốn đầu tư của người dân và doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh tăng mạnh, ước đạt 29.578 tỷ đồng, tăng 18%. Hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp; hạ tầng các KCN, CCN đã cải thiện đáng kể; hạ tầng đô thị được đẩy mạnh, bộ mặt đô thị được cải thiện, ngày càng khang trang, hiện đại. Tỷ lệ dân số đô thị ước đạt 22,18%, vượt 1,7% kế hoạch (đạt mục tiêu 22 - 23% của Đại hội).

Hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI đạt kết quả ấn tượng. Các dự án đầu tư có quy mô lớn hơn; chất lượng các dự án dần được cải thiện. Tính đến 30/11/2019, toàn tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh cho 227 dự án, tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung quy đổi đạt 1,2 tỷ USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2018. Tính riêng về thu hút vốn đầu tư FDI, tỉnh Bắc Giang đứng thứ 6 toàn quốc.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng khá, có 1.265 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 8% (đứng thứ 18/63 tỉnh thành); tổng số vốn đăng ký là 12.895 tỷ đồng, tăng 41,2%. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung ổn định, số doanh nghiệp hoạt động và kinh doanh có lãi tăng cao hơn năm 2018.

II. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

1. Giáo dục và đào tạo

Các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được tăng cường. Các chỉ tiêu về cơ sở vật chất trường lớp học cơ bản kế hoạch đề ra; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 89,8%, vượt 0,5% kế hoạch; tỷ lệ kiên cố hóa toàn tỉnh đạt 90,4%, bằng 100% kế hoạch.

2. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tập trung đầu tư. Tỷ lệ số xã/phường/thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế ước đạt 98,3%; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 26,5 giường, đạt 96,4% kế hoạch.

Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên. Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được chú trọng, phân cấp mạnh mẽ, có chuyển biến tích cực. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả. Phát triển đối tượng tham gia BHYT tiếp tục đạt được kết quả cao; tỷ lệ bao phủ cao hơn bình quân cả nước, ước đạt 98,8% (đã vượt mục tiêu 80% của Đại hội).

3. Văn hóa, th thao, thông tin

Các hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng được tổ chức quy mô lớn hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc và quản lý nhà nước về văn hóa, di tích được tăng cường. Tình trạng vệ sinh, môi trường tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh đã được cải thiện đáng kể. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mẽ; thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ.

4. Đi sống nhân dân, lao động, việc làm và chính sách xã hội

Công tác giảm nghèo, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm mạnh, còn 5,05%; đã hoàn thành mục tiêu xóa nghèo cho 100% hộ nghèo có thành viên hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,6%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 44,6%. Đã tạo việc làm mới cho 30.600 lao động. Cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, lao động khu vực công nghiệp tăng mạnh. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội được tăng cường, đạt nhiều kết quả.  

III. Lĩnh vực nội chính

1. Công tác cải cách hành chính

Đã hoàn thành chuẩn hóa hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông 3 cấp; đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 40 cổng thành phần của các sở, ngành địa phương. Chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan, đơn vị. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai, từng bước phát huy hiệu quả.

Tập trung sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố và sắp xếp tổng thể đơn vị hành chính cấp xã theo kế hoạch. Đến nay đã hoàn thành sáp nhập 518 thôn, tổ dân phố quy mô nhỏ thành 232 thôn, tổ dân phố mới.

2. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

Chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC được cải thiện. Toàn tỉnh đã tiếp 7.570 lượt người đến đề nghị giải quyết 5.552 vụ việc, giảm 230 lượt người và tăng 374 vụ việc so với năm 2018; tiếp nhận 6.935 đơn các loại, tăng 347 đơn; số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết là 2.741 đơn, giảm 88 đơn; đã xem xét giải quyết xong 2.492 đơn, đạt tỷ lệ 91%, giảm 1,3%.

3. Công tác quốc phòng, an ninh, an toàn giao thông

Quốc phòng, an ninh được tăng cường tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển KT-XH. Trong đó đã chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh năm 2019. Tích cực triển khai Đề án điều động Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã; chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh xử lý tội phạm, triệt phá các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội, ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật.

Tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2018; trong năm trên địa bàn đã xảy ra 373 vụ TNGT, giảm 77 vụ, chết 183 người, giảm 41 người, bị thương 320 người, giảm 43 người.

* Có thể thấy, năm 2019, KT-XH của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Đến hết năm 2019 đã có 08 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành mục tiêu Đại hội và Nghị quyết của HĐND tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, nằm trong tốp dẫn đầu cả nước; năng suất lao động được cải thiện; sản xuất công nghiệp tiếp tục bứt phá. Hạ tầng KT-XH được tập trung đầu tư có cải thiện đáng kể. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả ấn tượng. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và phong trào cứng hóa giao thông nông thôn đạt kết quả vượt bậc. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân và người lao động tiếp tục được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm mạnh./.

Hải Huyền (tổng hợp)

Trung bình (0 Bình chọn)