Tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong quý III và 9 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, song kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Bắc Giang tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý III tăng 14,59%, tính chung 9 tháng tăng 12,25%, trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 15,49%; dịch vụ tăng 6,06%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,77%, thuế sản phẩm tăng 5,64%.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý III của tỉnh Bắc Giang tăng 14,59%, tính chung 9 tháng tăng 12,25%.

I. Về phát triển kinh tế

1. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 17,4% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 381.950 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ, đạt 75,2% kế hoạch. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 8.127 tỷ đồng, tăng 9,8%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 56.908 tỷ đồng, tăng 38,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 316.915 tỷ đồng, tăng 18,0%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá; các chỉ tiêu cơ bản đảm bảo tiến độ, một số chỉ tiêu đã thực hiện đạt, vượt kế hoạch năm như: Diện tích, sản lượng cây vải, na, nhãn, lúa chất lượng, rau an toàn; trồng rừng; sản phẩm OCOP… Giá trị sản xuất 9 tháng toàn ngành tăng 3,54%, trong đó lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,65%, lâm nghiệp tăng 0,42%, thủy sản tăng 4,59%..

Vụ Mùa được triển khai đảm bảo khung thời vụ, công tác phòng trừ sâu bệnh được quan tâm. Các loại cây trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt, đúng khung lịch thời vụ. Chăn nuôi cơ bản phát triển ổn định, giá bán vật nuôi duy trì ở mức khá, đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 180 nghìn tấn, bằng 72,5% kế hoạch. Sản xuất thủy sản có nhiều thuận lợi, các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ. Trồng rừng được trên 5,9 triệu cây phân tán, đạt 97% kế hoạch và 7.213 ha rừng tập trung, đạt 95% kế hoạch.

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” tiếp tục được đẩy mạnh; các địa phương phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1/2023 với 50 sản phẩm, vượt 15 sản phẩm kế hoạch. Chương trình xây dựng NTM được quan tâm; tập trung đẩy nhanh tiến độ về đích đối với huyện Lục Nam và các xã giao đạt chuẩn năm 2023.

3. Thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu

Các ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi, hầu hết đều có tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đạt 41.573 tỷ đồng, tăng 14,6% so cùng kỳ, vượt 2,6% kế hoạch. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu đạt 32,1 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 5,2%.

Du lịch của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về du lịch đều tăng mạnh. Tổng lượng khách du lịch ước đạt 1,5 triệu lượt, tăng 45% so với cùng kỳ, đạt 75% kế hoạch.

Ước đến 30/9/2023, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt 99.950 tỷ đồng, tăng 16,8%; dư nợ tín dụng đạt 86.600 tỷ đồng, tăng 7,2%; nợ xấu chiếm 0,87% tổng dư nợ, giảm 0,1% so với thời điểm 31/12/2022.

4. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, tính đến ngày 26/9/2023, toàn tỉnh đã thu hút được 2.096 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 1,92 lần so với cùng kỳ, trong đó thu hút đầu tư FDI đạt trên 1,7 tỷ USD, xếp thứ 4 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng).

Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng cải thiện.

Toàn tỉnh có 1.604 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 41% so với cùng kỳ, vốn đăng ký là 21.995 tỷ đồng, giảm 3,8%; có 114 Chi nhánh, Văn phòng đại diện, 508 địa điểm kinh doanh được đăng ký.

5. Thu ngân sách nhà nước

Thu ngân sách đạt kết quả khá. Tổng thu ngân sách nội địa 9 tháng ước đạt 10.612,9 tỷ đồng, bằng 70,6% dự toán năm, giảm 22,1% so cùng kỳ. Có 5/16 khoản thu vượt dự toán, bao gồm: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 32,3%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản vượt 101,9%; thu từ quỹ đất công ích vượt 65,8%, thu cổ tức và lợi nhuận vượt 99,9%; thu từ xổ số kiến thiết vượt 3,4%; có 08/16 khoản thu cơ bản đảm bảo tiến độ đạt từ 70% dự toán trở lên.

Thu ngân sách các địa phương cũng có nhiều cố gắng. Đến nay, có 02/10 địa phương thu vượt dự toán năm (Sơn Động, Tân Yên); có 5/10 địa phương đạt trên 50% dự toán; có 3/10 địa phương chưa đạt 50% dự toán năm.

II. Về văn hóa - xã hội

1. Lĩnh vực Giáo dục - Văn hóa

Các hoạt động giáo dục đào tạo được tổ chức triển khai tích cực. Tổ chức tốt Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học; sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện chương trình và kế hoạch, duy trì nền nếp, chất lượng dạy và học ngay từ đầu năm học.

Tổ chức tốt Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.

Các lĩnh vực văn hóa, thể thao được quan tâm triển khai khá toàn diện. Trong 9 tháng, tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công 6 giải thể thao quốc gia và nhiều giải thể thao cấp tỉnh. Các huyện, thành phố tổ chức trên 120 giải TDTT cấp huyện và khoảng 1.700 giải, giao lưu TDTT cấp xã. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả ấn tượng tại đấu trường trong nước và quốc tế.

2. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ y tế; tăng cường kết nối với các bệnh viện tuyến trên giúp chuyển giao kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y bác sỹ tại tỉnh; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chuyển đổi số trong khám chữa bệnh. Trong 9 tháng, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra. Chất lượng khám chữa bệnh được duy trì, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.

3. Lĩnh vực giảm nghèo, lao động việc làm

Công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân được chú trọng. Triển khai giải quyết kịp thời, đúng quy định về chế độ chính sách đối với người có công.

Tình hình lao động, việc làm có chuyển biến tích cực. Đến hết tháng 9, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 25.358 lao động và đạt 78% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động là 1.436 người. Lao động tập trung chủ yếu tại các KCN với khoảng 197.000 lao động thực tế đang đi làm (tăng 7.000 lao động so với cùng kỳ tháng 8/2023).

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN đạt kết quả tích cực. Tính đến ngày 31/8/2023, toàn tỉnh có 355.311 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,9% so với cùng kỳ, đạt 97,4% kế hoạch; 44.574 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28,1%, đạt 93,6% kế hoạch; 339.634 người tham gia BHTN tăng 5,9%, đạt 97,1% kế hoạch và 1.765.381 người tham gia BHYT, tăng 1,6%, đạt 99,9% kế hoạch.

III. Lĩnh vực nội chính

1. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, tiếp dân, giải quyết KNTC

Công tác cải cách hành chính gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức được chú trọng. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp được duy trì hiệu quả, thời gian giải quyết TTHC cắt giảm, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Công tác sắp xếp lại đơn bị hành chính và phát triển đô thị được tập trung cao. Các nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số được triển khai tích cực.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp được duy trì hiệu quả.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp được thực hiện nghiêm túc, chất lượng giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo được nâng lên. Hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh được xem xét, giải quyết kịp thời. Người đứng đầu cấp ủy các cấp cơ bản thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân theo quy định.

2. Công tác quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tập trung chỉ đạo. Tích cực chuẩn bị tốt, đầy đủ các nội dung công tác chuẩn bị cho diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2023. Đã chỉ đạo huyện Việt Yên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ huyện, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; trực phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; phòng chống cứu nạn - cháy rừng. Chủ động quản lý, nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giải quyết các điểm mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện. Triển khai thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm; đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Có thể thấy, trong khó khăn, song KT-XH của tỉnh 9 tháng năm 2023 vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực; tiến độ thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đạt yêu cầu tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu phát triển cả năm. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện (tỷ trọng kinh tế số/GRDP Bắc Giang đạt 42,1%, đứng thứ 3 cả nước).

Sản xuất công nghiệp tăng mạnh, năng lực sản xuất của ngành được mở rộng với nhiều sản phẩm mới; lĩnh vực nông nghiệp phát triển toàn diện, ổn định. Các hoạt động về thương mại dịch vụ tăng khá. Thu ngân sách nhà nước không tính tiền sử dụng đất, cổ tức và xổ số kiến thiết đạt kết quả tích cực. Công tác quy hoạch được chú trọng. Hạ tầng KT-XH tiếp tục được cải thiện.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng thực chất; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao quy mô lớn được tổ chức thành công. Chất lượng giáo dục, y tế được duy trì; tình hình lao động việc làm có cải thiện; an sinh xã hội được đảm bảo. Cải cách hành chính, chuyển đổi số tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo được chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo./.

Hải Huyền (tổng hợp)

Trung bình (0 Bình chọn)