|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong số các dân tộc thiểu số ở Bắc Giang, dân tộc Nùng có dân số đông nhất với khoảng trên 76 nghìn người (số liệu năm 2014). Dân tộc Nùng cư trú chủ yếu ở một số huyện vùng núi, bán sơn địa như: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang. Đồng bào dân tộc Nùng đến Bắc Giang mới chỉ vài ba trăm năm trở lại đây. Ngôn ngữ dân tộc Nùng thuộc ngữ Tày – Thái.

Tộc danh Nùng bắt nguồn từ tên của dòng họ Nùng – là một trong 4 dòng họ có thế lực dưới thời Đường ở Quảng Tây (Trung Quốc). Từ thời kỳ Văn Lang –Âu Lạc, bộ phận dân tộc Nùng cổ đại đã sớm hòa hợp cùng với các dân tộc khác. Đến nay, dân tộc Nùng ở nước ta phân bổ chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đông Bắc Việt Nam như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang. Trong quá trình ở Việt Nam có hiện tượng nhiều người Nùng đã Tày Hóa.

Đồng bào Nùng từ lâu đời lấy nông nghiệp lúa nước làm nguồn sống chính, bên cạnh đó việc trồng các loại lúa nương và các loại cây lương thực và rau màu khác như: khoai, sắn, vừng, lạc, đậu, đỗ, bầu, bí...cũng không kém phần quan trọng. Hình thức chăn nuôi gia đình rất phát triển. Kinh tế tự nhiên như hái lượm vẫn còn đậm nét. Phụ nữ vào rừng, lên rẫy thường đeo bên mình cái giỏ nhỏ để thu hái các loại rau rừng, nấm, mộc nhĩ...góp phần làm phong phú cho bữa ăn hàng ngày.

Y phục truyền thống của người Nùng khá đơn giản, thường làm bằng vải thô tự dệt, nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa trang trí. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải. Phụ nữ mặc áo năm thân, cài cúc bên nách phải, thường chỉ dài quá hông.

Nhà ở của đồng bào Nùng ở Bắc Giang gồm hai loại: nhà sàn truyền thống và nhà đất, ngoài ra còn có loại hình trung gian là nhà nửa sản, nửa đất. Từ lâu người Nùng ở Bắc Giang đã xây dựng nhà đất hay còn gọi là nhà trệt, tường trình và vẫn lưu giữ được những nét truyền thống trong phân bố mặt bằng sinh hoạt cũng như kỹ thuật xây dựng.

Đồng bào Nùng thường ở thành từng xóm, đôi khi xen cư với đồng bào dân tộc Tày, Kinh. Những người anh em họ hàng gần thường sống quây quần bên nhau.

Nguồn: Địa chí Bắc Giang

Trâm Anh (tổng hợp)

Trung bình (0 Bình chọn)