|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Dân tộc Hoa là 1 trong 6 cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tổ tiên dân tộc Hoa di cư từ Trung Quốc đến Việt Nam vào cuối thời Minh, đầu thời Thanh, kéo dài cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Trong quá trình định cư, lập bản, đồng bào người Hoa luôn gìn giữ văn hóa truyền thống, lưu truyền nét đặc sắc riêng trong đời sống sinh hoạt.

Dân tộc Hoa hay còn có tên gọi khác là Khách, Hán, Tàu. Ở Bắc Giang, người Hoa sinh sống phần lớn ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, làm nhiều nghề khác nhau như: Nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nhân, viên chức, buôn bán, trong đó nổi bật phát triển kinh tế nông nghiệp như chăn nuôi, trồng cây ăn quả, có nhiều hộ gia đình trồng cây ăn quả cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm.

Dân tộc Hoa sử dụng tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Hán, ngữ hệ Hán-Tạng. Nếu xếp theo phân loại của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì họ được gọi là dân tộc Hán.

Theo thống kê năm 2019, Dân tộc Hoa ở Bắc Giang có 20.225 người (Thành phố Bắc Giang 119 người, Tân Yên 20 người, Việt Yên 189 người, Yên Dũng 11 người, Hiệp Hòa 19 người, Lạng Giang 67 người, Yên Thế 44 người, Lục Nam 5.110 người, Lục Ngạn 13.755 người, Sơn Động 891 người). 

Trang phục của người Hoa khá đơn giản, phụ nữ mặc áo cổ viền cao, cài khuy một bên, xẻ tà cao hoặc một chiếc áo "sườn xám" may dài, ôm ngang hông, xẻ tà dưới phần đùi, màu sắc phần lớn là màu hồng hoặc đỏ, cùng với các màu đậm; đàn ông mặc áo màu đen hay xanh đậm, cài khuy vải một bên, vai liền cổ đứng, xẻ tà hoặc kiểu áo tứ thân, xẻ giữa, cổ đứng, vai liền, có túi. Phụ nữ thích dùng đồ trang sức, đặc biệt là vòng tay (bằng đồng, vàng, đá, ngọc...), bông tai, dây chuyền... Ðàn ông thích bịt răng vàng và xem như một lối trang sức.

Với người Hoa, gia đình nhỏ còn phụ quyền; quan hệ cộng đồng còn mạnh mặc dù đã xuất hiện sự phân hóa giàu nghèo. Trong mỗi làng bản, vị trí của người tộc trưởng của dòng họ lớn nhất được đề cao và có vai trò lớn trong việc giải quyết các quan hệ làng xóm. Nét nổi bật trong tín ngưỡng thờ cúng của người Hoa là thờ cúng tổ tiên, gia tộc, dòng họ, thờ cúng các vị thần phù hộ (thần bếp, thổ địa, thần tài...) và một số vị thánh và bồ tát (Quan Công, bà Thiên Hậu, ông Bổn, Nam Hải Quan Âm...).

Lương thực chính của người Hoa cũng giống như người Kinh là gạo, nhưng trong bữa ăn thường có các món ăn phổ biến như: mì xào, hủ tiếu... Ở các gia đình bình dân, buổi sáng điểm tâm bằng cháo trắng với trứng vịt muối, còn những nhà khá giả hơn là hủ tiếu, bánh bao, xíu mại.../.

Diệu Hoa (TH)

Trung bình (0 Bình chọn)