Tổng hợp tin tức về Bắc Giang trên báo chí ngày 8-9/6/2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

I. QUA THỜI SỰ TRONG TỈNH

> https://nhandan.vn: Đẩy mạnh kết nối giao thông Thái Nguyên-Bắc Giang

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải có trọng tâm, trọng điểm đã xác định phát triển hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế là một trong những khâu đột phá quan trọng. Để tăng cường liên kết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, thời gian qua, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang đã đẩy mạnh kết nối giao thông và đây đều là những tuyến đường lớn, trọng điểm…

> https://baochinhphu.vn: Bắc Giang thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Hội nghị "Gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang" chính là diễn đàn, cầu nối để các doanh nghiệp đưa ra những đề xuất, kiến nghị để cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh…

> https://conganbacgiang.gov.vn:

* Công an tỉnh Bắc Giang điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ lãnh đạo cấp phòng

Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ công bố quyết định của Giám đốc Công an tỉnh về công tác cán bộ đối với cấp trưởng của 8 đơn vị cấp phòng, Công an huyện thuộc Công an tỉnh Bắc Giang.

Tại buổi lễ, Đại tá Đỗ Đức Trịnh, Đại tá Nguyễn Hữu Bình và Đại tá Trần Thế Cường, Phó Giám đốc Công an tỉnh trao quyết định và tặng hoa chúc mừng cho các đồng chí được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Công an các huyện và các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh, gồm: Công an huyện Yên Thế, Lạng Giang; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường; An ninh điều tra; An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; An ninh đối ngoại; An ninh nội địa; Kỹ thuật nghiệp vụ.

Theo đó, Giám đốc Công an tỉnh điều động đồng chí Thượng tá Nguyễn Anh Sơn (SN 1976), Trưởng Công an huyện Lạng Giang đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường. Điều động và bổ nhiệm đồng chí Thượng tá Phạm Hữu Tuấn (SN 1973), Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh điều tra.

Điều động Thượng tá Trần Huy Việt (SN 1977), Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Lạng Giang; Điều động Thượng tá Nguyễn Ngọc Đinh (SN 1977), Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Điều động Thượng tá Hoàng Văn Liên (SN 1975), Trưởng phòng An ninh đối ngoại đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ; Điều động Thượng tá Nguyễn Hữu Nam (SN 1977), Trưởng Công an huyện Yên Thế đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh đối ngoại; Điều động Thượng tá Đinh Quang Hiệp (SN 1977), Trưởng phòng An ninh điều tra đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh nội địa; Điều động Thượng tá Lý Văn Đồng (SN 1978), Trưởng phòng An ninh nội địa đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Yên Thế.

Phát biểu giao nhiệm vụ, Đại tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh tin tưởng ở vị trí công tác mới, các đồng chí sẽ tiếp tục phát huy cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, đoàn kết cùng tập thể ban lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, mong muốn lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sĩ các đơn vị luôn đoàn kết, tạo mọi điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

* Bắc Giang "về đích" sớm hơn một năm mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu về bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra, ngày 2/7/2021 Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị số 08. Qua đó, phấn đấu đến hết năm 2025 trên địa bàn tỉnh có khoảng 51.100 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực tích cực, sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08, toàn tỉnh đã có 53.793 người tham gia BHXH tự nguyện (tháng 5/2024), tăng 32.560 người so với trước khi ban hành Chỉ thị và về đích sớm hơn một năm. Để hoàn thành mục tiêu trên, Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Hằng năm giao chỉ tiêu về BHXH tự nguyện, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn của chính sách; có chính sách hỗ trợ người dân khi tham gia BHXH tự nguyện; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện chính sách; đánh giá, tổng kết, khen thưởng kịp thời; triển khai Tháng cao điểm, Đợt cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện linh hoạt,…

> https://doanhnghiepkinhtexanh.vn: Bắc Giang được phê duyệt phát triển trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ

Theo quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bắc Giang được quy hoạch phát triển trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ...

Theo Quy hoạch, Bắc Giang cũng là một trong các địa phương được xác định phát triển vùng cây ăn quả, cây đặc sản chủ yếu; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến rau quả, sản phẩm nông sản...

> https://congly.vn: Đề nghị gỡ vướng vụ hàng trăm hộ dân bị “nợ” cấp đất dịch vụ ở Bắc Giang

Mặc dù UBND huyện Yên Dũng và UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết liệt, sâu sát trong giải quyết những tồn tại về giao đất ở và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn nhằm ổn định đời sống người dân nhưng do vướng mắc về luật nên hai đơn vị trên đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của trung ương để sớm tháo gỡ…

Ngày 01/06/2024, Báo Công lý đăng tải bài viết: “Bắc Giang: Cần giải quyết dứt điểm việc cấp đất dịch vụ cho người dân”, bài viết phản ánh bức xúc của nhiều hộ dân tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vì bị thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp, đô thị dịch vụ và sân golf từ thời điểm năm 2004 đến 2008, nhưng tới hiện tại vẫn chưa được nhận đất dịch vụ theo quy định của pháp luật. Sau khi bài viết được đăng tải đã nhân được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía bạn đọc cũng như các cơ quan chức năng của huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Hầu hết các phản hồi đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao nội dung vụ việc mà bái báo truyền tải. Bạn đọc cũng mong muốn Báo Công lý tiếp tục theo sát vụ việc và có tiếng nói nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Với tư cách là cơ quan quản lý, sau khi tiếp nhận thông tin từ Báo Công lý, với tinh thần cầu thị, UBND huyện Yên Dũng đã tiếp thu những phản ánh của Báo Công lý về vụ việc.

Theo đó, UBND huyện Yên Dũng cho biết, thực hiện các chính sách về giao đất ở và kinh doanh dịch vụ khi nhà nước thu hồi đất, Huyện ủy, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn…

Hiện tại, UBND huyện Yên Dũng và UBND tỉnh Bắc Giang vẫn đang nỗ lực triển khai, rà soát lại các thủ tục pháp lý theo thẩm quyền để báo cáo và chờ hướng dẫn thực hiện của Bộ TN&MT và Thủ tướng Chính phủ, trong việc đền bù đất cho người dân.

Về phần người dân, họ cũng còn một số thắc mắc về việc sau khi có Kết luận thanh tra số 2650/KL-BTNMT vào năm 2018, nhưng năm 2021 UBND huyện Yên Dũng vẫn tiếp tục cấp GCN đất cho một số hộ dân mà không cấp cho những hộ còn lại, điều này đã khiến cho họ cảm thấy thiếu công bằng.

> https://thuonghieucongluan.com.vn: Bắc Giang: 2 tháng xảy ra 7 vụ đuối nước làm 9 trẻ em tử vong

Từ đầu tháng 5/2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra 7 vụ tai nạn đuối nước làm 9 trẻ em tử vong. Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chấn chỉnh việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh...

> https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn: Thanh tra tỉnh chỉ rõ sai phạm, yêu cầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện kiểm điểm; xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm

Thanh tra chỉ rõ một loạt vi phạm, tồn tại. Thanh tra tỉnh Bắc Giang ban hành kết luận về công tác quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế giai đoạn 2018 - 2022; công tác quản lý, sử dụng đất rừng liên quan đến Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc đối với UBND huyện Yên Thế và UBND các xã có liên quan.

UBND huyện Yên Thế và UBND các xã, thị trấn có đất liên quan đến các công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế (gồm Canh Nậu, Xuân Lương, Tam Tiến, Tam Hiệp, Tiến Thắng, Đồng Tiến, Đồng Vương, Hồng Kỳ, Đồng Hưu, Đông Sơn, thị trấn Phồn Xương) chưa tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nội dung quản lý Nhà nước đối với diện tích đất lâm nghiệp nhận bàn giao từ các công ty lâm nghiệp. Vi phạm, tồn tại bị phát hiện như: Kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai; rà soát, xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND, công chức địa chính các xã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 208 Luật Đất đai năm 2013, không kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp; chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong việc rà soát, xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền để thực hiện giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường chưa làm tốt trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn, chiếm sử dụng đất lâm nghiệp; xây dựng phương án và thực hiện giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thẩm quyền.

Năm 2013, UBND xã Đồng Vương ký Hợp đồng số 12/HĐ-KT ngày 4/7/2013 khoán cho Công ty Đông Bắc 142,18 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng là sai thẩm quyền quy định tại Điều 37 Luật Đất đai năm 2003.

Thanh tra tỉnh xác định trách nhiệm thuộc về các ông, bà: Vi Văn Minh, Chủ tịch UBND xã; Phan Văn Hoằng, Phó Chủ tịch UBND xã; Nguyễn Quốc Oai, công chức địa chính xã; Phan Văn Chiêu, cán bộ kế toán xã Đồng Vương là người trực tiếp ký hợp đồng khoán trên.

Thanh tra yêu cầu UBND huyện xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân

Năm 2021, lãnh đạo UBND huyện Yên Thế gồm Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND huyện thống nhất chủ trương và có Thông báo số 169/TB-UBND ngày 27/8/2021 phê duyệt phương án quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc trả về cho UBND xã Đồng Vương…

Thanh tra tỉnh xác định, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã Đồng Vương và các ông, bà trực tiếp tham gia xây dựng Phương án 01/PA-UBND ngày 30/7/2021 và ký 56 hợp đồng nêu trên.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế phụ trách lĩnh vực giai đoạn 2018-2022 kiểm điểm rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo, xem xét trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm, khuyết điểm nêu trên.

> https://vietnamnet.vn: Xử phạt doanh nghiệp tự ý ngăn dòng để khai thác cát sỏi lòng sông Lục Nam

UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã xử phạt doanh nghiệp tự ý ngăn dòng để khai thác cát, sỏi dưới lòng sông Lục Nam sau phản ảnh của VietNamNet.

Liên quan đến việc doanh nghiệp tự ý ngăn dòng để khai thác cát, sỏi dưới lòng sông Lục Nam, ngày 8/6, ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của VietNamNet, đơn vị đã giao phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra. Sau khi tiến hành kiểm tra, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt đối với Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Bắc tại Bắc Giang vì vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông.

Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Bắc tại Bắc Giang đã khai thác khoáng sản không phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, gây cản trở dòng chảy (tập kết cát, sỏi tràn xuống sông tại khu vực Hố U, thôn Nhân Định, xã Yên Định, huyện Sơn Động), dễ làm xảy ra sạt lở bờ, bãi sông. Và bị xử phạt 35 triệu đồng và buộc di dời các vật gây cản trở dòng chảy.

> https://baophapluat.vn: Một doanh nghiệp bị xử phạt 100 triệu đồng do vi phạm trong kinh doanh vàng bạc

 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân NH, địa chỉ: phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang về vi phạm trong kinh doanh vàng bạc. Theo đó, Doanh nghiệp tư nhân NH bị phạt tổng số tiền 100 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; giá trị hàng hóa vi phạm là 56 triệu đồng, bao gồm 20 chiếc nhẫn trang sức, 12 đôi khuyên tai trang sức, 10 chiếc dây chuyền trang sức. Bên cạnh đó, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm là vàng trang sức, mỹ nghệ nêu trên.

Trước đó, ngày 24/5, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Bắc Giang) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân NH. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện doanh nghiệp đang bày bán một số hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, gồm có 20 chiếc nhẫn trang sức, 12 đôi khuyên tai trang sức, 10 chiếc dây chuyền trang sức. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

II. QUA THỜI SỰ TRONG TỈNH

1. Qua http://baobacgiang.com.vn

> 175 cán bộ tỉnh Luông Nậm Thà (Lào) được cấp chứng chỉ tiếng Việt

Ngày 7/6, tại tỉnh Luông Nậm Thà (Lào), Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Luông Nậm Thà tổ chức bế giảng lớp học tiếng Việt cơ sở khóa VII cho 23 học viên, trong đó có 11 học viên nữ. Các học viên là cán bộ của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh gồm: Văn phòng tỉnh, Công đoàn tỉnh. Sở Giáo dục và Thể thao, Sở Công thương, Sở Tư pháp, Sở Thông tin - Văn hóa, Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Bộ đội tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận xây dựng Tổ quốc Lào…

Lớp học tiếng Việt cơ sở được mở hằng năm (từ tháng 1 đến tháng 6). Chương trình học có nội dung chủ yếu là tìm hiểu đời sống, văn hóa của dân tộc, con người Việt Nam. Mục đích của lớp học nhằm nâng cao trình độ tiếng Việt cho cán bộ, nhân viên, qua đó gắn kết mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào; giúp cán bộ của tỉnh Luông Nậm Thà hiểu biết thêm về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi thông tin, giao lưu văn hóa khi có đoàn công tác của Việt Nam sang thăm, làm việc.

Như vậy đến nay, Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Luông Nậm Thà đã hoàn thành 7 lớp học tiếng Việt trình độ cơ sở cho cán bộ, công nhân viên chức trong tỉnh với tổng số 175 học viên được cấp chứng chỉ tiếng Việt. Được biết, giảng viên chính của các lớp học này là thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc (SN 1991), quê ở xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Thầy giáo Ngọc sang Lào học tập, công tác và giảng dạy đến nay là 10 năm.

> Báo Bắc Giang tổ chức gặp mặt, trao thưởng tác phẩm báo chí tiêu biểu

Sáng 8/6, Báo Bắc Giang tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2024) và trao thưởng các tác phẩm báo chí tiêu biểu đợt 3 cuộc thi "Nghị quyết của Đảng và cuộc sống hôm nay giai đoạn 2020-2025". Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Trịnh Văn Ánh, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Thời gian qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên của Báo Bắc Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác tuyên truyền bảo đảm đúng định hướng chính trị, số lượng phát hành báo in ổn định; báo điện tử cập nhật thường xuyên, kịp thời những thông tin thời sự nổi bật diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Đợt 3 cuộc thi (từ ngày 1/6/2023 đến hết 25/5/2024), Báo Bắc Giang đã tiếp nhận 130 tác phẩm, qua đó lựa chọn đăng 80 tác phẩm.

Qua công tác thẩm định, đánh giá của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức cuộc thi đã xét chọn 15 tác phẩm tiêu biểu đợt 3 để trao thưởng... nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cùng ngày, Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp với Ban Thư ký Chi hội Báo Bắc Giang và Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; thi đấu kéo co, nhảy bao bố... tại điểm du lịch Neo Camping (xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng).

> Một tài xế dũng cảm nhảy xuống sông cứu người

Khoảng 17 giờ ngày 7/6, anh Trường (SN 1979) ở thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang lái ô tô di chuyển từ nhà qua cầu Nam Dương thì phát hiện một phụ nữ trẻ đứng trên thành cầu. Anh Trường vừa đỗ xe, không kịp cản lại thì người này đã gieo mình xuống sông.

Chứng kiến vụ việc, anh Trường nhanh chóng quay xe về phía bờ sông rồi bơi đến cứu nạn nhân. Do trời mưa, nước chảy xiết nên nạn nhân đã trôi xa khoảng 200 m về phía huyện Lục Nam. Anh Trường vừa tính toán khoảng cách vừa bơi ra để kịp đón lõng, sử dụng kỹ năng cứu người đuối nước, tiếp cận từ phía sau nắm lấy tóc đưa nạn nhân vào bờ. Nhờ được sơ cứu kịp thời, đúng động tác nên người phụ nữ đã tỉnh lại ngay sau đó. Nạn nhân sinh năm 1991 quê ở xã Mỹ An (Lục Ngạn). Khi sức khỏe ổn định, chị được người thân đón về nhà.

Được biết, anh Trường là chủ một cửa hàng kinh doanh sản phẩm điện tử - điện lạnh trên địa bàn xã Nam Dương. Anh chia sẻ: “Sống ở gần sông nên tôi biết bơi từ nhỏ, cũng hiểu kiến thức về cứu người đuối nước.

> Tìm thấy thi thể người phụ nữ trẻ nhảy cầu Á Lữ

Sáng 8/6, thi thể nạn nhân nhảy cầu Á Lữ, phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang (Bắc Giang) đã được tìm thấy, bàn giao cho gia đình.

Như Báo Bắc Giang đã đưa tin, chiều 7/6, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Bắc Giang nhận được tin báo có một phụ nữ trẻ nhảy cầu Á Lữ. Từ 17 giờ đến 23 giờ cùng ngày, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cùng Công an TP Bắc Giang đã huy động 20 cán bộ, chiến sĩ, 3 xe CNCH tổ chức rà câu tìm kiếm. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị H.T (SN 2004) quê ở xã Hợp Đức (Tân Yên). Đến sáng nay, một số người dân đã phát hiện thi thể chị T nổi trên mặt nước. Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cùng người dân đã tổ chức trục vớt, làm thủ tục bàn giao thi thể chị T cho gia đình an táng.

2. Chương trình thời sự tối của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang ngày 8/6/2024 đưa tin

> Tăng trưởng kinh tế dự kiến dẫn đầu cả nước

Theo dự báo của tổng cục thống kê tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang trong nửa đầu năm tiếp tục đạt cao dẫn đầu cả nước với 14,14%. Có được kết quả này là do môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, các doanh nghiệp trong tỉnh từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt cao như giá trị sản xuất công nghiệp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút hơn 1,1 tỷ đô la Mỹ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023. Để duy trì tốc độ tăng trưởng Bắc Giang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm sản xuất nông nghiệp ổn định. Trước đó trong quý 1, Bắc Giang cũng là địa phương dẫn đầu tăng trưởng cả nước.

> Xây dựng sản phẩm ocop từ vùng nguyên liệu

Từ sản phẩm có vùng nguyên liệu chính là đích đến của chương trình Ocop, điều này không chỉ tạo ra sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển, mà còn đẩy mạnh chế biến chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã, bao bì. Để nâng cao giá trị, đây cũng là xu hướng đang được các hợp tác xã cơ quan chuyên môn hướng đến nhằm nâng cao chất lượng chương trình Ocop.

Với 30 héc ta vùng trồng khoai tây 20 héc ta vùng trồng khoai lang. Cùng nhiều sản phẩm dưa lưới, rau, củ quả. Hợp tác xã nước sạch Như Hoa là 1 trong số ít hợp tác xã của tỉnh có vùng nguyên liệu tập trung phong phú, đa dạng mặt hàng nông sản cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên thực tế nhiều năm qua, đa phần sản phẩm hợp tác xã xuất bán ra thị trường là sản phẩm thô do đó hiệu quả kinh tế không cao bởi vậy. Để nâng cao giá trị sản phẩm hợp tác xã đã tính đến việc đẩy mạnh chế biến sản phẩm, từ vùng nguyên liệu sẵn có đồng thời xây dựng thương hiệu Ocop cho sản phẩm.

Cùng với ý tưởng phát triển sản phẩm từ vùng nguyên liệu sẵn có, Hợp tác xã quả xim nếp đã sản xuất thành công ba sản phẩm, trà túi lọc từ vùng nguyên liệu là cây xim nếp. Hiện hợp tác xã có 1,5 héc ta sim nếp và khoảng 5 héc ta cùng nguyên liệu, liên kết với các hộ quanh vùng và 1 số tỉnh thành với ba sản phẩm, trà túi lọc quả sim, Hoa sim và lá sim. Hợp tác xã đã đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm đạt Ocop ba sao.

Kế hoạch năm nay toàn tỉnh có tới 253 sản phẩm, tiềm năng sản phẩm đặc trưng của các địa phương đăng ký tham gia phân hạng sản phẩm Ocop từ ba sao trở lên. Năm nay cũng là năm đầu tiên, tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm Ocop công nhận mới và cả sản phẩm công nhận lại. Ngoài ra cũng là năm thứ 2 triển khai chủ trương phân cấp, phân quyền đối với công tác phân hạng sản phẩm Ocop.

> Bộ tiêu chí mới trong xây dựng chính quyền thân thiện của tỉnh Bắc Giang đề cập tới rất nhiều tiêu chí. Nhằm hướng đến mô hình chính quyền với năm hơn đó là nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn. Để có được những điều này, các địa phương cần phải tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Tuy nhiên việc thực hiện chuyển đổi số hiện nay ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn gặp phải không ít khó khăn. Phản ánh sau tại huyện Lạng Giang.

Để chuẩn bị đăng ký cho con vào lớp 6 của trường trung học cơ sở ở địa phương. Hôm nay anh mạnh phải đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 1 cửa của UBND thị trấn kép để xin chứng thực giấy khai sinh cho con. Mặc dù theo quy định hiện nay thủ tục này đã được UBND thị trấn thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh nguyên nhân trên, trình độ công nghệ thông tin của người dân hiện nay cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính cũng chưa nhiều. Ngoài ra tỷ lệ công dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 1 cửa UBND các xã thị trấn cũng chưa phổ biến.

Khắc phục những hạn chế về chuyển đổi số, đồng thời gắn việc xây dựng chính quyền thân thiện với cải cách hành chính huyện Lạng Giang đã thay thế lắp đặt toàn bộ hệ thống camera giám sát hoạt động của cán bộ công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở 21 xã thị trấn. Huyện cũng xây dựng đồng bộ đài truyền thanh thông minh nhằm đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số đến người dân, hỗ trợ cho mỗi xã thị trấn 2 máy tính, 1 máy in, 1 máy scan. Với mục tiêu, người dân không chỉ hài lòng với thái độ của cán bộ công chức, mà còn hài lòng về cả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC. Việc thực hiện hiệu quả tiêu chí số bốn về chuyển đổi số trong bộ tiêu chí mới về xây dựng chính quyền thân thiện được xem là yếu tố quan trọng. Đây cũng là tiền đề để các địa phương hướng đến chuyển đổi số toàn diện góp phần phát triển kinh tế xã hội./.

Trung bình (0 Bình chọn)