Cộng đồng người Việt quyên góp ủng hộ các tiểu thương tại Ba Lan

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sau khi vụ cháy tại xảy ra tại Trung tâm Thương mại Marywilska, cộng đồng người Việt tại Ba Lan và các nước lân cận đã chia sẻ sâu sắc, động viên kịp thời đến bà con gặp nạn. Tính đến ngày 14/5, số tiền quyên góp ủng hộ tiểu thương bị hỏa hoạn tương đương khoảng 6,5 tỷ đồng.

Cộng đồng người Việt quyên góp ủng hộ các tiểu thương tại Ba Lan- Ảnh 1.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan tương lai hỗ trợ bà con người Việt trong vụ hoả hoạn tại Trung tâm Thương mại Marywilska

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, ngay sau khi vụ cháy xảy ra tại Trung tâm Thương mại Marywilska, một số tổ chức hội đoàn người Việt tại Ba Lan đã kêu gọi bà con tham gia ủng hộ các nạn nhân như quyên góp ủng hộ tiền, phân phát khẩn cấp thực phẩm cứu trợ....

Tối 12/5, tại cuộc họp giữa Đại sứ quán và lãnh đạo các hội đoàn với đại diện bà con tại Marywilska, Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Tiểu thương bị hỏa hoạn đã chính thức được thành lập.

Bên cạnh đó, một số cơ quan chính quyền Ba Lan, tổ chức phi chính phủ và một số cá nhân người Ba Lan cũng liên hệ với Đại sứ quán và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau đối với bà con. 

Cộng đồng người Việt quyên góp ủng hộ các tiểu thương tại Ba Lan- Ảnh 2.

Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Czech hỗ trợ bà con người Việt trong vụ hoả hoạn tại Trung tâm Thương mại Marywilska

Chiều 14/5, trong buổi gặp mặt Lãnh đạo Đại sứ quán, Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Ba Lan- Việt Nam đã gửi lời thăm hỏi và thông qua Đại sứ quán trao tặng đến bà con số tiền 5000 zl (tương đương 30 triệu VNĐ). 

Chủ tịch Hội, Giáo sư Tadeusz Iwinski bày tỏ chia sẻ với những mất mát, ảnh hưởng mà bà con người Việt tại Trung tâm Marywilska gặp phải những ngày qua, đồng thời cam kết sẽ đồng hành với Đại sứ quán, bà con người Việt để phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại, đảm bảo và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bà con sớm ổn định cuộc sống, việc làm.

Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Ba Lan, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt một số nước như Czech, Đức, Slovakia, Hungary, Rumani, Bulgaria,... cũng đã triển khai việc quyên góp ủng hộ bà con bị nạn.

Cộng đồng người Việt quyên góp ủng hộ các tiểu thương tại Ba Lan- Ảnh 3.

Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan làm việc với Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Ba Lan (ZUS) liên quan vụ việc cháy tại Trung tâm thương mại Marywilska

Tính đến ngày 14/5, theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, số tiền quyên góp ủng hộ tiểu thương bị hỏa hoạn tương đương khoảng 6,5 tỷ VNĐ.

Việc ủng hộ quyên góp vẫn đang được nhiều tổ chức hội, đoàn, doanh nhân và bà con cộng đồng người Việt tại Ba Lan và một số nước trong khu vực tiếp tục thực hiện.

Những hành động kịp thời, ý nghĩa này là niềm động viên khích lệ lớn đối với bà con tiểu thương tại Marywilska, Ba Lan trong giai đoạn khó khăn này. Bà con tại Marywilska bày tỏ xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng người Việt tại Ba Lan và các quốc gia trong khu vực đã dành cho bà con.

Ngày 15/5, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải đã có buổi gặp, làm việc với ông Zbigniew Derdziuk - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Ba Lan (ZUS) liên quan vụ việc cháy tại Trung tâm thương mại Marywilska. 

Tổng Giám đốc ZUS Zbigniew Derdziuk bày tỏ chia sẻ với những khó khăn, mất mát của bà con, đồng thời cam kết sẽ phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, công việc. Ông Zbigniew Derdziuk cũng cho biết sẽ chỉ đạo cụ thể đến các đơn vị chức năng của ZUS nhằm ưu tiên triển khai nhanh nhất các biện pháp hỗ trợ cho bà con trong những ngày tới.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Quy định về cấp sổ đỏ cho hộ gia đình đang sử dụng đất không có giấy tờ

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền (Điều 138).

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 của Luật này, không thuộc trường hợp quy định tại Điều 139 (Giải quyết đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014) và Điều 140 (Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền) của Luật này được thực hiện theo quy định như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:

Khoản 5 Điều 141 quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện, tập quán tại địa phương quy định cụ thể hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với trường hợp sử dụng đất trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

a) Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất bằng hoặc lớn hơn hạn mức công nhận đất ở theo quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật này thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Trường hợp diện tích đất đã xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại điểm này thì diện tích đất ở được công nhận theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống đó; người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức công nhận đất ở tại điểm này;

b) Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật này thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất đó và không phải nộp tiền sử dụng đất;

c) Đối với thửa đất có sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ theo diện tích thực tế đã sử dụng; hình thức sử dụng đất được công nhận như hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài;

d) Đối với phần diện tích đất còn lại sau khi đã được xác định theo quy định tại điểm a và điểm c khoản này thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

Trường hợp hiện trạng sử dụng là đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì được công nhận theo quy định tại điểm c khoản này.

Trường hợp hiện trạng sử dụng là đất nông nghiệp thì được công nhận theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; nếu người sử dụng đất có nhu cầu công nhận vào mục đích đất phi nông nghiệp mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn thì được công nhận vào mục đích đó và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

2. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:

a) Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất bằng hoặc lớn hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật này thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Trường hợp diện tích đất đã xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại điểm này thì diện tích đất ở được công nhận theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống đó; người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức công nhận đất ở tại điểm này;

b) Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật này thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất đó và không phải nộp tiền sử dụng đất;

c) Đối với thửa đất có sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

d) Đối với phần diện tích đất còn lại sau khi đã được xác định theo quy định tại điểm a và điểm c khoản này thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

Trường hợp hiện trạng sử dụng là đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì được công nhận theo quy định tại điểm c khoản này.

Trường hợp hiện trạng sử dụng là đất nông nghiệp thì được công nhận theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; nếu người sử dụng đất có nhu cầu công nhận vào mục đích đất phi nông nghiệp mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn thì được công nhận vào mục đích đó và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

3. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2014, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:

a) Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất bằng hoặc lớn hơn hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 195 và khoản 2 Điều 196 của Luật này thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức giao đất ở; trường hợp diện tích đất đã xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức giao đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống đó;

b) Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 195 và khoản 2 Điều 196 của Luật này thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở;

c) Đối với thửa đất có sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

d) Đối với phần diện tích đất còn lại sau khi đã được xác định theo quy định tại điểm a và điểm c khoản này thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

Trường hợp hiện trạng sử dụng là đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì được công nhận theo quy định tại điểm c khoản này.

Trường hợp hiện trạng sử dụng là đất nông nghiệp thì được công nhận theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; nếu người sử dụng đất có nhu cầu công nhận vào mục đích đất phi nông nghiệp mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn thì được công nhận vào mục đích đó và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

đ) Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản này thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;

4. Trường hợp thửa đất có nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng chung thì hạn mức đất ở quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được tính bằng tổng hạn mức đất ở của các hộ gia đình, cá nhân đó.

Trường hợp một hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhiều thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15/10/1993 thì hạn mức đất ở được xác định theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này đối với từng thửa đất đó;

5. Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được giao đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này đã sử dụng đất ở, đất phi nông nghiệp trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này, có đăng ký thường trú tại địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Diện tích đất được xác định khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này;

6. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân quy định tại Điều 176 của Luật này; thời hạn sử dụng đất tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; diện tích đất nông nghiệp còn lại (nếu có) phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước;

7. Việc áp dụng quy định về hạn mức đất ở của địa phương để xác định diện tích đất ở trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm người sử dụng đất nộp hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

8. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này mà không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì được tạm thời sử dụng đất theo hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;

9. Nhà nước có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các trường hợp đã đăng ký và đủ điều kiện theo quy định tại Điều này;

10. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Trung bình (0 Bình chọn)

Lồng ghép giáo dục quốc phòng an ninh trong trường trung học cơ sở như thế nào?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chủ đề lồng ghép từ lớp 6 đến lớp 9 là giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước qua các thời kì lịch sử, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; quyền lợi, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lồng ghép giáo dục quốc phòng an ninh trong trường trung học cơ sở như thế nào?- Ảnh 1.

Tổ chức tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống, đơn vị lực lượng vũ trang

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 8/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Theo Thông tư, nội dung lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học cơ sở là thực hiện lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục đối với từng lớp, theo sách giáo khoa do nhà trường lựa chọn, phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh ở từng địa phương, tập trung vào các môn học: Ngữ văn; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Chủ đề lồng ghép chung từ lớp 6 đến lớp 9: giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước qua các thời kì lịch sử, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; quyền lợi, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giới thiệu một số sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm; một số nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội; giới thiệu một số nội dung về phòng, chống tệ nạn xã hội đối với học sinh; chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước.

Chủ đề lồng ghép theo từng lớp như sau:

Lớp 6: giới thiệu lịch sử và truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam; địa danh lịch sử gắn với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc; cách đánh mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Lớp 7: giới thiệu hoạt động, hình ảnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; một số nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Lớp 8: giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; giới thiệu một số mốc quốc giới; tác hại của tệ nạn xã hội tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội; trách nhiệm của học sinh tham gia phòng, chống bạo lực học đường.

Lớp 9: Hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược đối với dân tộc Việt Nam; một số hình ảnh về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; giới thiệu một số bài hát ca ngợi truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam; trách nhiệm của học sinh tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh truyền cảm, ngắn gọn, dễ nhớ

Thông tư nêu rõ, trên cơ sở mục tiêu và nội dung bài học, kinh nghiệm, điều kiện thực tế, giáo viên lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh truyền cảm, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; phát huy tính sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm lí, sinh lí lứa tuổi và nhận thức của học sinh; kết hợp hình ảnh minh họa, các hiện vật phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học lồng ghép và thực hành.

Lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh thông qua dạy học các bài học, chủ đề dạy học, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong và ngoài lớp học; tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống, đơn vị lực lượng vũ trang; tổ chức cắm trại, đọc sách, nghe, thi kể chuyện truyền thống, các hội thi tìm hiểu về quốc phòng và an ninh.

Yêu cầu cần đạt đối với học sinh là hiểu biết về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc qua các thời kì lịch sử dựng nước và giữ nước; truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Công an Nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ; chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia; một số nội dung cơ bản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hình thành nhận thức về quốc phòng, an ninh ở mức độ đơn giản, trách nhiệm của học sinh đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, có ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần đoàn kết và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Triển vọng kinh tế thế giới qua ‘lăng kính’ Liên Hợp Quốc

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 16/5 (giờ New York), Liên Hợp Quốc (LHQ) đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Triển vọng kinh tế thế giới qua ‘lăng kính’ Liên Hợp Quốc- Ảnh 1.

Một cảng hàng hóa tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại New York, đây là bản báo cáo cập nhật tới giữa năm của Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng 1/2024. 

Bản cập nhật này cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện so với dự báo trước đây; các nền kinh tế lớn đã tránh được suy thoái nghiêm trọng, dù vẫn đối mặt với một số thách thức. 

Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,7% năm 2024

Hầu hết các nền kinh tế lớn đã nỗ lực giảm lạm phát mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và dẫn tới suy thoái.

Theo báo cáo mới của LHQ, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025, tăng nhẹ so với dự báo hồi đầu năm là 2,4% cho năm 2024 và 2,7% đối với năm 2025. 

LHQ nâng dự báo kinh tế thế giới nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn tại Mỹ, quốc gia có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm nay, và một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Brazil, Ấn Độ và Nga. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2024, tăng nhẹ so với mức 4,7% trong dự báo hồi tháng Giêng. Trong khi đó, LHQ đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế tại Liên minh châu Âu (EU) từ 1,2% xuống còn 1%.

Đầu tư toàn cầu tiếp tục đà đi xuống kể từ năm 2021 - với tăng trưởng đầu tư, được đo bằng tổng vốn cố định trên thực tế - ước đạt 2,8% trong năm 2023. 

Điều này phản ánh tình trạng sụt giảm mạnh về tăng trưởng đầu tư ở các nền kinh tế đang phát triển, từ mức 5,1% hồi năm 2022 xuống còn 3,7% vào năm 2023. 

Lãi suất cao, không gian tài khóa thắt chặt và các rủi ro địa chính trị được cho là nguyên nhân làm xói mòn tăng trưởng đầu tư.

Báo cáo đánh giá tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu vẫn yếu. Kim ngạch thương mại hàng hóa sụt giảm liên tục kể từ giữa năm 2022 và tiếp tục giảm 5% trong năm 2023. Đồng USD mạnh trở thành gánh nặng đối với hoạt động nhập khẩu, nhất là tại các nước đang phát triển và trên thực tế giao dịch thương mại Nam-Nam đã giảm tới 7% năm 2023. 

Ngược lại, khối lượng thương mại hàng hóa lại tăng trưởng nhẹ, báo hiệu khả năng phục hồi nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa nhập khẩu và thương mại toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024.

Báo cáo cập nhật của LHQ dự báo các nền kinh tế ở khu vực Đông Á nói chung sẽ đạt mức tăng trưởng 4,6% trong năm 2024 và 4,5% trong năm 2025, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 1.

 Kết quả này được củng cố bởi nhu cầu nội địa mạnh, ngành du lịch tiếp tục phục hồi và xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu cải thiện.

Triển vọng kinh tế thế giới chỉ lạc quan một cách thận trọng

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố đe dọa làm giảm triển vọng tăng trưởng, bao gồm lãi suất chính sách cao hơn trong thời gian dài hơn ở các nền kinh tế phát triển lớn, căng thẳng địa chính trị leo thang và rủi ro khí hậu ngày càng tăng. 

Các nền kinh tế Đông Á định hướng xuất khẩu – như Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam - đã có tín hiệu phục hồi thương mại kể từ cuối năm 2023, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu các sản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, việc áp lực lạm phát hạ nhiệt cũng cho phép các ngân hàng trung ương tạm dừng việc thắt chặt chính sách tiền tệ, hay thậm chí giảm lãi suất mà Việt Nam là một ví dụ.

Dù LHQ nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu, song đồng thời cũng cho rằng triển vọng kinh tế chỉ lạc quan một cách thận trọng, do tình hình lãi suất cao kéo dài, nợ xấu và rủi ro địa chính trị leo thang sẽ tiếp tục là rào cảnh đối với tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững. 

Các cú sốc khí hậu nghiêm trọng đặt ra thêm nhiều thách thức cho triển vọng kinh tế toàn cầu, khiến thành tựu phát triển nhiều thập kỷ có thể bị đe dọa. Sự thay đổi chóng mặt về công nghệ - bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) – đang mang lại nhiều cơ hội và rủi ro mới cho nền kinh tế thế giới.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Thủ tướng Slovakia bị ám sát: Thấy gì từ động cơ của thủ phạm

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã bị trúng đạn trong một vụ nổ súng sau cuộc họp chính phủ ở thị trấn Handlova. Ông Fico đã ngay lập tức được đưa tới bệnh viện, cách hiện trường khoảng 65 km.

Thủ tướng Slovakia bị ám sát: Thấy gì từ động cơ của thủ phạm- Ảnh 1.

Lực lượng an ninh tại hiện trường vụ tấn công, ám sát Thủ tương Slovakia - Ảnh: Reuters

Ngày 15/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Môi trường Slovakia Tomas Taraba cho biết Thủ tướng nước này Robert Fico hiện đã qua cơn nguy kịch. 

 Thủ tướng Slovakia đã qua cơn nguy kịch  

Trao đổi với giới truyền thông, Phó Thủ tướng Taraba cho biết, ca phẫu thuật đã diễn ra tốt đẹp, và ông Fico không còn ở trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng.

Truyền thông Slovakia dẫn một nguồn tin giấu tin cho biết Thủ tướng Fico đã trải qua cuộc phẫu thuật và ở trong tình trạng ổn định.

Trước đó vài giờ, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak cho biết Thủ tướng Fico bị "đa chấn thương nghiêm trọng" sau khi bị bắn.

Thủ tướng Robert Fico đã bị trúng đạn trong một vụ nổ súng sau cuộc họp chính phủ ở thị trấn Handlova. Ông Fico đã ngay lập tức được đưa tới bệnh viện, cách hiện trường khoảng 65 km. Truyền thông Slovakia đưa tin cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm tấn công. Quốc hội Slovakia đã lập tức đình chỉ vô thời hạn phiên họp nhằm thảo luận về dự luật mới trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình vốn được triệu tập bất thường vào sáng cùng ngày.

Báo chí Slovakia đưa tin nghi phạm là một người đàn ông 71 tuổi, cựu nhân viên bảo vệ tại một trung tâm mua sắm, đồng thời là tác giả của 3 tập thơ và là thành viên của Hội Nhà văn Slovakia. 

Động cơ chính trị

Theo Bộ trưởng Nội vụ Matus Sutaj Estok,"âm mưu ám sát này có động cơ chính trị và thủ phạm ra tay ngay sau cuộc bầu cử tổng thống". Trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4, ông Peter Pellegrini, đồng minh của ông Fico đã giành chiến thắng.

Vụ nổ súng ở thị trấn Handlova đã gây chấn động quốc gia nhỏ bé ở Trung Âu này và thu hút sự lên án của quốc tế.

Slovakia, một thành viên của NATO và Liên minh châu Âu, ít có lịch sử bạo lực chính trị. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với các đối tác EU của Slovakia đã bày tỏ sự bàng hoàng và lên án vụ ám sát.

Đất nước 5,4 triệu dân này đã chứng kiến các cuộc tranh luận chính trị phân cực trong những năm gần đây, bao gồm cả cuộc bầu cử tổng thống đầy cam go vào tháng trước – với kết quả đã giúp ông Fico thắt chặt quyền lực.

Kể từ khi trở lại làm thủ tướng vào tháng 10 năm ngoái, ông Fico đã thay đổi chính sách một cách nhanh chóng. Những người chỉ trích phe đối lập gọi đó là hành vi giành quyền lực.

Chính phủ của ông đã giảm bớt sự hỗ trợ dành cho Ukraine trong khi mở đối thoại với Nga, tìm cách giảm bớt các hình phạt đối với tham nhũng và giải tán văn phòng công tố viên đặc biệt, đồng thời đang cải tổ đài truyền hình RTVS bất chấp những lời kêu gọi bảo vệ quyền tự do báo chí.

Ông Fico từ lâu đã chỉ trích các phương tiện truyền thông chính thống của Slovakia, từ chối nói chuyện với một số cơ quan truyền thông. Các thành viên trong đảng của ông đã chỉ trích các hoạt động của giới truyền thông và phe đối lập trong những tháng gần đây.

"Tôi yêu cầu tất cả hãy ngừng các cuộc tấn công, ngừng thể hiện sự thù ghét trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông nhằm vào các phe phái chính trị, bất kể nó liên quan đến liên minh (chính phủ) hay phe đối lập", ông Sutaj Estok nói.

Trong khi đó, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova xác nhận tay súng tấn công Thủ tướng Fico đã bị cảnh sát bắt giữ tại hiện trường.

Nhà lãnh đạo Slovakia thông báo: "Cảnh sát đã bắt giữ đối tượng tấn công và sẽ cung cấp thông tin một cách sớm nhất có thể", đồng thời gọi âm mưu ám sát đối thủ chính trị của bà là "hành động tấn công vào nền dân chủ".

Thế giới lên án vụ ám sát Thủ tướng Slovakia

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres ngày 15/5 đã kịch liệt lên án vụ ám sát Thủ tướng Slovakia Robert Fico.

Phóng viên TTXVN tại New York dẫn lời người phát ngôn LHQ Farhan Haq nêu rõ: "Tổng Thư ký LHQ António Guterres cực lực lên án vụ tấn công hèn hạ hôm nay (15/5) nhằm vào Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Suy nghĩ của Tổng Thư ký LHQ hướng về Thủ tướng Fico và những người thân yêu của ông trong thời điểm khó khăn này".

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả vụ nổ súng tấn công ông Fico là "tội ác ghê tởm" và bày tỏ hy vọng Thủ tướng Slovakia sẽ nhanh chóng bình phục. Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Putin chia sẻ: "Tôi biết ông Robert Fico là một người dũng cảm và có tinh thần mạnh mẽ. Tôi rất hy vọng những phẩm chất này sẽ giúp ông trụ vững trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay".

Cũng trong ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án vụ nổ súng đe dọa tính mạng của Thủ tướng Fico là "hành vi bạo lực khủng khiếp". Tổng thống Biden cho biết ông và Đệ nhất phu nhân Jill Biden "đang cầu nguyện cho (Thủ tướng Fico) hồi phục nhanh chóng và tâm trí của chúng tôi hướng về gia đình ông cũng như nhân dân Slovakia".

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ "bị sốc" với vụ ám sát. Nhà lãnh đạo Pháp "cực lực lên án" hành động này, đồng thời khẳng định "tình đoàn kết" với Thủ tướng Fico, "gia đình ông và nhân dân Slovakia".

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Mỹ tăng thuế lên 18 tỷ USD hàng hóa: Động thái từ Trung Quốc

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trước việc Mỹ tăng mạnh thuế đối với nhiều mặt hàng như xe điện, chip máy tính, Trung Quốc cho rằng, hành động này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu không khí hợp tác song phương và tuyên bố sẽ "thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình".

Mỹ tăng thuế lên 18 tỷ USD hàng hóa: Động thái từ Trung Quốc- Ảnh 1.

Một góc Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 12/4. Ảnh: AFP

Mỹ tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc

Ngày 14/5, Nhà Trắng ra thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định tăng mạnh thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, chip máy tính và sản phẩm y tế, trong đó thuế xe điện tăng gấp 4 lần và lên mức hơn 100%.

Thuế đối với tế bào quang điện dùng để chế tạo các tấm pin mặt trời được nâng từ 25% lên 50%. Thuế đối với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ được nâng từ 0% lên 25%... Tổng cộng các biện pháp đánh thuế mới sẽ tác động đến 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ông Biden cũng giữ nguyên mức thuế đánh vào 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc do người tiền nhiệm - ông Donald Trump - đưa ra trước đó.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài từ năm 2018. Tuy nhiên, hàng hóa từ Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ vẫn áp đảo. Trong năm 2023, Mỹ nhập 427 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi xuất 148 tỷ USD hàng hóa vào thị trường này.

Nhà Trắng cho biết, quyết định (áp thuế thêm) được đưa ra do "những rủi ro không thể chấp nhận" đối với an ninh kinh tế Mỹ vì những gì nước này coi là "hành vi không công bằng của Trung Quốc".

Gần đây, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ Sherrod Brownn thậm chí muốn ông Biden cấm hoàn toàn xe điện của Trung Quốc do lo ngại chúng "gây rủi ro cho dữ liệu cá nhân của người Mỹ".

Mỹ tăng thuế lên 18 tỷ USD hàng hóa: Động thái từ Trung Quốc- Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt bút ký quyết định tăng thuế với một loạt hàng hóa Trung Quốc tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 14/5 - Ảnh: AP

Phản ứng từ Trung Quốc về việc Mỹ tăng thuế

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, quyết định tăng thuế của Mỹ đã vi phạm cam kết của Tổng thống Joe Biden về việc "không tìm cách chèn ép, kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc" và "không tìm cách tách rời, cắt đứt chuỗi liên kết với Trung Quốc", cũng không phù hợp với tinh thần các đồng thuận mà nguyên thủ hai nước đạt được và "sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu không khí hợp tác song phương".

Cơ quan này cho biết, Trung Quốc "kiên quyết phản đối và giao thiệp nghiêm khắc" trước động thái này của Mỹ, đồng thời tuyên bố "sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình". Bắc Kinh cũng kêu gọi Mỹ "ngay lập tức sửa chữa hành vi sai trái và dỡ bỏ các biện pháp thuế quan bổ sung".

Đợt thuế mới có tác động thế nào về mặt kinh tế?

Nhận xét về động thái mới của Nhà Trắng, một số nhà kinh tế cho rằng trong ngắn hạn, đợt tăng thuế quan này sẽ có tác động hạn chế đối với GDP, lạm phát và chính sách tiền tệ của Mỹ. Tuy nhiên, xét ở phương diện rộng hơn, bức tranh có thể sẽ phức tạp hơn nhiều.

"Đợt tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của chính quyền ông Biden báo hiệu trước một 'mùa đông lạnh kéo dài" về căng thẳng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc", nhà kinh tế Joe Brusuelas tại công ty tư vấn quản lý RSM US nói với hãng tin CNN.

Đợt tăng thuế mới của ông Biden bổ sung cho chương trình thuế đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra vào năm 2018 và 2019. Chương trình này gồm các loại thuế cao áp đặt với hàng hóa Trung Quốc cùng nhiều đối tác thương mại khác của Mỹ, đến nay vẫn có hiệu lực.

Đợt tăng thuế mới, dự kiến sẽ có hiệu lực trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2026, được đưa ra trong bối cảnh thị trường lao động Mỹ đang có triển vọng tích cực, tăng trưởng kinh tế mạnh và tiêu dùng ổn định. 

Quyết định cũng được đưa ra giữa lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong cuộc chiến chống lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ - điều khiến lãi suất đang được duy trì ở mức cao.

Một nghiên cứu của ngân hàng Goldman Sachs chỉ ra rằng thuế quan đã mang lại cho các nhà sản xuất Mỹ cũng như các nhà xuất khẩu không có yếu tố Trung Quốc vào thị trường Mỹ "cơ hội tăng giá hàng hóa".

Còn theo tính toán của chi nhánh New York của Fed, chương trình tăng thuế nhập khẩu năm 2018 khiến các hộ gia đình Mỹ tốn thêm 419 USD mỗi năm do gánh nặng thuế tăng lên và hiệu quả thị trường (market efficiency) giảm sút. Các nhà nghiên cứu ước tính con số này tăng gấp đôi khi nhiều loại thuế nhập khẩu trong chương trình có hiệu lực vào năm 2019.

Trên thực tế, theo thời gian, tác động tích cực về mặt kinh tế của các biện pháp thuế quan càng trở nên mơ hồ.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Giải quyết dứt điểm về nguồn vật liệu xây dựng các công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 219/TB-VPCP ngày 14/5/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 11 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Giải quyết dứt điểm về nguồn vật liệu xây dựng các công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải- Ảnh 1.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải bảo đảm an toàn trong thi công, an toàn tính mạng cho người lao động trên công trường cũng như nhân dân chung quanh các dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thông báo, qua đợt kiểm tra các dự án dự án đường bộ cao tốc khu vực Nam Trung Bộ vào dịp 30/4/2024 và 1/5/2024, mặc dù là ngày nghỉ lễ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ cao, nắng nóng gay gắt (cao nhất trong 50 năm qua), các chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, các cán bộ, kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài làm việc với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc "xuyên lễ, cả thứ 7, chủ nhật".

Từ kết quả triển khai tích cực trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công cần tiếp tục phát huy, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới với phương châm làm việc gì dứt điểm việc đó, xây dựng kế hoạch triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn cụ thể cho từng công việc làm cơ sở kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, xử lý trách nhiệm, trong đó tập trung vào giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Phát huy trách nhiệm cao nhất vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng

Đây là khâu quan trọng nhất, quyết định đến phần lớn đường "găng" tiến độ của các dự án, công trình, tuy nhiên đây là khâu khó khăn, phức tạp nhất. Mặt bằng được bàn giao sớm sẽ là cơ sở cho việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, do đó các tỉnh, thành phố cần huy động cả hệ thống chính trị (đồng chí Bí thư tỉnh trực tiếp chỉ đạo) phát huy trách nhiệm cao nhất vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) theo đúng các tiến độ đã cam kết nhất, là hoàn thành bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, 02 dự án đường vành đai và 03 dự án cao tốc trục Đông - Tây trong quý II năm 2024 (trong đó lưu ý các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Bắc Ninh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Đắk Lắk); các tỉnh Đồng Nai, Kiên Giang tăng cường nhân lực, quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Bộ Công Thương, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động giải quyết các khó khăn để hoàn thành di dời các cột điện cao thế của các dự án quan trọng quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 155/TB-VPCP ngày 10/4/2024, Thông báo số 201/TB-VPCP ngày 06/5/2024 của Văn phòng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 6 năm 2024.

Giải quyết dứt điểm về nguồn vật liệu xây dựng trong tháng 5 năm 2024

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cũng như trực tiếp nhiều lần làm việc với các địa phương để tháo gỡ; công tác cấp mỏ tại nhiều dự án đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên nguồn vật liệu đắp nền đường tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ vẫn còn chưa được giải quyết dứt điểm, việc sử dụng cát biển triển khai chậm, số lượng hạn chế.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tổ chức làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, các địa phương liên quan để giải quyết dứt điểm về nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) trong tháng 5 năm 2024.

Các tỉnh trong khu vực cần đặt mục tiêu, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, san sẻ, hỗ trợ các địa phương, các chủ đầu tư về nguồn cát đắp cho các dự án trọng điểm quốc gia.

Bảo đảm hoàn thành các dự án đúng kế hoạch, phấn đấu vượt tiến độ đề ra từ 3 đến 6 tháng

Các cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thi công xây dựng lại tiến độ để bảo đảm hoàn thành các dự án đúng kế hoạch; phấn đấu vượt tiến độ đề ra từ 3 đến 6 tháng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi công bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, kỹ - mỹ thuật, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến dân sinh, nhanh chóng hoàn trả các đường công vụ phục vụ thi công. Các nhà thầu tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cần bám sát công trường để kịp thời điều chỉnh các phát sinh, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Các chủ đầu tư rà soát các thủ tục bảo đảm chặt chẽ đúng quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các thiếu sót tránh tích lũy dẫn đến sai phạm.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, thống nhất đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh về bổ sung dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành vào danh mục dự án Ban Chỉ đạo; bổ sung Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Bến Tre, Trà Vinh vào ủy viên Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các vấn đề liên quan đến GPMB dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn, vật liệu đắp cho khu vực Tây Nam Bộ.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành địa phương

Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bình Phước chủ động làm việc với các các cơ quan của Quốc hội để kịp thời giải trình, bổ sung các nội dung phù hợp, bảo đảm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành vào tháng 6 năm 2024;

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Dầu Giây - Tân Phú, phấn đấu phê duyệt trong tháng 6 năm 2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trước ngày 15 tháng 5 năm 2024; ướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thành báo cáo thẩm định dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc phê duyệt trong tháng 6 năm 2024.

Thành phố Hồ Chí Minh sớm có ý kiến đề xuất gia hạn thời gian giải ngân các khoản vay và thu xếp khoản vay bổ sung lần 3 cho dự án Bến Thành - Tham Lương.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương triển khai hoàn thành các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không Cà Mau, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác vào tháng 10 năm 2025.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trước tình hình gần đây trên thị trường xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và việc sử dụng các sản phẩm này có nhiều diễn biến phức tạp. Để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử (Ảnh minh họa)

Theo Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan theo chức năng chỉ đạo tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Giao Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý; Nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh đối với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, xác lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 của các bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các lực lượng chức năng trong việc thực hiện Công điện này của Thủ tướng Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trên địa bàn: Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam; Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho người dân.

* Xem chi tiết Công điện tại đây./.

Thu Huệ

Trung bình (0 Bình chọn)

Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đang khẩn trương hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải cho biết, Đại sứ quán đang khẩn trương hỗ trợ bà con làm lại thủ tục giấy tờ tuỳ thân Việt Nam, đồng thời đề nghị chính quyền tỉnh Mazowsze hỗ trợ tác động cơ quan chức năng cấp lại số giấy tờ Ba Lan cho bà con, nhằm ổn định lại tinh thần, từng bước khôi phục lại cuộc sống.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đang khẩn trương hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống- Ảnh 1.

Đại sứ Hà Hoàng Hải làm việc với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie Mariusz Frankowski về việc hỗ trợ bà con người Việt bị ảnh hưởng trong vụ cháy Trung tâm thương mại Marywilska. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, liên quan đến vụ hỏa hoạn tại Trung tâm thương mại Marywilska 44, ngày 13/5, Đại sứ Hà Hoàng Hải đã có buổi gặp, làm việc với ông Mariusz Frankowski - tỉnh trưởng tỉnh Mazowsze liên quan vụ việc hoả hoạn tại Trung tâm thương mại Marywilska 44. Tham dự buổi làm việc cũng có sự có mặt của đại diện Hội người Việt và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan. 

Đại sứ Hà Hoàng Hải đã thông tin với ông Mariusz Frankowski về thiệt hại mà các tiểu thương Việt Nam đã phải gánh chịu trong vụ cháy trung tâm thương mại Marywilska 44. 

Đại sứ cũng truyền tải lại thông tin về những khó khăn mà bà con người Việt gặp phải, cả về trước mắt lẫn lâu dài, trong đó, bên cạnh những mất mát về tiền của, việc làm, thì hiện vấn đề quan trọng nhất mà bà con đang quan tâm là việc bị cháy toàn bộ giấy tờ tuỳ thân Việt Nam, giấy tờ Ba Lan, sổ sách công ty ...

Đại sứ Hà Hoàng Hải cho biết, Đại sứ quán đang khẩn trương hỗ trợ bà con làm lại thủ tục giấy tờ tuỳ thân Việt Nam, đồng thời đề nghị chính quyền tỉnh Mazowsze hỗ trợ tác động cơ quan chức năng cấp lại số giấy tờ Ba Lan cho bà con, nhằm ổn định lại tinh thần, từng bước khôi phục lại cuộc sống. 

Đại sứ Hà Hoàng Hải cũng trao đổi với ông Mariusz Frankowski liên quan vấn đề bảo hiểm, hỗ trợ của các cấp chính quyền Ba Lan, thuế ZUS, công ăn việc làm của bà con, cung cấp nơi kinh doanh, buôn bán tạm cho bà con, cũng như đề nghị cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân vụ cháy...

Ông Mariusz Frankowski cam kết trong phạm vi thẩm quyền, sẽ hỗ trợ cấp lại giấy tờ cư trú cho những người bị cháy trong vụ hoả hoạn, cũng như những người đang trong quá trình làm giấy tờ cư trú, giấy phép lao động, không chỉ đối với hồ sơ do tỉnh Mazowsze cấp mà cả đối với các trường hợp do các tỉnh khác xử lý. 

Tỉnh trưởng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan làm đầu mối để phối hợp, trao đổi với tỉnh về danh sách liên quan công dân Việt Nam làm lại giấy tờ này. Ông Mariusz Frankowski cũng cho biết các đơn vị chức năng Ba Lan đang trong quá trình làm việc để điều tra nguyên nhân vụ cháy. 

Liên quan đến các vấn đề hỗ trợ tài chính, thuế, bảo hiểm, ổn định lại nơi làm việc... ông Mariusz Frankowski cho biết sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc với các bên liên quan và Đại sứ quán Việt Nam để từng bước hỗ trợ bà con.

Trả lời Báo Thế giới và Việt Nam về việc ngoài các biện pháp hỗ trợ tức thời, Đại sứ quán có kế hoạch nào để giúp các công dân Việt Nam ổn định và hỗ trợ họ trong thời gian dài sau vụ cháy, Đại sứ Hà Hoàng Hải cho biết, ngay sau khi diễn ra vụ cháy, Đại sứ quán đã phối hợp với các hội đoàn tổ chức cuộc họp khẩn cấp với đại diện các tiểu thương người Việt tại Trung tâm thương mại để nắm thông tin và thống nhất các biện pháp hỗ trợ bà con trong thời gian tới.

Theo đó, có những việc cần làm ngay trước mắt như hỗ trợ bà con khai báo thông tin, cấp đổi giấy tờ, đề nghị các cơ quan sở tại điều tra nguyên nhân vụ cháy, đảm bảo quyền và lợi ích của bà con…

Tuy nhiên, theo Đại sứ Hà Hoàng Hải cũng có những việc cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để triển khai trong thời gian tới. Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp với Ban hỗ trợ các tiểu thương Trung tâm thương mại Marywilska (do cộng đồng ta thành lập), các cơ quan của bạn, tổ chức nghề nghiệp của bạn và doanh nghiệp của ta nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ việc làm, hỗ trợ lập nghiệp, hỗ trợ pháp lý…

Có nhiều doanh nghiệp của ta đã cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp nhận lao động vụ việc tại Trung tâm thương mại Marywilska trong một số lĩnh vực cụ thể như thương mại điện tử, xây dựng, ẩm thực…

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan sẽ làm việc với các Trung tâm thương mại khác trong thành phố đề nghị bố trí mặt bằng hoặc các quầy tạm với giá ưu đãi thậm chí có thể miễn phí để bà con ta có thêm nhiều cơ hội ổn định cuộc sống trong thời gian tới.

Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp với một số cơ quan đại diện ta tại châu Âu vận động người Việt ở các nước khác trong khu vực quyên góp, hỗ trợ bà con. Đến cuối ngày 13/5, sau hơn một ngày diễn ra vụ cháy, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và các nước trong khu vực quyên góp ủng hộ bà con Marywilska được khoảng 3,5 tỷ đồng (trong đó cộng đồng người Việt tại Ba Lan gần 3 tỷ đồng). Đây là niềm động viên, khích lệ rất lớn đối với bà con ta trong thời điểm khó khăn này.

Cùng chia sẻ, động viên với bà con Việt Nam tại Ba Lan, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Séc đã phát động, kêu gọi, cộng đồng người Việt Nam tại Séc quyên góp được số tiền 25 nghìn euro và sẽ sớm gửi đến bà con người Việt Nam tại Ba Lan nhằm chia sẻ những mất mát, khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt trên toàn thế giới./.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Những đối tượng cần tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine COVID-19

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường và khó dự báo với các biến chủng phụ mới. Theo khuyến cáo của tổ chức WHO, Bộ Y tế vừa cập nhật các đối tượng cần tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine này.

Những đối tượng cần tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine COVID-19- Ảnh 1.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường và khó dự báo với các biến chủng phụ mới - Ảnh: VGP/HM

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Tháng 11/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo cập nhật về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới.

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao, trên cơ sở khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức WHO và Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế, Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn mới về tiêm vaccine phòng COVID-19.

 Ai cần tiêm và liều tiêm như nào? 

Cụ thể, đối tượng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 bao gồm: cán bộ y tế; người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền; người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào; phụ nữ có thai.

Bộ Y tế cho biết, nếu người chưa tiêm liều nào thì tiêm ngay 1 liều, nếu đã tiêm thì tiêm thêm 1 liều cách liều trước đó từ ít nhất 6 tháng bằng vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Đối với phụ nữ có thai tiêm 1 liều vào mỗi thai kỳ và tiêm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, ưu tiên tiêm vào giai đoạn giữa của thai kỳ.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát lại tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn, các đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn này, để nghiên cứu đề xuất nhu cầu vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới.

Bộ Y tế lưu ý, đề xuất nhu cầu vaccine phòng COVID-19 gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Sau đó, Viện sẽ cung ứng vaccine để triển khai tiêm chủng cho các đối tượng theo kế hoạch của từng địa phương. 

Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, với tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.

Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, các nhà khoa học vừa cảnh báo biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có tên KP.2. Biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn và "né" vaccine tốt hơn so với các biến thể trước đây, bao gồm cả biến thể XBB đang chiếm số đông các ca nhiễm mới.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Diễn biến mới trên chính trường Singapore

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 13/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này Tharman Shanmugaratnam.

Diễn biến mới trên chính trường Singapore- Ảnh 1.

hủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và người kế nhiệm Lawrence Wong. Ảnh: STRAITSTIMES

Ngày 13/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này Tharman Shanmugaratnam.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ chức

Đồng thời, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông và chính phủ của mình sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 15/5. Đây là thủ tục chính thức trong quá trình chuyển giao lãnh đạo tại Singapore.

Trong thư, ông Lý Hiển Long đã đề cử ông Lawrence Wong - 51 tuổi, Phó Thủ tướng Singapore - thay thế mình làm Thủ tướng từ ngày 15/5, bắt đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư của "đảo quốc Sư tử."

Tổng thống Tharman cũng gửi thư đáp lại ông Lý Hiển Long, thông báo sẽ bổ nhiệm ông Lawrence làm tân thủ tướng vào ngày 15/5, đồng thời cảm ơn ông Lý Hiển Long đã phụng sự đất nước suốt 4 thập kỉ, trong đó có 20 năm trên cương vị thủ tướng.

Tổng thống Singapore cho biết thêm, ông Wong có ý định bổ nhiệm ông Lý Hiển Long làm bộ trưởng cấp cao. "Tôi chắc rằng kinh nghiệm cùng lời khuyên của ông sẽ giúp đỡ đội ngũ lãnh đạo mới của khi họ bước sang giai đoạn lịch sử tiếp theo và tạo nên một Singapore thậm chí còn tốt đẹp hơn", ông Tharman viết.

Cải tổ nội các

Ngày 13/5, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (51 tuổi), người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, đã công bố cải tổ Nội các.

Cụ thể, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong (65 tuổi) sẽ giữ thêm trọng trách Phó Thủ tướng, đảm nhiệm vai trò quyền Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore, đồng thời chịu trách nhiệm về Nhóm Chiến lược trong Văn phòng Thủ tướng.

Phó Thủ tướng đương nhiệm Heng Swee Keat, 63 tuổi, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này. Thông báo của ông Lawrence Wong nêu rõ sẽ không có thay đổi lớn nào đối với các vị trí Bộ trưởng và ông sẽ vẫn giữ quyền lãnh đạo Bộ Tài chính.

Phát biểu tại họp báo sau khi công bố cải tổ Nội các, Phó Thủ tướng Lawrence Wong đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính liên tục và ổn định khi chính phủ hiện nay sắp kết thúc nhiệm kỳ. Do các bộ trưởng đều đang thực hiện trọng trách được giao, nên ông muốn giữ nguyên vị trí lãnh đạo các bộ cho đến đến hết nhiệm kỳ.

Đánh giá về ông Gan Kim Yong, ông Lawrence Wong cho biết mặc dù không hoàn toàn thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 4, nhưng kinh nghiệm của ông Gan Kim Yong về kinh tế quốc tế sẽ giúp Singapore điều hướng trong môi trường toàn cầu đầy cạnh tranh hơn. Cả hai Phó Thủ tướng Gan Kim Yong và ông Heng Swee Keat đều là những bộ trưởng giàu kinh nghiệm và sẽ "giúp đỡ" trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Dự kiến ông Lawrence Wong sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào lúc 20h ngày 15/5 (giờ địa phương) tại cung Istana, trở thành Thủ tướng thứ tư của Singapore, chính thức tiếp quản vị trí lãnh đạo từ Thủ tướng Lý Hiển Long.

Tháng trước, ông Lawrence Wong cho biết những thay đổi lớn hơn trong nội các sẽ diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Singapore (dự kiến vào trước tháng 11/2025)./.

Chân dung tân Thủ tướng Singapore

Hai năm trước, ông Lawrence Wong đã được lựa chọn làm lãnh đạo nhóm thế hệ thứ tư của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền tại Singapore, mở đường đưa ông trở thành Thủ tướng thế hệ tiếp theo của đất nước.

Ông Wong xuất thân từ gia đình bình dân, có bố làm quản lý bán hàng cho công ty tư nhân và mẹ là giáo viên. Sau khi hoàn thành du học tại Mỹ bằng học bổng của Chính phủ Singapore, ông trở về nước làm việc cho chính phủ từ năm 1997.

Phó Thủ tướng Wong từng làm Giám đốc Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore, sau đó trở thành thư ký riêng cho ông Lý Hiển Long. Năm 2011, ông được bầu vào Quốc hội, rồi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh giáo dục và quốc phòng.

Ông tái đắc cử nghị sỹ quốc hội trong 2 kỳ tổng tuyển cử năm 2015 và 2020 và từng đảm nhận những vị trí bộ trưởng khác nhau. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, ông được chọn làm đồng Chủ nhiệm Ủy ban ứng phó COVID-19 và ngày càng nhận được sự tín nhiệm rộng rãi của người dân Singapore.

Ông Lý Hiển Long đánh giá ông Lawrence Wong đã sẵn sàng để lãnh đạo Singapore. Giới chuyên gia đánh giá đây là giai đoạn tạo nên cú hích quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của ông Wong.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai xây dựng một số đề án của Chính phủ trình Quốc hội

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 218/TB-VPCP ngày 14/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc triển khai xây dựng một số đề án của Chính phủ trình Quốc hội.

Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai xây dựng một số đề án của Chính phủ trình Quốc hội- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về việc triển khai xây dựng một số đề án của Chính phủ trình Quốc hội.

Thông báo nêu: Ngày 9/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về việc triển khai xây dựng Nghị quyết: (1) thí điểm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; (2) phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Tại cuộc họp, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tiến độ, vướng mắc trong quá trình xây dựng đề án trình Quốc hội xem xét, ban hành các Nghị quyết về (i) cho phép Luật đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực sớm kể từ ngày 1/7/2024; (ii) thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác; (iii) phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; (iv) phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; (v) thí điểm tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện các bộ, cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về tiến độ triển khai các đề án Chính phủ trình Quốc hội.

Cụ thể, về Đề án cho phép Luật đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực sớm kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024: Văn phòng Chính phủ đôn đốc các Thành viên Chính phủ cho ý kiến, tổng hợp, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 14/5/2024.

Về Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác: Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện nội dung theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 73/TB-VPCP ngày 29/2/2024 và Công văn số 3063/VPCP-NN ngày 8/5/2024 trong đó cần xác định rõ phạm vi, tiêu chí, nội dung, đối tượng dự án thí điểm như: các cơ sở sản xuất, cơ sở ô nhiễm,…di dời khỏi nội đô, người có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp,…; sự phù hợp về quy hoạch và yêu cầu về năng lực của nhà đầu tư phù hợp với quy định về pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 14/5/2024.

Về Đề án phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và Đề án phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo hướng trình Quốc hội Nghị quyết phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về nội dung phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 13/5/2024 để tổng hợp chung.

Về Đề án thí điểm tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát hoàn thiện danh mục dự án thí điểm trong dự thảo Nghị quyết đến trước thời điểm trình Quốc hội, bảo đảm công khai, minh bạch, không tạo ra cơ chế xin cho.

Phó Thủ tướng yêu cầu đối với các hồ sơ hợp lệ do các bộ trình, Bộ Tư pháp hoàn thành việc thẩm định và có báo cáo thẩm định trước ngày 16/5/2024. Sau đó, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ trong ngày 16/5/2024.

Các đề án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trên thực hiện song song trình tự, thủ tục đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và xây dựng dự thảo các Nghị quyết bảo đảm tuân thủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Thuốc lá điện tử: Nguy hiểm đến mức nào mà nhiều nước ngăn chặn

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi chính phủ các nước áp dụng chính sách quản lý thuốc lá điện tử (vape) tương tự như với thuốc lá thông thường và cấm tất cả thuốc lá điện tử có hương liệu.

Thuốc lá điện tử: Nguy hiểm đến mức nào mà nhiều nước ngăn chặn- Ảnh 1.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa đến 127 loại hóa chất cực kỳ độc hại, 153 loại gây nguy hiểm cho sức khỏe và 225 loại gây kích ứng

Thuốc lá điện tử chứa đến 127 loại hóa chất cực kỳ độc hại

Theo kết quả một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa đến 127 loại hóa chất cực kỳ độc hại, 153 loại gây nguy hiểm cho sức khỏe và 225 loại gây kích ứng.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tiến hành phân tích thành phần hóa học có trong 180 loại hương vị thuốc lá điện tử, đồng thời mô phỏng cách thức các hương liệu này bị phân hủy khi được đun nóng, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Phẫu thuật Hoàng gia ở Ireland (RCSI) kết luận rằng những người sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 4,5 triệu người tại Anh, đang đối mặt mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các loại hương vị của thuốc lá điện tử cũng như tuyên truyền để người dân, đặc biệt là giới trẻ, hiểu được tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe.

Trên thị trường hiện có hàng chục nghìn loại sản phẩm thuốc lá điện tử khác nhau và trong mỗi sản phẩm đều chứa nhiều loại hóa chất. Do đó, theo các nhà nghiên cứu, với thực tế như hiện nay việc tiến hành các thí nghiệm để kiểm tra độc tính của từng nhãn hiệu và hương vị có thể mất nhiều thập kỷ.

Đầu năm nay, Chính phủ Anh cho biết sẽ xem xét cấm các loại thuốc lá điện tử dùng một lần và hạn chế tiêu thụ các loại thuốc lá điện tử có hương vị ngọt và trái cây.

Tuy nhiên, theo trưởng nhóm nghiên cứu - Giáo sư hóa học tại RCSI Donal O'Shea, Chính phủ Anh cũng như các chính phủ khác trên toàn cầu nên tiến xa hơn và loại bỏ tất cả hương vị khỏi thuốc lá điện tử. Giáo sư O'Shea cảnh báo người dân đang đứng trước một làn sóng bệnh mãn tính mới sẽ xuất hiện sau 15-20 năm nữa do phơi nhiễm các chất độc hại từ thuốc lá điện tử. Do vậy, điều quan trọng là phải hiểu được tác động của thuốc lá điện tử có hương vị đối với sức khỏe trước khi quá muộn.

Các thiết bị thuốc lá điện tử hiện nay hoạt động bằng cách làm nóng hương liệu lỏng đến nhiệt độ cao để tạo thành "hạt khí dung" sau đó chúng được hít vào cơ thể. Loại "hạt khí dung" này có chứa các hóa chất bao gồm glycerin thực vật, propylene glycol, nicotin và hương liệu, được pha trộn với liều lượng khác nhau.

Các thí nghiệm được tiến hành trước đây đã chỉ ra rằng trong quá trình gia nhiệt hương liệu lỏng, một số loại thuốc lá điện tử có hương vị trái cây, như dâu tây, dưa gang và việt quất, sẽ tạo ra hợp chất nguy hiểm dễ bay hơi gọi là carbonyl. Hợp chất này có hại cho sức khỏe con người, góp phần gây ra các bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh tim mạch và ung thư.

Thuốc lá điện tử làm tăng phơi nhiễm chì và urani

Báo Telegraph ngày 30/4 dẫn kết quả nghiên cứu mới cho thấy những người sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên có lượng chì cao hơn tới 40% và gấp đôi lượng urani trong mẫu nước tiểu so với những người chỉ thỉnh thoảng sử dụng thuốc lá điện tử.

Đáng chú ý, phát hiện mới, dựa trên kết quả phân tích mẫu nước tiểu của 200 thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử được Đại học Nebraska của Mỹ tiến hành, cho thấy những người sử dụng thuốc lá điện tử có vị ngọt, như kẹo hoặc sôcôla thì mức urani trong nước tiểu của họ thậm chí còn cao hơn 90% so với những người sử dụng thuốc lá điện tử có hương vị tinh dầu menthol hoặc tinh dầu mint.

Theo các nhà nghiên cứu, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ tăng tiếp xúc với kim loại, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của não và các cơ quan khác trong cơ thể. Các nhà khoa học cũng kêu gọi cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, đồng thời khuyến cáo chính phủ các nước, cần phải đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với thuốc lá điện tử nhằm giảm thiểu tác hại tiềm ẩn của việc sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là ở thanh thiếu niên.

Phơi nhiễm chì có thể làm gián đoạn sự phát triển của não và hệ thần kinh trung ương, trong khi ở mức độ thấp hơn phơi nhiễm chì có thể làm giảm mức độ thông minh, khả năng tập trung và kỹ năng xã hội của trẻ. Trong khi đó, việc tiếp xúc với urani có thể ảnh hưởng đến thận, phổi và hệ thần kinh trung ương, gây nhầm lẫn, căng thẳng, buồn nôn và các triệu chứng khác.

Thuốc lá điện tử: Nguy hiểm đến mức nào mà nhiều nước ngăn chặn- Ảnh 2.

Báo cáo của WHO nhấn mạnh việc sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng trong thiếu niên

Tình trạng báo động trong thiếu niên

Văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu ngày 24/4 công bố báo cáo cho thấy một "bức tranh đáng lo ngại" về việc sử dụng chất gây nghiện trong thiếu niên.

Báo cáo "Hành vi sức khỏe ở trẻ em trong độ tuổi đi học" được thực hiện 4 năm/lần. Năm nay báo cáo được xây dựng dựa trên dữ liệu khảo sát đối với 280.000 thanh niên trong độ tuổi 11, 13 và 15 ở châu Âu, Trung Á và Canada, với kết quả chỉ ra rằng việc sử dụng rượu và thuốc lá điện tử phổ biến ở thiếu niên hiện nay là "đáng báo động".

WHO nêu rõ các nhà hoạch định chính sách không thể bỏ qua những phát hiện chấn động nêu trên do hậu quả về lâu dài của những xu hướng này này là rất lớn.

Báo cáo của WHO nhấn mạnh việc sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng trong thiếu niên. Kết quả khảo sát cho thấy trong năm 2022 có 13% số trẻ em từ 11-15 tuổi đã hút thuốc, ít hơn 2 điểm phần trăm so với 4 năm trước đó. Khoảng 32% thiếu niên 15 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử và 20% cho biết đã hút 1 lần trong 30 ngày qua.

Trước đó, cuối năm 2023, WHO kêu gọi chính phủ các nước áp dụng chính sách quản lý thuốc lá điện tử tương tự như với thuốc lá thông thường và cấm tất cả thuốc lá điện tử có hương liệu.

Nhiều ý kiến coi thuốc lá điện tử như một sản phẩm thay thế thuốc lá điếu thông thường, giúp giảm số ca tử vong và mắc bệnh do hút thuốc. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh rằng cần thực hiện "các biện pháp cấp thiết" nhằm kiểm soát thuốc lá điện tử.

Hiện nay, số trẻ từ 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đang nhiều hơn so với số người trưởng thành tại tất cả các quốc gia thành viên của WHO.

Tổ chức này kêu gọi thực hiện các thay đổi, trong đó có việc cấm tất cả các hương liệu như tinh dầu bạc hà, cũng như áp dụng các biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử tương tự như các biện pháp thực hiện đối với thuốc lá thông thường, gồm đánh thuế cao và cấm sử dụng tại nơi công cộng.

Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus nhận định trẻ em đang bị lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử, thậm chí có thể nghiện nicotine. Chính vì vậy, ông kêu gọi các quốc gia thực thi các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát sản phẩm này.

Nhiều quốc gia hạn chế hoặc cấm thuốc lá điện tử

Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang nỗ lực tìm ra cách tốt nhất để quản lý thuốc lá điện tử trong bối cảnh mức độ phổ biến của chúng ngày càng tăng, kéo theo lo ngại về tác động xấu đối với sức khoẻ.

Nhiều quốc gia đã hoặc có kế hoạch áp đặt các lệnh cấm/hạn chế, nhưng việc thực thi yếu kém khiến cho các biện pháp này phần lớn không hiệu quả ở một số khu vực.

Trong 3 năm qua, đã có 6 quốc gia áp dụng lệnh cấm hoàn toàn việc bán thuốc lá điện tử – Cabo Verde, Lào, Nicaragua, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và Vanuatu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm nhập khẩu thuốc lá điện tử cũng như việc bán và phân phối chúng. Tổng thống nước này, ông Recep Tayyip Erdogan, trước đây từng nói về các công ty thuốc lá điện tử: "Họ làm giàu bằng cách đầu độc người dân của chúng tôi, chúng tôi sẽ không cho phép điều đó".

Đầu năm nay, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố rằng thuốc lá điện tử dùng một lần sẽ bị cấm ở Anh nhằm hạn chế giới trẻ hút thuốc.

"Tác động lâu dài của thuốc lá điện tử vẫn chưa được làm rõ và chất nicotin trong chúng có thể gây nghiện cao, vì vậy mặc dù chúng có thể là một công cụ hữu ích để giúp người dân bỏ thuốc lá, nhưng việc tiếp thị thuốc lá điện tử cho trẻ em là không thể chấp nhận được", ông Sunak tuyên bố.

Theo chính phủ Anh, việc thực hiện các quy định mới sẽ hạn chế sự đa dạng của các hương vị thuốc lá điện tử, đóng gói đơn giản hơn và thay đổi cách trưng bày vape tại các cửa hàng để giảm bớt sự hấp dẫn của chúng đối với trẻ em.

"Những thay đổi này sẽ để lại di sản lâu dài, bằng cách bảo vệ sức khỏe trẻ em của chúng ta về lâu dài", ông Sunak nói thêm, bởi bộ luật mới sẽ coi việc bán sản phẩm thuốc lá cho thanh thiếu niên dưới 15 tuổi là bất hợp pháp.

Đức cũng có ý định đưa ra biện pháp chống lại thuốc lá điện tử dùng một lần. Một số nhà sinh thái học - bao gồm Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke – thậm chí còn muốn loại bỏ hoàn toàn thuốc lá điện tử khỏi Liên minh châu Âu (EU).

"Thuốc lá điện tử dùng một lần xả rác ra môi trường và thường trở thành rác thải sinh hoạt thay vì được xử lý đúng cách như các thiết bị điện", Bà Lemke nói với tờ Mitteldeutsche Zeitung của Đức. "Chúng cũng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng ở các cơ sở xử lý do hỏa hoạn".

Ngay cả Pháp, quốc gia vốn có quan điểm cởi mở với thuốc lá, cũng đã tuyên bố hạn chế thuốc lá điện tử, trong khi Bỉ đang chờ EU "bật đèn xanh" để cấm chúng.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Chuyển giao quyền lực tại Singapore, thay đổi các nhân sự cấp cao

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 13/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này Tharman Shanmugaratnam.

Chuyển giao quyền lực tại Singapore, thay đổi các nhân sự cấp cao- Ảnh 1.

hủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và người kế nhiệm Lawrence Wong. Ảnh: STRAITSTIMES

Ngày 13/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này Tharman Shanmugaratnam.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ chức

Đồng thời, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông và chính phủ của mình sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 15/5. Đây là thủ tục chính thức trong quá trình chuyển giao lãnh đạo tại Singapore.

Trong thư, ông Lý Hiển Long đã đề cử ông Lawrence Wong - 51 tuổi, Phó Thủ tướng Singapore - thay thế mình làm Thủ tướng từ ngày 15/5, bắt đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư của "đảo quốc Sư tử."

Tổng thống Tharman cũng gửi thư đáp lại ông Lý Hiển Long, thông báo sẽ bổ nhiệm ông Lawrence làm tân thủ tướng vào ngày 15/5, đồng thời cảm ơn ông Lý Hiển Long đã phụng sự đất nước suốt 4 thập kỉ, trong đó có 20 năm trên cương vị thủ tướng.

Tổng thống Singapore cho biết thêm, ông Wong có ý định bổ nhiệm ông Lý Hiển Long làm bộ trưởng cấp cao. "Tôi chắc rằng kinh nghiệm cùng lời khuyên của ông sẽ giúp đỡ đội ngũ lãnh đạo mới của khi họ bước sang giai đoạn lịch sử tiếp theo và tạo nên một Singapore thậm chí còn tốt đẹp hơn", ông Tharman viết.

Cải tổ nội các

Ngày 13/5, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (51 tuổi), người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, đã công bố cải tổ Nội các.

Cụ thể, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong (65 tuổi) sẽ giữ thêm trọng trách Phó Thủ tướng, đảm nhiệm vai trò quyền Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore, đồng thời chịu trách nhiệm về Nhóm Chiến lược trong Văn phòng Thủ tướng.

Phó Thủ tướng đương nhiệm Heng Swee Keat, 63 tuổi, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này. Thông báo của ông Lawrence Wong nêu rõ sẽ không có thay đổi lớn nào đối với các vị trí Bộ trưởng và ông sẽ vẫn giữ quyền lãnh đạo Bộ Tài chính.

Phát biểu tại họp báo sau khi công bố cải tổ Nội các, Phó Thủ tướng Lawrence Wong đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính liên tục và ổn định khi chính phủ hiện nay sắp kết thúc nhiệm kỳ. Do các bộ trưởng đều đang thực hiện trọng trách được giao, nên ông muốn giữ nguyên vị trí lãnh đạo các bộ cho đến đến hết nhiệm kỳ.

Đánh giá về ông Gan Kim Yong, ông Lawrence Wong cho biết mặc dù không hoàn toàn thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 4, nhưng kinh nghiệm của ông Gan Kim Yong về kinh tế quốc tế sẽ giúp Singapore điều hướng trong môi trường toàn cầu đầy cạnh tranh hơn. Cả hai Phó Thủ tướng Gan Kim Yong và ông Heng Swee Keat đều là những bộ trưởng giàu kinh nghiệm và sẽ "giúp đỡ" trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Dự kiến ông Lawrence Wong sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào lúc 20h ngày 15/5 (giờ địa phương) tại cung Istana, trở thành Thủ tướng thứ tư của Singapore, chính thức tiếp quản vị trí lãnh đạo từ Thủ tướng Lý Hiển Long.

Tháng trước, ông Lawrence Wong cho biết những thay đổi lớn hơn trong nội các sẽ diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Singapore (dự kiến vào trước tháng 11/2025)./.

Chân dung tân Thủ tướng Singapore

Hai năm trước, ông Lawrence Wong đã được lựa chọn làm lãnh đạo nhóm thế hệ thứ tư của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền tại Singapore, mở đường đưa ông trở thành Thủ tướng thế hệ tiếp theo của đất nước.

Ông Wong xuất thân từ gia đình bình dân, có bố làm quản lý bán hàng cho công ty tư nhân và mẹ là giáo viên. Sau khi hoàn thành du học tại Mỹ bằng học bổng của Chính phủ Singapore, ông trở về nước làm việc cho chính phủ từ năm 1997.

Phó Thủ tướng Wong từng làm Giám đốc Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore, sau đó trở thành thư ký riêng cho ông Lý Hiển Long. Năm 2011, ông được bầu vào Quốc hội, rồi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh giáo dục và quốc phòng.

Ông tái đắc cử nghị sỹ quốc hội trong 2 kỳ tổng tuyển cử năm 2015 và 2020 và từng đảm nhận những vị trí bộ trưởng khác nhau. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, ông được chọn làm đồng Chủ nhiệm Ủy ban ứng phó COVID-19 và ngày càng nhận được sự tín nhiệm rộng rãi của người dân Singapore.

Ông Lý Hiển Long đánh giá ông Lawrence Wong đã sẵn sàng để lãnh đạo Singapore. Giới chuyên gia đánh giá đây là giai đoạn tạo nên cú hích quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của ông Wong.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Nga sẽ áp dụng mô hình giáo dục đại học mới

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong cuộc họp ngày 12/5 của Ủy ban Khoa học và Giáo dục Đại học thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện), ứng viên cho cương vị Phó Thủ tướng LB Nga, ông Dmitry Chernyshenko cho biết mô hình giáo dục đại học mới, vốn đã được áp dụng ở 6 trường đại học Nga, sẽ được áp dụng ở hơn 1.000 trường đại học từ năm 2026.

Nga sẽ áp dụng mô hình giáo dục đại học mới- Ảnh 1.

Mô hình giáo dục đại học mới, đã áp dụng ở 6 trường đại học Nga, sẽ được áp dụng ở hơn 1.000 trường đại học từ năm 2026

Ông Chernyshenko thông báo: "Các ngài và tôi đang hợp tác cùng nhau, theo sắc lệnh của Tổng thống, để hình thành mô hình giáo dục đại học mới. 180 chương trình giáo dục mới đã được phát triển, được giảng dạy cho hơn 4.000 sinh viên trong năm học vừa qua. Từ năm 2026, dự kiến sẽ triển khai nó trên quy mô đầy đủ tại hơn 1.000 đại học trong nước".

Theo ông Chernyshenko, chính phủ bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao về học bổng ngân sách, tập trung vào các trường đại học trong khu vực. Cụ thể, trong năm học tới, số lượng học bổng này tăng lên 620.500 và các lĩnh vực đào tạo chính sẽ là kỹ thuật viên, bác sĩ và nhân sự cho hệ thống giáo dục. 

Thời gian giáo dục đại học cơ bản sẽ từ 4-6 năm

Ông Chernyshenko nói thêm rằng chính phủ cũng sẽ tiếp tục xem xét cơ cấu tuyển sinh vào các trường đại học nhằm tăng số lượng chỉ tiêu trong các chuyên ngành và lĩnh vực cần thiết để thực hiện các dự án quốc gia, bảo đảm khả năng dẫn đầu về công nghệ cũng như cung cấp nhân sự trong lĩnh vực xã hội.

Theo TTXVN, tháng 5/2023, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về dự án thí điểm cải cách giáo dục đại học ở LB Nga. 

Theo đó thời gian giáo dục đại học cơ bản sẽ từ 4-6 năm, chuyên ngành - từ 1-3 năm. Tổng thống Putin cũng lưu ý việc thiết lập một cấp giáo dục chuyên nghiệp - sau đại học. Chương trình này hiện được thực hiện tại Đại học Hàng không Moskva (MAI), Đại học tổng hợp Khoa học và Công nghệ (MISiS), Đại học sư phạm quốc gia Moskva (MPGU), Đại học Mỏ St. Petersburg, Đại học tổng hợp Liên bang Baltic mang tên Immanuel Kant, và Đại học tổng hợp nghiên cứu quốc gia Tomsk.

Trước đó, ngày 21/2, trong bức thông điệp đọc trước Quốc hội Liên bang, Tổng thống Putin đã đề xuất quay trở lại chương trình đào tạo cơ bản truyền thống đối với các chuyên gia có trình độ đại học trong thời gian từ 4-6 năm. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi sang hệ thống mới sẽ diễn ra suôn sẻ.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Phản ứng của chính quyền sở tại

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Phản ứng của chính quyền sở tại- Ảnh 1.

Gần 1.400 gian hàng tại trung tâm thương mại số 44 Marywilska, ở Thủ đô Varsava chìm trong biển lửa. Ảnh: Wawa Hot News 24/TTXVN phát

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn truyền thông Ba Lan cho biết bà Monika Beuth, phát ngôn viên của tòa thị chính thủ đô Vácsava cho biết thành phố liên tục cập nhật diễn biến về thiệt hại. 

Trung tâm an ninh thành phố thường xuyên liên lạc với các cơ quan dịch vụ và sẵn sàng hỗ trợ. 

Theo bà Monika, việc giúp đỡ các tiểu thương là cần thiết. Tuy nhiên, việc đầu tiên là đảm bảo an ninh khu vực, dập tắt hoàn toàn đám cháy và từ ngày 13/5 chính quyền sẽ có họp bàn về các giải pháp thành phố có thể hỗ trợ các tiểu thương.

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ cháy cũng như chưa có thông tin thiệt hại về người. 

Ngoài lực lượng cứu hộ, các nhân viên chuyên ngành về hóa chất đã được điều động đến hiện trường để theo dõi bầu không khí sau hỏa hoạn. Các thiết bị đo được cho thấy không khí đang bị ô nhiễm nặng, nhưng người dân chưa phải sơ tán mà được yêu cầu tạm thời đóng tất cả cửa sổ cũng như hạn chế ra ngoài.

Trung tâm thương mại 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan đã bốc cháy rạng sáng 12/5. Theo những người buôn bán ở chợ cho biết thì hỏa hoạn đã nhanh chóng nhấn chìm hầu hết trong số 1.400 gian hàng, trong đó gần 1/3 là của bà con người Việt.

Một tiểu thương người Việt buôn bán ở chợ cho biết hỏa hoạn xảy ra trước 4 giờ sáng. Sau khi được báo tin, anh đã đến ngay hiện trường và thấy lửa đã bén vào nhiều dãy nhà. Sau 4 giờ sáng, lực lượng cứu hỏa của thành phố với gần 200 nhân viên cứu hộ tham gia vào hoạt động chữa cháy, nhưng lửa đã lan rất nhanh, chỉ trong 5-10 phút đã nhanh chóng bao trùm toàn bộ khu chợ do ở đây có rất nhiều vật liệu dễ cháy và hàng dệt may.

Vào khoảng 8 giờ sáng 12/5, ngọn lửa đã cơ bản được khống chế. Tất cả các gian hàng đều bị hư hỏng nặng, toàn bộ phần mái bị sập. Khói vẫn bốc lên nhiều giờ sau. Lực lượng cứu hỏa vẫn đang giám sát khu vực xung quanh đề phòng các đám cháy có thể bùng phát trở lại.

Bảo hộ công dân Việt Nam trong vụ cháy trung tâm thương mại ở Ba Lan

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, cơ quan này đã chuẩn bị các phương án cần thiết để bảo hộ công dân Việt Nam trong vụ cháy tại trung tâm thương mại ở thủ đô Warszawa, nơi có nhiều tiểu thương người Việt sinh sống và buôn bán.

Theo đó, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan khẩn trương cử nhóm công tác đến hiện trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, với Hội người Việt Nam tại Ba Lan, nắm bắt tình hình, động viên, thăm hỏi bà con và sớm triển khai công tác bảo hộ công dân.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã đăng số đường dây nóng về bảo hộ công dân để nắm bắt thông tin từ kiều bào, sẵn sàng hỗ trợ bà con làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, Ban quản lý trung tâm thương mại, lực lượng phòng cháy chữa cháy và phía bảo hiểm để giảm thiểu tối đa hậu quả của vụ cháy.

Bên cạnh đó, với những bà con bị mất giấy tờ trong vụ cháy, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan sẵn sàng hỗ trợ tối đa để sớm cấp lại giấy tờ mới. Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng của Ba Lan khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích của công dân Việt Nam.

Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan Trần Tuấn Anh, cho biết toàn bộ khu trung tâm thương mại tại số 44 Marywilska, thủ đô Vacsava của Ba Lan đã bị lửa thiêu rụi gần như hoàn toàn. Hội người Việt Nam tại Ba Lan đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán để nắm bắt thông tin, động viên, thăm hỏi bà con có quầy hàng bị thiệt hại trong vụ cháy và vận động quyên góp hỗ trợ bước đầu.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Thúc đẩy "tri thức hoá nông dân"

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hoá nông dân".

Thúc đẩy "tri thức hoá nông dân"- Ảnh 1.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động

Mục tiêu của Chương trình nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 46-NQ/TW; thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức quán triệt, triển khai; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của Hội nông dân Việt Nam. 

 Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 46-NQ/TW. Gắn việc thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về "Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. 

7 nhiệm vụ trọng tâm

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung được giao kịp thời: 1- Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị; 2- Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân; 3- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; 4- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi duỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh;  5- Động viên nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; 6- Phát huy vai trò của hội nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; 7- Chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân.

Tạo điều kiện cho lao động nông thôn học nghề, nâng cao trình độ

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hoá nông dân"; giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân.

Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức tốt hoạt động cung ứng trang thiết bị, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu xây dựng cơ chế để hội nông dân tham gia cung cấp một số dịch vụ công hỗ trợ cho hội viên, nông dân.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; nghiên cứu, tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình hội nông dân tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh để đề xuất triển khai các giải pháp phù hợp theo quy định...

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Giá vàng thế giới: Cuốn theo chiều gió nào?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên 10/5, lên chốt phiên cao nhất trong ba tuần, khi số liệu kinh tế của Mỹ gây thất vọng đã làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay.

Giá vàng thế giới: Cuốn theo chiều gió nào?- Ảnh 1.

Người dân Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như tài sản trú ẩn an toàn

Giá vàng giao tháng 6/2024 tăng 34,7 USD, hay 1,5%, lên 2.375 USD/ounce tại Sàn giao dịch hàng hóa New York.

Theo Dow Jones Market Data, giá vàng tại hợp đồng được giao dịch nhiều nhất này tăng 2,9% trong tuần qua và mức chốt phiên cuối tuần là cao nhất kể từ ngày 19/4.

Giá vàng chịu tác động của kinh tế Mỹ

Tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường vàng chịu ảnh hưởng bởi những thông tin kinh tế Mỹ mới được công bố. 

Tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường vàng chịu ảnh hưởng bởi những thông tin kinh tế Mỹ mới được công bố. Thông tin về thị trường việc làm Mỹ bi quan hơn so với kỳ vọng đã khiến cho tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường vàng thế giới không khỏi băn khoăn. Chính vì vậy, họ mua mạnh vàng trong tâm lý lo lắng về triển vọng kinh tế Mỹ. 

Ngày 10/5, số liệu sơ bộ về chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 5/2024 mà Đại học Michigan công bố giảm xuống 67,4, so với mức 77,2 trong tháng trước đó. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal dự báo chỉ số này ở mức 76.

Bộ Lao động Mỹ ngày 9/5 công bố báo cáo cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng 22.000, lên 231.000 trong tuần kết thúc vào ngày 4/5, mức cao nhất kể từ tháng 8/2023.

Giá vàng đã giảm sau khi chốt phiên cao kỷ lục 2.413,8 USD/ounce vào ngày 19/4, nhưng vẫn tăng 14,6% kể từ đầu năm tới nay.

Theo nhà phân tích Otunuga, giá vàng hiện giảm 2% so với mức cao kỷ lục và các kỷ lục mới có thể được thiết lập. Ông cho rằng sự chú ý của thị trường đang tập trung hướng đến báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần tới, với những tác động đến chính sách của Fed trong nửa cuối năm nay.

Các nhà giao dịch hiện dự báo có khoảng 25% khả năng Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 7/2024 và gần 49% khả năng sẽ hạ vào tháng 9/2024.

Trước đó, giá vàng tăng trong phiên 9/5 khi ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương có kế hoạch hạ lãi suất, căng thẳng địa chính trị gia tăng và hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc phục hồi. 

Còn tại phiên 8/5, giá vàng ổn định trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi những số liệu kinh tế để đoán định về khả năng Fed cắt giảm lãi suất. Phiên giảm giá duy nhất của vàng trong tuần qua là vào ngày 7/5, khi các nhà giao dịch tiếp tục theo dõi các diễn biến tại Trung Đông.

Giá vàng trước nhu cầu từ Trung Quốc

Giá vàng đã tăng vọt lên các mức cao kỷ lục mới thời gian gần đây trước sự xuất hiện bất ngờ của một nhóm khách hàng. Đó là các nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc.

Chủ tịch Tsutomu Kosuge của công ty nghiên cứu hàng hóa Marketedge có trụ sở chính tại Tokyo, cho biết đợt tăng giá lịch sử từ tháng 3-4/2024 là một ví dụ bất thường về nhu cầu vàng vật chất từ Trung Quốc đang đẩy thị trường lên cao.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các quỹ giao dịch vàng (ETF) đã chứng kiến tổng cộng hơn 113 tấn chảy ra khỏi quỹ này trong quý I/2024. ETF vàng thường thu hút các quỹ đầu cơ từ các nhà đầu tư phương Tây. Tuy nhiên, lãi suất dài hạn tại Mỹ đã tăng lên, do đó các nhà đầu tư dường như đã rút vốn khỏi vàng.

Tuy nhiên, giá vàng vẫn tăng, dẫn đến những đồn thổi trên thị trường về danh tính của những người mua bí ẩn.

Theo WGC, nhu cầu vàng thỏi và vàng miếng của Trung Quốc trong quý I/2024 tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái lên 110,5 tấn. Theo một nhà quan sát thị trường, nhu cầu từ các nhà đầu tư cá nhân đã thúc đẩy việc mua vào trên Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) và việc các nhà giao dịch mua vào để dự trữ và bán trên SGE cũng đẩy giá vàng lên cao.

Nhà phân tích thị trường Jeff Toshima cho biết tiền đang đổ vào vàng sau khi mất đi các kênh đầu tư khác do thị trường bất động sản lao dốc và các hạn chế được áp đặt đối với tài sản tiền điện tử và tài sản được giao dịch bằng USD.

Giá vàng giao ngay tại Trung Quốc đã vượt qua mức giá chuẩn quốc tế của thị trường London (Anh) kể từ tháng 6/2023. Tính đến ngày 1/4, mức chênh lệch lên tới 85,60 USD/ounce. Tuy nhiên, vàng vẫn được mua vào ở Trung Quốc bất chấp việc bị định giá quá cao so với các thị trường khác.

Giám đốc điều hành Takahiro Morita của công ty theo dõi thị trường hàng hóa Morita & Associates, cho biết các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đang mua vàng để "bảo vệ tài sản do lo ngại về sự mất giá của đồng nội tệ". Điều này có thể biến thành một xu hướng dài hạn.

Tác động của đồng USD

Đồng USD tăng giá mạnh đang khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đẩy mạnh mua vàng dự trữ.

Bên cạnh những bất ổn kinh tế khiến người dân Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như tài sản trú ẩn an toàn, đà tăng giá của đồng bạc xanh cũng là một lý do quan trọng. Đồng USD quá mạnh khiến hàng nhập khẩu của các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đã mua vào 60.000 ounce vàng trong tháng 4/2024, đánh dấu tháng thứ 18 liên tiếp bổ sung vàng vào kho dự trữ. Chỉ số USD, đo lường giá trị của đồng USD so với rổ 6 loại tiền tệ khác, đã tăng 4% trong năm nay và 10% kể từ đầu năm 2022. Đồng NDT đã giảm 1,6% so với đồng USD từ đầu năm đến nay.

Theo WGC, Trung Quốc cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ là những nước đang tích cực mua vàng. WGC cho biết trong quý I/2024, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã mua tổng cộng 290 tấn vàng. Đây là mức mua ròng cao nhất từ trước đến nay.

Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục, đặc biệt là với các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi. Bên cạnh lý do đa dạng hóa tài sản, việc giảm phụ thuộc vào đồng USD cũng là một động lực chính trị của một số quốc gia.

Các nhà phân tích lo ngại rằng sức mạnh của đồng USD có thể ảnh hưởng đến vai trò của đồng tiền này như một đồng tiền dự trữ.

Giá vàng giao ngay hiện đang ở mức khoảng 2.330 USD/ounce, giảm so với mức cao kỷ lục trên 2.400 USD/ounce trong tháng 4/2024.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Quy định mới về báo cáo đánh giá, thẩm định tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2024.

Quy định mới về báo cáo đánh giá, thẩm định tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu- Ảnh 1.

 

Theo Thông tư, mẫu báo cáo đánh giá gồm:

Mẫu số 2A sử dụng để lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế không qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;

Mẫu số 2B sử dụng để lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế không qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ;

Mẫu số 2C sử dụng để lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế không qua mạng.

Việc lập báo cáo đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu của gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn không qua mạng, hồ sơ đề xuất được vận dụng các mẫu quy định này trên cơ sở bảo đảm không trái quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Mẫu báo cáo thẩm định được sử dụng cho đấu thầu qua mạng và đấu thầu không qua mạng, bao gồm:

Mẫu số 3A sử dụng để lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu;

Mẫu số 3B sử dụng để lập báo cáo thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, gói thầu áp dụng hình thức chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường;

Mẫu số 3C sử dụng để lập báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.

Cơ quan, tổ chức thực hiện báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu

Định kỳ hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu trên cả nước.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan, tổ chức khác thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 của Luật Đấu thầu báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu theo định kỳ hằng năm trên địa bàn, ngành, lĩnh vực quản lý trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc báo cáo bằng văn bản gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong trường hợp có yêu cầu về bảo mật.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu giúp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan, tổ chức khác đôn đốc, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu theo định kỳ hằng năm của chủ đầu tư, bên mời thầu thuộc địa bàn, ngành, lĩnh vực quản lý.

Thời gian báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm tiếp theo của kỳ báo cáo. Trường hợp thời điểm báo cáo nêu trên trùng với ngày nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ lễ theo quy định của pháp luật về lao động thì thời điểm báo cáo là ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ hoặc thời điểm nghỉ lễ.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước gửi báo cáo trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước ngày 01 tháng 02 năm tiếp theo của kỳ báo cáo. Trường hợp thời điểm báo cáo nêu trên trùng với ngày nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ lễ theo quy định của pháp luật về lao động thì thời điểm báo cáo là ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ hoặc thời điểm nghỉ lễ.

Chủ đầu tư, bên mời thầu gửi báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu theo định kỳ hằng năm theo yêu cầu về thời hạn báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2024.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Sửa quy định về hồ sơ cấp chứng thư số của thuê bao

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 48/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Sửa quy định về hồ sơ cấp chứng thư số của thuê bao- Ảnh 1.

 

Nghị định 48/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 23. Hồ sơ cấp chứng thư số của thuê bao:

1- Đơn đề nghị cấp chứng thư số dạng bản giấy hoặc điện tử theo mẫu của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

2- Hồ sơ, tài liệu kèm theo bao gồm:

Đối với cá nhân: Thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước hoặc hộ chiếu hoặc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Đối với tổ chức: Quyết định thành lập hoặc quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư và thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của tổ chức; hoặc sử dụng tài khoản định danh điện tử của tổ chức.

3- Cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc cung cấp dữ liệu điện tử để tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng sử dụng, khai thác theo quy định tại khoản 4.

4- Trường hợp cá nhân, người đại diện theo pháp luật của tổ chức cung cấp hoặc sử dụng thông tin trong thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước hoặc thông tin trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân hoặc thông tin trong tài khoản định danh của tổ chức thì tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (đã có văn bản chấp thuận cho phép thực hiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử theo quy định pháp luật về định danh và xác thực điện tử hoặc có đầy đủ phương tiện đọc dữ liệu trong chíp điện tử, dữ liệu trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2) khai thác dữ liệu trong chíp điện tử, dữ liệu của tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân, tài khoản định danh điện tử của tổ chức, không yêu cầu cá nhân, người đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp các hồ sơ, tài liệu theo quy định tại khoản 3 nêu trên.

5- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có trách nhiệm cung cấp các tiện ích hoặc ứng dụng để thực hiện phương thức tiếp nhận điện tử.

Sửa điều kiện cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam

Về chứng thư số, chữ ký số nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 46 về điều kiện cấp giấy phép sử dụng như sau:

Đối với thuê bao sử dụng chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam phải có một trong các giấy tờ sau hoặc tài khoản định danh điện tử để xác thực thông tin trên chứng thư số:

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập, quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với tổ chức; chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu đối với cá nhân;

- Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với cá nhân; tài khoản định danh điện tử của tổ chức đối với tổ chức;

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với thuê bao là tổ chức, cá nhân nước ngoài;

- Trường hợp được ủy quyền sử dụng chứng thư số phải có ủy quyền cho phép hợp pháp sử dụng chứng thư số và thông tin thuê bao được cấp chứng thư số phải phù hợp với thông tin trong văn bản ủy quyền cho phép./.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)