Xây dựng thương hiệu gạo thơm Yên Dũng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Được đưa vào sản xuất đại trà trong 3 năm nay, sản phẩm gạo thơm của huyện Yên Dũng đang từng bước khẳng định được những ưu thế vượt trội về chất lượng, hiệu quả kinh tế, tạo ra một hướng phát triển mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Vụ chiêm xuân năm 2006, lần đầu tiên nông dân xã Tư Mại (Yên Dũng) đưa giống lúa Hương thơm số 1 vào gieo cấy với diện tích 12 ha. Theo tính toán của nông dân, mỗi ha lúa thơm cho thu nhập cao hơn lúa thuần 4,5 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình, UBND xã đã tổ chức hội thảo tuyên truyền để nhân rộng. Đến nay, toàn xã có 315 ha lúa thơm, chiếm 50% tổng diện tích lúa. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, xã Tư Mại đã tiến hành quy hoạch thành từng vùng sản xuất lúa, quy mô từ 15-50ha/cánh đồng để thuận lợi cho việc bố trí cơ cấu giống, quản lý kỹ thuật chặt chẽ. Bên cạnh đó, UBND xã liên hệ với Công ty Giống cây trồng Trung ương cung cấp giống lúa thơm siêu nguyên chủng, xác nhận cho nông dân. Các giống lúa được đưa vào gieo cấy chủ yếu là: Hương thơm số 1, LT2, N46... Các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: cấy lúa theo phương pháp SRI, “3 giảm, 3 tăng” , đặt đèn dự báo sâu bệnh được triển khai rộng rãi giúp nông dân giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn bảo đảm năng suất lúa. Bằng cách làm đó, sản phẩm lúa thơm của địa phương đã từng bước khẳng định được chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Anh Nguyễn Văn Hoè, thôn Tư Mại cho biết: “Vụ mùa năm 2007, gia đình tôi cấy 7 sào lúa thơm bằng giống: Hương thơm số 1 và LT2. Gạo lúa thơm trắng, đồng đều, có mùi thơm đặc biệt, ăn ngon hơn các loại gạo khác nên được tư thương đến tận nhà thu mua với giá cao hơn lúa thuần 1.000-2.000 đồng/kg. Vì thế nên vụ  xuân năm nay, gia đình tôi cấy 9 sào lúa thơm”.

Không chỉ xã Tư Mại, phong trào sản xuất lúa thơm đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương khác như: Nham Sơn, Tân An, Cảnh Thuỵ... Năm 2006, diện tích lúa thơm toàn huyện đạt 634ha, năm 2007 tăng lên 1.500ha. Năm 2008, huyện Yên Dũng có kế hoạch gieo cấy 2.000 ha lúa thơm. Riêng vụ chiêm xuân đã cấy hơn 1.100 ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa thơm quy mô lớn như ở thôn Tư Mại (xã Tư Mại), diện tích 50ha/vùng, thôn Kim Xuyên (xã Tân An), thôn Đông Hương (xã Nham Sơn), diện tích 30ha/vùng… Dự kiến đến năm 2010, toàn huyện sẽ gieo cấy khoảng 3.000 ha. Xuất phát từ điều kiện thực tế sản xuất ở địa phương cũng như các yếu tố về thị trường, chất lượng sản phẩm, UBND tỉnh đã bổ sung sản phẩm gạo thơm Yên Dũng vào danh mục đề án xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hoá đặc sản truyền thống của tỉnh giai đoạn 2005-2010 (Theo Quyết định 503/QĐ-UBND tỉnh ngày 09/4/2008). Xúc tiến thực hiện đề án này, UBND huyện Yên Dũng đã có kế hoạch đầu tư kinh phí để kiên cố hoá kênh mương nội đồng, tu sửa trạm bơm  tại các cánh đồng chuyên canh sản xuất lúa thơm. Nhằm khuyến khích các hộ tham gia sản xuất lúa thơm, hằng năm huyện trích ngân sách hỗ trợ nông dân 30% giá giống lúa, tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật gieo cấy chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, để chọn được giống tốt, huyện còn ký hợp đồng với các đơn vị như: Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Giống cây trồng Trung ương, Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cung cấp giống siêu nguyên chủng cho nông dân…

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu gạo thơm Yên Dũng không chỉ có những thuận lợi mà còn có một số hạn chế. Do mỗi vùng sản xuất có nhiều hộ tham gia nên khó tạo nên sự đồng thuận trong việc lựa chọn giống và quy trình chăm sóc. Đầu ra cho sản phẩm hiện nay chủ yếu thông qua đầu mối tiêu thụ là tư nhân, chưa có các doanh nghiệp lớn tham gia tiêu thụ; gạo thơm Yên Dũng mới được sử dụng trong tiêu dùng nội địa, chưa được xuất khẩu. Để xây dựng thành công thương hiệu gạo thơm Yên Dũng, Sở Khoa học và Công nghệ hiện đang thực hiện các công đoạn như hỗ trợ địa phương khảo sát, đánh giá chất lượng lúa và các điều kiện tự nhiên khác; xây dựng và hoàn thiện quy trình cấy lúa thơm; tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận (gồm nơi sản xuất, xuất xứ, các tiêu chí chính về chất lượng gạo), quảng bá thương hiệu…

Tuy nhiên, để thương hiệu này phát huy hiệu quả và có sức ảnh hưởng rộng rãi, về phía chính quyền địa phương cần thực hiện tốt khâu khoanh vùng gieo cấy, hạn chế lẫn tạp; giám sát chặt chẽ quy trình canh tác để lúa thơm có chất lượng ổn định như các chỉ tiêu công bố; nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là các đầu mối xuất khẩu để lúa thơm Yên Dũng có thêm thị trường, có thể mở rộng diện tích…

Trung bình (0 Bình chọn)