Xây dựng hiệu quả chính quyền điện tử, chuyển đổi số

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 31/3, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là BCĐ tỉnh) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quý I; phương hướng, giải pháp quý II/2021. Đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: BGP/Diệu Hoa

Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các nhiệm vụ triển khai Chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh được đầu tư xây dựng, bước đầu kết nối liên thông các dịch vụ dùng chung của các bộ, ngành qua LGSP của tỉnh.

Các hệ thống phần mềm dùng chung như: Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh, Công báo điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc qua mạng và Hệ thống Thư điện tử công vụ đã được đầu tư, nâng cấp phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu thực tế của tỉnh để đáp ứng hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành.

Tỷ lệ lập hồ sơ công việc đối với cấp tỉnh ước đạt 85%, cấp huyện ước đạt 75%, cấp xã ước đạt 60%. Tỷ lệ ký số đối với tổ chức đạt 98%, ký số cá nhân cấp tỉnh đạt tỷ lệ 95%, cấp huyện đạt 80%, cấp xã đạt tỷ lệ khoảng 30%. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh đã được chuẩn hóa, liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), triển khai ứng dụng cho 100% các sở, các ngành, huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Tổng số dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Giang hiện nay là 1.077 (trong đó có 1.066 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, 11 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan ngành dọc).

Sở Thông tin và Truyền thông duy trì hiệu quả hoạt động Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh để phục vụ cho các cấp, các ngành khai thác và sử dụng. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh hoạt động ổn định, đảm bảo phục vụ cho các tổ chức, công dân đến thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và lãnh đạo các cấp, các ngành.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Ngọc Chiên đề xuất tỉnh cần rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng CNTT.
Ảnh: BGP/Diệu Hoa

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nêu rõ bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Nhận thức của cán bộ, lãnh đạo cũng như toàn thể xã hội về chuyển đổi số còn hạn chế; hạ tầng Công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chuyển đổi số còn thiếu đồng bộ; hệ thống thiết bị CNTT, phần cứng cấu hình thấp; hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh thông tin còn hạn chế, chưa xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh và Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) của tỉnh; mạng truyền số liệu chuyên dùng (WAN) kết nối các cơ quan nhà nước đã được kết nối nhưng tốc độ hiện nay chỉ đảm bảo ở mức tối thiểu cho các ứng dụng dùng chung. Mạng chuyên dùng đến cấp xã tốc độ còn thấp, đôi khi không ổn định; Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh quy mô nhỏ, nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin cao, chưa đảm bảo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9250-2012 về Trung tâm dữ liệu.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Ngọc Chiên đề xuất tỉnh cần rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng CNTT, hoàn thành các chỉ tiêu phù hợp, đồng bộ với cả nước; các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí, nhất là tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác này.

Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh đề nghị tỉnh đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng hệ thống camera an ninh nhằm theo dõi, phát hiện những vi phạm, tội phạm góp phần hỗ trợ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: BGP/Diệu Hoa

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông thời gian tới khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục duy trì, nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công tỉnh, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4.

Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo có cơ sở dữ liệu lớn cần thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nâng cấp phần mềm quản lý; triển khai bài bản việc dạy và học trực tuyến; duy trì hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe tại các xã, phường, thị trấn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên rà soát các thiết bị CNTT, đường chuyền, chủ động đề xuất nội dung, xây dựng kế hoạch, dự án ứng dụng CNTT triển khai thực hiện phù hợp với thực tế địa phương…, phục vụ cho yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến tổ chức, doanh nghiệp, công dân về thực hiện, tiếp nhận, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh để nâng cao chất lượng phục vụ.

Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện đào tạo, tập huấn, tập huấn lại cho cán bộ chuyên trách CNTT bảo đảm năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng./.

Diệu Hoa

Trung bình (0 Bình chọn)