Vải thiều sớm ở Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong khi vải thiều chính vụ thu hoạch rộ vào khoảng cuối tháng Sáu thì cuối tháng Năm, vải thiều sớm ở Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn… đã chín đỏ. Tuy không đạt sản lượng lớn như năm ngoái nhưng vải thiều sớm năm nay vẫn giữ mức giá khá cao và tiêu thụ thuận

Vải thiều sớm chín sớm

xã Chu Điện, huyện Lục Nam, nhiều người biết đến anh Phan Văn Bằng (thôn Ngọc Mai) bởi gia đình anh có vườn vải sớm khá đẹp. Hầu như năm nào, khu vườn cũng được thu hoạch sớm nhất xã.  anh cho biết từ những cây chín sớm nhất vườn, gia đình anh đã hái được 1 tấn,  thu hơn 12 triệu đồng. Hiện trong vườn còn khoảng 2 tấn nữa, vài ngày nữa sẽ hái tiếp. Giá bán những chuyến sau không thể cao bằng chuyến đầu tiên nhưng chiều hướng này vẫn có thể bán được từ 7-9 nghìn đồng một cân. Với hơn 1 mẫu ruộng và vườn trồng vải sớm, năm nay vợ chồng anh Bằng có nguồn thu từ 25-30 triệu đồng, trong khi chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu  hết hơn 3 triệu đồng. Mức lợi nhuận từ vải sớm như thế là khá cao so với nhiều cây trồng khác. Theo anh, vải sớm có ưu thế nhất về thời gian thu hoạch, bán trước một ngày có thể thu thêm tiền triệu, vì vậy, anh rất chú trọng khâu bón thúc cho vải trước kỳ ra hoa và bón bổ sung phân, đạm trong kỳ cây nuôi quả. Dù giá phân bón tăng cao, vợ chồng anh vẫn cố gắng chăm sóc tốt cho vải thiều. Mỗi vụ, ngoài lân, đạm, kali, khu vườn được bón bổ sung 2-3 tấn phân chuồng ủ hoai mục. Lượng nước tưới cho vải luôn được trữ đủ trong hai cái ao. Bởi vậy, vườn vải của anh Bằng thường chín khá sớm, quả ngọt và to hơn hẳn so với nhiều khu vườn ít được chăm sóc. Năm nay, ở thôn Ngọc Mai có nhiều hộ mất mùa vải sớm nhưng vườn của gia đình vẫn cho sản lượng tương đương năm ngoái. 

Cũng là người tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trồng vải sớm, anh Nguyễn Thế Truyền ở thôn Trấn Sơn (Liên Sơn, Tân Yên) lại có một cách làm khác để có thu nhập cao. Gia đình anh trồng hơn 1.300 cây vải sớm nên nếu cả vườn vải chín cùng một thời điểm thì thu hoạch rất khó khăn. Bởi vậy, từ 4 năm trước, anh đã ghép giống vải  sớm Quảng Ninh lên một phần diện tích gốc ghép là vải sớm Phúc Hoà. Nhờ đó, năm nay anh đã thu được hơn 1 tấn vải sớm vào giữa tháng năm, bán với giá 17 nghìn đồng/kg. Còn những loạt vải chín sau vẫn có giá bán 12 nghìn rồi giảm dần đến 9-10 nghìn đồng/kg. Cũng như anh Bằng, anh Truyền, nhiều hộ dân trong tỉnh đã tìm những giống vải mới lai, ghép với vải chính vụ để rải vụ ngay trong phạm vi gia đình mình. Trước đây, vụ thu hoạch vải sớm thường tập trung ở nửa đầu tháng sáu thì nay đã kéo dài hơn, bắt đầu từ trước đó nửa tháng. 

Vững vàng chỗ đứng

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức về năng suất vải thiều sớm toàn tỉnh nhưng từ thực tế một số vùng trọng điểm trồng vải thiều sớm cho thấy năng suất vải thiều giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do thời tiết dịp đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài, tỷ lệ đậu quả thấp. Giữa và cuối vụ, sâu đục cuống quả gia tăng gây hại. Đồng thời, tại một số vườn vải, do nông dân chưa chú trọng đầu tư phân bón, chăm sóc đúng quy trình nên sản lượng giảm. Tuy nhiên, bù lại sự suy giảm đó, năm nay, giá vải đầu vụ ở mức cao, được 15-17 nghìn đồng/kg. Đầu tháng 6 này, vải sớm được thu hoạch rộ, giá bán loại vải ngon phổ biến từ 9-10 nghìn đồng/kg, cao hơn cùng thời điểm này năm ngoái 1-1,5 nghìn đồng/kg. Tại vùng trồng vải thiều sớm có diện tích lớn như Phúc Hoà (Tân Yên), nhiều thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tây, Nghệ An…đã đưa ô tô về mua vải với khối lượng hàng chục tấn mỗi ngày. Tại những địa điểm trồng vải sớm không tập trung, hoạt động mua bán vải thiều tuy không sôi động như Phúc Hoà nhưng cũng khá thuận lợi. Lượng vải sớm tiêu thụ nội tỉnh cũng tăng mạnh do khoảng thời gian giữa vụ thu hoạch vải sớm và vải muộn khá dài.

Đã qua giai đoạn trồng thử nghiệm để thăm dò thị trường, vải thiều sớm từng bước khẳng định ưu thế và đáp ứng được yêu cầu rải vụ ở vùng trọng điểm trồng vải thiều.  Với ưu thế về thời gian thu hoạch, giá bán, thị trường tiêu thụ, diện tích vải sớm từng bước được mở rộng. Hơn hai năm qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, các huyện trọng điểm trồng vải thiều đã tích cực thay đổi cơ cấu giống vải, thực hiện ghép mắt vải sớm trên vải chính vụ với diện tích hơn 120 ha. Đồng thời, nhiều hộ tự đốn bỏ diện tích vải già cỗi, năng suất thấp sang trồng vải sớm. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 3.619 ha vải sớm, chiếm 8,8% tổng diện tích vải thiều. Trong đó, Lục Nam có 1.200 ha, Lục Ngạn 937 ha và Tân Yên hơn 700 ha…Mục tiêu của ngành đề ra đến năm 2010, vải sớm sẽ chiếm khoảng 15-20% tổng diện tích vải. Tuy nhiên, cũng có một thực tế đặt ra là hiện có quá nhiều giống vải sớm đang được sử dụng để thay thế vải chính vụ. Trong đó có cả những giống vải đã thoái hoá, vị chua gắt, hình thức không đẹp, chín không đều… Để vải thiều sớm tiếp tục phát huy ưu thế trong cơ cấu cây ăn quả của tỉnh, ngành nông nghiệp cần tích cực cung cấp cho người trồng vải những giống vải sớm có chất lượng tốt, độ đồng đều cao và năng suất ổn định, tạo ra những vùng vải thiều sớm có thương hiệu, uy tín như vải thiều chính vụ của Lục Ngạn.

Trung bình (0 Bình chọn)