Triển vọng kinh tế Bắc Giang sau gần một năm gia nhập WTO.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sau gần một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kinh tế Bắc Giang đã có những chuyển biến tích cực. Làm thế nào để Bắc Giang tiếp tục vươn lên, nắm bắt những cơ hội và vượt qua những thách thức mới?

       

Công trình Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động đang đẩy nhanh thi công, phấn đấu đến tháng 6/2008 sẽ đưa vào hoạt động.

·    Bước khởi động tích cực

Theo dự báo, năm 2007 là năm đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh có khả năng đạt ở mức 10,1%; trong đó: ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,1%; công nghiệp- xây dựng tăng 22,8%; dịch vụ tăng 9,5%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 110 triệu USD, tăng 25,3% so với năm 2006.

Đáng chú ý, công tác thu hút đầu tư có sự khởi sắc, nhất là đầu tư nước ngoài. Đến nay, đã có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với số vốn đăng ký trên 43 triệu USD, gấp 4,3 lần so với năm 2006. Nổi bật là, Tập đoàn Hồng Hải của Đài Loan chuyên sản xuất thiết bị kết nối và linh kiện điện tử đã quyết định đầu tư Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ và sân golf tại hai huyện Việt Yên và Yên Dũng, với tổng vốn đầu tư 720 triệu USD. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và Tập đoàn đã khởi công xây dựng một số nhà máy đầu tiên trên diện tích 12ha tại Cụm công nghiệp ô tô Đồng Vàng, với vốn đầu tư 33 triệu USD. Tiếp đó, Tập đoàn đất đai Hàn Quốc đã cam kết xây dựng Khu công nghiệp Việt- Hàn, quy mô ban đầu 100ha, vốn đầu tư 24 triệu USD và một số tập đoàn như: NOKIA (Phần Lan), Tokaisand (Nhật Bản), Feer Bearing (Mỹ)... cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Thu hút đầu tư trong nước cũng khá sôi động, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 52 dự án với số vốn đăng ký hơn 2.275 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2006. Một số dự án quy mô khá lớn đã được chấp thuận cho khảo sát đầu tư như: Nhà máy xi măng Trường Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Bố Hạ, sân golf Vân Trung...Vốn đầu tư ODA cũng tăng trưởng nhanh với số vốn huy động đạt 19,4 triệu USD; trong đó, riêng Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố Bắc Giang 15 triệu EURO do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.    

Chế biến dưa chuột xuất khẩu tại Công ty cổ phần chế biến Thực phẩm xuất khẩu G.O.C.

     Đội ngũ doanh nhân trong tỉnh, bên cạnh việc tăng nhanh về số lượng, bước đầu đã thay đổi tư duy về kinh doanh trong điều kiện hội nhập. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã được cọ sát, thử sức với các đối tác trong khu vực và trên thế giới; một số DN trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư mở mang sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới như: các DN may xuất khẩu, doanh nghiệp chuyên chế biến rau quả, thực phẩm… Sản phẩm của các DN này đã chinh phục được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Đông Âu…

Một số ngành dịch vụ như: giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng phát triển mạnh. Đáng chú ý, đến nay có 3 Ngân hàng thương mại như: Vietcombank, VPbank, Techcombank mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn...  Nhiều dịch vụ quốc tế như: chuyển phát nhanh, du lịch lữ hành, thanh toán quốc tế, máy rút tiền tự động ATM, thanh toán bằng thẻ tín dụng... bước đầu được đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra khả năng phát huy tốt hơn thế mạnh của tỉnh về vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng đất đai còn rộng, nguồn nhân lực dồi dào, trẻ và khéo léo. Việc Tập đoàn Hồng Hải quyết định đầu tư với quy mô lớn vào tỉnh Bắc Giang là một sự khẳng định về những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, đây là tín hiệu tốt lành để kéo theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có một số tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào Bắc Giang. Những kết quả bước đầu đạt được sẽ tạo cho tỉnh nhà động lực mới để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, Bắc Giang hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức mới phát sinh, đó là: Hạ tầng kinh tế- xã hội còn bất cập; hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước cho một số khu công nghiệp mới còn khó khăn; đường giao thông nhiều tuyến quá tải; hệ thống cảng sông, kho ngoại quan còn thiếu... ; nhất là trình độ, năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, doanh nhân, người lao động, khả năng ngoại ngữ, tin học và hiểu biết pháp luật quốc tế, chưa theo kịp yêu cầu của hội nhập. Lực lượng lao động dồi dào, trẻ song tỷ lệ qua đào tạo thấp (25,1%), chủ yếu là lao động phổ thông. Trình độ tay nghề, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động công nghiệp còn hạn chế. Hiện tại, đa số nông dân trong tỉnh vẫn ở giai đoạn tiền hội nhập, chưa hiểu biết nhiều về WTO, vẫn tự bó mình trong nếp nghĩ, cách làm của người nông dân sản xuất nhỏ...

· Triển vọng và những vấn đề mới đặt ra

Ba năm tới, cùng với triển vọng về phát triển kinh tế sau khi gia nhập WTO, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, đội ngũ DN và nhân dân trong tỉnh; nếu dự án đầu tư của Tập đoàn Hồng Hải và một số dự án lớn (đã nêu) được thực hiện đúng tiến độ, trong điều kiện thời tiết, giá cả diễn biến bình thường, Bắc Giang sẽ có điều kiện để phấn đấu về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Kim ngạch xuất khẩu, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh sẽ thay đổi đáng kể, hứa hẹn có bước đột phá. Trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp (Đình Trám, Song Khê- Nội Hoàng, Quang Châu, Vân Trung và Việt- Hàn) và sẽ bước đầu hình thành thêm một số khu công nghiệp mới dọc tuyến QL1A, QL31, QL37 và tỉnh lộ 398. Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Một số khu dân cư mới, đô thị mới hiện đại sẽ từng bước được hình thành. Nhiều DN mới được thành lập, nhất là trong các khu công nghiệp (phấn đấu đến năm 2010, cả tỉnh có 2.500- 3.000 doanh nghiệp, gấp hai  lần hiện tại), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Bắc Giang sẽ có bước tiến mới.

Để tranh thủ thời cơ phát triển do hội nhập đem lại, nhằm rút ngắn khoảng cách với bình quân cả nước, đặt ra cho các cấp, các ngành trong tỉnh cần triển khai tích cực một số việc lớn sau:

Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt một cách nghiêm túc, sâu sắc Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa X), Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số chủ trương, biện pháp lớn khi Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới tới cán bộ, đảng viên, doanh nhân và nhân dân trong tỉnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nắm được những nội dung cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế, những quy định của sân chơi toàn cầu. Qua đó tạo ra sự bứt phá về nhận thức theo hướng: chuyển dần từ "tư duy địa phương" sang "tư duy toàn cầu"; từ tư duy hành chính - mệnh lệnh sang việc sử dụng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật; từ “tư duy xét duyệt" sang “tư duy phục vụ".

Xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư, để tiếp tục đón làn sóng đầu tư hậu WTO. Tiếp tục rà soát lại các thủ tục hành chính để việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng thuộc ngân sách nhà nước được nhanh hơn. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “chuyên nghiệp”, tận tâm. Trong đó, cần chú trọng lựa chọn và bồi dưỡng cho được một nhóm cán bộ, chuyên gia giỏi, đủ sức tham mưu, tư vấn cho Tỉnh ủy- HĐND- UBND tỉnh về hoạch định chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Xây dựng và chủ động triển khai kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực của tỉnh cần làm tốt chức năng dự báo nhu cầu về lao động, hỗ trợ người lao động đào tạo nghề và là cầu nối giữa các cơ sở đào tạo nghề với các DN có nhu cầu sử dụng lao động trên cơ sở xây dựng được ngân hàng dữ liệu về nguồn lao động trong tỉnh.

Nâng cao sức cạnh tranh của các DN trong tỉnh và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp. Các chủ DN trong tỉnh cần vượt lên chính mình, quan tâm đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến; trang bị cho mình vốn kiến thức cần thiết về kinh tế thị trường, kỹ năng quản trị DN, trình độ ngoại ngữ, tin học, luật pháp; đồng thời, cần khắc phục cung cách làm ăn nhỏ lẻ, làm ẩu... Có vậy, các DN Bắc Giang mới có thể từng bước tham gia vào "chuỗi giá trị toàn quốc” cũng như “chuỗi giá trị toàn cầu”. Trước mắt, tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh như: sản phẩm dây đồng kỹ thuật điện, hạt nhựa PVC, rượu làng Vân, vải thiều Lục Ngạn, sản phẩm cà chua, ngô ngọt, dưa chuột đóng hộp... Chú trọng phát hiện những mặt hàng mới mà địa phương có tiềm năng để tập trung đầu tư, sản xuất như: chế biến nông sản, thực phẩm và hàng thủ công mỹ nghệ.

Để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có sức cạnh tranh, điều quan trọng là nông dân trong tỉnh cần phát huy ưu thế của vùng khí hậu á nhiệt đới để làm ra nhiều sản phẩm đặc thù mà ở miền Trung, miền Nam không có được như: vải thiều, hồng, cam, quýt, rau, củ, quả vụ đông... Cần coi trọng quy hoạch để sớm hình thành những vùng cây chuyên canh, vùng chăn nuôi tập trung. Các hộ nông dân cần có kiến thức về kinh tế, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường để quyết định sản xuất cây gì, con gì. Trước mắt, cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của những sản phẩm nông nghiệp hiện có. Chính quyền tỉnh, huyện cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong thời kỳ hội nhập.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta phải tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hoá và phải thu hồi đất nông nghiệp nhiều hơn- điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và sẽ phát sinh những mâu thuẫn hoặc những vấn đề phức tạp, nhất là về đất đai, việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần chủ động lường trước, đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, không để xảy ra khiếu kiện đông người.

Cùng với việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hóa- xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội; tăng cường bảo vệ môi trường. Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh- quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Gia nhập WTO là một vận hội lớn để Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng khai thác lợi thế cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Chín tháng qua là khoảng thời gian rất ngắn, song chúng ta đều cảm nhận được sự chuyển động của nền kinh tế tỉnh nhà. Dẫu vẫn biết phía trước còn nhiều khó khăn thách thức mới, song chúng ta hy vọng với động lực mới, tình hình kinh tế- xã hội tỉnh nhà sẽ có bước phát triển bứt phá để phấn đấu trong khoảng 5 năm tới đưa Bắc Giang ra khỏi tình trạng chậm phát triển, cùng các tỉnh vững bước trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế./.

                                                      Nguyễn Đăng Khoa

                                    (Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh)

 

Trung bình (0 Bình chọn)