Tri ân ý nghĩa nhất là xây dựng quê hương giàu đẹp

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nghe lời kêu gọi của Bác Hồ “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, lớp lớp cha anh đã lên đường tòng quân đánh giặc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Vượt qua gian lao vất vả, không tiếc máu xương, cả hậu phương và tiền tuyến, quân và dân ta ra sức sản xuất, anh dũng chiến đấu giành thắng lợi, thu non sông về một mối.

Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, cùng với  quân và dân cả nước, Bắc Giang có hơn 20 vạn người con lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó, hơn 21 nghìn người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 15 nghìn người bị thương hoặc bị bệnh tật đau yếu, hàng nghìn người khác bị địch bắt tù đày, bị ảnh hưởng của chất độc hóa học…

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó để lại vẫn hết sức nặng nề. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn quan tâm đến công tác chăm sóc các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công  bằng tấm lòng tri ân trọn nghĩa vẹn tình.

Bắc Giang được biết đến là một trong những địa phương khởi nguồn của các phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, lan toả khắp cả nước như: Phong trào "Hội mẹ chiến sĩ" ở TP Bắc Giang; "Áo lụa tặng bà", "Sổ tiết kiệm tình nghĩa" ở huyện Việt Yên; "Trần Quốc Toản" ở huyện Tân Yên; "Vườn cây tình nghĩa" ở huyện Yên Thế… Đặc biệt, phong trào xây dựng "Xã, phường giỏi về công tác chăm sóc thương binh - gia đình liệt sĩ - người có công" đã trở thành một phong trào rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Sự chung tay của cộng đồng cùng với các chính sách an sinh xã hội khác đã phần nào giúp cuộc sống của gia đình chính sách, người có công, nạn nhân chiến tranh được cải thiện.

Thế nhưng, dù cuộc sống của người thân các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, người có công được chăm lo tốt đến đâu thì các gia đình chính sách và anh linh các liệt sĩ hẳn sẽ chưa vui nếu vẫn còn nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, quê hương, đất nước chưa giàu mạnh, văn minh.

Nhận thức rõ điều này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu, đưa tỉnh ta từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế lạc hậu từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá; nhiều năm qua kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá. Thu nhập của đại bộ phận người dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở cả khu vực thành thị, nông thôn được cải thiện rõ rệt. Đến nay, Bắc Giang đã trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tri ân trọn nghĩa vẹn tình nhất, ý nghĩa nhất, xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp cha anh chính là việc mỗi người dân Bắc Giang, trước hết là cán bộ, đảng viên nỗ lực không ngừng, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Máu xương của lớp lớp thế hệ cha anh thấm vào đất mẹ cho Tổ quốc ca khúc khải hoàn chiến thắng.

Mồ hôi, trí tuệ và sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ hôm nay và mai sau quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh.

Trung bình (0 Bình chọn)