Trao đổi: Giải pháp để làng nghề Bắc Giang phát triển.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hiện nay tỉnh Bắc Giang có 33 làng nghề (trong đó có 24 làng nghề truyền thống và 9 làng nghề mới). Làng nghề tồn tại và phát triển đã góp phần không nhỏ tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực nông thôn. Khôi phục phát triển các sản phẩm thủ c

Tại 33 làng nghề hiện nay, có khoảng trên 6.400 hộ tham gia làm nghề (chiếm 65% tổng số hộ); thu hút khoảng hơn 20.800 nhân khẩu tham gia nghề, trong đó lao động trong độ tuổi chiếm 68,4%. Thu nhập từ làm nghề tại các làng nghề chiếm khoảng 80% tổng thu nhập.

Làng nghề ở Bắc Giang chủ yếu tập trung ở lĩnh vực chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Thời gian gần đây, tỉnh ta đã du nhập thêm được một số nghề mới vào địa bàn như nghề tre chắp sơn mài, thêu ren, sản xuất tăm lụa, chạm khắc đá, gốm dân gian…Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, hài hoà giữa kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường còn một số vấn đề bất cập cần phải được quan tâm nhằm tìm ra giải pháp thiết thực, hiệu quả trong phát triển làng nghề hiện nay.

Thứ nhất là vấn đề sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là khó khăn hàng đầu của việc phát triển làng nghề. Sản phẩm làng nghề sản xuất trên trang thiết bị bán cơ khí, mà chủ yếu là làm thủ công thuần thuý, hầu như là chưa được đầu tư thiết bị đáng kể. Tuy nhiên, cũng có một số ngành nghề đã được người sản xuất đầu tư máy móc phục vụ một số khâu trong quá trình sản xuất như mộc, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa cao, chỉ có một số ít sản phẩm xuất khẩu là đạt được yêu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm. Còn hầu hết sản phẩm bán trong tỉnh và vùng lân cận chỉ có chất lượng tương đối, chưa đạt mức độ tinh sảo để có thể phục vụ cho  thị trường “khó tính”. Bên cạnh đó, do quy mô sản xuất nhỏ, lẻ nên việc làng nghề đáp ứng được số lượng lớn sản phẩm là điều rất khó thực hiện. Điều này là một hạn chế cho việc tiếp nhận đơn hàng lớn.

Thứ hai là vấn đề tổ chức sản xuất kinh doanh. Phần lớn các làng nghề Bắc Giang duy trì sản xuất kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ là chủ yếu. Một số ít làng nghề đã hình thành tổ chức kinh tế là doanh nghiệp tư nhân và HTX đó là: thôn Bảy, Phúc Long (Tăng Tiến - Việt Yên); Yên Viên, Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên);  Đông Thắng (Tiến Dũng - Yên Dũng); thôn Lực (Tân Mỹ - Yên Dũng). Để làng nghề phát triển, việc tổ chức sản xuất ở mô hình hộ, tổ, công ty, HTX… nào là phù hợp; sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị, mẫu mã sản phẩm, đào tạo lao động, nghệ nhân như thế nào để nâng cao sức cạnh tranh; tận dụng các tiềm năng của tỉnh kết hợp với du lịch, dịch vụ, thương mại như thế nào vẫn đang là một bài toán lớn đặt ra cần lời giải đáp.

Thứ ba là vấn đề cơ sở hạ tầng và môi trường làng nghề. Từ năm 2002 tới nay, ngân sách tỉnh đã dành hơn 15 tỷ đồng hỗ trợ cùng với vốn đối ứng của dân triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại 5 làng nghề trên địa bàn tỉnh là Tăng Tiến, Vân Hà (Việt Yên), Đông Thượng (Yên Dũng), Thủ Dương (Lục Ngạn) và Trung Hưng (Hiệp Hoà). Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số rất nhỏ so với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại các làng nghề của tỉnh. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Có thể nói hầu hết các làng nghề còn chưa có đường giao thông đáp ứng tải trọng xe tải, xe container đến đầu làng, hệ thống điện sản xuất cùng với lưới điện sinh hoạt trước đây đã quá tải… Đặc điểm của sản xuất ngành nghề nông thôn là sản xuất tại làng, các hộ sản xuất tận dụng mặt bằng của đất ở làm nơi sản xuất. Vì vậy, khi sản xuất hộ gia đình phát triển, sức sản xuất cao thì việc mở rộng sản xuất theo hướng lập xưởng là tất yếu và đây là một khó khăn về mặt bằng sản xuất.

Trong hệ thống các làng nghề của tỉnh, mọi ngành nghề đều tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các ngành nghề như chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc, khai thác sản xuất vật liệu xây dựng là những ngành trọng điểm đã và đang là “điểm nóng” về môi trường của tỉnh. Nơi sinh hoạt gia đình chung với nơi làm việc và sản xuất, tiếng ồn, khói, bụi, ánh sáng hầu như không đạt tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp. Khả năng phòng chống cháy nổ rất hạn chế.

Thứ tư là vấn đề vốn. Tổng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh cho làng nghề chủ yếu là vốn tự có của các hộ gia đình. Các nguồn vay tín dụng không đáng kể. Vốn để giải quyết các vấn đề mở rộng sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc, cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, … đang là vấn đề bức xúc không chỉ của làng nghề mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Để có vài chục mét vuông ở khu đất mới, cần vài trăm triệu đồng, tuy một số nơi có được hỗ trợ từ ngân sách nhưng số vốn đối ứng từ phía người dân vẫn còn là rất lớn so với khả năng hiện có của đa số các hộ  làm nghề. Khi mà đa số làng nghề chỉ “lấy công làm lãi”, trong khi vay ngân hàng thì tài sản thế chấp không đáng kể. Hoặc để xử lý môi trường cho làng nghề cần hàng tỷ đồng cũng là vượt quá khả năng đáp ứng của các hộ làm nghề.

Thứ năm là vấn đề tổ chức quản lý ở các làng nghề. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về phát triển làng nghề phần nào còn lơi lỏng. Bộ máy quản lý nhà nước về công nghiệp – TTCN ở cấp xã chưa có. Nhiều làng nghề, “xã” nghề có doanh thu vài chục tỷ đồng/năm, với hàng trăm hộ sản xuất nhưng không có người chuyên phụ trách quản lý nhà nước. Vì vậy, việc tuyên truyền về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ ở các làng nghề còn hạn chế…

Các vấn đề trên đây cần được nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ và kịp thời hơn nữa để có một hệ thống giải pháp hữu hiệu, giúp các làng nghề ở Bắc Giang phát triển một cách bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay./.

Trung bình (0 Bình chọn)