Tổng kết Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều 25/11, đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” Trung ương chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Đề án. Giám đốc Sở Tư pháp Đặng Văn Nguyên chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Quang cảnh điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Ảnh:BGP/Nguyễn An.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” đã bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm, các tổ chức giám định trong toàn quốc thực hiện hơn 150 nghìn vụ việc. Kết quả giám định tư pháp ở các lĩnh vực cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết vụ án. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp hoạt động cả chuyên trách và theo vụ việc không ngừng được hoàn thiện, củng cố.

Đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có trên 6,1 nghìn giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực, đều đạt trình độ đại học trở lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ người làm giám định tư pháp được quan tâm thực hiện…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu đã làm rõ hơn những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất những giải pháp để việc thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ngày càng đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương kết quả tích cực của Đề án trong hoạt động giám định tư pháp thời gian qua. Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao về giám định tư pháp; cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, các quy định mới bảo đảm hoạt động và quản lý giám định tư pháp có hiệu lực hiệu quả. Các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tháo gỡ ngay các vướng mắc về giám định trong những vụ án tham nhũng, kinh tế để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần chỉ rõ lý do giám định chậm trễ, những trường hợp từ chối, né tránh việc giám định và có biện pháp giải quyết để việc giám định thực hiện kịp thời, bảo đảm chất lượng…

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo trình Chính phủ xem xét tiếp tục thực hiện Đề án gắn với thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhằm tiếp tục phát huy và bảo đảm các biện pháp tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới./.

Trung bình (0 Bình chọn)