Bắc Giang: Tổng kết công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2023

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều 12/01, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024 và sơ kết, tổng kết các Đề án của UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (PCTPTNXH) và xây dựng phong trào toàn dân bản vệ ANTQ tỉnh chủ trì hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao Bằng khen cho các cá nhân.

Năm 2023, Ban Chỉ đạo PCTPTNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả công tác PCTPTNXH, HIV/AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, bám sát nội dung, chương trình, quy chế hoạt động để tổ chức triển khai có hiệu quả các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao và địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách. Qua đó, huy động mọi nguồn lực xã hội và phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia phối hợp tích cực của các ban, ngành, sự ủng hộ và giúp đỡ của Nhân dân để giải quyết từ sớm, từ xa những vấn đề tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), không để bị động, bất ngờ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, đã có sự đổi mới về nội dung, hình thức đảm bảo phong phú, phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, nhất là việc ứng dụng có hiệu quả các trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền… góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân trong tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Công tác phối hợp giữa lực lương Công an với các lực lượng Quân đội, khối dân vận, Ủy ban MTTQ, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác bảo đảm ANTT, PCTPTNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng chặt chẽ, thường xuyên, cụ thể và hiệu quả.

Đại tá Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an
cho các tập thể, cá nhân.

Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện nghiêm túc; công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,23% so với năm 2022.

Qua thống kê trong năm 2023, tình hình tội phạm về trật tự xã hội xảy ra trên 1 nghìn vụ, làm 20 người chết, 156 người bị thương, thiệt hại khoảng 265,9 tỷ đồng, giảm 67 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án đạt cao gần 96%. 

Công tác quản lý Nhà nước về ANTT có nhiều chuyển biến, các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Đề án số 06/CP đều đạt và vượt, được xếp loại đứng đầu toàn quốc; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, không để xảy ra các vụ cháy, nổ đặc biệt nghiêm trọng, 11/11 địa bàn phức tạp về trật tự xã hội đều đạt các tiêu chí công nhận bước đầu chuyển hóa thành công trong năm 2023.

Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tiếp tục có chuyển biến tích cực. Việc phát động phong trào có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào địa bàn phức tạp về ANTT, địa bàn phong trào trung bình, yếu; các mô hình, tổ chức quần chúng được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Việc kiểm tra, hướng dẫn công tác xây dựng phong trào và đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2023 được thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế, đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm, cách làm hay và đưa ra các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTPTNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần bảo đảm ANTT, đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được trong công tác PCTPTNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, qua đó bảo đảm ANTT, góp phần thực hiện thắng lợi mọi mặt KT-XH của tỉnh, tạo niềm tin trong Nhân dân.

Đồng chí nhấn mạnh, dự báo năm 2024, tình hình kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó việc phát triển khu, cụm công nghiệp sẽ kéo theo nguy cơ gia tăng các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Do đó, đồng chí đưa ra 5 mục tiêu, đó là: Tạo chuyển biến mới trong các phong trào; tiếp tục giảm tội phạm và tệ nạn xã hội; không để hình thành băng nhóm tội phạm; không để hình thành điểm nóng về ANTT, về khiếu kiện đông người; giảm tỷ lệ số đơn vị bị phân loại trung bình và yếu năm 2023 trong công tác đảm bảo ANTT.

Để đạt mục tiêu này, ngoài 8 giải pháp được đưa ra trong báo cáo, để thực hiện có hiệu quả các Đề án, chuyển biến mới trong các phong trào, đồng chí đề nghị thời gian tới Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên không gian mạng”.

Rà soát lại các tiêu chí chấm điểm thi đua, nhất là khối doanh nghiệp; phát huy trách nhiệm người đứng đầu thông qua công tác kiểm tra, đánh giá để phát hiện, chấn chỉnh đơn vị, địa phương, người đứng đầu; tăng cường công tác phối hợp liên ngành. Các địa phường rà soát lại các mô hình tổ chức quần chúng, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ; làm mới các mô hình cũ, xây dựng các mô hình mới. Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất; kịp thời động viên, khen thưởng, tăng cường khen thưởng đột xuất để lan tỏa hành động đẹp trong xã hội.

Làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, không để hình thành băng, nhóm tội phạm, không để hình thành điểm nóng, nắm chắc tình hình trong dân, phát huy tai mắt trong dân, bổ sung lắp đặt thêm hệ thống camera an ninh để nắm rõ tình hình từ cơ sở, không để bị động bất ngờ.

Tiếp tục đẩy mạnh vận động thu nộp vũ khí thô sơ và vật liệu nổ trong dân. Ngăn chặn việc sản xuất buôn bán linh kiện vũ khí. Triển khai thực hiện tốt Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Tiếp tục phát động các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội.

Đối với mục tiêu giảm 108 đơn vị, địa phương bị phân loại trung bình yếu trong năm 2023, đồng chí đề nghị các đơn vị này phải xây dựng kế hoạch khắc phục, trong tháng 01/2024 gửi kế hoạch về Ban Chỉ đạo tỉnh. Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố giao trách nhiệm từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, phụ trách chỉ đạo khắc phục đối với từng đơn vị.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Công Thắng và Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Quốc Toản ký kết Chương trình phối hợp.

Tại hội nghị, Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã ký kết Chương trình phối hợp về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, giai đoạn 2023 - 2033.

Nhân dịp này, 13 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an; 35 tập thể, 45 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong tác PCTPTNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2023./.

Dương Thuỷ - Trần Khiêm

Trung bình (0 Bình chọn)