Tổng hợp tin tức về Bắc Giang trên báo chí ngày 30/01/2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

I. QUA BÁO TRUNG ƯƠNG/NGOÀI TỈNH

> https://vtv.vn Bắc Giang phê duyệt hỗ trợ phát triển 7 điểm du lịch cộng đồng

Nhằm phát triển tốt hơn các mô hình du lịch cộng đồng tại Bắc Giang, địa phương này trước mắt sẽ hỗ trợ 7 điểm hướng đến du lịch bền vững. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách gồm 07 điểm du lịch cộng đồng được hỗ trợ (đợt một) theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2030.

Các điểm du lịch cộng đồng được hỗ trợ lần này bao gồm: Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Bầu Tiên (Đồng Giao - Hồ Bầu Lầy) các xã Quý Sơn, Kiên Lao, huyện Lục Ngạn; Điểm du lịch cộng đồng Bản Ven xã Xuân Lương, huyện Yên Thế; Điểm du lịch cộng đồng thôn Vĩnh Ninh (tên cũ là bản Khe Nghè) xã Lục Sơn, huyện Lục Nam; Điểm du lịch cộng đồng Tổ dân phố Mậu Thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động; Điểm du lịch cộng đồng Bắc Hoa xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn; Điểm du lịch cộng đồng làng cổ Thổ Hà xã Vân Hà, huyện Việt Yên; Điểm du lịch cộng đồng An Lạc, thôn Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động. Các điểm du lịch cộng đồng sẽ được hỗ các nội dung: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật bao gồm: hỗ trợ mua đóng thuyền, xe điện vận chuyển khách du; hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà đón khách, trưng bày sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp nông thôn; xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại điểm du lịch; hỗ trợ làm đường giao thông nội bộ trong khu vực điểm du lịch; hỗ trợ xây dựng bãi đỗ xe tại khu vực điểm du lịch.

> https://vtc.vn; https://vietnamnet.vn: Tuần văn hóa, du lịch 'Linh thiêng Tây Yên Tử'

Ngày 29/1, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo thông tin về Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2024 có chủ đề Linh thiêng Tây Yên Tử được tổ chức với quy mô cấp tỉnh; diễn ra trong 6 ngày, từ 20/2 đến ngày 25/2/2024 (tức từ 11 đến ngày 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Địa bàn tổ chức ở Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động); chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) và hàng loạt hoạt động văn hóa, tâm linh, thể thao tại các huyện Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam và TP Bắc Giang.

Tại buổi họp báo, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, với mục tiêu xây dựng hình ảnh nhận diện đặc trưng về du lịch Bắc Giang, UBND tỉnh tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch năm nay với nhiều điểm nhấn đặc sắc, đồng thời vẫn lấy chủ đề Linh thiêng Tây Yên Tử. Trọng tâm là du lịch văn hóa tâm linh gắn với con đường Hoằng dương Phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các vị Trúc Lâm Tam Tổ, tạo dấu ấn đặc biệt để khi nói đến Bắc Giang, mọi người sẽ nghĩ đến hình ảnh đặc trưng này. "Năm nay, lễ rước bài vị Tam Tổ Trúc Lâm lên Tây Yên Tử mang ý nghĩa chuyến hành hương mùa xuân hướng về vùng đất thiêng Yên Tử; con số 51 xe rước đúng bằng số tuổi của Phật hoàng, cùng đó là sự tham gia của người dân, du khách, tạo thành đoàn rước lớn, lan tỏa ý nghĩa của sự kiện là mong ước một năm mới tốt lành, thịnh vượng".

Cũng tại buổi họp báo, đại diện UBND huyện Lạng Giang; đại diện UBND huyện Lục Ngạn thông tin về công tác chuẩn bị cho Lễ hội mở cửa rừng, Lễ hội hát Sloong hao Lục Ngạn. Lễ hội hát Sloong hao và phiên chợ Xuân vùng cao Tân Sơn huyện Lục Ngạn tái hiện không gian phiên chợ xuân vùng cao các dân tộc huyện Lục Ngạn. Tại lễ hội còn có phần trưng bày và thi văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều trò chơi dân gian phục vụ nhu cầu khám phá và trải nghiệm của người dân.

> https://tienphong.vn: Địa phương nào dẫn đầu cả nước về số học sinh giỏi quốc gia 2024?

 Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi học sinh giỏi năm học 2023 - 2024 có 5.812 thí sinh tham dự, trong đó Hà Nội là địa phương dẫn đầu về số học sinh giỏi quốc gia.

10 địa phương dẫn đầu về số học sinh giỏi quốc gia: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ninh và Thanh Hóa. Kỳ thi học sinh giỏi năm học 2023 - 2024 có 5.812 thí sinh tham dự, trong đó, 3.359 thí sinh đoạt giải (chiếm 55.79%), tăng 1.076 em so với năm học trước. Năm ngoái, số lượng thí sinh tham gia dự thi là 4.589 thí sinh, trong đó 2.283 thí sinh đạt giải, (chiếm tỷ lệ 49,75%).

Trong số các địa phương, Hà Nội dẫn đầu với tổng số 184 thí sinh đoạt giải, TP.HCM 110 em. Các tỉnh Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh lần lượt 98, 90 và 89 em được giải.

Trong top 10 tỉnh thành có tổng số học sinh đoạt giải trong kỳ thi năm nay có nhiều tỉnh mới như TP.HCM, tăng 10 bậc từ vị trí 12 lên hạng 2 so với năm ngoái, Bắc Giang tăng 7 bậc, Quảng Ninh 3 bậc, Thanh Hóa 2 bậc.

Tính riêng về số giải nhất, Hà Nội vẫn đứng đầu với 14 giải (tăng 1 so với năm ngoái). Tiếp đến là Đại học Quốc gia Hà Nội với 13 giải, tăng 4 giải. Hai vị trí tiếp theo Hải Phòng và Bắc Ninh với cùng 11 giải. Thanh Hóa có 9 giải nhất, Nghệ An và Nam Định mỗi tỉnh có 8 giải, Đại học Sư phạm Hà Nội và Vĩnh Phúc cùng 6 giải.

> https://www.moitruongvadothi.vn:

* TP Bắc Giang chỉnh trang đô thị thêm sáng - xanh - sạch - đẹp đón chào Tết nguyên đán Giáp Thìn

Những ngày này, TP Bắc Giang đang khẩn trương chỉnh trang đô thị để phố phường thêm sáng - xanh - sạch - đẹp đón chào năm mới. Theo đó, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố đã sớm xây dựng, triển khai các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan. Dịp này, Trung tâm thay mới nội dung 1.830 pano trên các tuyến phố trung tâm, vị trí đông người, cửa ngõ ra vào TP như đường: Hùng Vương, Lê Lợi, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Trần Quang Khải, Võ Nguyên Giáp... Lắp mới 100 đai cắm cờ trên cầu Á Lữ. Trang trí 1.400 cờ hồng kỳ, cờ hội tại đường Xương Giang, khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang và các cầu vượt trên địa bàn. Qua đó tạo hiệu ứng trực quan sinh động. Đây là thời điểm bận rộn nhất với công nhân Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang. Đơn vị tích cực chỉ đạo các tổ, đội bám sát nhiệm vụ phân công, tranh thủ thời gian ngoài giờ, ngày nghỉ để hoàn tất công việc, bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Trong đó tập trung chăm sóc, cắt tỉa cây hoa, thảm cỏ, duy trì vệ sinh trong công viên Ngô Gia Tự, công viên Hoàng Hoa Thám và hơn 100 khuôn viên, dải phân cách trên các đường phố, trong khu đô thị; sửa chữa hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí.

Những ngày này, đơn vị chức năng TP Bắc Giang phối hợp với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây dựng cơ bản, phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Trên công trình thi công dự án cải tạo khuôn viên cây xanh hai bên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn từ nút giao quốc lộ 31 đến nút giao Hùng Vương, khu vực đường Thanh Niên (phường Dĩnh Kế), không khí nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết. Công nhân nữ trồng cỏ, trồng hoa. Phía xa, cánh thợ gạt nền, lát đá vỉa hè.

Để bộ mặt đô thị khang trang hơn, UBND TP chỉ đạo mỗi phường, xã xác định ít nhất một điểm phù hợp cần tập trung chỉnh trang, trang trí, tạo điểm nhấn nổi bật trên địa bàn. Các phường: Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Dĩnh Kế tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh. Tại một số tuyến phố của phường Xương Giang, Ngô Quyền, người dân trang trí đèn led dọc tuyến phố. Với sự chuẩn bị chu đáo, TP Bắc Giang đang khoác lên mình chiếc áo mới khang trang, hiện đại, xanh, sạch, đẹp để cùng nhân dân đón Tết Nguyên đán 2024 vui tươi, phấn khởi.

* Phụ nữ TP Bắc Giang phát động trồng, vệ sinh môi trường đón Xuân Giáp Thìn

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Bắc Giang phối hợp với UBND xã Song Mai tổ chức phát động trồng cây nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Giáp Thìn, hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; ra quân vệ sinh môi trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Với tinh thần "Mỗi hội viên phụ nữ một cây xanh - Mỗi cơ sở hội một công trình cây xanh", tại đây, lãnh đạo Hội LHPN TP phát động chương trình "Trồng cây nhớ ơn Bác Hồ" tới toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân TP Bắc Giang. Đồng thời, đề nghị ngay sau lễ phát động, 100% cơ sở hội tổ chức trồng cây xanh từ ngày 27/1 đến 30/3/2024 và ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các thôn, tổ dân phố vào 3 đợt trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024… Sau lễ phát động, các đại biểu cùng hơn 300 cán bộ, hội viên phụ nữ tổng vệ sinh môi trường các tuyến đường trên địa bàn xã Song Mai, đợt 1 thu gom được 62 tấn rác thải các loại; trồng 1.000 cây keo và 1.000 cây bạch đàn tại nghĩa trang chùa Na, xã Song Mai, TP Bắc Giang.

II. QUA THỜI SỰ TRONG TỈNH

1. Qua http://baobacgiang.com.vn

> Quý I, doanh nghiệp Bắc Giang cần tuyển 22 nghìn lao động

Ngày 29/1, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối cung - cầu lao động với 13 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tham gia có 30 doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố tuyển lao động ở các lĩnh vực: May, điện tử, năng lượng mặt trời thu hút khoảng 310 người ứng tuyển trực tiếp và 380 người ứng tuyển trực tuyến. Người lao động được đại diện các DN thông tin về nhu cầu, điều kiện tuyển dụng, vị trí và thời gian làm việc, chế độ tiền lương, tiền công; phỏng vấn trình độ, tay nghề, nguyện vọng công việc. Tại điểm cầu Bắc Giang có Công ty TNHH FUKANG thuộc tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (KCN Quang Châu, Việt Yên) chuyên sản xuất, gia công sản phẩm, thiết bị điện tử. Đây là phiên giao dịch việc làm trực tuyến đầu tiên tại tỉnh Bắc Giang năm 2024. Theo kết quả rà soát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, quý I, các DN cần tuyển khoảng 22 nghìn lao động ở các lĩnh vực: Điện, điện tử, điện công nghiệp, may, da giày, pin, năng lượng mặt trời. DN có nhu cầu tuyển số lượng lớn là các công ty TNHH: Luxshare-ICT, New Wing Interconnect Technology; Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải...

> Rau cần Hoàng Lương tiêu thụ mạnh

Thông tin từ UBND xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa), những ngày giáp Tết Nguyên đán, mỗi ngày địa phương cung cấp ra thị trường khoảng 150 tấn rau cần, tăng 30 tấn/ngày so với trước.

Thời điểm này, giá bán rau cần tại ruộng dao động từ 10-12 nghìn đồng/kg, tăng gấp đôi so với cách đây hai tháng. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao song do thời tiết lạnh sâu, người dân gặp khó khăn khi phải lội ruộng ngập nước thu hoạch rau, có thời điểm không kịp đáp ứng các đơn hàng. Dự báo trong những ngày tới, giá rau cần tiếp tục tăng, mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân. Xã Hoàng Lương có vùng trồng rau cần tập trung quy mô lớn. Năm nay, toàn xã có gần 185 ha, trồng tại các thôn: Thanh Lâm, Thanh Lương, Đại Thắng, Đồng Hoàng và Ninh Giang. Trong đó có 141 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP (tăng 17 ha so với năm 2022), 30 ha đạt tiêu chuẩn OCOP, còn lại là rau sản xuất công nghệ cao, rau an toàn.

> Thiết bị sưởi ấm “cháy hàng”

Thời tiết rét đậm kéo dài nhiều ngày, nhu cầu mua thiết bị sưởi ấm của người dân tăng cao. Nhiều nơi không còn hàng để bán. Giá mặt hàng này theo đó cũng tăng so với trước.

Nắm được diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại sẽ kéo dài, nhiều cửa hàng, siêu thị chủ động nhập thêm thiết bị sưởi ấm để bán song tại nhiều nơi, một số mặt hàng đã hết, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng. Do khan hàng nên giá các mặt hàng này tăng từ 10-20% so với thời điểm thời tiết chưa rét đậm. Thiết bị giữ nhiệt trên thị trường online cũng sôi động. Chị Trần Thị Lan, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cho biết, thời điểm này, chị liên tục đăng bán thiết bị sưởi trên các nền tảng mạng xã hội và được nhiều người quan tâm. Một số thiết bị như máy sưởi gốm, đệm điện, thảm ngải cứu điện… được nhiều khách hỏi mua nhưng cũng không còn hàng để bán.

Trong thời tiết giá lạnh như hiện nay, việc sử dụng các thiết bị sưởi ấm là điều cần thiết để bảo đảm sức khỏe, nhất là gia đình có người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý mua thiết bị sưởi ấm từ những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sử dụng đúng cách, an toàn; tuyệt đối không sử dụng than hoa, than tổ ong, bếp ga, lò nướng để sưởi ấm trong không gian hẹp. 

> Nhiều dịch vụ hút khách dịp Tết

Cận Tết Nguyên đán, các loại hình dịch vụ như  làm đẹp, sửa xe, dọn nhà, nấu cỗ, cho thuê cây cảnh, dựng rạp, âm thanh loa đài… luôn đông khách. Đối với nhiều người, đây là thời điểm “hái” ra tiền, bởi cả năm mới có vài ngày. Sau mấy năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay hầu hết các tổ liên gia, hội, nhóm, cơ quan, đơn vị… đều tổ chức gặp mặt, liên hoan dịp cuối năm. Nhờ đó mà nhiều nhà hàng, trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới trên địa bàn tỉnh dịp này đông khách, đặc biệt là vào ngày nghỉ cuối tuần. Nếu không đặt trước, khách có thể bị từ chối vì nhiều nhà hàng đã kín lịch phục vụ.

Tiệm sửa chữa, rửa xe kín chỗ; "Cháy" dịch vụ dọn nhà, nhu cầu làm đẹp tăng… Ngoài các dịch vụ trên, từ rằm tháng Chạp, các dịch vụ: Giết mổ gia cầm, vận chuyển cây cảnh, cắm hoa, trang trí tiểu cảnh sân vườn và các địa điểm công cộng cũng nở rộ. Dù các loại hình dịch vụ đều thu hút nhiều khách nhưng nhìn chung giá cả không tăng nhiều so với ngày thường. Bởi chủ các dịch vụ có cửa hàng, cửa hiệu, nơi buôn bán cố định đều muốn gây dựng thương hiệu, tạo uy tín để giữ chân khách hàng lâu dài. Tuy nhiên, người sử dụng dịch vụ nên thống nhất trước về giá cả và hợp đồng cụ thể, rõ ràng, tránh xảy ra xích mích khiến ngày Tết mất vui.

> Cận Tết, “xe dù, bến cóc” hoạt động mạnh

Thời điểm cuối năm, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng từ 30-40% so với ngày thường nên lượng “xe dù, bến cóc” hoạt động nhiều hơn. Thực trạng này cần được khẩn trương chấn chỉnh để lập lại trật tự, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.

Khảo sát thực tế sáng 27 và 28/1, tại khu vực ngã tư giao giữa đường Hùng Vương và đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) có hàng chục lượt xe khách các loại dừng đỗ đón, trả khách. Trong đó xuất hiện nhiều “xe dù” hoạt động như xe tuyến cố định, ngày nào cũng chạy qua địa điểm này đón khách, nhận hàng hóa ký gửi. Điển hình như các xe ô tô BKS: 98B- 01.874; 98B-013.20 của nhà xe Năm Thủy. Ngoài ra, một số “xe dù” của các nhà xe Thắng Hiền, Lương Trang cũng chạy qua khu vực này. Không chỉ xe khách, tình trạng xe “tắc xi dù” đậu, đỗ, đón, trả khách và chạy trên một số tuyến đường thuộc địa bàn TP Bắc Giang cũng khá phổ biến…

Tình trạng “xe dù, bến cóc” đã được phản ánh nhiều lần, cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng tuy đã vào cuộc xử lý song còn thiếu quyết liệt, vẫn để tái diễn, thậm chí gần đây hoạt động mạnh hơn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Nhiều ý kiến đề nghị, để dẹp bỏ tình trạng “xe dù, bến cóc”, các cơ quan chức năng như: Thanh tra Sở GTVT, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), công an các huyện, TP cần phối hợp chặt chẽ, kiên quyết xử lý, không dung túng tổ chức, DN, cá nhân vi phạm để lập lại trật tự, bảo đảm ATGT trên các tuyến đường.

> Lạng Giang: Điều tra hai vụ tai nạn giao thông khiến hai người bị thương

Công an huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đang điều tra, làm rõ hai vụ tai nạn giao thông xảy ra liên tiếp trong những ngày qua khiến hai thanh niên còn trẻ bị thương.

Theo đó, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 28/1, anh N.H.Q (SN 2002), trú tại thôn Đồng La, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) điều khiển xe mô tô BKS 12H1-421.88 đi hướng Bắc Giang - Lạng Sơn. Khi đi đến Km 100+550, quốc lộ 1A, đoạn thuộc địa phận thôn Má Bắp, xã Hương Lạc (Lạng Giang), anh Q va chạm với xe ô tô đầu kéo BKS 82C-059.48 kéo theo sơ-mi rơ-mooc BKS 82R-001.80 do anh Đoàn Bảo Trung (SN 1977), trú tại số 93/3 Lý Thường Kiệt, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum (Kon Tum) điều khiển đi hướng Lạng Sơn - Hà Nội. Hậu quả, anh Q bị chấn thương vùng đầu và được người dân đưa đi cấp cứu; hai phương tiện liên quan hư hỏng.

Trước đó, vào hồi 22 giờ 9 phút ngày 27/1, trên đường tỉnh 292 đoạn qua thôn Mia, xã An Hà (Lạng Giang), anh Hoàng Văn Lãng (SN 1993), ở thôn Kép, xã An Hà điều khiển xe mô tô BKS 98K5-0094 đi từ nhà văn hoá thôn Mia ra và chuyển hướng rẽ trái. Xe của anh Lãng va chạm với xe mô tô không biển kiểm soát do anh Đồng Mạnh Dũng (SN 2005), ở thôn Hạ, xã Nghĩa Hoà, (Lạng Giang) điều khiển đi hướng thị trấn Kép, xã Nghĩa Hưng, chở sau là anh Đ.V.A (SN 2004) ở thôn Dâu, xã Nghĩa Hưng (cùng huyện). Vụ tai nạn khiến anh Đ.V.A bị thương nặng được đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), hai xe hư hỏng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lạng Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường để làm rõ các vụ tai nạn, giải quyết theo quy định pháp luật.

2. Chương trình thời sự tối của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang ngày 29/01/2024 đưa tin

Chỉ còn gần nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này, tại huyện Yên Dũng, các đơn vị chủ đầu tư đang tích cực phối hợp cùng với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông để phục vụ người dân vui xuân đón Tết.

Trên công trình thi công đường ĐH5b, đơn vị thi công đang tập trung huy động tối đa máy móc, trang thiết bị; tiến hành trải thảm từ đê Tả Cầu Ba tổng đi Việt Yên với chiều dài 1,8 km; tổng mức đầu tư gần 94 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường sẽ góp phần hình thành nên trục giao thông kết nối Khu công nghiệp Yên Lư, Khu công nghiệp Vân Trung và đường vành đai IV (đoạn qua huyện Việt Yên)… Năm 2023, huyện Yên Dũng thi công xây dựng mới 4 công trình giao thông trọng điểm với tổng chiều dài hơn 29 km. Những ngày này, tại nhiều công trường, các đơn vị thi công đang gấp rút đẩy nhanh hoàn thành các hạng mục. Với hàng loạt dự án giao thông được triển khai và xây dựng đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn và đô thị của huyện Yên Dũng ngày càng khang trang, hiện đại. Qua đó tăng cường kết nối giao thông, giúp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.

Trung bình (0 Bình chọn)