Tổng hợp tin tức về Bắc Giang trên báo chí ngày 24/6/2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

I. QUA BÁO TRUNG ƯƠNG/NGOÀI TỈNH

> https://vov.vn: Bắc Giang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế tỉnh Bắc Giang đạt 14,14%, đứng đầu cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm tăng 10,59% so với cùng kỳ. Quy mô GRDP đạt 96.058 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng khá cao so cùng kỳ, ước tăng 26,45%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 315.140 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ. Lĩnh vực xây dựng tiếp tục được quan tâm đầu tư. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 5,72% so với cùng kỳ. Quy mô giá trị sản xuất đạt trên 17.150 tỷ đồng, bằng 34,5% kế hoạch.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Bắc Giang quyết liệt tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn các chương trình Mục tiêu quốc gia. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư; xúc tiến tuyển dụng lao động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

> https://plo.vn: Vải thiều mất mùa, khan hiếm, có thời điểm 140.000 đồng/kg

Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết nên vải thiều các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hải Dương mất mùa, không dồi dào như những năm trước. Do đó, vào cuối vụ tại một số chợ, siêu thị TP.HCM giá vải thiều dao động 120.000-140.000 đồng/kg, gấp đôi so với giữa vụ và cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin từ chợ đầu mối Hóc Môn, từ đầu mùa đến nay lượng vải thiều về chợ khoảng 300 tấn, giảm 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng vải thiều về chợ không ổn định. Do đó, giá vải thiều có giai đoạn 450.000 thùng/15kg, hiện nay 700.000/thùng 15kg.

Đại diện MM Mega Market cho biết, bên cạnh vải thiều Đắk Lắk, năm nay MM tiếp tục đồng hành cùng bà con tỉnh Bắc Giang, vải thiều địa phương này đã được đưa vào hệ thống MM Mega Market từ tháng 6.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng thời tiết, mất mùa, sản lượng giảm mạnh nên giá thu mua tại vườn tăng gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nguồn cung khan hiếm, giá vải thiều được khuyến mãi còn 92.500 đồng/kg nhưng người tiêu dùng chuyển sang các loại trái cây khác thay thế. Vì vậy, năm nay sản lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ tại MM Mega Market cũng giảm 50% so với năm ngoái”.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, thị trường năm nay do ảnh hưởng thời tiết nên nguồn cung vải thiều không ổn định. Co.opmart, Co.opXtra nỗ lực làm việc với các nhà vườn, hợp tác xã, đặc biệt siêu thị đã có những hợp đồng hợp tác dài hạn với những đơn vị này từ nhiều năm trước nên sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng. Theo đó, trung bình mỗi ngày Saigon Co.op nhập khoảng 15-20 tấn. Vải thiều được nhập từ hai vùng nguyên liệu chính là Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang và Thanh Hà tỉnh Hải Dương.

Tính đến ngày 20-6 sản lượng vải thiều của tỉnh tiêu thụ đạt 84.123 tấn. Trong đó, thị trường trong nước đạt 59.418 tấn, thị trường xuất khẩu 24.705 tấn. Vải thiều Bắc Giang đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU… Do sản lượng ít nên năm nay vải thiều chính vụ có giá từ 60.000-85.000 đồng/kg, được ghi nhận có mức giá tốt nhất từ trước đến nay.

Tính đến ngày 20-6, doanh thu vải thiều đạt 4.724 tỉ đồng và doanh thu dịch vụ phụ trợ đạt 942 tỉ đồng. Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc mùa vụ năm 2024, dự kiến doanh thu vải thiều và dịch vụ phụ trợ đạt trên 5.700 tỉ đồng”. Năm 2023, tổng doanh thu vải thiều của tỉnh Bắc Giang, ước đạt hơn 6.800 tỉ đồng. Do ảnh hưởng thời tiết, năm nay tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt 100.000 tấn, giảm 50% so với năm ngoái. Mùa vải thiều tỉnh Bắc Giang được thu hoạch từ 20-5 đến cuối tháng 6.

> https://www.baogiaothong.vn: Lạng Giang - Thủ phủ công nghiệp mới của Bắc Giang

Được định hướng mạnh mẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Bắc Giang sẽ quy hoạch thêm 29 khu công nghiệp và 63 cụm công nghiệp với quy mô lên tới trên 10.000ha.

Điểm nổi bật trong quy hoạch mới đó là Lạng Giang sẽ trở thành thủ phủ công nghiệp mới của Bắc Giang. Lạng Giang sẽ được quy hoạch thêm 6 khu công nghiệp (KCN) và 3 cụm công nghiệp (CCN) với quy mô lên đến 1.200ha. Trong đó, nổi bật là các KCN Nghĩa Hưng (quy mô 189ha), Xuân Hương - Mỹ Thái - Tân Dĩnh (200ha), Thái Đào - Tân An (130ha), Mỹ Thái (160ha), Tân Hưng (155ha).

Hiện nay, chưa tính mở rộng, các KCN hiện hữu tại Bắc Giang có quy mô khoảng 2.000ha. Với quy hoạch Lạng Giang sẽ có 1.200ha KCN nữa, Lạng Giang đang từng bước được định hướng là trung tâm phát triển KCN mới của tỉnh Bắc Giang và khu vực phía Bắc. Chính từ những định hướng trên, thị trấn Vôi cũng như huyện Lạng Giang đã được đầu tư rất mạnh về phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và các khu đô thị lõi làm bàn đạp cho sự phát triển thần tốc trong thời gian tới.

Cùng với việc định hướng là thủ phủ công nghiệp mới của Bắc Giang, Lạng Giang được quy hoạch sẽ lên đô thị loại 4 với trung tâm là thị trấn Vôi mở rộng. Đây sẽ là vùng lõi phát triển mạnh về cả kinh tế, xã hội và văn hóa của Lạng Giang trong tương lai gần. Nhờ vị trí chiến lược và nằm trong lõi trung tâm huyện Lạng Giang, Rùa Vàng City được chọn là khu kinh tế đêm đầu tiên tại Bắc Giang nói chung và huyện Lạng Giang nói riêng. Nơi đây được định hướng là khu vui chơi, giải trí của người dân Lạng Giang và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các KCN.

> https://danviet.vn: Nông thôn mới Bắc Giang: Tân Yên phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao

Năm 2024, huyện Tân Yên phấn đấu tập trung hoàn thành 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã kiểu mẫu và 9 tiêu chí huyện NTM nâng cao. Để đạt mục tiêu đề ra, cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện đang tập trung tăng tốc hoàn thành mục tiêu đề ra…

> https://kinhtenongthon.vn: Làm bài bản, sản phẩm OCOP Bắc Giang bay xa

Bắc Giang là tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển ngành Nông nghiệp đa dạng hoá các mặt hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực. Do vậy, khi triển khai Chương trình OCOP tỉnh đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các chủ thể tham gia. Đến hết năm 2023, tỉnh Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Giai đoạn 2019-2022, những sản phẩm được gắn sao có doanh thu tăng bình quân 15% so với sản phẩm thông thường, trong đó, doanh thu bình quân của các sản phẩm 4 sao đạt 4,3 tỷ đồng/sản phẩm/năm, sản phẩm 3 sao đạt 2,8 tỷ đồng/sản phẩm/năm…

Một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc trưng tiềm năng của tỉnh như: vải thiều Lục Ngạn; mỳ gạo Chũ; gà đồi Yên Thế...; sản phẩm của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: mỳ Chũ; rượu Vân; bún Đa Mai…

> https://giaoducthoidai.vn: Bắc Giang quán triệt '4 đúng, 3 không' trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

 Chiều 23/6, Văn phòng Sở GDĐT Bắc Giang cho biết, Sở vừa tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và triển khai công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Siết chặt kỷ luật tại điểm thi, Bắc Giang tiếp tục quán triệt tinh thần "4 đúng, 3 không" trong quá trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Để đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, cùng với một số quy định nhằm siết chặt kỷ luật tại điểm thi, phòng thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt tinh thần "4 đúng, 3 không" trong quá trình tổ chức kỳ thi.

Cụ thể, “3 không” là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức. Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi, không gây áp lực, căng thẳng cho thí sinh và phụ huynh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. "4 đúng” gồm: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 26/6 tới đây. Tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức 1 Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh gồm các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh dự thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng và thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Sở GD&ĐT bố trí thí sinh dự thi tại 41 điểm thi ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Điểm thi tại Trường THPT Lạng Giang số 1 là Điểm thi có số lượng thí sinh lớn nhất với 38 phòng thi, 909 thí sinh. Các điểm thi có số lượng thí sinh lớn còn lại gồm THPT Lục Nam với 898 thí sinh tại 38 phòng thi; THPT Lục Ngạn số 1 với 856 thí sinh tại 36 phòng thi,… Điểm thi có số thí sinh ít nhất là THPT Mỏ Trạng với 9 phòng thi và 187 thí sinh dự thi.

Kỳ thi năm nay, Bắc Giang có 21.843 thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 700 thí sinh so với năm 2023 (trong đó số thí sinh đang theo học lớp 12 là 21.350; thí sinh tự do là 493). Số thí sinh giáo dục phổ thông là 17.889; số thí sinh giáo dục thường xuyên là 3.461. Bắc Giang huy động gần 3.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và cán bộ làm công tác thanh tra thi.

> https://phunuvietnam.vn: Ra mắt mô hình điểm "Chi hội Phụ nữ 5 có, 3 sạch"

Vừa qua, Hội LHPN xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang ra mắt mô hình điểm "Chi hội phụ nữ 5 có, 3 sạch" tại Chi hội phụ nữ thôn Lải - thôn đạt các tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, với sự tham gia của 137 thành viên. Việc thành lập mô hình nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp về thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và "Gia đình 5 có, 3 sạch" (có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa; gồm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) gắn với phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025". Tại buổi ra mắt, các thành viên đã được thông qua Quy chế hoạt động của mô hình, bầu Ban chủ nhiệm gồm 3 thành viên để điều hành sinh hoạt định kỳ.

Việc thành lập mô hình điểm "Chi hội phụ nữ 5 có, 3 sạch" nhằm tiếp tục nâng cao kiến thức, năng lực, trách nhiệm của các cấp Hội; phát huy nội lực, vai trò chủ thể của Hội, hội viên, phụ nữ trong thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, phấn đấu 100% hộ gia đình và thành viên tham gia mô hình đạt 8/8 tiêu chí của mô hình.

Mô hình “Chi hội Phụ nữ 5 có 3 sạch” được triển khai xây dựng điểm tại chi hội phụ nữ thôn Lải sẽ là cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng tại các chi hội trên địa bàn xã Đại Lâm trong thời gian tới.

> https://vtv.vn: 1.680 trẻ em được khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh tại Bắc Giang

Hoạt động khám tầm soát các bệnh lý về tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em đang được chương trình Trái tim cho em tiếp tục triển khai trên toàn quốc. Đây là một chương trình nhân đạo nhằm giúp cho các trẻ em trên địa bàn tỉnh có cơ hội được sàng lọc các bệnh lý về tim mạch. Trường hợp những em nhỏ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh tim được chỉ định can thiệp/phẫu thuật sẽ được hướng dẫn thủ tục đăng kí xin trợ giúp kinh phí từ chương trình. Trong hành trình đến với tỉnh Bắc Giang lần này, với sự hỗ trợ của các bác sĩ đầu ngành tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, Trung tâm Y tế huyện Lục Nam, đã có 1.680 em nhỏ được khám tầm soát miễn phí tim bẩm sinh, qua đó phát hiện 133 ca có dị tật tim bẩm sinh, 47 ca có chỉ định phẫu thuật/can thiệp, 86 ca cần theo dõi thêm. Các gia đình thuộc hộ gia cảnh khó khăn có con em mắc bệnh tim bẩm sinh đã được hướng dẫn thủ tục đăng ký xin trợ giúp chi phí mổ tim từ chương trình "Trái tim cho em". Dự kiến số tiền hỗ trợ cho những trường hợp này lên tới gần 2 tỷ đồng.

Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam cùng với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel rất vinh dự được đồng hành cùng các nhà hảo tâm trên hành trình thiện nguyện, mỗi đóng góp của cộng đồng đều đem lại ý nghĩa rất lớn đối với chương trình Trái tim cho em và những trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh.

> https://vtv.vn; VTV 24: Ước mơ "lên bờ" của hàng trăm hộ dân làng chài

“An cư lạc nghiệp”, được lên bờ sinh sống đó là niềm khát khao, mơ ước của hàng trăm hộ dân tại làng chài Nguyệt Đức, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Làng chài Nguyệt Đức có lịch sử hình thành hơn 100 năm. Nhưng đến nay, những sinh kế từ sông nước không còn mang lại đời sống ổn định cho người dân khi họ phải đối mặt với sự chuyển dịch về lao động sản xuất, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như những nguy cơ mất an toàn cùng hiểm họa thiên tai bão lũ trong đời sống trên sông nước. "Lên bờ" bởi vậy cũng trở thành ước mơ mỗi ngày một lớn của hơn của 100 hộ dân đang bám trụ bên bờ sông. Nhiều gia đình sống ở làng chài đều không có việc gì, đi nhặt phế liệu kiếm sống. Khi thời tiết khắc nghiệt, gió lớn có thể lật thuyền. Sống dưới sông, hiểm họa luôn lửng lơ trên đầu những gia đình này. Theo người dân ở đây, khi mùa ngập nước đến các hộ gia đình sẽ bị ngắt điện để bảo đảm an toàn

Theo thống kê của chính quyền địa phương, thôn Nguyệt Đức có gần 200 hộ đang sinh sống trên sông Cầu. Phần lớn người dân đều lên bờ tìm mưu sinh và tìm cả ước mơ được an cư trên bờ.

Năm 2020, dự án đưa làng chài Nguyệt Đức lên bờ có tên "Sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Vân Hà, huyện Việt Yên" được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt song vẫn có những vướng mắc về quy hoạch và nguồn vốn. Đến năm 2022, UBND thị xã Việt Yên đã đề xuất với UBND tỉnh Bắc Giang để làm chủ đầu tư dự án này. Quỹ đất thực hiện dự án có quy mô 5 ha được bố trí tại khu Đồng Săng, xã Vân Hà với tổng mức đầu tư là 90 tỷ đồng. Hiện dự án được trình phê duyệt với mục tiêu có thể bắt đầu khởi công vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, do những vướng mắc về quy hoạch và bố trí ngân sách nên chưa thể thực hiện được.

> https://www.quochoitv.vn: Dự án đưa 139 hộ dân Nguyệt Đức ‘‘lên bờ’’: Những "giấc mơ vẫn còn dang dở"

Liên quan nội dung phản ánh của THQH về cuộc sống gian khó, vất vả và khát vọng được an cư của người dân làng chài Nguyệt Đức, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang thời gian qua. Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai này. Nhưng vì dự án thuộc hành lang thoát lũ nên việc xây dựng, triển khai cần phải báo cáo, xin ý kiến và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Và trong khi chờ đợi cơ quan chức năng thực hiện, thì những người dân mang kiếp lênh đênh sông nước ấy vẫn ngày ngày đối mặt với cuộc sống muôn vàn khó khăn, bấp bênh chính mình.

Khúc sông Cầu - nơi làng Nguyệt Đức cư ngụ là nơi tấp nập tàu hàng qua lại, khiến không ít vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra. Hàng ngày băng qua sông đến trường học bằng chiếc thuyền nhỏ đơn sơ cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho con em làng chài. Trước cuộc sống khó khăn, bấp bênh của người dân, Bắc Giang đã nỗ lực chuẩn bị ngân sách; quỹ đất cho dự án cũng đã sẵn sàng. Nhưng đến nay, giấc mơ được lên bờ an cư lập nghiệp của các hộ dân vẫn còn dang dở. Tuy nhiên theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đề án di dời các hộ dân làng chài Nguyệt Đức ra khỏi vùng thiên tai hiện chưa được Bắc Giang lập hồ sơ gửi Bộ thẩm định. Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu Bắc Giang chủ động hơn trong việc đưa vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất; từ đó gửi Bộ thẩm định để trình xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng, chắc chắn sẽ giảm bớt được thời gian, quy trình. Và dự án di dời các hộ dân làng chài Nguyệt Đức đã sớm được triển khai.

II. QUA THỜI SỰ TRONG TỈNH

1. Qua http://baobacgiang.com.vn

> Các nhà máy đối tác của Apple tại Bắc Giang tìm lao động chất lượng cao

Tỷ lệ lao động chất lượng cao chiếm 40% trong tổng số 37.000 vị trí việc làm nửa cuối năm tại Bắc Giang, tập trung tại các nhà máy đối tác của Apple.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Giang, các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử dẫn đầu trong tuyển dụng như Foxconn, New Wing Interconnect Technology, Luxshare- ICT... với 3.000-5.000 lao động mỗi doanh nghiệp. Công nhân phổ thông chiếm trên một nửa nhu cầu tuyển dụng toàn tỉnh, song số có tay nghề hoặc đã qua đào tạo chiếm tỷ trọng ngày càng cao, tới 40%.

Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) - nhà cung ứng linh kiện của Apple, ngoài tuyển 5.000 lao động phổ thông còn tìm hơn 300 nhân sự chất lượng cao vị trí quản lý, chuyên ngành điện tử, kỹ sư phân tích lỗi, kỹ sư RE, IT phần mềm, yêu cầu thành thạo tiếng Trung và giao tiếp tốt tiếng Anh. Mức lương cho các vị trí này không công bố cụ thể mà thỏa thuận khi phỏng vấn. Một số nhà máy khác tuyển tổ trưởng, công nhân kho yêu cầu biết tiếng Trung, có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện tử. Để hút ứng viên, doanh nghiệp đưa ra phúc lợi như "nghỉ chiều thứ bảy hàng tuần, có cơ hội học tập và công tác tại nước ngoài".

Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tìm người cho vị trí trưởng, phó phòng yêu cầu từng có kinh nghiệm làm việc tại các nhà máy của Samsung, mức lương tháng 20-35 triệu đồng. Nhân sự phiên dịch tiếng Hàn yêu cầu giao tiếp tốt hoặc người từng đi xuất khẩu lao động, thu nhập dao động 600-900 USD tùy vị trí. Mặt bằng chung với nhóm lao động phổ thông không quá 40 tuổi, thu nhập dao động 9-12 triệu đồng.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 8.000 lao động làm việc trong doanh nghiệp chuyên về bán dẫn, phần lớn từ 18-35 tuổi. Nhân sự chuyên môn bậc trung đến cấp quản lý chỉ chiếm trên 23%, còn lại bậc thấp hơn. Riêng năm nay, Bắc Giang cần thêm gần 2.000 lao động ngành bán dẫn và năm 2030 sẽ tăng lên khoảng 6.000. Bắc Giang hiện có hơn 7.600 doanh nghiệp hoạt động, thu hút 306.000 lao động làm việc. Trong đó, lao động địa bàn chiếm 80% và ngoại tỉnh 20%.

> BIDV Chi nhánh Bắc Giang: Nhân rộng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt

Xác định thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, những năm gần đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Hiện đông đảo khách hàng được tiếp cận với sản phẩm tiện ích, giao dịch thanh toán bảo đảm an toàn, thuận lợi.

Là một trong những ngân hàng thương mại tiên phong trong nhiều hoạt động, BIDV Chi nhánh Bắc Giang xác định đẩy mạnh hoạt động TTKDTM là một trong những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, Ngân hàng tập trung thực hiện Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ; tuyên truyền sâu rộng lợi ích của việc TTKDTM đến đông đảo khách hàng; triển khai các sản phẩm dịch vụ số... Để đẩy mạnh hoạt động TTKDTM, Ngân hàng còn tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng mở thẻ miễn phí, lập tài khoản và thực hiện các giao dịch điện tử. Được biết, đến nay BIDV Chi nhánh Bắc Giang đã phát hành 7,2 nghìn thẻ ghi nợ quốc tế và thẻ tín dụng. Toàn tỉnh có 14 máy ATM cùng 111 máy POS để khách hàng quẹt thẻ thanh toán điện tử. Máy POS tạo điều kiện cho người dân dễ dàng thanh toán và sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận lợi.

Đặc biệt, BIDV Chi nhánh Bắc Giang đa dạng dịch vụ, phương thức thanh toán, chủ động tiếp cận khách hàng để vận động người dân, DN tham gia thanh toán điện tử đối với dịch vụ công. Ngân hàng đã phối hợp với các cơ quan thực hiện hàng loạt dịch vụ thanh toán như thu hộ hàng nghìn tỷ đồng qua tài khoản thẻ bao gồm: Tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí, tiền thuế…

Ngoài ra, BIDV Chi nhánh Bắc Giang phối hợp hiệu quả với các đối tác để đa dạng hóa các kênh thanh toán như: Mua vé máy bay, vé xem phim, truyền hình cáp… Bằng các giải pháp đó, hoạt động TTKDTM trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng trưởng, phát triển mạnh. 5 tháng năm nay, BIDV Chi nhánh Bắc Giang thực hiện 300 nghìn giao dịch TTKDTM với doanh số hơn 80,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 85% tổng doanh số giao dịch của đơn vị, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết thời gian tới, BIDV Chi nhánh Bắc Giang tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giao dịch thanh toán TTKDTM với phương châm lấy người dân là trung tâm phục vụ; phấn đấu mức sử dụng dịch vụ chung của các cơ sở y tế, giáo dục tại các tổ chức tín dụng đạt tối thiểu 50% theo định hướng của UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh.

> Bảo Việt Nhân thọ Bắc Giang chi trả quyền lợi cho khách hàng

Ngày 23/6, Bảo Việt Nhân thọ Bắc Giang tổ chức chương trình “Trao hơn cả cam kết”, mừng sinh nhật và chi trả quyền lợi cho khách hàng. Đến nay, Bảo Việt Nhân thọ đã có 28 năm chăm sóc, phục vụ khách hàng trên cả nước với 25 sản phẩm ưu việt.

Thông qua các sản phẩm bảo hiểm, Bảo Việt Nhân thọ sẻ chia để mỗi gia đình khách hàng được bảo vệ trọn vẹn. Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty Bảo Việt Nhân thọ Bắc Giang chi trả đáo hạn cho hơn 1,4 nghìn hợp đồng với tổng số tiền gần 76 tỷ đồng.

2. Chương trình thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang ngày 23/6/2024 đưa tin

> Thu ngân sách xuất nhập khẩu tăng ba mươi phần trăm so với cùng kỳ năm hai không hai ba

Bây giờ là nội dung chi tiết thưa quý vị và các bạn chi cục hải quan quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang cho biết nửa đầu năm nay giá trị xuất nhập khẩu trên địa bàn ước đạt trên 22.8 tỷ đô la Mỹ tăng 22% so với cùng kỳ năm trước thu ngân sách đạt hơn 1000 tỷ đồng đạt 61 phần trăm dự toán năm và tăng 30 phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Nửa đầu năm chi cục hải quan quản lý các khu công nghiệp bắc giang đã thông quan hơn hai trăm tám mươi hai nghìn tờ khai cho gần một phẩy hai nghìn doanh nghiệp trong đó nhập khẩu hơn mười một tỷ đô la mỹ tăng mười bảy phần trăm so với cùng kỳ xuất khẩu đạt hơn mười một phẩy tám tỷ đô la mỹ tăng hai mươi chín phần trăm so với cầu kỳ các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị tạo tài sản cố định linh kiện điện tử và các sản phẩm công nghệ cao nguyên liệu thực hiện gia công hàng may mặc dụng cụ cầm tay các loại nguyên liệu vật tư khác để phục vụ sản xuất xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm sản xuất gia công dệt may điện tử tấm pin năng lượng mặt trời dự kiến tổng số thu ngân sách nhà nước năm nay đạt một nghìn chín trăm năm mươi lăm tỷ đồng tăng mười lăm phần trăm so với chỉ tiêu được giao.

> Tân yên giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần ba nghìn tỷ đồng

Từ đầu năm đến nay giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện tân yên ước đạt gần ba nghìn tỷ đồng đạt bốn mươi phần trăm so với kế hoạch năm bằng một trăm hai mươi ba phần trăm so với cùng kỳ

Từ đầu năm đến nay hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện được duy trì và phát triển các doanh nghiệp hiện có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có mức tăng trưởng cao đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện điện tử may mặc các sản phẩm từ tiểu thủ công nghiệp phát triển thị trường tiêu thụ ổn định huyện Tân Yên đã tổ chức công bố công khai quy hoạch và mời gọi các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp cụm công nghiệp trên địa bàn từ nay đến cuối năm huyện Tân Yên tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và đầu tư trên Nhật Bản thường xuyên kiểm tra đôn đốc phối hợp cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Phúc Sơn đẩy mạnh thuốc các doanh nghiệp vào đầu tư tại các cụm công nghiệp Đồng Đỉnh và cục công nghiệp nâng cao.

> Giá bán dứa cao hơn so với cùng kỳ khoảng 30%

Dứa đang bước vào giai đoạn cuối vụ, năm nay người trồng dứa hết sức phấn khởi bởi giá bán dứa tăng cao liên tục từ đầu vụ tới nay. Nếu như đầu vụ dứa, giá bán dứa chỉ duy trì ở mức từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg thì càng về cuối vụ giá bán lại càng tăng, hiện mức giá tiêu thụ tại vườn đang là 14.000 - 16.000đ/kg, tăng cao hơn khoảng 4.000đ/kg so với cùng kỳ và đầu vụ. Theo cơ quan chuyên môn thông tin giá bán dứa tăng cao hơn những năm trước là do mọi năm sản lượng vải thiều nhiều người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn, nhưng năm nay sản lượng vải thiều thấp hơn nên đã tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường tiêu thụ trái cây tăng cũng đã kéo theo giá không chỉ quả dứa mà nhiều loại trái cây khác như Dưa hấu, thanh long… cũng tăng theo. Tổng diện tích dứa toàn tỉnh hiện đang duy trì 800 ha, sản lượng ước đạt 12.000 tấn. Đến nay, sản lượng đã thu hoạch khoảng 8.500 tấn.

> Trồng sen lấy củ thu hơn 130 triệu đồng/ha

Thời điểm này, các diện tích trồng sen lấy củ trên địa bàn tỉnh đang cho thu hoạch rộ. Do được chăm sóc tốt nên sản lượng, chất lượng củ sen và giá bán đều ở mức cao. Các diện tích trồng sen lấy củ tập trung chủ yếu ở huyện Yên Dũng với diện tích hơn 25 ha với 2 loại giống chính là sen hương và sen ngọt hay còn gọi là sen cao sản. Nhờ thời tiết thuận lợi, thâm canh đúng kỹ thuật nên năng suất sen hương đạt khoảng 12 tấn/ha, giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg; sen ngọt năng suất đạt gần 22 tấn/ha, giá bán dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Trừ chi phí, người trồng thu lãi bình quân khoảng 138 triệu đồng/ha, sau 6 tháng trồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Ngoài bán củ sen tươi, các hộ trồng sen còn sản xuất trà củ sen và trà lá sen, được người tiêu dùng ưa chuộng nên tiêu thụ khá thuận lợi.

> Nguy cơ mất ATGT tại đường nối quốc lộ 37-17

Tuyến đường nối quốc lộ 37-17 qua địa bàn khu công nghiệp Vân Trung đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Hiện nay tuyến đường này có đông các phương tiện tham gia giao thông nhất là công nhân làm việc tại khu công nghiệp, thế nhưng bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu đi lại của các phương tiện tuyến đường này đang bộc lộ nhiều hạn chế gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khi nhiều cây cối đang bị che khuất tầm nhìn.

Tại khu vực ngã 4 giao nhau giữa đường nối quốc lộ 37-17 qua thôn Si xã Nội Hoàng, luôn có đông các phương tiện. Vị trí này dù đã được lắp đèn cảnh báo thế nhưng vẫn xảy ra 1 số vụ va chạm giao thông vì lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Không chỉ tiềm ẩn mất an toàn giao thông tại những vị trí giao nhau với đường dân sinh, tại nhiều vị trí giao cắt vặn khúc cua mất an toàn giao thông vì cây cối mà um tùm trên dải phân cách cứng nên đã dẫn tới tầm nhìn bị che khuất.

Ngoài một số loại cây cối tự mọc, một số người dân địa phương tận dụng bãi đất trống trên dải phân cách tự ý trồng hoa màu và cây ăn quả.

Tuyến đường nối quốc lộ 37-17 đi qua khu công nghiệp có chiều dài khoảng 10 km và qua địa bàn huyện Yên Dũng và thị xã Việt Yên tuyến đường có nhiều vị trí giao cắt với đường dân sinh, do không thường xuyên được bảo trì nên đã dẫn tới 1 số đoạn bị che khuất tầm nhìn và ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông. Chính vì vậy chính quyền địa phương cần có giải pháp tăng cường quản lý chỉnh trang để phát huy hiệu quả sử dụng cũng như bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này./.

Trung bình (0 Bình chọn)