Tổng hợp tin tức về Bắc Giang trên báo chí ngày 21/6/2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

I. QUA BÁO TRUNG ƯƠNG/NGOÀI TỈNH

> https://congly.vn: Doanh thu từ vải sớm cao kỷ lục từ trước đến nay

Năm nay tổng sản lượng vải sớm của huyện đạt khoảng 15.000 tấn, với giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, doanh thu từ vải sớm đạt khoảng 600 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm ngoái. Đây là doanh thu cao kỷ lục từ trước đến nay, đem lại niềm vui lớn cho người trồng vải.

Năm nay, vải sớm Tân Yên được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường trong và ngoài nước. Trong số gần 15.000 tấn đã tiêu thụ thì có gần 11.000 tấn xuất khẩu đi các thị trường (chiếm trên 73% sản lượng), trong đó xuất khẩu chủ yếu đi thị trường Trung Quốc khoảng 9.000 tấn; các thị trường “khó tính” như Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ... khoảng 2.000 tấn; còn khoảng 4.000 tấn tiêu thụ thị trường nội địa (chiếm khoảng 27% sản lượng). Giá bán vải sớm Tân Yên năm nay ổn định từ đầu đến cuối vụ; tăng từ 15-20% so với năm ngoái, với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg, đặc biệt có khoảng 2/3 sản lượng vải sớm được tiêu thụ với giá cao từ 55.000-70.000 đồng/kg.

Có được kết quả như năm nay, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Yên Ngô Quốc Hưng, đó là do thời gian qua vải sớm Tân Yên đã khẳng định được chất lượng vượt trội, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc và được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn sử dụng.

Huyện Tân Yên là thủ phủ vải sớm của Bắc Giang. Năm 2024, diện tích vải sớm Tân Yên là 1.250ha; trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 900ha; duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 455 ha (duy trì 415ha, mở rộng 40ha). Huyện xây dựng mới 2 vùng sản xuất vải thiều sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 21,6ha, gồm vùng 10 ha tại thôn Quất Du 2, vùng 11,6 ha tại thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa để phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU.

Toàn huyện có 27 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu, gồm 17 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 856 ha, sản lượng 10.200 tấn; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với diện tích 25ha, sản lượng 300 tấn; 2 mã vùng xuất khẩu sang Australia, diện tích 22ha, sản lượng 260 tấn; 2 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, diện tích 21,4ha, sản lượng 250 tấn; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, diện tích 42ha, sản lượng 500 tấn.

> https://www.nguoiduatin.vn: Bắc Giang phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP

Hết năm 2023, Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 60 sản phẩm so với kế hoạch. Trong đó, lần đầu tiên tỉnh có 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng 5 sao cấp quốc gia, 24 sản phẩm 4 sao, 263 sản phẩm 3 sao…

> https://bnews.vn: Bắc Giang kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

 Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, viêm da nổi cục. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, viêm da nổi cục. Nhiều loại bệnh dịch khác có xảy ra, song đã được lực lượng chức năng kiểm soát sớm.

Chăn nuôi của Bắc Giang đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi quy mô trang trại tập trung; chuyển từ sản xuất chăn nuôi sang phát triển kinh tế chăn nuôi; từ sản xuất manh mún sang phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Tỉnh chuyển từ chăn nuôi theo phong trào sang chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi khép kín; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, cũng hỗ trợ tỉnh trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo số liệu thống kê, hiện tổng đàn vật nuôi của tỉnh Bắc Giang gồm: đàn trâu gần 30.000 con; đàn bò trên 107.000 con; đàn dê gần 29.000 con; đàn lợn gần 857.000 con; gia cầm 19,25 triệu con. Tỷ lệ đàn chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 47,6%; tỷ lệ đàn chăn nuôi gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 51%.

Về bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận các ổ dịch tại xã Giáo Liêm, An Lạc, Yên Định, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động), xã Ngọc Thiện, Việt Ngọc (Tân Yên) và xã Yên Lư (Yên Dũng).

Các dịch bệnh khác như tụ huyết trùng gia cầm, Newcastle, dịch tả vịt, tụ huyết trùng lợn, phó thương hàn… xảy ra lẻ tẻ tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, dịch bệnh được kiểm soát và điều trị kịp thời. Mặc dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang được kiểm soát tốt, song các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò… luôn có nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống tổ chức thú y Bắc Giang không còn là ngành dọc từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tại các huyện, thành phố chức năng quản lý nhà nước về thú y giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế thành phố thực hiện nên việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn khó khăn. Cũng bởi vậy nên việc triển khai tiêm phòng ở các địa phương có tiến độ chậm và kết quả đạt thấp. Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thiếu đồng bộ và không nhất quán, thiếu nhân lực chuyên môn thú y để tham mưu, tổ chức phòng chống dịch bệnh.

> https://thuonghieucongluan.com.vn: Mức lương bình quân của công nhân ở Bắc Giang từ 12 đến 20 triệu đồng/tháng

 Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, mức lương bình quân của công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ 8-12 triệu đồng/người/tháng. Đối với lao động kỹ thuật, có bằng cấp, mức lương dao động từ 15-20 triệu đồng/người/tháng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo trong quý III năm nay có 31 doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký tuyển hơn 37,2 nghìn lao động, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong số này, lao động phổ thông chiếm gần 80%, chủ yếu thuộc các ngành: Điện, điện tử (34 nghìn người); may mặc (700 người); pin, năng lượng mặt trời (350 người). DN đăng ký tuyển dụng số lượng lớn đều thuộc khối đầu tư nước ngoài đang mở rộng quy mô sản xuất như: Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology, KCN Vân Trung (17,9 nghìn người); Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam, KCN Vân Trung (5,3 nghìn người); Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam, KCN Quang Châu (3 nghìn người); Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, KCN Quang Châu (2 nghìn người).

Đối với lao động phổ thông, hầu hết các DN tuyển dụng nhân lực từ 18-40 tuổi, có một số công ty tuyển nhân lực đến 45 tuổi (trước đây chủ yếu từ 18-35 tuổi). Mức lương thỏa thuận nhưng vẫn đạt bình quân từ 8-12 triệu đồng/người/tháng. Lao động chưa có tay nghề sẽ được DN hỗ trợ đào tạo tại chỗ ngay sau khi ký hợp đồng. Đối với lao động kỹ thuật, có bằng cấp, mức lương dao động từ 15-20 triệu đồng/người/tháng.

Dự báo trong quý IV, nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng (khoảng 50 nghìn lao động). Để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu nhân lực của DN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục dự báo sát cung - cầu lao động; phổ biến các chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo Luật Việc làm đến vùng nông thôn; duy trì hiệu quả các phiên giao dịch việc làm định kỳ (thứ 5 hằng tuần), phiên trực tuyến tại trung tâm và phiên lưu động ở các địa phương. Đặc biệt, tăng cường kết nối với các tỉnh nằm trong chuỗi hoạt động xúc tiến thu hút lao động (tổ chức tháng 2,3 năm nay), tạo điều kiện thuận lợi để lao động các tỉnh đến Bắc Giang làm việc.

> https://www.mpi.gov.vn: Hội nghị xin ý kiến điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 20/6, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Đinh Trọng Thắng chủ trì Hội nghị xin ý kiến điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích tham dự Hội nghị.

> https://baochinhphu.vn: Bắc Giang tiếp tục kết nối doanh nghiệp và người lao động

Tiếp tục kết nối doanh nghiệp và người lao động, trong 6 tháng đầu năm 2004, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang) đã tổ chức 44 phiên giao dịch việc làm định kỳ, tư vấn cho 10.000 lao động đến đăng ký, tìm hiểu thông tin về việc làm…

> https://baoxaydung.com.vn

* Tập trung cao cho giải ngân vốn đầu tư công

Trong nửa đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của toàn tỉnh Bắc Giang mới đạt hơn 21% kế hoạch. Do đó, tỉnh Bắc Giang đang tập trung quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn trong giai đoạn cuối năm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tính đến tháng 6/2024, tổng các nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước do tỉnh Bắc Giang quản lý là 9.666 tỷ đồng. Tuy nhiên, những tháng đầu năm là khoảng thời gian các chủ đầu tư tập trung giải ngân hoàn thành số vốn kế hoạch năm 2023, hoàn thiện các thủ tục cho quá trình thanh toán vốn đầu tư và khởi công đối với các dự án khởi công mới, các nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 được chấp thuận muộn, nên tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh chưa có kết quả đáng kể, chưa đạt yêu cầu. Tính đến hết ngày 14/6/2024, giá trị giải ngân chung đạt 1.803,5 tỷ đồng, bằng 21,2% kế hoạch. Trong đó, giá trị giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư theo ngành, lĩnh vực đạt 54,2 tỷ đồng, bằng 14% kế hoạch. Nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 167,5 tỷ đồng, bằng 15,5% kế hoạch. Nguồn vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 1.552,2 tỷ đồng, bằng 23,6% kế hoạch…

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và các chủ đầu tư cần tập trung cao, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn, đặc biệt là các dự án lớn, dự án trọng điểm. Tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công qua đó thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại các sở, ngành, cấp huyện, xã và chủ đầu tư…

* Yên Thế (Bắc Giang): Khởi công 176 công trình nhà ở mới cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn

 Từ đầu năm đến nay, huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) đã khởi công 176 công trình nhà ở mới trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo, người có công trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành việc khởi công cho 100% số hộ trong tháng 6 năm nay.

Theo kết quả rà soát, huyện Yên Thế có 245 hộ nghèo, cận nghèo, người có công cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Đến nay đã có 176 công trình được khởi công, trong đó 78 nhà đã hoàn thành (2 nhà xây mới, 76 nhà sửa chữa). Trong số đó có 15 hộ đề xuất tự xóa nhà tạm, dành nguồn hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn. Để bảo đảm khách quan, đúng đối tượng, căn cứ vào đề xuất của các xã, thị trấn, Ban chỉ đạo xóa nhà tạm huyện Yên Thế thành lập Đoàn công tác về tận nơi rà soát, thẩm định. Căn cứ vào kết quả thẩm định, huyện cung cấp danh sách, hoàn cảnh cụ thể của các hộ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để các chủ thể này lựa chọn gia đình hỗ trợ, trực tiếp trao tiền và theo dõi quá trình xây dựng.

Với quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 10, Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Yên Thế đã giao cho UBND các xã, thị trấn cử cán bộ giúp các hộ gặp vướng mắc về đất ở hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với những hộ còn lại, Ban chỉ đạo huyện yêu cầu các xã, thị trấn vận động các hộ khởi công trong tháng 6.

* Hiệp Hòa (Bắc Giang): Phấn đấu cho mục tiêu xây dựng thị xã trong tương lai

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng Hiệp Hoà đạt tiêu chí đô thị loại 4 trước năm 2025, hướng tới trở thành thị xã trước năm 2030. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Từ nỗ lực của chính quyền và người dân, nhiều công trình, dự án đã hoàn thành, góp phần hình thành bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại cho mục tiêu xây dựng thị xã Hiệp Hòa. Với nền tảng hạ tầng cơ sở đã cơ bản hoàn thiện theo tiêu chuẩn đô thị loại IV, thị trấn Thắng đã tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng nâng cấp các công trình phúc lợi, công trình phục vụ dân sinh. Đồng thời chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng mới, tạo không gian đô thị và mỹ quan cho thị trấn Thắng.

Cùng đó, huyện Hiệp Hoà triển khai nhiều dự án quan trọng, bảo đảm cho thị trấn Thắng đáp ứng đủ các tiêu chí cần thiết. UBND huyện đã lập Quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, khu dân cư mới. Quy hoạch và cải tạo hạ tầng khu trung tâm thị trấn Thắng, trong đó cải tạo các tuyến giao thông ở khu trung tâm, mở rộng các nút giao thông, hoàn thiện nền mặt đường, hè đường và hệ thống thoát nước dọc, ngang, hoàn thiện hệ thống cấp điện, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh... Bằng số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng từ ngân sách các cấp, nhiều dự án, công trình đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, tạo cảnh quan khang trang cho thị trấn Thắng - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện…

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với kết quả bước đầu trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 4, đã tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện vững bước xây dựng thị xã Hiệp Hòa trong tương lai.

> https://thuonghieucongluan.com.vn: Công an Bắc Giang áp dụng công nghệ bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT

Công an tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức hội nghị trực tuyến đến điểm cầu công an 10 huyện, thị xã, thành phố nhằm triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ CHQS tỉnh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra vào các ngày 26, 27, 28, 29/6. Cụ thể, ngày 26/6 làm thủ tục dự thi; ngày 27 và 28/6 tổ chức coi thi; ngày 29/6 dự phòng. Năm nay tỉnh Bắc Giang có 41 điểm thi, 941 phòng thi với hơn 21.800 thí sinh đăng ký. Xác định đây là kỳ thi có tầm quan trọng đặc biệt, được sự quan tâm rất lớn của xã hội, diễn ra trên phạm vi toàn quốc, Công an tỉnh Bắc Giang đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công an và Ban Chỉ đạo kỳ thi của tỉnh để ban hành kế hoạch, chủ động các phương án; rà soát, chuẩn bị trang thiết bị, phân công lực lượng chủ chốt thực hiện nhiệm vụ ở các điểm, các khâu của kỳ thi…

Kết luận hội nghị, Đại tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa ngành Công an với ngành Giáo dục; chú trọng xây dựng cơ chế trao đổi thông tin kịp thời, đầy đủ…

> https://conganbacgiang.gov.vn: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam truy nã bị can Trần Công Tùng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang ra Quyết định truy nã số 995/QĐ-CSĐT ngày 08/6/2024 đối với bị can:

Họ và tên: Trần Công Tùng; Giới tính: Nam. Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh. Sinh năm: 1993; Quê quán: Huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; Nơi cư trú: thôn Lầm, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam,  tỉnh Bắc Giang. Họ tên bố: Trần Công Sơn; Họ tên mẹ: Phạm Thị Mai.

Tội danh bị khởi tố: Gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự; Chỗ ở trước khi trốn: thôn Lầm, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam,  tỉnh Bắc Giang. Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam. Đ/c: Tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. ĐT: 0204.3884.205.

II. QUA THỜI SỰ TRONG TỈNH

1. Qua http://baobacgiang.com.vn

> Thành phố Bắc Giang xây dựng nếp sống văn hóa từ ý thức cộng đồng

Thời gian qua, thành phố Bắc Giang đã tích cực triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Đề án 02 ngày 4/3/2021 về tiếp tục thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về xây dựng nếp sống văn hóa người dân thành phố. Cùng với công tác tuyên truyền, vai trò của các mô hình tự quản, tổ liên gia ở cộng đồng dân cư đã phát huy hiệu quả…  Để thực hiện có hiệu quả phong trào, hằng năm Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Công tác gia đình” các cấp tập trung xây dựng các mô hình, điển hình về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh thông qua hoạt động của các tổ liên gia, tổ tự quản khu dân cư. Cùng đó phát huy tinh thần trách nhiệm của các tổ trưởng liên gia, những “hạt nhân” văn hóa ở cơ sở. Toàn thành phố hiện có gần 1,5 nghìn tổ liên gia tự quản là cánh tay nối dài ở khu dân cư….

Qua đánh giá của BCĐ thành phố, mỗi phường, xã có cách làm riêng. Nổi bật là phong trào Ngày Chủ nhật xanh đã trở thành nền nếp của nhiều người dân. BCĐ phong trào thành phố liên tục kiểm tra, đôn đốc và chấm điểm thi đua trong tổ chức thực hiện. Ý thức giữ vệ sinh môi trường tại khu vực sinh sống từng bước được nâng lên, mang lại hiệu quả thiết thực ở những phường, xã ngoại thành. Đơn cử như tại các xã Tân Mỹ, Đồng Sơn, Song Mai, Dĩnh Trì... hàng chục điểm tồn lưu rác đã được giải tỏa. Ngoài ra, các phường, xã còn xây dựng 27 mô hình thôn, tổ dân phố sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn; 20 tuyến đường văn minh đô thị.

Năm 2023, toàn thành phố có 96,29% hộ gia đình, 92,05% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 10 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Gần 200 gia đình văn hóa tiêu biểu được cấp tỉnh, thành phố biểu dương, khen thưởng.

> Giữ vững danh hiệu xã không ma túy

Huyện Hiệp Hòa giáp ranh với các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP Hà Nội. Điều kiện địa lý như vậy tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn và tội phạm ma túy. Trong số 25 xã, thị trấn của huyện hiện có 2 xã được công nhận là địa bàn không ma túy… Năm 2023, toàn tỉnh có 20 xã, phường không ma túy. Đó là: Đại Thành và Đồng Tân (Hiệp Hòa); Lãng Sơn, Lão Hộ (Yên Dũng); Đồng Tâm (Yên Thế); Mỹ Hà (Lạng Giang); Quảng Minh và Ninh Sơn (thị xã Việt Yên); Huyền Sơn và Trường Giang (Lục Nam); Đèo Gia, Sơn Hải, Phong Vân, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Kim Sơn (Lục Ngạn); Hữu Sản, Đại Sơn, Phúc Sơn, Cẩm Đàn (Sơn Động).

> Cứu sống hai bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, sau gần 1 tháng điều trị tích cực, chiều 19/6, hai bệnh nhân bị rắn cắn khi đang ngủ được xuất viện, sức khỏe ổn định.

Đêm 20/5, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận 2 bệnh nhân là C.S.P (23 tuổi) và G.T.M (15 tuổi), quê ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) nhập viện trong tình trạng khó thở, sụp mi mắt, chân tay yếu. Được biết, cả 2 bệnh nhân đều là người dân tộc thiểu số, đang thuê phòng trọ tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng). Đêm 20/5, khi đang ngủ tại phòng trọ, cả hai bị rắn cắn. Nhận định các bệnh nhân đều trong tình trạng rất nặng, mất hết các phản xạ, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Tại đây, các bác sĩ chỉ định đặt ống nội khí quản, hỗ trợ thở máy và tiến hành lọc máu hấp phụ để loại trừ độc chất. Sau hơn 3 tuần điều trị tích cực, sức khỏe của cả 2 bệnh nhân dần cải thiện, tự thở và được rút ống nội khí quản. Đến chiều 19/6, hai bệnh nhân được xuất viện.

Qua thống kê, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận, điều trị cho khoảng 30 trường hợp bị rắn cắn, chủ yếu là rắn hổ mang, cạp nia.

> Công an Bắc Giang khởi tố 5 đối tượng đánh bạc qua mạng

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố vụ án đánh bạc trên mạng giai đoạn 2. Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với N.V.C (SN 2000), trú tại thôn Lã Xá, xã Cẩm Ninh; N.V.Đ (SN 1997), trú tại thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi; T.M.T (SN 1993), trú tại thôn Đồng Tỉnh, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên); P.V.H (SN 2000), trú tại thôn Ô Xuyên, xã Cổ Bì, huyện Bình Giang (Hải Dương) và N.H.S (SN 2002), trú tại thôn Nguộn Ngoài, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Quá trình điều tra ban đầu, cơ quan điều tra xác định qua trang web Clmm.me và Clmmz.me, các đối tượng đã thực hiện hành vi đánh bạc bằng hình thức chuyển tiền qua ví điện tử. Tổng số tiền mỗi đối tượng giao dịch đánh bạc lên tới hàng trăm triệu đồng. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

2. Chương trình thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang ngày 20/6/2024 đưa tin

> Cục thuế tỉnh cho biết trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên nửa đầu năm thu ngân sách toàn tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực toàn diện, góp phần hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định nền kinh tế. Tổng thu nội địa trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt trên 9,8 nghìn tỷ đồng bằng 61,3% so với dự toán UBND tỉnh giao cả năm tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa do ngành thuế quản lý đạt gần 8,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28% bằng 61% dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 1000 tỷ đồng tăng 30% so với cùng kỳ năm trước bằng 61% dự toán đã có 3/15 khoản thu đã hoàn thành dự toán 11/15 khoản thu và 9/10 địa phương đạt trên 50% dự toán. Kết quả này góp phần quan trọng vào việc đảm bảo ổn định thu chi phát triển kinh tế, trong bối cảnh nhiều chính sách tài khóa được triển khai hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nhưng lại giảm nguồn thu.

> Thời điểm này phần lớn diện tích vải thiều cho thu hoạch của tỉnh Bắc Giang đã được tiêu thụ, chỉ còn ít sản lượng tập trung tại huyện Lục Ngạn năm nay vải thiều mất mùa, nhất là đối với vải thiều chính vụ. Có lẽ vì thế mà giá vải thiều liên tục tăng cao và đạt mức giá cao kỷ lục và mất mùa không chỉ khó khăn cho những hộ trồng vải, mà còn khó khăn cho các điểm thu mua hoạt động chế biến. Điều đáng nói trong bối cảnh ấy vẫn có những hộ gia đình được mua giữ ổn định sản lượng.

Những ngày gần đây giá thu mua vải tại vườn cũng như ở các điểm cân trên địa bàn huyện Lục Ngạn liên tục duy trì ở mức giá cao điểm khác biệt so với mọi năm. Từ đầu vụ đến nay giá vải sớm hay vải chính vụ liên tục tăng và đạt những kỷ lục về giá mới, những ngày gần đây vải chính vụ thu mua từ 65 đến 90.000 đồng/kg. Năm nay được mùa giá cao ngất ngưởng gấp 2 thậm chí có thời điểm gấp 3 gấp 4 lần so với mọi năm nhưng việc thu mua cũng khó khăn vì không có hàng, năm nay do tác động của thời tiết các trà vải của tỉnh Bắc Giang bị ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, sản lượng sụt giảm 1 nửa nhất là đối với vải chính vụ giảm tới 60 đến 70%. Điều này khiến cho việc thu mua vải khó khăn hơn rất nhiều dù giá cao.

Theo người dân nơi đây, tại điểm cân thường mọi năm sẽ thu mua từ 40 đến 50 tấn mỗi ngày, nhưng năm nay sản lượng thu mua không được 1 nửa nhu cầu. Năm nay không dễ tìm được những vườn vải trĩu quả. Thế nhưng trong bối cảnh ấy, vẫn có những gia đình được mùa giữ ổn định, sản lượng bất chấp tác động của thời tiết nhiều năm nay gia đình bà Sinh ở xã Phượng Sơn huyện Lục Ngạn vẫn luôn được mùa chỉ với hơn 100 gốc vải nhưng bà cũng thu được từ 9 đến 10 tấn quả giá thu mua cả vườn ngay từ đầu vụ 70.000đ/kg trong sản xuất gia đình bà đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc hữu cơ để đạt năng suất chất lượng sản phẩm. Không phải năm nào, mùa vải nào cũng có được kinh nghiệm và may mắn như gia đình bà Sinh, nhưng rõ ràng câu chuyện về vườn vải của bà Sinh và những hộ gia đình có vải thu hoạch năm nay cũng là 1 thực tiễn về kinh nghiệm. Đối phó với thời tiết trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng vải thiều cho thu hoạch năm nay đã gần hết, thời vụ cũng sắp kết thúc. Để bắt tay vào vụ mới những kinh nghiệm tốt cũng cần được đánh giá để có những mùa vụ thắng lợi tiếp theo./.

Trung bình (0 Bình chọn)