Tổng hợp tin tức về Bắc Giang trên báo chí ngày 17/6/2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

I. QUA BÁO TRUNG ƯƠNG/NGOÀI TỈNH

> https://vov.vn: Vải thiều Lục Ngạn mất mùa, giá tăng cao chóng mặt

Những ngày này, giá thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) liên tục tăng, đạt mốc cao nhất từ trước đến nay. Thậm chí, nhiều điểm cân không có vải để thu mua. Theo các chủ điểm cân vải ở phố Kép, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho biết, những ngày qua giá vải Thanh Hà đạt mốc khoảng 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Hiện nay, dù đã “hạ nhiệt” nhưng điểm cân này vẫn thu mua vải Thanh Hà với giá dao động từ 70-79 nghìn đồng/kg; giá vải chính vụ mua tại vườn dao động từ 65-70 nghìn đồng/kg. Giá 2 loại vải trên tăng gấp gần 3 lần so với cùng thời điểm vụ vải năm 2023. Theo các thương nhân thu mua vải thiều, giá vải tăng là do năm nay sản lượng của Lục Ngạn thấp, ước đạt khoảng 50 nghìn tấn, tương ứng khoảng 50% so với mùa vụ 2023. Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có 125 điểm cân vải cố định, nhưng cũng có nhiều điểm thu mua tạm nghỉ vì giá vải quá cao, trong khi lại thiếu nguồn cung.

Theo ngành chức năng tỉnh Bắc Giang, tính đến hết thời điểm này, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 55 nghìn tấn vải (trong đó, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong vải chín sớm với tổng sản lượng đạt hơn 40 nghìn tấn). Để tăng giá trị quả vải, năm nay, các địa phương, nhất là các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam, Sơn Động tập trung chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm vải thiều có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước, xuất khẩu. Đến nay, công tác thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đang diễn ra thuận lợi. Toàn tỉnh xuất khẩu đạt hơn 21 nghìn tấn vải, còn lại là tiêu thụ tại thị trường trong nước. Giá vải thiều dao động từ 55-85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.

> https://danviet.vn: Cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới ở một huyện miền núi Bắc Giang

Trong những năm qua, kinh tế xã hội huyện Lục Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc cải thiện diện mạo và chất lượng sống của người dân nông thôn. Là huyện miền núi đầu tiên của Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới, Lục Nam đã có cách làm hay, giúp bộ mặt nông thôn phát triển nhanh, đời sống nông dân khấm khá, rất đáng nhân rộng trên cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng/người/năm.

Lục Nam từ một huyện miền núi với rất nhiều khó khăn, khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM chỉ đạt 7,56 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người thấp đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm 22,17%, có 4 xã đặc biệt khó khăn.

Nhưng với sự vào cuộc tích cực của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam, đến nay sau gần 13 năm thực hiện xây NTM, toàn huyện có 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã nông thôn mới nâng cao, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Tổng nguồn vốn huy động trong xây dựng NTM đạt hơn 1.463 tỷ đồng; Gần 600km đường giao thông nông thôn được cứng hóa, cải tạo, nâng cấp. Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học khang trang, rộng rãi. Tại 248/248 thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, sân thể thao diện tích từ 300 m2 trở lên…

Để tiếp tục xây dựng NTM đạt kết quả cao hơn nữa, đưa Lục Nam ngày càng phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam đã đặt ra tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được; khắc phục những mặt còn hạn chế, khó khăn… phấn đấu xây dựng huyện NTM nâng cao trong giai đoạn 2026-2030.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Bảo Đài, Đông Phú, Đông Hưng, Yên Sơn, Thanh Lâm), đạt 21,7%; có thêm từ 7-10 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn NTM kiểu mẫu đạt 25-30 thôn. Với những nỗ lực không ngừng, Lục Nam đã từng bước hoàn thiện diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là những bài học quý báu có thể áp dụng cho các địa phương khác trong quá trình xây dựng NTM.

> https://phunuvietnam.vn: Tiền công 1,4 triệu đồng/tấn, "cửu vạn" bốc xếp vải bất chấp thời tiết nắng nóng như đổ lửa

Trong tiết trời nắng nóng, oi bức giữa tháng 6 ở Lục Ngạn (Bắc Giang), những nông dân nơi đây vẫn tất bật thu hoạch những sọt vải cuối cùng để bán cho thương lái với giá cao. Tuy nhiên, không chỉ có những người nông dân tại đây tất bật, các "cửu vạn" cũng đang ngày đêm đóng gói, bốc vác những thùng xốp đựng vải cho kịp chuyến hàng. Thời điểm này hàng năm, nơi đây thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông bởi lượng người chở vải thiều đến bán cho thương lái đông nghịt. Tuy nhiên, do năm nay vải thiều mất mùa, sản lượng giảm nên không còn cảnh ùn tắc.

Ghi nhận của phóng viên vào sáng ngày 15/6, tại chợ Chũ (huyện Lục Ngạn), một trong những chợ thu mua vải lớn nhất trong huyện, người dân chở vải đến bán cho thương lái không nhiều. Chính vì vậy, việc thu mua của các thương lái trở lên khó khăn hơn khi số lượng vải ngày càng một ít. Tuy nhiên, các chủ cơ sở thu mua vải vẫn thường xuyên phải thuê các "cửu vạn" làm việc thời vụ để bốc vác vải liên tục suốt thời vụ cho kịp các chuyến hàng vận chuyển đi nơi khác.

Tại cơ sở thu mua và đóng gói của cô Nguyễn Thị Hòa (42 tuổi) ở Lục Ngạn có hơn 10 công nhân đang tất bật kiểm tra vải, ướp đá, đóng thùng xốp… cho đến bốc vác các thùng xốp vải lên các xe chở hàng để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Theo đó, các "cửu vạn" được trả 1,4 triệu đồng cho mỗi tấn vải thành phẩm. Tùy vào khối lượng công việc mỗi ngày, nếu nhiều hàng, mỗi người có thể sẽ thu nhập khoảng 1 đến 2 triệu đồng/ngày.

Làm ở vị trí nhẹ nhàng hơn, chị Chu Thị Chuyên (37 tuổi, trú Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: "Công việc của tôi là cắt râu, loại bỏ quả vải hỏng. Hôm nào nhiều hàng thì họ trả theo tiếng, mỗi tiếng khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/giờ. Nếu chỉ có 1 xe thì tính theo xe, khoảng 250.000 đến 300.000 đồng/xe". Cũng theo một số "cửu vạn" cho hay, làm việc bốc vác mất nhiều sức, thời điểm hàng về nhiều phải làm liên tục không được nghỉ, cùng với thời tiết khắc nghiệt của hè, người nào không quen không làm được công việc này.

> https://antv.gov.vn: Chủ tịch tỉnh Bắc Giang yêu cầu làm rõ trách nhiệm vụ cháy khiến 3 người tử vong

Liên quan vụ cháy khiến 3 người tử vong, xạy ra vào rạng sáng nay, 16/6 tại nhà bà Đào Thị Hường, trú thành phố Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu lực lượng chức năng khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có)…

> https://vov.vn: Xử lý hoạt động vận chuyển gỗ gây mất ATGT ở Bắc Giang

Trên địa bàn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 120 cơ sở chế biến lâm sản, tập trung ở các xã: Lục Sơn, Bình Sơn, Vô Tranh, Trường Sơn, Thanh Lâm, Bảo Sơn... Để vận chuyển gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nhiều lái xe đã sử dụng xe tải cơi nới kích thước thùng hàng, chở cồng kềnh, quá khổ, quá tải, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, gây xuống cấp các tuyến đường.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động này trên địa bàn, Công an huyện Lục Nam ( Công an tỉnh Bắc Giang) đã chỉ đạo công an các xã, thị trấn trực tiếp đến các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ, chủ phương tiện, lái xe tuyên truyền, vận động và ký cam kết chấp hành nghiêm túc, đầy đủ quy định về trật tự ATGT.

Yêu cầu không sử dụng phương tiện cơi nới thành thùng, hết kiểm định, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; không bốc xếp hàng quá khổ, quá tải tại các điểm bến bãi, kho xưởng; có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường. Điều kiện phương tiện chấp hành nghiêm quy tắc tham gia giao thông đường bộ; chạy đúng tốc độ, đi đúng làn đường, phần đường; dừng đỗ, lùi xe đúng quy định…

Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Lục Nam ( Công an tỉnh Bắc Giang) lập biên bản xử lý 18 trường hợp ô tô tải vận chuyển nguyên liệu gỗ, xử phạt 142,5 triệu đồng, chủ yếu vi phạm về quá tải, chở hàng vượt quá chiều dài thùng xe, hết hạn kiểm định, cơi nới thùng hàng…

> https://thanhtra.com.vn: Xét xử vụ Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group kiện quyết định hành chính

Ngày 17/6, Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang sẽ tiến hành mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hành chính thụ lý số 91/2004/TLST-HC ngày 7/3/2024 về việc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group. Người khởi kiện là Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Luyến, Giám đốc. Địa chỉ trụ sở chính là lô số 11, 12A-LK27, đường Tôn Đức Thắng, khu số 1, khu đô thị phía Nam, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Người đại diện theo uỷ quyền của Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group là bà Nguyễn Ngọc Luyên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty.

Người bị kiện là Chánh Thanh tra Sở Tư pháp và Trưởng phòng Hành chính Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang. Được biết, Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group đề nghị Toà án tuyên huỷ các quyết định hành chính: Tuyên hành vi lập Biên bản vi phạm hành chính số 15/BB-VPHC lập ngày 27/12/2003 là trái quy định pháp luật; huỷ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 56/QĐ-XPHC ngày 29/12/2023 của Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang. Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Sở Tư pháp; bà Nguyễn Ngọc Luyên, Chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group; Trung tâm Phát trển quỹ đất và quản lý trật tự giao thông, xây dựng, môi trường huyện Tân Yên…

II. QUA THỜI SỰ TRONG TỈNH

1. Qua http://baobacgiang.com.vn

> Nguồn cung giảm, giá lợn tăng cao

Theo cơ quan chức năng, giá lợn hơi hiện cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, dao động từ 69 đến 71 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có thể đạt lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng/con khi xuất chuồng. Đây được xem là đợt tăng giá bất thường so với quy luật thị trường. Thường vào mùa hè, giá lợn hơi ít biến động hơn các thời điểm khác trong năm.

Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn ra tại nhiều địa phương trong nước. Thực tế đó dẫn đến sản lượng lợn xuất chuồng hiện nay giảm mạnh, nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu. Theo Chi cục Thống kê tỉnh Bắc Giang, hiện tổng đàn lợn của tỉnh là hơn 856 nghìn con, bằng 97,21% so với cùng kỳ năm trước. Dù tăng giá mạnh song theo ngành chuyên môn, người chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn đầu tư tái đàn vì lo ngại dịch bệnh. Do dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi chưa yên tâm vào đàn mới, tạm thời treo chuồng hoặc chuyển đổi sang các mô hình sản xuất khác nhằm hạn chế rủi ro. Vì giá lợn hơi tăng cao nên giá bán thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò, chả, xúc xích, nem... cũng tăng đáng kể.

> BHXH tỉnh Bắc Giang khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn, cuộc gọi để tránh bị lừa đảo

Thời gian qua, BHXH tỉnh Bắc Giang nhận được thông tin phản ánh từ người dân, người lao động về việc một số đối tượng tự xưng là nhân viên cơ quan BHXH gọi điện, nhắn tin cho người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp yêu cầu người dân đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID - BHXH số bằng cách truy cập vào đường link lạ có đuôi “.govvvn.com” trên thiết bị di động và làm theo hướng dẫn. Tại đây màn hình hiển thị giao diện giống với ứng dụng “VssID - BHXH số” của ngành BHXH. Đối tượng yêu cầu người dân, người lao động nhập số điện thoại và mật khẩu bất kỳ vào giao diện này, sau khi nhập các thông tin như hướng dẫn, người dân mất toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình.

Vừa qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng đã có trường hợp mạo danh người của cơ quan BHXH để lừa đảo bằng việc gọi điện đến người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT thông báo rằng sẽ nhận được món quà có giá trị từ cơ quan BHXH nhưng phải thanh toán một khoản lệ phí nhất định bằng tiền. Ông Nguyễn Quang Quyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang vừa cho biết: Hiện tại, BHXH tỉnh Bắc Giang, BHXH các huyện, thị xã của tỉnh không có chủ trương gọi điện thoại hay nhắn tin yêu cầu người lao động, người dân cập nhật thông tin trên “ứng dụng VssID - BHXH số” hoặc cập nhật vào dữ liệu đang quản lý. Mọi hành vi gọi điện, nhắn tin yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân dạng này đều là giả mạo.

> Hiệp Hòa: Giá trúng 75 lô đất tăng gần 50 tỷ đồng so với khởi điểm

Ngày 15/6, tại huyện Hiệp Hòa diễn ra cuộc đấu giá quyền sử dụng 76 lô đất ở. Kết quả, 75/76 lô đất trúng đấu giá, giá tăng cao so với khởi điểm.

Được đưa ra đấu giá đợt này là 76 lô đất thuộc Khu đô thị số 4, thị trấn Thắng. Đây là phiên thứ 5 từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện với gần 200 khách hàng, nộp tổng số 526 hồ sơ. Trong các khách hàng tham gia có nhiều người đến từ Bắc Ninh, TP Hà Nội thay vì đa phần là khách trong tỉnh như những phiên trước.

Kết quả 75/76 lô đất được đấu giá thành công (một lô không có khách hàng trả giá). Tổng giá trúng hơn 176 tỷ đồng, tăng gần 50 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trước đó, không chỉ huyện Hiệp Hòa mà tại các địa phương khác như: Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng cũng có kết quả đấu giá đất nền tăng cao.

> Bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa bão: Tập trung khắc phục, bảo vệ các điểm xung yếu

Dự báo, thời tiết năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra giông lốc, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, đe dọa sự an toàn của các tuyến đê và nhiều hồ đập cao. Để bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã rà soát, xác định rõ những điểm xung yếu, từ đó chủ động phương án bảo vệ.

Bắc Giang có nhiều sông, hồ, đập, các tuyến đê kéo dài được xây dựng từ nhiều năm trước; một số điểm đến nay xuống cấp. Trước mùa mưa bão năm nay, Bộ CHQS tỉnh đã khảo sát chỉ ra 19 điểm xung yếu cảnh báo các cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm, bảo vệ. Bao gồm 7 tuyến đê, còn lại là kè, cống, hồ đập tập trung ở 10 huyện, thị xã, TP của tỉnh. Trong đó, địa phương có nhiều khu vực xung yếu nhất là huyện Hiệp Hòa (4 điểm)…

2. Chương trình thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang ngày 13/6/2024 đưa tin

> Cục thuế tỉnh cho biết kết thúc 5 tháng thu ngân sách toàn tỉnh đạt hơn 7,2 nghìn tỷ đồng đạt 50,4% dự toán tỉnh giao và tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó số thu từ thuế phí đạt hơn 5,3 nghìn tỷ đồng đạt gần 69% dự toán tỉnh giao thu tiền sử dụng đất đạt hơn 1,9 nghìn tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ và đạt hơn 33% dự toán có 12/15 khoản thu tăng cao hơn cùng kỳ. Trong đó nổi bật có 3 khoản thu đã vượt dự toán cả năm gồm thu từ doanh nghiệp nhà nước của địa phương, thu từ doanh nghiệp đầu tư từ nước ngoài, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Số thu ngân sách đạt khá so với dự toán và tăng so với cùng kỳ Phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế và những nỗ lực của ngành thuế và các địa phương. Đó việc thực hiện các chính sách miễn giảm thuế phí tác động tích cực đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp và số thu nộp ngân sách nhà nước thời gian tới ngành thuế tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ về ngân sách nhà nước.

> Sau bốn năm liên tiếp ngành nông nghiệp duy trì cả tăng trưởng. Những tháng đầu năm nay sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, không thuận lợi cho lĩnh vực trồng trọt. Nhất là việc giao hoa đậu quả trên quả vải. Tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng, tuy nhiên nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển ổn định tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,82%. Có được kết quả này là do UBND tỉnh đã chỉ đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn. Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ sản xuất vào thực tiễn. Tăng cường phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, do vậy năng suất lúa dự kiến đạt 60,5 tạ/1 héc ta cao hơn cùng kỳ 0,6 tạ/1 héc ta. Vải thiều mặc dù sản lượng giảm nhưng chất lượng quả vải được nâng lên, tiêu thụ thuận lợi giá bán tăng từ một 1,5 đến 2 lần so với năm trước.

> Chăn nuôi phát triển và đang có sự chuyển dịch mạnh theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi tập trung quy mô trang trại sản phẩm chăn nuôi không chỉ phục vụ cho tiêu thụ nội tỉnh mà còn xuất bán khoảng 60% ra các tỉnh thành lân cận thủy sản phát triển theo hướng thâm canh, thâm canh cao theo tiêu chuẩn VietGap và tự động hóa được mở rộng lâm nghiệp phát triển ổn định bền vững gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái.

> Những lô vải thiều tươi đầu tiên cho vụ này của tỉnh Bắc Giang đã lên kệ của chuỗi Gouret Market trong các trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. Đây là năm thứ hai liên tiếp tập đoàn The Mall Thái Lan hợp tác với một doanh nghiệp chế biến nông sản của tỉnh, đưa vải thiều và thị trường có thế mạnh về trái cây như Thái Lan.

Ở Bangkok bắt đầu từ ngày hôm qua 15 tháng 6 toàn bộ lô vải này được lựa chọn từ vùng vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Thái Lan với sự hợp tác của công ty cổ phần xuất nhập khẩu Viphoco Bắc Giang và tập đoàn The Mall Thái Lan. Bên cạnh đó để vải thiều của Việt Nam đến được với nhiều người tiêu dùng Thái Lan, năm nay chuỗi hệ thống siêu thị Gouret Market đã phối hợp với sáng kiến của 1 người việt trẻ tâm huyết xây dựng thương hiệu nông sản Việt ra mắt chiến dịch quảng bá vải ngon nhất từ Việt Nam lần đầu tiên tại Thái Lan trong năm 2024. Thông qua các bộ tích cơ hình trái vải với nhiều biểu cảm ngộ nghĩnh khác nhau, được thể hiện bằng tiếng Thái giúp giới thiệu hương vị độc đáo của vải thiều Việt Nam với người tiêu dùng Thái Lan. Đây là hình thức quảng bá mới nhằm tiếp cận người tiêu dùng bản địa tại Thái Lan, chiến dịch quảng bá này sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 7 tại 8 siêu thị hàng đầu của các trung tâm thương mại lớn thuộc chuỗi Gouret Market./.

Trung bình (0 Bình chọn)