Phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Doan tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 10/3, tại Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang tổ chức kỷ niệm 25 năm (1999-2024) thành lập. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã dự và phát biểu tại buổi lễ. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Kính thưa đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND các cấp!

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh và các cấp!

Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Trước tiên, thay mặt cho Thường trực Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể đội ngũ cán bộ khuyến học các các cấp tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công nhân dịp đầu xuân mới 2024.

Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Nhìn lại 25 năm xây dựng và phát triển của Hội Khuyến học tỉnh nhà, gia đình Khuyến học Việt Nam rất đỗi tự hào vì có một thành viên phát triển không ngừng, phát triển vững chắc và có nhiều đóng góp cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Giang trong suốt những năm qua. Hội đã thực hiện tốt 3 chức năng được Đảng, Nhà nước giao theo Quyết định số 122/TTg thành lập Hội (29/2/1996):

1. Khuyến khích và thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên trong Nhân dân.

2. Hỗ trợ hoạt động dạy và học trong hệ thống giáo dục, thông qua các mô hình học tập. Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo. Khuyến khích học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, giúp đỡ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

3. Gắn kết, phối hợp với các lực lượng xã hội chung tay xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa. Ai cũng phải học tập suốt đời, giúp người khác học suốt đời.

Có thể thấy rõ sự phát triển toàn diện của Hội Khuyến học tỉnh ta trên tất cả các lĩnh vực. Tổ chức Hội đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, dòng họ và các trường học. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp Hội triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Hội trong suốt những năm qua. Cùng với phát triển tổ chức Hội và hội viên, Hội đã coi trọng và tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, lan tỏa các tấm gương học tập tốt, để Nhân dân hiểu về tầm quan trọng của sự học, của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong phát triển bền vững bản thân, gia đình, dòng họ và toàn tỉnh. Chính vì vậy, Hội đã góp phần đáng kể vào thay đổi nhận thức của Nhân dân trong tỉnh về sự học. Từ nhận thức đúng sẽ biến thành hành động. Chính vì vậy mà Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang đã tham mưu và triển khai tốt các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được Tỉnh ủy, UBND giao trong từng giai đoạn phát triển thông qua các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Quy mô và vị thế của Hội Khuyến học tỉnh không ngừng phát triển và nâng cao. Thông qua việc thực hiện các mô hình học tập Chính phủ giao, Hội Khuyến học Việt Nam triển khai trong toàn hệ thống, Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, luôn được xếp vào tốp đầu cả nước về thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần tô thắm và làm sinh động hơn bức tranh khuyến học đa sắc màu của Hội Khuyến học Việt Nam, góp phần phát huy truyền thống hiếu học của Nhân dân Bắc Giang anh hùng mà cụ Tiến sĩ Thân Nhân Trung là một biểu tượng sáng ngời của tinh thần đó. Trí tuệ và học nghiệp của Cụ được sử sách lưu truyền. Vị hiệu trưởng của trường đại học đầu tiên của Quốc gia (Quốc Tử Giám) đã để lại cho Nhân dân tỉnh Bắc Giang tinh thần hiếu học, học tập suốt đời, bởi người tuy hơn 50 tuổi mới tham gia kỳ thi Hội khoa thi Kỷ Sửu nhưng đã được lưu giữ chức quan đến cuối đời và chỉ nghỉ ngơi ở tuổi ngoài 80. Hiếm có ai được triều đình tin tưởng và để lại tiếng thơm muôn thủa như tiến sĩ Thân Nhân Trung. Hôm nay, Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang tổ chức sự kiện quan trọng này ở chính Đền thờ của Cụ, tôi muốn nhắc lại tấm gương của tiến sĩ Thân Nhân Trung để Hội Khuyến học và tất cả chúng ta tự hào về Người và tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học của một danh nhân lịch sử, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Cụ không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân tỉnh Bắc Giang mà của Nhân dân cả nước.

Suốt 25 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang đã góp phần phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng và đã hỗ trợ hệ thống giáo dục ở các nhà trường, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh phát triển. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn của tỉnh được nâng lên. Đặc biệt thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế được đứng thứ 7 cả nước về số giải Nhất, đứng thứ 12 cả nước về số lượng giải. Hiện nay, Bắc Giang tự hào vì đã vượt qua mọi khó khăn do dịch bệnh bùng phát, là tâm dịch của cả nước nhưng đã vươn lên đứng đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI đứng thứ 4 cả nước. Đặc biệt đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong các khu dân cư được nâng lên. Thu nhập của người dân ổn định và tăng trưởng, đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện. Đây là hai nhân tố quan trọng bậc nhất nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội, bảo đảm cho Bắc Giang phát triển bền vững. Hội Khuyến học tỉnh đã góp phần quan trọng vào sự phát triển này bởi vì Hội đã triển khai tốt các mô hình học tập, thúc đẩy sự học trong Nhân dân, hỗ trợ thầy, trò của các nhà trường nhằm thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tri thức của Đảng và Nhà nước, tạo nguồn lực giúp học sinh, sinh viên, đặc biệt là các cháu nghèo có cơ hội học tập, giúp các thầy cô giáo giảng dạy tốt hơn thông qua quỹ khuyến học các cấp.

Nhìn lại lịch sử 25 năm qua của Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang, chúng ta thấy rất rõ những thành công đáng tự hào của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh. Có được điều đó là do lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã rất quan tâm đến sự học của Nhân dân trong tỉnh, biểu hiện là ở sự cho ra đời và phát triển của Hội. Người sáng lập Hội là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ và lần lượt hầu hết các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm Chủ tịch Hội (Các đồng chí Phó Chủ tịch Hội hầu hết xuất phát từ ngành giáo dục, am hiểu tình hình, tinh thông nghiệp vụ và những đồng chí Phó Chủ tịch Hội khác đều từ Ủy ban MTTQ tỉnh về làm công tác Hội, có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, huy động nguồn lực). Chính vì vậy, việc tham mưu ban hành các chỉ thị, nghị quyết về triển khai nhiệm vụ, việc huy động và tạo mối liên hệ phối kết hợp giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, phát huy nguồn lực của tỉnh cho sự học có nhiều thuận lợi, là nền tảng cho sự thành công của Hội như ngày nay. Tất cả những yếu tố căn bản đó là động lực, là điều kiện bảo đảm cho công tác Hội thành công. Hơn nữa, các thế hệ cán bộ làm khuyến học các cấp của tỉnh giàu kinh nghiệm lại hết sức mẫn cán, tận tụy, thầm lặng cống hiến cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục, đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho Bắc Giang và cả nước cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và sự đồng thuận của Nhân dân đã tạo yếu tố vật chất và tinh thần để Hội Khuyến học tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Thay mặt cho Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, tôi xin chúc mừng những thành công của Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang suốt 25 năm qua. Nhân sự kiện quan trọng này, xin chúc mừng Hội đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, của tỉnh và của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Cuộc Cách mạng 4.0 với 3 trụ cột chính: Sự phát triển của khoa học công nghệ; sự phát triển của trí tuệ nhân tạo; sự phát triển của Internet... đang tác động mạnh mẽ một cách khách quan đến sự phát triển của tất cả các quốc gia, không kể là quốc gia giàu, hay nghèo. Khó khăn hay thuận lợi và sự phát triển và tác động khôn lường này cũng không loại trừ ai trong tất cả chúng ta từ già đến trẻ. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác cạn kiệt, không thể tái tạo, sự già hóa dân số diễn ra nhanh, thế giới đang có những biến đổi nhanh chóng từ biến đổi khí hậu cho đến chiến tranh. Trong điều kiện đó, để phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể phát huy tối đa nguồn nhân lực thông qua học tập, học tập suốt đời của tất cả Nhân dân Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có thế mạnh là nguồn nhân lực trẻ, thông minh, sáng tạo, năng động. Đây mới là nguồn tài nguyên giàu có vô giá của đất nước, càng khai thác, càng được bồi đắp, càng giàu lên chứ không mất đi, không thể tái tạo như tài nguyên thiên nhiên. Vấn đề là nguồn tài nguyên này được sử dụng và khai thác như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng. Chính vì tầm quan trọng của nó nên Bác Hồ đã từng dạy: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Tại sao Bác không nói: Nhờ vào việc khai thác tài nguyên khoảng sản của đất nước mà lại nhắc đến sự học. Trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám có khắc ghi dòng chữ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn...". Vì thế các bậc đế vương coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc cần thiết. Từ năm 1442, Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã viết như vậy. Do đó, trong thời gian tới, phát huy truyền thống hiếu học của Tiến sỹ Thân Nhân Trung, thực hiện lời dạy của Bác, phát huy thành tích đã đạt được suốt 25 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang cần tập trung liên kết, phối hợp, thúc đẩy sự học trong Nhân dân tốt hơn nữa. Thông qua thực hiện 5 mô hình học tập để tất cả mọi người có thể bồi đắp tri thức, nâng cao năng lực toàn diện góp phần thực hiện tốt đột phá chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Nghị quyết của Đảng lần thứ 12, 13 đã nêu. Thực tế vừa qua đã chứng minh: Học là một nghề gốc của mọi nghề, ai cũng phải học, học không có rào cản về tuổi tác, về địa vị xã hội, vấn đề là ai sẽ tận dụng cơ hội để học tập và tạo điều kiện cho con cháu học tập để thành công. Nhiều người ngoài 70, 80 tuổi mới đi học lấy bằng phổ thông trung học, Đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và Hội Khuyến học Việt Nam đã trao học bổng “Học không bao giờ cùng" cho những học sinh này. Chưa bao giờ nhận thức của người dân về sự học lại phát triển như hiện nay. Hội Khuyến học cần tận dụng cơ hội này để giúp UBND thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển tỉnh bằng tri thức, bằng trí tuệ, trí thông minh và sự sáng tạo, để Bắc Giang thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tôi cho rằng: Muốn phát huy được thế mạnh của tỉnh, giữ vững vị trí đứng đầu cả nước hiện nay, Hội Khuyến học và Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh ta cần nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để tỉnh đăng ký thành phố Bắc Giang vào mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vì thành phố Bắc Giang có đầy đủ điều kiện để đăng ký trở thành thành phố học tập được UNESCO công nhận. Hiện Việt Nam mới có 5 thành phố được công nhận Thành phố học tập: Sa Đéc, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Vinh (Nghệ An) và thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Sơn La vừa được công nhận. Trong khi chúng ta có điều kiện trở thành “Thành phố học tập” theo tiêu chí của UNESCO.

Muốn trở thành “Thành phố học tập” trong mạng lưới của UNESCO thì:

1. Chính quyền cần có cam kết mạnh mẽ về tạo cơ hội công bằng, bình đẳng trong học tập cho tất cả công dân trong tỉnh (thành phố) để mọi người có thể học ở mọi nơi và phải xây dựng văn hóa học tập suốt đời.

2. Đầu tư nguồn tài chính, nhân sự cho sự học của Nhân dân.

3. Sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành.

4. Sự đồng thuận của Nhân dân.

Với mong muốn tỉnh Bắc Giang có thành phố học tập, đề nghị Hội Khuyến học tỉnh tham mưu tích cực để thực hiện quy trình đăng ký vào mạng lưới này. Nếu được công nhận thì đây là niềm tự hào cho tỉnh Bắc Giang. Có nhiều lợi ích được mang lại cho tỉnh và nhân dân từ sự kiện này.

Cuối cùng, xin chúc Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang ngày càng phát triển và luôn giữ vị trí tốp đầu của Hội Khuyến học cả nước trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Chúc mỗi cán bộ, hội viên Hội Khuyến học và Nhân dân trong tỉnh đều trở thành công dân học tập, tích cực học tập trên nền tảng số, đóng góp tích cực vào việc xây dựng con đường tri thức để Bắc Giang phát triển bền vững.

Chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc tỉnh Bắc Giang sớm có “Thành phố học tập” được UNESCO công nhận, Bắc Giang luôn giữ được vị trí hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. 

Xin trân trọng cảm ơn!

BGP

Trung bình (0 Bình chọn)