Tập trung huy động mọi nguồn lực, hoàn thành mục tiêu kinh tế- xã hội

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 01/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6 với lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đã tiến hành trao đổi, thảo luận đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang có Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lại Thanh Sơn, Dương Văn Thái, Nguyễn Thị Thu Hà, Lê Ánh Dương.

Nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng

Tại phiên họp, làm rõ mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp so với cùng kỳ, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNN Cao Đức Phát, cần phải đánh giá lại tình hình sản xuất nông nghiệp và phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 Các địa phương cũng cần phải tiếp tục chủ động duy trì phát triển thị trường trên cơ sở mở rộng sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tận dụng cơ hội để đẩy mạnh sản xuất, mở rộng diện tích canh tác, thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất. Đồng thời, lãnh đạo địa phương cần đôn đốc sắp xếp lại các nông-lâm trường quốc doanh và tập trung tổ chức lại hợp tác xã nông nghiệp. Có phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới và tập trung hơn nữa trong viện đẩy mạnh xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn….

 Với những giải pháp cụ thể của các địa phương hy vọng sẽ góp phần tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm, đồng thời thúc đẩy khôi phục ngành nông nghiệp trong nước, để nông nghiệp đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP của cả nước trong 6 tháng cuối năm.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định thêm, từ nay đến cuối năm, kinh tế khó có đột biến do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhất là giá dầu thô có nhiều biến động, do đó sẽ tác động làm ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản xuất trong nước và ảnh hưởng tới nền kinh tế. Mặt khác, thị trường xuất khẩu mặt hàng nông- lâm- thủy sản của nước ta, sức cạnh trạnh còn thấp, nên cũng gây khó khăn cho sự phục hồi nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Theo nhận định, khả năng  trong 6 tháng cuối năm, công nghiệp sẽ có đà tăng trưởng mạnh hơn (nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo). Nếu tập trung hết nguồn lực thì mức tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể đạt được mục tiêu.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%, thì 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP của cả nước phải đạt 7,57%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm. Các đại biểu cho rằng, đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh tình hình hiện nay. Để đạt được tốc độ tăng trưởng này, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung huy động mọi nguồn lực; đồng thời đẩy mạnh việc rà soát lại tất cả các chính sách liên quan đến đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, đề xuất các cấp có thẩm quyền để giải quyết các vướng mắc phát sinh một cách kịp thời.

Các thành viên Chính phủ và đại diện lãnh đạo các địa phương đã thảo luận nhiều vấn đề còn tồn tại trong phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, nhất là vấn đề về cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ; chính sách tinh giảm biên chế; bố chí nguồn kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; khôi phục sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp sau các sự cố vừa xảy ra gây ảnh hưởng tới nền nông nghiệp trong nước; thu phí giao thông đường bộ; tín dụng đen tại khu vực nông thôn; vấn đề xóa bỏ dần cơ chế bao cấp dịch vụ công; chính sách hỗ trợ ngư dân vùng biển; vấn đề phát triển nhà ở công nhân lao động tại địa phương...

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ

Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và dự báo cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu; ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Để đạt được mục tiêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, có chuyển biến thực sự từ nhận thức đến hành động từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách tài khóa. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các cấp chính quyền địa phương đi đôi với việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phải tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính, trước hết là đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, khởi nghiệp. Theo dõi sát tình hình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xử lý nghiêm những trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, cửa quyền… trong quan hệ xử lý các công việc của doanh nghiệp và của người dân.

 Cùng với đó, thực hiện các giải pháp, chính sách về ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội./.

Trung bình (0 Bình chọn)