Tập trung chỉ đạo sản xuất vải thiều phục vụ xuất khẩu năm 2023

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa có Công văn đề nghị UBND các huyện có vùng sản xuất vải thiều trọng điểm và các đơn vị liên quan tập trung công tác chỉ đạo sản xuất vải thiều phục vụ xuất khẩu năm 2023.
Tập trung công tác chỉ đạo sản xuất vải thiều phục vụ xuất khẩu năm 2023. Ảnh minh họa.

Theo đó, niên vụ vải thiều năm 2022 - 2023, từ đầu vụ đến nay cơ bản diễn ra thuận lợi, điều kiện thời tiết nhiệt độ, ẩm độ thấp rất phù hợp với thời kỳ phân hóa mầm hoa. Hiện nay, vải thiều sớm đang giai đoạn ra hoa (chùm hoa dài 7-8 cm), ước tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%; vải thiều chính vụ đang giai đoạn phân hóa mầm hoa, dự báo tỷ lệ ra hoa sẽ đạt trên 80%.

Để đảm bảo có đủ sản lượng vải thiều đáp ứng các yêu cầu điều kiện về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đề nghị UBND các huyện sản xuất vải thiều trọng điểm chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát, thiết lập hồ sơ cấp bổ sung mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đảm bảo đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đề nghị thu hồi hoặc hủy bỏ đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo đúng quy định; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo các yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU... Bố trí kinh phí hỗ trợ vật tư phục vụ sản xuất cho nông dân (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón); nơi cất giữ, nơi chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; phân tích mẫu quả vải về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch; chứng nhận vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xúc tiến thương mại, mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều xuất khẩu; hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc nông dân tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vải thiều, đảm bảo toàn bộ sản lượng vải thiều vùng xuất khẩu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và kinh doanh vải thiều trên địa bàn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra, thẩm định kết quả rà soát các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của các huyện đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp bổ sung mã số vùng trồng đảm bảo diện tích sản xuất phục vụ xuất khẩu. Phối hợp với cơ quan chuyên môn của các huyện theo dõi, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn, giám sát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất vải thiều, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU... Tổ chức tập huấn cho nông dân tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu; hỗ trợ công tác phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng trồng vải trước khi xuất khẩu.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản thực hiện tốt công tác phối hợp chỉ đạo sản xuất đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt quan tâm đến vùng sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...; tổ chức kiểm tra thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản...

Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Nguyễn Miền

Trung bình (0 Bình chọn)