Tăng trưởng 'lệch pha' trên toàn cầu với 3 rủi ro

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tăng trưởng sẽ không đồng đều trên toàn cầu và khó trở lại mức trước đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.

Tăng trưởng 'lệch pha' trên toàn cầu với 3 rủi ro- Ảnh 1.

Trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo TTXVN, nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill nhận định mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu dường như đang dần ổn định sau tác động của đại dịch, xung đột, lạm phát và các chính sách thắt chặt tiền tệ, song mức tăng trưởng hiện nay lại thấp hơn so với trước năm 2020.

3 rủi ro với tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Các chuyên gia WB cũng chỉ ra ba rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị và các vấn đề chính trị. WB dự báo lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 3,5% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống mức 2,9% trong năm 2025. Tuy nhiên, lãi suất trên toàn thế giới được dự báo vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 4% trong giai đoạn 2025 và 2026 - gần gấp đôi mức trung bình trong 20 năm trước đại dịch.

Trong những tuần gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã cắt giảm lãi suất cơ bản, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất lần thứ bảy liên tiếp hôm 12/6. 

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một lần duy nhất trong năm nay. Mặc dù ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc hạ nhiệt giá cả, song Fed muốn giảm lạm phát xuống gần hơn với mục tiêu 2% trước khi ra quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhà kinh tế hàng đầu của WB Ayhan Kose nhận định lãi suất cao trong thời gian dài sẽ khiến điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, dẫn đến mức tăng trưởng yếu hơn tại các nền kinh tế đang phát triển

Bên cạnh yếu tố lãi suất, nguy cơ từ căng thẳng Nga-Ukraine hay xung đột Hamas-Israel (I-xra-en) có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do giá dầu mỏ và chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao. 

Theo WB, xung đột leo thang cũng có thể tác động tiêu cực đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng, làm gia tăng lo ngại rủi ro, ảnh hưởng đến nhu cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Những diễn biến chính trị cũng sẽ tác động đến tăng trưởng, khi hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay có khả năng dẫn đến sự thay đổi lãnh đạo tại một số quốc gia.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại cũng đang gia tăng giữa một số nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. WB nhận định sự bất ổn tăng cao liên quan đến chính sách thương mại và tiềm năng áp dụng các chính sách hướng nội hơn có thể ảnh hưởng đến triển vọng thương mại và hoạt động kinh tế toàn cầu.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)