Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động cấp nước sạch, vận động người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nông thôn

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 25/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích chủ trì buổi làm việc để trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế liên quan đến việc cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, từ năm 1994 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 140 công trình cấp nước sạch nông thôn được tập trung đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó có 135 công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, 05 công trình được đầu tư 100% vốn doanh nghiệp.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã có Quyết định bàn giao 113/135 công trình được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước cho các đơn vị quản lý, khai thác. Trong đó, giao doanh nghiệp quản lý 37 công trình, hợp tác xã 2 công trình, UBND cấp xã quản lý 74 công trình, còn 22 công trình chưa thực hiện giao cho đơn vị quản lý.

Nhìn chung, việc giao công trình cho các đơn vị đầu tư và quản lý khai thác đã mang lại hiệu quả tích cực trong lĩnh vực cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Đồng thời, kêu gọi được các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư hoàn thành đối với một số công trình cấp nước đang xây dựng dở dang từ giai đoạn trước năm 2013 do phần vốn nhà nước không tiếp tục bố trí để thực hiện đầu tư. Qua đó, góp phần thực hiện việc xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước nông thôn, giảm bớt gánh nặng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thảo luận, phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế liên quan đến việc cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu cho biết, hầu hết các công trình được đầu tư từ nguồn vốn 134, 135, Quyết định 755/QĐ-TTg có quy mô nhỏ, công nghệ xử lý chưa phù hợp; chủ yếu giao cho UBND xã, thôn, bản quản lý nên việc quản lý vận hành duy tu, sửa chữa công trình và kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý gặp rất nhiều bất cập. Cũng ở các công trình này, khả năng người dân trả tiền nước còn hạn chế, có nơi thu được tiền nước, nhưng mức giá rất thấp. Một số công trình được đầu tư xây dựng hoàn thành chậm đưa vào sử dụng gây lãng phí; số công trình khác đã xây dựng nhưng hộ dân không sử dụng nước sạch hoặc tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch thấp. Đối với các công trình do UBND xã quản lý chưa phê duyệt giá nước mà tạm thu theo quy định của UBND xã hoặc HĐND huyện, giá thu thấp không đủ nguồn kinh phí để chi cho công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa công trình...

Theo các đại biểu, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do cơ chế, chính sách liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung chưa được hoàn thiện. Các huyện miền núi với đặc điểm khoảng cách giữa các hộ dân ở các thôn trên địa bàn các xã xa nhau nên chi phí lắp đặt đấu nối với hệ thống cấp nước cho các hộ gặp nhiều khó khăn và chi phí lớn. Cơ chế, cách thức hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn nhất là miền núi thời gian qua không phù hợp, kém hiệu quả. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, quản lý, khai thác công trình còn chưa hiệu quả…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích nhấn mạnh, trước sự phát triển nhanh của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng nước sạch của Nhân dân ngày một tăng cao. Do đó, để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước sạch nông thôn, đồng chí yêu cầu ngay sau buổi làm việc, các địa phương cần phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá lại công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn tại địa bàn quản lý.

Thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn bộ chất lượng vận hành cung cấp nước sạch của từng công trình, dự án để tổng hợp báo cáo chi tiết về UBND tỉnh làm cơ sở tham mưu cho lãnh đạo ban hành chính sách phù hợp với tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tăng cường công tác kiểm tra về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc thực hiện các nội dung về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị cấp nước trên địa bàn. Thường xuyên rà soát vùng cấp nước của các đơn vị cấp nước trên địa bàn để tránh chồng chéo, kéo dài những tồn tại không được khắc phục kịp thời.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nông thôn tập trung, đồng thời xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn để duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sạch tập trung, đảm bảo công trình hoạt động cấp nước sạch được thực hiện liên tục, bảo vệ môi trường bền vững.

Sở Tài chính tham mưu phê duyệt lại giá nước sạch theo đúng quy định trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí...; rà soát, hướng dẫn các huyện thực hiện đúng quy định khi phê duyệt giá nước sạch theo phân cấp. Tham mưu bố trí nguồn kinh phí để thực hiện bù giá nước sạch, hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung vừa giúp người dân được sử dụng nước sạch đảm bảo sức khỏe, đồng thời giúp các doanh nghiệp có đủ kinh phí chi trả cho việc khai thác vận hành cung cấp nước sạch.

Các đơn vị quản lý công trình phối hợp với địa phương trong quá trình triển khai đầu tư và quản lý, khai thác công trình; thường xuyên kiểm tra chất lượng nước đầu ra theo quy định…/.

Nguyễn Miền

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)