Bắc Giang nằm trong khu vực động lực phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Quy hoạch, có nhiều nội dung quan trọng tác động đến sự phát triển của tỉnh Bắc Giang.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh.

Theo quy hoạch, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ được xác định là khu vực động lực phát triển.

Phát triển Bắc Giang trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ

Theo quy hoạch, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch là tập trung phát triển khu vực động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế quan trọng, các ngành kinh tế có lợi thế. Phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi sản phẩm của vùng tập trung chủ yếu tại Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ - Hòa Bình; phát triển các cực tăng trưởng của vùng tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ.

Theo đó, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và 1 khu vực động lực.

Trong định hướng phát triển các tiểu vùng, Bắc Giang nằm trong tiểu vùng Đông Bắc cùng 4 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Cao Bằng. Trong đó tập trung xây dựng Bắc Giang, Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, giáo dục, y tế của tiểu vùng và vùng. Bắc Giang, Thái Nguyên và Lạng Sơn là các cực tăng trưởng của tiểu vùng.

Theo phương hướng phát triển và phân bổ không gian phát triển cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế của vùng, Bắc Giang cùng với Thái Nguyên, Phú Thọ được xác định phát triển thành trung tâm cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao. Trong đó, phát triển Bắc Giang trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời là một trong 3 tỉnh được ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả công nghiệp hóa chất sản xuất phân lân hữu cơ, vi sinh, sunfatamon, phân bón kali, các sản phẩm nhựa, sản phẩm hóa chất cơ bản, hóa dược chủ yếu.

Bắc Giang cũng là một trong các địa phương được xác định phát triển vùng cây ăn quả, cây đặc sản chủ yếu; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến rau quả, sản phẩm nông sản.

Bắc Giang nằm trong khu vực động lực phát triển

Thành phố Bắc Giang được xác định là đô thị động lực, trung tâm kinh tế quan trọng của vùng.

Khu vực động lực phát triển bao gồm 4 tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình. Đây được coi là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của vùng, với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo trình độ cao, có bước đột phá, phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Theo Quy hoạch, 5 hành lang kinh tế của vùng được định hướng phát triển, trong đó Bắc Giang nằm trong Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội kết nối tiểu vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với thành phố Nam Ninh vùng Đông Nam Trung Quốc.

Định hướng phát triển các vành đai xác định Bắc Giang nằm trong vành đai đô thị - công nghiệp - dịch vụ (theo hành lang đường bộ bao gồm tuyến cao tốc CT.02 và vành đai 5 (đô thị Hà Nội) và hành lang đường sắt đi qua các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang) là động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng, liên kết các trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của vùng với Thủ đô Hà Nội.

Trong phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, thành phố Bắc Giang được xác định là đô thị động lực, trung tâm kinh tế quan trọng của vùng; là đô thị xanh, thông minh, hiện đại và văn minh; là trung tâm giao thương, trung tâm tiếp vận, trung chuyển hàng hóa, kết nối khu vực chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và vùng đô thị Hà Nội - Hải Phòng./.

Hải Huyền

Trung bình (0 Bình chọn)