Khai mạc Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên toàn thể ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong thành tựu chung to lớn của công tác đối ngoại, có đóng góp rất quan trọng của ngoại giao kinh tế. Bộ trưởng cho rằng các xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra cơ hội lớn để nước ta có thể đón đầu, phát triển vượt lên và tiến cùng thời đại.

Trên tinh thần bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII và Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế (NGKT), hội nghị tập trung thảo luận hai vấn đề: Thứ nhất, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế, nhất là làm rõ những chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng lớn của kinh tế thế giới và khu vực. Thứ hai, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế, trong đó làm rõ và sâu sắc hơn kết quả, rút ra các bài học kinh nghiệm.

Yêu cầu đặt ra đối với công tác ngoại giao kinh tế là làm sao phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, tranh thủ tốt các điều kiện quốc tế thuận lợi và các xu thế phát triển của thế giới, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh dân tộc kết hợp hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước.

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang nổi lên là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh thu hút được 4,46 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 40% tổng vốn FDI thu hút lũy kế từ trước đến nay (lũy kế thu hút vốn FDI đến nay toàn tỉnh đạt 11,12 tỷ USD), luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về tình hình thu hút FDI (Năm 2022 đứng thứ 9, năm 2023 đứng thứ 4).

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 30 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư, trong đó Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào tỉnh với trên 227 dự án, tổng số vốn khoảng 5,14 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc với gần 300 dự án và số vốn đăng ký đạt khoảng 2,1 tỷ USD.

Công tác xúc tiến thương mại được tỉnh đặc biệt quan tâm, đi vào thực chất và mang lại hiệu quả cao như: Xây dựng bộ tài liệu bằng clip và hình ảnh mô tả, quảng cáo sản phẩm chuyên biệt về đặc sản Bắc Giang (vải thiều, mỳ Chũ) bằng tiếng Anh, tiếng Nhật Bản, tiếng Trung Quốc để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ tại Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc. Quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tổ chức nhiều hội nghị, buổi làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh ra nước ngoài.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đổi mới, tích cực, hiệu quả. Nắm chắc tình hình, thay đổi cách tiếp cận để tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chiến lược ngoại giao kinh tế phù hợp. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII và Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế. Bám sát thực tiễn, xu thế thời đại tập trung thực hiện vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong công tác ngoại giao kinh tế cụ thể như việc thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong thực hiện công tác ngoại giao kinh tế

Học tập phương thức quản trị hiện đại, quản trị nguồn nhân lực. Hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập. Bám sát thực tế để làm những việc người dân, doanh nghiệp cần. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, tinh thông nghiệp vụ ngoại giao, hiểu biết luật pháp và có tâm, có tầm.

Phát huy tính tự lực tự cường, tính chủ động sáng tạo trong thực hiện công tác ngoại giao kinh tế; chủ động phối hợp thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các ngành, địa phương, thực sự lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm để phục vụ./.

Diệu Hoa

 

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)