Phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 19/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Dự hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Ngoại giao. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, đồng bộ, hiệu quả, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và đón gần 50 đoàn lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tới thăm, tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta. Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn. Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Những thành tựu đối ngoại này đã đóng góp vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử là “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, là kết quả của đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tham gia trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị đối ngoại toàn quốc. Những kết quả đó cũng khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc.

Theo Bộ trưởng, Hội nghị Ngoại giao 32 sẽ tập trung đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII. Trên cơ sở đó, hội nghị sẽ thảo luận, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là việc cụ thể hóa và tổ chức triển khai những chủ trương và định hướng lớn về đối ngoại được ban hành trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII. Bên cạnh đó, hội nghị sẽ thảo luận sâu rộng các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh.

Tại phiên khai mạc, các đại biểu phát biểu tham luận đã nhấn mạnh về những kết quả đối ngoại đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay. Đồng thời đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành ngoại giao với các ngành trong triển khai các biện pháp nhằm thực hiện thành công những nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội Đảng XIII. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ của ngành ngoại giao mà còn là của toàn thể cán bộ làm công tác đối ngoại của cả nước. Hội nghị diễn ra vào thời điểm tổng kết công tác của cả năm 2023 cũng như nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII với nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng diễn ra sôi động, liên tục và thành công. Hội nghị là dịp để toàn ngành nhìn lại quá trình gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng, trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, biện pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới, đồng thời góp phần vào việc chuẩn bị tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ 31 (tháng 12/2021) đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam” và ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Trong gần 3 năm, đặc biệt từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, với tinh thần nêu trên, Tổng Bí thư đánh giá ngành ngoại giao và đối ngoại cả nước đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”, là niềm tự hào, tiếp thêm động lực và niềm tin cho công tác đối ngoại thời gian tới.

Trong đó các kết quả nổi bật là đã quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII, phát huy thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và tổ quốc trong giai đoạn mới; đi đầu trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước; triển khai đồng bộ, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại Nhân dân; phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các ngành, các cấp phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

Những kết quả này có được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, chặt chẽ, thường xuyên của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của tất các ngành, các địa phương và đặc biệt là sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao nói riêng, với tâm huyết, trách nhiệm và chuyên môn cao, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ ta, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu. Tổng Bí thư cũng đề nghị đúc kết các bài học kinh nghiệm từ những thành tựu nói trên để tiếp tục phát huy làm tốt hơn nữa cũng như đánh giá những hạn chế trong công tác thời gian qua để chủ động khắc phục.

Nhấn mạnh thời gian tới, tình hình thế giới khu vực dự báo còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngành ngoại giao thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình, đánh giá kỹ các tác động đến Việt Nam, tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ, luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục bám sát vào đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể. Ngoại giao phải kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Trong triển khai phải luôn kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược, tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm. Đặc biệt Tổng Bí thư nhấn mạnh những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại như “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”…

Về vấn đề xây dựng, phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, Tổng Bí thư yêu cầu phải quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận như lời căn dặn của Bác Hồ “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”; hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, đổi mới cơ chế phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt làm tốt hơn nữa công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc, chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử, tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hội nghị nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa, quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa nhằm phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 sẽ tiếp tục làm việc đến ngày 23/12/2023.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái phát biểu chỉ đạo sau hội nghị.

Phát biểu sau hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái cho biết, thực hiện đường lối đối ngoại, đổi mới của Đảng “toàn diện, hiện đại, mang bản sắc cây tre Việt Nam”, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta tiếp tục được mở rộng; các hoạt động đối ngoại, ngoại giao rất lớn diễn ra trong năm 2023. Đồng chí đề nghị các đại biểu tiếp thu, quán triệt sâu sắc, nhất là 5 nhóm nhiệm vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.

Đồng chí nhấn mạnh, xác định công tác đối ngoại, ngoại giao có ý nghĩa rất quan trọng, vừa là nhiệm vụ, vừa là động lực để phát triển KT-XH địa phương. Nhắc lại đợt dịch Covid-19 xảy ra, đồng chí cho biết nhờ công tác đối ngoại mà Bắc Giang có thêm nguồn lực, động lực chiến thắng dịch Covid-19; có những bước tăng trưởng cao, nằm trong tốp đầu cả nước những năm vừa qua.

Trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, đồng chí đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Ngoại vụ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản về đối ngoại của tỉnh; sửa đổi Quy chế 15-QC/TU ngày 20/2/2020 về “Quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của tỉnh Bắc Giang” để thống nhất với quy định của Trung ương. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung ký kết, hợp tác giữa tỉnh với các địa phương, đối tác nước ngoài và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các thỏa thuận ký kết.

Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương, đối tác nước ngoài trên tất cả các lĩnh vực với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển KT-XH. Bám sát thực hiện các ký kết đa phương và song phương với các tỉnh giáp ranh gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ quan tâm thường xuyên cập nhật thông tin về tỉnh nhất là các công trình mới, dự án mới. Cập nhật thông tin, làm mới các tờ gấp, video clip giới thiệu hình ảnh, quảng bá song ngữ (Anh, Trung, Nhật, Hàn) để phục vụ xúc tiến đầu tư nước ngoài.

Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghiên cứu sản phẩm quà tặng là biểu tượng của tỉnh phục vụ đối ngoại, ngoại giao.

Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nắm vững tình hình, nhất là các vấn đề đối ngoại, ngoại giao, hợp tác có liên quan đến yếu tố nước ngoài, bảo đảm các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, hợp tác, phát triển kinh tế… theo đúng quy định của pháp luật; đấu tranh, ngặn chặn kịp thời các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh quốc gia.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường hơn nữa quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Trung ương, của tỉnh về công tác đối ngoại. Khẩn trương nghiên cứu, tổ chức tuyên truyền Bài phát biểu của Tổng Bí thư trong Đảng bộ tỉnh; tuyên truyền kết quả, ý nghĩa công tác đối ngoại của tỉnh, khẳng định vai trò của công tác đối ngoại đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa phương trong thời gian qua, nhất là trong năm 2023.

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể thông qua hoạt động của đơn vị đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại Nhân dân, tạo đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân, làm sâu sắc và lan tỏa hình ảnh đẹp, vị thế của tỉnh trong mắt bạn bè quốc tế./.

Dương Thủy

Trung bình (0 Bình chọn)