Phát triển nghề trồng nấm ở Bắc Giang.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nghề sản xuất nấm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2007-2010, vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Trung tâm giống nấm (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tiêu thụ mộc nhĩ tại chợ Thương (TP Bắc Giang).

Trung tâm giống nấm sẽ góp phần cùng các đơn vị, các địa phương thực hiện Đề án phát triển sản xuất nấm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2007-2010 có hiệu quả cao nhất. Trước mắt, ngay trong năm đầu thực hiện Đề án, Nhà nước sẽ đầu tư khoảng 600 triệu đồng để hỗ trợ cho các chủ trang trại, các hộ nông dân trực tiếp sản xuất nấm rơm, nấm mỡ, mộc nhĩ thuộc vùng sản xuất hàng hoá tập trung; hỗ trợ xây dựng 30 lán trại; 2 cơ sở chế biến nấm và tổ chức hội nghị triển khai, tuyên truyền, xúc tiến thương mại.

Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 40 xã sản xuất nấm rơm, nấm mỡ thành các vùng tập trung, tạo điều kiện thu hút 4.000 lao động chuyên sản xuất nấm; hình thành 20 trang trại nuôi trồng nấm mộc nhĩ, linh chi có quy mô sản xuất công nghiệp

Có thể khẳng định điều kiện để phát triển nghề trồng nấm ở Bắc giang có rất nhiều thuận lợi như điều kiện khí hậu phù hợp với việc trồng các loại nấm phát triển quanh năm; nguồn nguyên liệu và lao động sẵn có; vốn đầu tư ít, kỹ thuật trồng không phức tạp; hiệu quả kinh tế lại khá cao so với đầu tư một số loại cây trồng khác. Nấm được coi là sản phẩm “ rau sạch” nên thị trường tiêu thụ tương đối thuận lợi. Hiện nay một số nhà máy trong nước có nhu cầu tới hàng chục ngàn tấn nấm mỗi năm để chế biến sản phẩm nhưng do thiếu nguồn nguyên liệu nên mới chỉ đáp ứng được 50% công suất. Tại Bắc Giang những năm gần đây đã phát triển thành vùng trồng nấm ở các địa phương như: Tân Dĩnh, Nghĩa Hưng, Xuân Hương (Lạng Giang); Bảo Đài, Lan Mẫu, Phương Sơn (Lục Nam); Hoàng Thanh, Hoàng Lương, Lương Phong, Mai Đình (Hiệp Hoà). Năm 2006 huyện Yên Dũng được đánh giá là một trong những địa phương khá thành công trong việc triển khai nghề trồng nấm với các loại nấm rơm và nấm mỡ. Ông Nguyễn Danh Thắng, Giám đốc Trung tâm giống nấm cho biết:  sau khi hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng, với đầy đủ đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân có tay nghề, Trung tâm sẽ trở thành điểm giao dịch sản phẩm từ việc cung ứng giống, sản xuất, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Vì tiềm năng về thị trường tiêu thụ nấm rất rộng lớn, dự báo ngay tại địa bàn tỉnh trong những năm tới sẽ tiêu thụ khoảng 3000 tấn nấm tươi các loại và 150 tấn mộc nhĩ khô/năm.

Với chính sách hỗ trợ cùng với thị trường đầu ra của sản phẩm đang là tín hiệu tốt lành nhằm giúp cho các làng nghề sản xuất nấm tiếp tục được khôi phục và mở rộng. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, ngành Nông nghiệp và PTNT đã có một số giải pháp nhằm chỉ đạo và thực hiện đối với phát triển nghề trồng nấm. Đó là đẩy mạnh công tác quy hoạch, đảm bảo các vùng sản xuất phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố về lao động, nguồn nguyên liệu, phù hợp với quy mô sản xuất; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đưa các tiến bộ kỹ thuật vào các khâu bảo quản chế biến nấm, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng; tăng cường công tác tuyên truyền, gắn kết giữa sản xuất chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ; đầu tư vốn hỗ trợ cho sản xuất giống, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất./.

Trung bình (0 Bình chọn)