Phát triển kinh tế tập thể thành điểm tựa vững chắc cho kinh tế nông nghiệp

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã từng bước bắt nhịp thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa, ổn định đầu ra sản phẩm. HTX trở thành điểm tựa vững chắc cho kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh ở các địa phương.
Các hộ dân tham gia HTX Dứa sạch Hương Sơn (Lạng Giang) được hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn.

Khu vực KTTT, HTX của tỉnh thời gian qua tiếp tục có bước phát triển ổn định. Bên cạnh việc duy trì số lượng thành lập mới và đa dạng trong các ngành, lĩnh vực, chất lượng hoạt động ngày càng đổi mới, đã dần được khẳng định được ưu thế và vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tính trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có từ 40 đến 50 lượt dự án được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với số vốn khoảng 20 tỷ đồng … Qua đó, các HTX có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, trực tiếp giúp các hộ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để làm ra nhiều sản phẩm với giá trị gia tăng cao.

Cùng với chính sách hỗ trợ về vốn, để đưa kinh tế nông nghiệp thành trụ đỡ vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án thúc đẩy KTTT, HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng nông sản và khả năng cạnh tranh thị trường. Đến nay, tỉnh xây dựng được trên 900 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy khu vực KTTT, HTX của tỉnh phát triển ổn định, đưa HTX nông nghiệp trở thành nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Dù mới đi vào hoạt động từ năm 2022, xong nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, theo hướng an toàn, HTX Dứa sạch Hương Sơn (Lạng Giang) đã thu hút được trên 30 hộ dân tham gia trồng dứa, với quy mô trên 150 ha,  doanh thu từ 300 - 350 triệu đồng/ha, trừ chi phí các hộ còn lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.

Bà Vũ Thị Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn cho biết, tham gia HTX Dứa sạch Hương Sơn các hộ dân được cung cấp các dịch vụ hậu cần trong nông nghiệp như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống và được hướng dẫn sản xuất theo hướng VietGap, sản phẩm dứa được gắn tem truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm định kỳ các chỉ tiêu an toàn thực thẩm… Bên cạnh đó, HTX trực tiếp là cầu nối ký kết với các công ty, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân, tạo được lòng tin đối với người lao động và các thành viên HTX.  

Gian hàng trưng bày các sản phẩm của HTX nông nghiệp sạch Thuỳ Dương (huyện Yên Dũng).

Nhìn chung các HTX trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới về nhân lực, phương thức kinh doanh theo hướng kinh tế thị trường, trở thành tổ chức kinh tế tiềm năng, hoạt động hiệu quả. Nhiều HTX triển khai tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, năng động trong cơ chế thị trường. Điển hình như HTX nông nghiệp sạch Thuỳ Dương (huyện Yên Dũng) được thành lập năm 2022, sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ, củ sen, rau má… là những nguyên liệu có sẵn tại địa phương.

Bà Bạch Thị Mến - Phó Giám đốc HTX Thùy Dương cho biết, để nâng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, HTX đã chủ động đi học tập, mua sắm máy móc, thiết bị nghiên cứu chế biến các sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương. Năm 2023, HTX đưa 2 sản phẩm (Ngũ cốc hạt nảy mầm, viên nghệ tam thất mật ong) tham dự thi OCOP cấp tỉnh, được hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Kế hoạch năm 2024, HTX sẽ đưa 3 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP bao gồm: Bánh hạt ngũ cốc, mật ong núi Phượng Hoàng, tinh bột sắn dây. Việc đưa các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP là cơ hội tốt để tăng uy tín sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Có thể thấy rằng, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng thị trường đầu ra và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, là hướng đi hiệu quả trong xây dựng HTX kiểu mới. Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm giúp cho bà con nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Các HTX tích cực đổi mới mô hình hoạt động sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động. 

Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và sự nỗ lực, quyết tâm của các thành viên HTX, sản phẩm của các HTX trong tỉnh bước đầu ghi dấu ấn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, ở những nơi sở hữu sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc sản, bản địa, nhiều HTX đã lựa chọn cho sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với Chương trình OCOP để phát huy lợi thế chất lượng sản phẩm.

Qua thống kê cho thấy, hiện toàn tỉnh có 1.127 HTX, trong đó có 741 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 65,75%; doanh thu bình quân trên một HTX đạt 1,5 tỉ đồng/năm, lãi bình quân là 200 triệu đồng/HTX/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 thành viên, người lao động và việc làm thời vụ cho trên 42.000 lao động nông thôn. Ngoài duy trì số lượng thành lập các HTX mới cao và đa dạng trong các ngành, lĩnh vực; chất lượng hoạt động của các HTX ngày càng đổi mới, thu nhập tăng trung bình của các HTX đạt 14-15% nhờ việc giảm giá các dịch vụ sản xuất đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Tuy nhiên, hiện nay nhận thức về vai trò, giá trị và bản chất của mô hình KTTT, HTX kiểu mới tại một số địa phương còn chưa thực sự thống nhất. Số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh số lượng HTX đăng ký thành lập mới tăng, số lượng HTX ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả dẫn đến giải thể còn nhiều… làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, triển khai các cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực KTTT, HTX của tỉnh.

Theo khảo sát, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trong những năm tới, nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực KTTT, HTX của tỉnh Bắc Giang có xu hướng tăng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực KTTT, HTX; thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục đưa ra các giải pháp, chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh cùng vào cuộc, đồng hành, tháo gỡ “điểm nghẽn” cho KTTT, HTX của tỉnh. Thực hiện đa dạng các hình thức hợp tác, tăng cường tư vấn hỗ trợ dịch vụ, kết cấu hạ tầng cho thành viên tham gia HTX. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các thành viên HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững./.

Nguyễn Miền

Trung bình (0 Bình chọn)