Phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và các hoat động dịch vụ hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 vừa diễn ra. Sau đây là một số ý kiến của đại biểu về vấn đề này.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lê Bá Thành nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng việc phát triển sản phẩm OCOP tại mỗi địa phương.

Tăng cường phối hợp, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lê Bá Thành cho biết sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, toàn tỉnh đã có 205 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao, đưa Bắc Giang xếp thứ 2 khu vực Trung du Miền núi phía Bắc, thuộc tốp đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, trong đó đã có 10 sản phẩm được xuất khẩu, 56 sản phẩm vào chuỗi cửa hàng, siêu thị; doanh thu các sản phẩm OCOP đạt trên 626 tỷ đồng, mang lại giá trị kinh tế cao cho các chủ thể, người nông dân.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ vai trò chủ thể, trách nhiệm của mình trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM); liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản chưa nhiều; chi phí đầu vào sản xuất cao, khả năng cạnh tranh của một số nông sản còn thấp...

Ngày nay không gian nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình phát triển công nghiệp và đô thị, lực lượng lao động trẻ trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh sang công nghiệp và dịch vụ; dư địa phát triển nông nghiệp theo sản lượng không còn nhiều khi nhiều nông sản đã đạt trần.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt từ 2-3%/năm, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 3 lần năm 2020 và toàn tỉnh có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 04 sản phẩm đạt 5 sao. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp trong Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 5/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lan tỏa hơn nữa trong chuyển đổi tư duy sản xuất theo sản lượng sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên đơn vị diện tích.

Thực hiện hiệu quả Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP”, giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Bắc Giang thường niên. Đẩy mạnh triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, phát triển du lịch nông thôn, tập trung cao có sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP cho nông dân.

Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân hiểu rõ vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân. Đào tạo, huấn luyện nông dân tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, thương mại điện tử...

Hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGap, hữu cơ; nhất quán quan điểm lấy chất lượng vượt trội là đặc trưng riêng có trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, nhãn hiệu tập thể, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP của tỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối cung - cầu, liên kết với các tập đoàn, tổng công ty, các thành phố lớn. Hỗ trợ người dân đẩy mạnh chuyển đổi số và tiêu thụ nông sản qua nền tảng Online và sàn thương mại điện tử.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn Nguyễn Đức Quân chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân sản xuất
và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Tăng cường các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn Nguyễn Đức Quân chia sẻ, thực hiện Đề án Hội Nông dân các cấp làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị; xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025, Hội Nông dân huyện đã tổ chức hội nghị triển khai quán triệt thực hiện đến Hội Nông dân các xã, thị trấn. Thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các chủ thể xây dựng mới và củng cố các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đến nay, toàn huyện có 33 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao.

Để các mô hình liên kết, hợp tác hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, hằng năm, Hội Nông dân các cấp trong huyện phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh. Tích cực tham gia ngày hội trái cây và các sản phẩm đặc trưng của huyện.

Đồng thời phối hợp với Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều, Công ty cổ phần Logistics (Những ngôi sao liên kết) xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm Vải thiều, Cam bưởi Lục Ngạn và các sản phẩm đặc trưng của huyện,... Qua đó, một số mô hình liên kết và HTX hoạt động có hiệu quả như: HTX Hồng Xuân, HTX Hùng Thảo, HTX Phì Điền, HTX Mỹ Chũ Nam Thể... mỗi năm tiêu thụ hàng ngàn tấn sản phẩm và tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm hội viên, nông dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thế Phạm Xuân Dương cho rằng phát triển sản phẩm OCOP cần đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa hội viên, nông dân với doanh nghiệp, THT, HTX trong quá trình tổ chức sản xuất, nhất là việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhất là liên kết theo chuỗi giá trị

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thế Phạm Xuân Dương chia sẻ, xác định tầm quan trọng của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và XDNTM theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Phát huy vai trò của hội nông dân các cấp trong xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, XDNTM, trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân huyện Yên Thế đã thành lập được 49 chi, tổ hội nghề nghiệp, 34 tổ hợp tác (THT), 14 HTX; đã khảo sát, lựa chọn, đãng ký xây dựng mới 11 sản phẩm đạt 3 sao trở lên và duy trì, nâng cao 08 sản phẩm OCOP. Đặc biệt năm 2022 đã tư vấn, hướng dẫn được công nhận 3 sản phẩm OCOP và nâng cao 02 sản phẩm OCOP 3 sao (đạt 300% kế hoạch của Đề án số 09).

Đến nay, toàn huyện đã có 28 sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên, trong đó có 02 sản phẩm đạt 4 sao (chả gà, giỏ gà của HTX Nông nghiệp xanh); có 10 chủ thể đưa sản phẩm tham gia vào sàn giao dịch điện tử, các cửa hàng tiện ích và nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu, chất lượng cung ứng cho các thị trường lớn như: Gà đồi Yên Thế, giò gà, chả gà của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế; chè xanh Bản Ven của HTX Thân Trường...

Bên cạnh đó, huyện có một số sản phẩm tiềm năng như: Cao cà gai leo, cao xạ đen, cao đinh lăng của HTX Dược liệu Thiện Tâm; rượu ngô men lá Lộc Sơn, bánh khảo Mộc Sơn của HTX Nông nghiệp Mộc Sơn; dầu lạc Cường Nhung, Quang Huy; Thịt Gác bếp Cao Lan... Đưa 30 sản phẩm của các HTX, THT lên sàn thương mại điện tử Postmart, voso, san24h...; lập danh sách 200 hộ có sản phẩm giới thiệu về HND tỉnh để kết nối tiêu thụ; tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội; xây dựng 03 mô hình liên kết tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX; xây dựng nhãn hiệu "Nhãn muộn Yên Thế" và liên kết tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương (nhãn, vải, gà, thanh long, chè, rượu, thịt gác bếp...).

Để phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, XDNTM thời gian tới, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thế cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ, hội viên, nông dân để nâng cao nhận thức và tích cực tham gia Chương trình OCOP theo các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên. Trọng tâm là 02 Đề án của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về: "Xây dựng THT tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025" và "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 ­- 2025”. Đổi mới các hình thức, biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể.

Đẩy mạnh việc hỗ trợ thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, THT, HTX để tham gia Chương trình OCOP. Hỗ trợ xây dựng các liên kết sản xuất giữa hội viên, nông dân với doanh nghiệp, THT, HTX trong quá trình tổ chức sản xuất, nhất là việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, nhất là cán bộ hội cơ sở, chi hội trưởng chi hội Nông dân nghề nghiệp, tổ trưởng tổ Hội Nông dânnghề nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Tham mưu, đề xuất, phối hợp với UBND huyện, các phòng chuyên môn liên quan của huyện và Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn để được sự quan tâm, tạo điều kiện các nguồn lực trong quá trình thực hiện xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các cơ sở Hội. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt và tuyên truyền nhân rộng mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả./.

Dương Thủy

Trung bình (0 Bình chọn)