Nhìn lại vụ vải thiều năm 2023: Chủ động, đổi mới sản xuất, xúc tiến tiêu thụ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 29.700 ha, sản lượng ước trên 200 nghìn tấn. Ngay từ đầu vụ, tỉnh Bắc Giang đã chủ động, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, xúc tiến tiêu thụ, do đó vải thiều tươi và chế biến được tiêu thụ thuận lợi ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Vườn vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu

Năm nay, tỉnh Bắc Giang xác định thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước đều quan trọng. Do đó, cùng với việc tập trung khai thác tối đa thị trường trong nước, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều với thị trường các nước như: Trung Quốc, các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia,…

Thị trường tiêu thụ nội địa được khơi thông và tiếp tục mở rộng với tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt trên 90.400 tấn (chiếm gần 44,9 % tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều được tiêu thụ khắp cả nước, trong đó những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Huế… Vải thiều có mặt tại hầu hết các siêu thị, Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Central Retail-Central Food Hall, Tops Market, GO!, MM Mega Market, Saigon Co.op mart, Happro, Aeon, Lotte, Vinmart…; các chợ đầu mối (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn - TPHCM, Dầu Giây - Đồng Nai, Hòa Cường - Đà Nẵng…) và chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.... và trên các Sàn Thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, postmark, Alibba, Amazon…). Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ lớn (Viettel, VNPT) để tăng cường tổ chức giao dịch mua bán vải thiều trên các nền tảng công nghệ số.

Sản lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh cũng có sức bật tăng đáng kể, đạt gần 111.200 tấn (chiếm trên 55,1% so với tổng sản lượng tiêu thụ và tăng gần 35.300 tấn so với năm 2022). Sản lượng vải thiều xuất khẩu chủ yếu được ưu tiên xuất qua luồng xanh và thông quan thuận lợi sang thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 98% tổng sản lượng xuất khẩu); còn lại được xuất khẩu đến thị trường trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU, Thái Lan, UAE, Qua Ta và một số nước khu vực Trung Đông…

Ngoài tiêu thụ vải thiều tươi, tỉnh Bắc Giang chú trọng việc chế biến vải thiều để thúc đẩy tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh tiêu thụ vải thiều tươi, tỉnh còn chú trọng việc chế biến vải thiều tại chỗ bằng các hình thức: Sấy khô, đóng hộp, ép nước,… Các sản phẩm chế biến từ vải lần đầu tiên được bày bán tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhất của Thái Lan (Mall Group, Gourmet Market, Siam Paragon…); qua đó, đã chính thức đặt nền móng cho thị trường tiêu thụ vải thiều của tỉnh tiềm năng tại Thái Lan.

Cùng với đó, năm 2023 cũng là năm đầu tiên thực hiện xuất khẩu gần 60 tấn vải thiều tươi chính ngạch bằng đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc. Qua đó, mở ra một hướng đi mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều trong những năm tiếp theo.

Giải pháp hỗ trợ nhân dân chế biến, tiêu thụ vải thiều

Để đảm bảo sản lượng, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của nhiều phân khúc thị trường, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương tập trung theo dõi, nắm bắt, chỉ đạo sâu sát hoạt động sản xuất, chế biến. Quản lý chặt chẽ 84 mã số vùng trồng, 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu của các doanh nghiệp, các HTX, các thương nhân; chống các hành vi gian lận thương mại; hạn chế tối đa tình trạng tăng giá đột biến đối với các mặt hàng phụ trợ; chủ động nắm bắt thông tin diễn biến của thị trường giúp nhân dân chủ động chế biến và tiêu thụ.

Thực hiện nghiêm các yêu cầu, tiêu chuẩn về quy cách thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm trước khi đem bán 

Đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, quảng bá về tiêu thụ vải thiều bằng các hình thức như du lịch miệt vườn mùa vải trên các kênh, các phương tiện truyền thông, báo chí có uy tín của trung ương, của tỉnh. Tăng cường quảng bá trên các kênh thông tin điện tử, báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội.

Tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các yêu cầu, tiêu chuẩn về quy cách thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm trước khi đem bán (xử lý sạch lá, cắt cuống ngắn, loại bỏ quả không đạt chất lượng, bó túm đúng trọng lượng…).

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thành lập các đoàn công tác khảo sát, tìm hiểu thị trường tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam Trung Quốc; thành lập các đoàn khảo sát thị trường các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, các chợ đầu mối phía Nam; gặp mặt Ban quản lý khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên để tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm đến công nhân, người lao động.

Hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài nhập cảnh vào địa phương thu mua, chế biến tiêu thụ vải thiều. Đảm bảo cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho hoạt động tiêu thụ, chế biến. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.

Với sự chủ động chuẩn bị sẵn sáng các điều kiện đáp ứng sản xuất, thu hoạch, chế biến tiêu thụ, nhất là công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại đặc biệt được chú trọng, được triển khai ngay từ đầu vụ, do đó vụ vải thiều năm nay tiếp tục thắng lợi, được mùa được giá, tiêu thụ thuận lợi. Vị thế và uy tín quả vải thiều Bắc Giang ngày một nâng lên, giúp giá trị quả vải ngày một gia tăng./.

Bình Minh

 

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)