Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra tai nạn giao thông.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 8/8/2007, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) 7 tháng đầu năm 2007; triển khai Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông

Chủ tịch UBND tỉnh Thân Văn Mưu phát biểu tại hội nghị.

Dự Hội nghị có các đồng chí đại diện Ban ATGT Quốc gia; thường trực UBMTTQ tỉnh và đại diện các ban, ngành đoàn thể của tỉnh; đại diện Ban ATGT các huyện, thành phố và Trưởng Ban ATGT của 205/229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đồng chí Thân Văn Mưu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh đã chủ trì hội nghị.

Mặc dù các ủy, chính quyền, đoàn thể, Ban ATGT các cấp trên địa bàn đã tăng cường nhiều biện pháp đảm bảo trật tự ATGT, song trong 7 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn xảy ra 131 vụ TNGT, làm chết 133 người, bị thương 77 người (tăng 12,95% về số vụ; 18,7% về số người chết so cùng kỳ năm 2006), gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân. Trong đó, TNGT đường bộ chiếm 98,5% về số vụ và số người chết. TNGT do người đi mô tô, xe máy chiếm 64,6% tống số vụ. Địa bàn xảy ra nhiều nhất là các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 31, quốc lộ 37. Bên cạnh một số huyện có số vụ TNGT giảm so cùng kỳ năm ngoái như Việt Yên giảm 33%; Lạng Giang giảm 27%; Hiệp Hòa giảm 28% …vẫn có 5/10 huyện, thành phố có số vụ TNGT tăng, điển hình là huyện Tân Yên tăng 150%; huyện Lục Nam tăng 55%.

Sau khi ghi nhận những cố gắng nhất định của các cấp, các ngành trong công tác đảm bảo trật tự ATGT qua 7 tháng đầu năm 2007, hội nghị cũng đã nghiêm túc kiểm điểm những mặt còn hạn chế, dẫn đến tình hình TNGT trên địa bàn gia tăng như: công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT chưa thường xuyên, liên tục; tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang bảo vệ công trình giao thông còn phổ biến; hoạt động của Ban chỉ đạo ATGT các cấp còn hạn chế, nhất là hoạt động ở cấp xã còn hình thức; công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm trật tự ATGT của lực lượng công an, thanh tra giao thông vận tải chưa nghiêm; sự phối kết hợp giữa các lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự ATGT của tỉnh và các huyện, thành phố chưa đồng bộ và chưa thường xuyên…

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông trên địa bàn. Theo đó, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng các công trình giao thông, trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh sẽ áp dụng các biện pháp mạnh, kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật trật tự ATGT. Cụ thể, từ ngày 15/9/2007 sẽ xử lý những người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến quốc lộ. Từ 15/12/2007 sẽ xử lý những người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường. Từ 01/01/2008 sẽ đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu bán phế liệu, sung vào công quĩ. Từ 01/01/2009 đình chỉ các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, không đăng kiểm an toàn kỹ thuật…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Đồng chí Thân Văn Mưu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh đã nghiêm túc phê bình ý thức trách nhiệm trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo trật tự ATGT của một số ngành chức năng, lãnh đạo chính quyền và Ban ATGT ở một số huyện, xã. Đồng chí nhấn mạnh, để giảm thiểu TNGT, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ, trước hết từ nay đến cuối năm cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT, rà soát lại hoạt động của Ban chỉ đạo ATGT cấp huyện và cấp xã, xác định rõ vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra TNGT; cùng với tăng cường tổ chức cưỡng chế, giải tỏa vi phạm hành lang giao thông cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân./.

Trung bình (0 Bình chọn)